Tác động tức thì của việc FED giảm lãi suất
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 18/9 thông báo cắt giảm lãi suất cho vay chủ chốt 0,5 điểm phần trăm, mở đầu cho chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Đây là lần cắt giảm lãi suất mạnh đầu tiên của Fed kể từ năm 2020.
Ngoài các lần cắt giảm khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch COVID-19, lần cuối cùng Fed cắt giảm ở mức tương tự là vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã đưa ra quyết định trên khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày, theo đó đưa lãi suất tiêu chuẩn về dao động trong khoảng 4,75% - 5% trên cơ sở những diễn biến về lạm phát gần đây. Quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến lãi suất mà các ngân hàng thương mại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp vay, mà còn giúp giảm chi phí vay đối với mọi thứ, như vay thế chấp, vay mua xe và thẻ tín dụng.
Phát biểu họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định: "Đã đến lúc điều chỉnh lại chính sách của chúng tôi theo hướng phù hợp hơn, dựa trên diễn biến về lạm phát và việc làm đang chuyển sang mức bền vững hơn. Đây là sự khởi đầu của quá trình đó". Fed cũng khẳng định niềm tin đối với việc lạm phát sẽ hạ nhiệt bền vững, hướng về mục tiêu đề ra là 2%, trong bối cảnh chỉ số chi tiêu cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát chủ chốt của Fed - đã "phát tín hiệu" hạ nhiệt suốt 2 năm qua.
Quyết định cắt giảm mạnh lãi suất của Fed lần này cho thấy cơ quan này đang rất quan tâm đến việc ổn định thị trường lao động. Bằng cách giảm chi phí vay, Fed hy vọng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng và mở rộng sản xuất, từ đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo, lạm phát trong tháng 8 của Mỹ đã giảm xuống còn 2,5% từ mức đỉnh 9,1% vào giữa năm 2022, trong khi tỷ lệ thất nghiệp gần đây đã tăng lên 4,2%. Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp gần đây của Mỹ tăng, nhưng số liệu kinh tế Mỹ vẫn tích cực với doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tháng 8 vượt dự báo. Theo dự báo của Fed chi nhánh Atlanta, kinh tế Mỹ dự báo có thể tăng trưởng 3% trong quý III.
Tại cuộc họp chính sách, FOMC còn phát tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay, cắt giảm tổng cộng 1% vào năm 2025, và 0,5% năm 2026.
Theo Eric Rosengren, một học giả thỉnh giảng tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đây là quyết định mang tính chiến lược của Fed nhằm đối phó với dữ liệu việc làm yếu hơn dự kiến gần đây và "tin tức tích cực" về lạm phát. Trong khi đó, nhà kinh tế cấp cao Laura Rosner-Warburton tại hãng nghiên cứu MacroPolicy Perspectives nhận định quyết định của Fed là bước đi đúng hướng. Bà cho rằng việc cắt giảm lãi suất bổ sung mà Fed phát tín hiệu sẽ thực hiện vào cuối năm nay, sẽ giúp ngăn chặn rủi ro và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng.
Quyết định của Fed đã tác động tức thời tới thị trường tài chính Mỹ. Chứng khoán Mỹ chứng kiến chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức giảm 0,29%, với 5.618,26 điểm; Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa giảm 0,25%, ở mức 41.503,10; Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,31%, đóng cửa ở mức 17.573,30. Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI tăng lên mức cao kỷ lục trong phiên, trước khi giảm mạnh. Trong khi đó, chỉ số USD - thước đo đồng bạc xanh so với một rổ tiền tệ bao gồm đồng yen và euro, tăng 0,07% lên 100,98. Đồng yen tăng 0,11% lên 142,24 yen đổi 1 USD; Đồng bảng Anh tăng 0,28% lên 1,3193 USD. Cùng với chứng khoán, giá dầu cũng giảm vì việc cắt giảm lãi suất được coi là phản ứng trước sự bất an về thị trường lao động Mỹ, với giá dầu thô Brent ở mức 73,65 USD/thùng, giảm 5 xu.
Theo bà Reena Aggarwal, Giám đốc Trung tâm Psaros về thị trường tài chính và chính sách của Đại học Georgetown, các thị trường mới nổi cũng chịu tác động do đi vay bằng đồng USD. Khi lãi suất ở Mỹ thay đổi, chi phí đi vay của các quốc gia này cũng sẽ thay đổi.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào đầu tháng 11 tới, quyết định giảm lãi suất của Fed có lẽ là tin tốt cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, Phó tổng thống Kamala Harris. Trong một tuyên bố, bà Harris nói: "Mặc dù thông báo này là tin đáng mừng đối với người dân Mỹ đang phải gánh chịu hậu quả của giá cả tăng cao, nhưng trọng tâm công việc sắp tới của tôi sẽ là tiếp tục hạ nhiệt giá cả". Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện tổ chức ở New York ngày 18/9, ông Trump cho rằng quyết định trên của Fed cho thấy nền kinh tế Mỹ "rất tệ", nên mới phải giảm mạnh lãi suất như vậy, hoặc mang động cơ chính trị.
Theo các cuộc khảo sát gần đây, phần lớn cử tri Mỹ vẫn lo ngại về lạm phát và chi phí sinh hoạt, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã chậm lại trong nhiều tháng qua. Khảo sát mới nhất của tờ "Financial Times" và Đại học Michigan cho thấy 80% cử tri được hỏi coi lạm phát là nguyên nhân lớn nhất khiến họ bất an về tài chính.
Một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại rằng quyết định cắt giảm lãi suất của Fed khi gần đến ngày bầu cử tổng thống cũng giống như việc can thiệp vào chính trị. Tuy nhiên, Chủ tịch Powell đã bác bỏ lo ngại đó khi tuyên bố rằng chính trị không bao giờ được thảo luận tại các cuộc họp của Fed. Ông nêu rõ: "Chúng tôi không phục vụ bất kỳ chính trị gia, nhân vật chính trị, mục đích hay vấn đề nào. Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ nền kinh tế thay mặt cho người dân Mỹ". Ông khẳng định Fed sẽ duy trì tính hoạt động độc lập trước những ảnh hưởng chính trị để đảm bảo có thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi những quyết định đó không được lòng dân.
Cuối cùng thì các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sau hơn 2 năm chịu áp lực tăng lãi suất, cũng đã "thở phào" nhẹ nhõm khi Fed hạ lãi suất. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng sẵn lòng làm theo Fed. Giới chuyên gia dự báo Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ giữ nguyên lãi suất.