Pù Luông, nơi mùa xuân đến sớm

Thứ Tư, 18/01/2023, 14:07

Mới qua ngày Đông chí, miền đất Pù Luông như còn ngủ vùi trong giá lạnh. Sau tiết Đại hàn, sáng ra thấy sương muối còn rải đầy mặt cỏ. Vậy mà, quanh những mái sàn ấm nồng khói bếp, đã thấy bật lên sắc hồng của những cành đào xây nụ. Đào hồng báo hiệu xuân đã cận kề… Vậy ra ở miền đất này, mùa xuân luôn đến sớm.

Pù Luông, theo tiếng Thái, là hai từ ghép để chỉ một rặng núi cao, song để cho thật sát nghĩa thì phải hiểu rằng người Thái gọi Pu, Pù, Pú là rừng (Pù Mát, Pú Pẩu, Pu Sam Sao…) tùy theo cách phát âm vùng miền, còn Luông là Rồng. Tin là vậy nên buổi sáng nay sau cữ trà ngọt giọng, đứng trên bờ cao cánh đồng làng Leo, xã Thành Lâm nhìn thấu phía tây nam, thấy sừng sững bên trời rặng núi tượng hình  con Rồng khổng lồ.

_lmy8026.jpg -0

Con Rồng Pù Luông tượng hình ấy còn có cả một dải bờm dựng ngược. Trải từ trên sống lưng Rồng Pù Luông, ở điểm cao 1.700m trở xuống là rừng nguyên sinh thăm thẳm. Rừng xanh cứ thấp dần, thấp dần cho đến tận những chân ruộng bậc thang Thành Lâm, Cổ Lũng mùa nào cũng ăm ắp nước.

Thật hiếm ở nơi nào, trên cả vùng đất rừng miền Tây hùng vĩ còn có được không gian thanh bình như ở Pù Luông. Núi cao, rừng sâu, bản làng tĩnh lặng. Chiều mùa đông, tắm mình trong không gian Pù Luông, chỉ còn có thể nghe được tiếng nước róc rách chảy từ ruộng cao xuống ruộng thấp, tiếng gió miên man trong những cánh rừng nguyên sinh bí ẩn, hồi lâu mới có tiếng gà trống tẻ te dưới gầm sàn nhà làng Thái làng Mường. Và, nếu lắng lại, còn có thể nghe được chính tiếng trái tim mình đang lần hồi đếm nhịp...

cầu phao bắc qua sông mã vào vùng lõi pù luông.jpg -0
Cầu phao bắc qua sông Mã vào vùng lõi Pù Luông

Thảng hoặc, mới nghe có tiếng xe máy lan trên con đường đất đỏ dẫn về phía cuối thung xa. Đi theo phía đó sang đất Cổ Lũng, Làng Cao, du khách có cơ vượt qua những con dốc ngược. Những con dốc đạt đến 19% dẫn lối sang đất Tân Lạc, Hòa Bình. Đó là những con dốc gấp cua tay hái, một bên ta luy dựng thành, một bên là vực sâu thăm thẳm. Người qua đèo ngửi thấy khét lẹt mùi phanh và nghe được tiếng nước réo sôi sùng sục trong bình làm lạnh khi xe ô tô xuống dốc hoặc lên dốc.

 Theo con đường này, từ Pù Luông ra tới ngã ba chợ Lồ thuộc địa hạt Hòa Bình có độ dài khoảng dăm chục cây số. Vậy là tính tổng thể, từ Hà Nội lên đến Làng Leo, xã Thành Lâm thuộc khu Dự trữ Sinh quyển Pù Luông qua lối này, du khách đã vượt một cung đường vào khoảng 150 cây số. Đó cũng là con đường ngắn nhất để từ Hà Nội đến được Pù Luông. Nhưng cũng phải nói lại rằng, đoạn đường đèo tiếp giáp giữa hai tỉnh Hòa Bình – Thanh Hóa chỉ phù hợp cho những người có thừa dũng cảm, ưa xê dịch trên những cung đường mạo hiểm. Những ngày này sau mùa mưa bão, đoạn đường trên  quá nguy hiểm cho những ai từ Hà Nội về Pù Luông bằng ô tô tự lái. Khi đó, nó chắc chắn sẽ làm thay đổi tư duy xếp loại ”tứ đại”, “ngũ đại” đỉnh đèo Việt Nam mà du khách đã từng nghe, từng đọc.

_lmy8471.jpg -0
Trẻ em Pù Luông đi học

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông chủ yếu nằm trên diện tích huyện Bá Thước xứ Thanh. Cổ sử còn ghi lại, thời Bắc thuộc, vùng đất này thuộc quận Cửu Chân, thời Trần là đất Lỗi Giang, thời Lê thuộc phủ Thành Đô thừa tuyên Thanh Hóa. Gần đây hơn, đến thời Nguyễn, lần lượt dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Khải Định, miền đất này mang các tên sau: Phủ Thiệu Hóa, phủ Quảng Hóa, châu Tân Hóa. Sau năm 1945, châu Tân Hóa được đổi thành huyện Bá Thước để vinh danh một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp người dân tộc Thái là Cầm Bá Thước. Với địa thế đặc biệt hiểm yếu, miền đất Pù Luông còn ghi đậm dấu ấn những năm tháng dựng nước và giữ nước. Nơi đây có di chỉ khảo cổ học mái đá Điều, mái đá Nước, hang Làng Tráng. Đó là những dấu tích cư trú từ thời tiền sử của người Việt cổ…

Nằm ngay trên suối cá thần Văn Nho là hang Tống Duy Tân. Tiến sỹ Tống Duy Tân trong phong trào Cần Vương được cử làm Chánh sứ Sơn Phòng. Ông trực tiếp tham gia lãnh đạo chiến khu Ba Đình. Khi chiến khu Ba Đình bị hạ, ông sang Trung Quốc trước khi trở về lãnh đạo khởi nghĩa Hùng Lĩnh. Bị vây ráp, Tống Duy Tân chạy về xã Thiết Ống châu Tân Hóa trú tại hang Niên Kỷ chờ thời. Tại đây, ngày 4 tháng 10 năm 1892, do bị người cháu gọi bằng cậu phản bội, ông bị giặc Pháp bắt và tử hình. Nằm cách động Ma Nhai – Quế Lâm (Lam Sơn) không xa, trước nữa vùng đất này, vào đầu thế kỷ XV còn là nơi Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn dùng làm căn cứ chống giặc Minh. Bây giờ, trên đất Bá Thước có cả đền thờ Lê Lợi và đền thờ Tống Duy Tân để hàng trăm năm nay, nhân dân trong vùng vẫn định kỳ khói hương thờ cúng.

Địa hạt Pù Luông, Bá Thước, Quan Hóa của tỉnh Hòa Bình cũng chính là quê hương của sử thi Đẻ đất - Đẻ nước. Phần đông dân cư nơi này là người dân tộc Mường (47,2%). Cồng chiêng Mường không ồn ào như cồng chiêng nơi khác mà thẳm sâu vời vợi trầm hùng như sông núi miền Tây. Về Bá Thước cũng có nghĩa là đã về miền đất có truyền thuyết cây Chu kỳ ảo. Cây Chu là biểu tượng của ấm no, của hạnh phúc bản mường. Miền đồi Lai Li Lai Láng trong Mo Mường, nơi có làng Cha bên dòng sông Mã. Làng Cha nay thuộc xã Thiết Ống, huyện Bá Thước tỉnh Thanh. Tại làng Cha, trên đồi Chu vẫn còn dấu tích của huyền tích cây Chu. Một mặt hồ nằm ngay bờ sông như tấm gương khổng lồ soi chiếu cảnh non xanh nước biếc. Người ta kể rằng, thủy tú trên chính là di tích nơi cây Chu bật gốc. Ngày đó từ đây, cây Chu được kéo xuống dòng sông Mã xanh trong... Theo truyền thuyết, cây Chu làng Mường là thứ “Cây đá - lá đồng - bông thau - quả thiếc”. Cây Chu trong tiềm thức dân Mường mang tâm hồn người dân miền núi thẳng ngay dũng cảm.

Pù Luông - Bá Thước còn là quê hương của những chuyện tình diễm lệ. Chuyện Út Lót – Hồ Liêu, chuyện Nàng Nga – Hai Mối và đặc sắc chuyện Chàng Bồng Hương – Nàng Ờm…

Chuyện thơ Chàng Bồng Hương – Nàng Ờm kể rằng, chàng là con nhà khó, nàng con nhà giàu có quyền uy. Gái đẹp trai tài bén duyên cầm sắt. Nhưng mối tình đẹp như cây lụa ấy bị mẹ cha cấm đoán… Một ngày Nàng Ờm bị cha bẹ đánh mắng tàn tệ vì tình yêu của nàng dành cho chàng Bồng Hương. Đêm ấy Bồng Hương đột nhập vào nhà người yêu cõng nàng leo lên núi Làn Ai. Để giữ trọn lời thề bên nhau mãi mãi, đôi trai gái ăn lá ngón quyên sinh. Rồi hồn Nàng Ai (Ờm) cầu xin cha mẹ để không phải xuống núi về làng, nàng muốn nằm lại đây để được ở bên chàng mãi mãi. Từ đó, trên vách núi Làn Ai dựng đứng mọc lên cây tương tư. Đồn rằng, lá tương tư là bùa ngải. Bùa ngải lá tương tư có thể làm trai gái… gắn chặt vào nhau.

Một ngày cuối năm điền dã miền đất làm mình như có thể sống chậm hơn so với khi còn ở dưới thị thành, cơ duyên đưa tôi về với một trong những điểm khai thác du lịch Pù Luông. Điểm du lịch này có đúng 4 căn  nhà sàn 1 giường ngủ và 2 căn nhà sàn có tuổi đời dễ quá nửa thế kỷ dựng lại, được bài trí thấp cao dưới tán rừng xanh thẳm. Khen cho người chủ cơ sở có đủ tài hoa và tinh tế để tôn trọng triệt để thiên nhiên như vốn có. Không có cả đến những biển hiệu hung hăng đập vào mắt người vừa đến. Một mảnh gỗ như nhặt được đâu đó có ba chữ biển hiệu viết theo cách của học trò thuở đầu đến lớp chỉ cho khách biết đây là điểm du lịch. Trong mỗi mái sàn, tiện nghi có như tối thiểu đủ dùng. Cô chủ tự tay giã củ nâu rừng nhuộm nâu hầu hết ga màn khăn gối. Cả đến lọ hoa bé xíu cũng chỉ cắm một vài bông hoa dại hái được ngoài rừng. Hoa nhỏ, lọ nhỏ mong manh như hơi thở người thiếu nữ. Hoa cỏ trong khuôn viên mọc như hoang dã. Không có cả đến hàng rào ngăn cách với ruộng lúa, bản làng xung quanh. Vào đêm, đèn đường nằm lọt trong những ống tre trổ những lỗ nhỏ găm sát mặt đất cho ra những đốm hoa đèn lỗ đỗ lay động mộng mị trên những lối mòn nho nhỏ rải sỏi nối nơi này với cả nơi kia. Cũng không có loa đài khuấy động làm khách trọ phải nhăn mặt như ở nhiều nơi. Tấm bảng to bằng bàn tay gắn vào thân cây có những nét chữ run rẩy viết bằng bút màu: “Từ 10h đêm xin quý khách không gây động mạnh. Xin đi, nói thật nhẹ nhàng và… Xin cảm ơn!”. Người viết bài này đã một lần lên tới một khu di tích lịch sử kiêm khu du lịch độc bản có thừa kinh phí đầu tư công và thấy ở đây có tới vài chục tấm bảng có ghi những điều cấm kỵ. Nó được rải đều ở tất cả mọi nơi. “Cấm xả rác”. “Cấm cho cá ăn”. “Cấm tắm giặt”. “Cấm phóng uế”. “Cấm khắc tên, vẽ bậy”. ‘Cấm hút thuốc lá”…Vâng! Thì cũng đúng và thậm chí là rất đúng cả thôi nhưng sao không thay từ  “CẤM” bằng từ “KHÔNG” nhỉ?. Tôi hỏi một chiến sỹ mặc sắc phục cảnh vệ và nhận được ở anh một nụ cười… rất đỗi hiền lành và thân thiện.

Vậy là đến những ngày này Pù Luông đã là nơi đáng đến. Dù nơi này không chợ, không siêu thị, không có cả đến những hàng quán bún phở cà phê… Ước có một ngày được trôi xuôi theo dòng sông Mã để đến và lên được vách núi Làn Ai hái ngọn lá tương tư. Dẫu biết rằng, dễ ai đã một lần, trong đời, có được lá tương tư. Và cũng vẫn biết rằng, chẳng ai, trong cuộc đời mình, từng đã không hơn một lần bị bỏ bùa vì đã tương tư. Thôi thì, hãy ước có ngày lên được đỉnh Pù Luông vời vợi để ngắm nhìn non xanh nước biếc, để được thấy rừng đào đơm nụ khai hoa, thấy mùa xuân sớm về trên mảnh đất này.

Mai Văn Tý
.
.