Tính toán khi FED cắt giảm lãi suất

Thứ Hai, 09/09/2024, 08:05

Lịch sử cho thấy những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có tác động lớn đến xu hướng của thị trường tài chính cũng như kinh tế toàn cầu. Do đó, thị trường trên thế giới cần sẵn sàng trước kịch bản cắt giảm lãi suất của FED trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đã đến lúc

Cả biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7/2024 cùng tuyên bố gần đây của Chủ tịch FED, ông Jerome Powell, đều phát đi những tín hiệu rõ ràng rằng sắp đến lúc cơ quan này hạ lãi suất. Phát biểu tại hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên ở Jackson Hole vào ngày 23/8, ông Powell tuyên bố thời điểm điều chỉnh chính sách tiền tệ đã đến và định hướng chính sách đã rõ ràng.

“Thời điểm và tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu, những thay đổi trong triển vọng và cân bằng rủi ro trong tương lai", ông nói. Trước đó, biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 30-31/7, công bố trong ngày 21/8, cũng cho thấy sự nhất trí của đại đa số đại biểu tham dự rằng việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới “có thể là phù hợp".

image0.jpeg -0
Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu sau cuộc họp tháng 7 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC).

Dữ liệu lạm phát trong tháng 7 tại Mỹ cũng tăng khớp so với dự báo của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát. Theo báo cáo của Bộ Thương mại nước này vào ngày 30/8, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) đã tăng 0,2% so với tháng 6 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được coi là tín hiệu tích cực, cho thấy lạm phát Mỹ nhiều khả năng đang có xu hướng hạ nhiệt bất chấp giá năng lượng gia tăng trong thời gian gần đây.

Việc FED cắt giảm lãi suất chắc chắn sẽ tác động đến kinh tế thế giới trên nhiều lĩnh vực như tài chính và thương mại. Theo trang mạng chinadaily.com.cn, trong giai đoạn từ tháng 3/2022-7/2023, FED đã tăng lãi suất 11 lần liên tiếp với tỷ lệ tăng lũy kế đạt 5,25 điểm phần trăm. Năm 2024, FED tiếp tục duy trì mục tiêu lãi suất chủ chốt ở biên độ 5,25-5,5%, mức cao nhất trong vòng 23 năm. Kể từ đầu năm đến nay, lực cản đối với nền kinh tế Mỹ từ mức lãi suất cao ngày càng trở nên rõ ràng khiến các thể chế thị trường liên tục kêu gọi cơ quan này cắt giảm lãi suất.

Một số chuyên gia phân tích bày tỏ lo ngại rằng tốc độ cắt giảm lãi suất của FED vẫn chưa rõ ràng và chi phí đi vay cao do lãi suất sẽ còn tồn tại trong thời gian dài, tiếp tục kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn thị trường đã trở nên chắc chắn hơn về việc  FED sẽ sớm hành động, cho rằng FED rất có thể sẽ cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 9 “trừ khi có bất ngờ lớn", qua đó tác động lên nhiều mặt kinh tế thế giới

Biến động thị trường tài chính trở nên trầm trọng hơn

Lùi lại lịch sử về ngày 31/7/2019 khi FED tuyên bố cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 12/2008. Ngay sau đó, thị trường chứng khoán tại Mỹ và châu Âu đã giảm mạnh hai ngày liên tiếp, kéo theo sự sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm 5%. Từ đây có thể thấy rằng mặc dù cắt giảm lãi suất trên lý thuyết sẽ giúp giải phóng thanh khoản, song có thể dễ dàng gia tăng lợi thế thương lượng trong tay các nhà đầu tư trên thị trường, tạo điều kiện mua tài sản chất lượng cao với giá thấp trên thế giới. Điều này làm trầm trọng thêm tính biến động trên thị trường và gia tăng rủi ro đầu tư.

Đồng thời, FED cắt giảm lãi suất còn làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD và khiến tỷ giá hối đoái giữa “đồng bạc xanh” với các đồng tiền chủ chốt khác biến động đáng kể trong chu kỳ cắt giảm lãi suất của FED.

Ảnh hưởng đến phục hồi thương mại quốc tế

Thay đổi tỷ giá hối đoái do cắt giảm lãi suất không chỉ ảnh hưởng đến chi phí thanh toán trong thương mại quốc tế mà còn tiềm ẩn rủi ro thay đổi dự trữ ngoại hối. Đồng USD mất giá có thể tác động đến thị trường xuất khẩu của nhiều nước trên thế giới, làm trầm trọng thêm những căng thẳng thương mại, đặc biệt với các quốc gia cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Mỹ.

Ngoài ra, biến động tỷ giá cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận và quyết định đầu tư của các công ty đa quốc gia, gây tổn hại đến sự ổn định của các chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp trên toàn cầu.

Gia tăng nguy cơ “bong bóng" tài sản toàn cầu

Cắt giảm lãi suất thường đi kèm với chi phí vốn thấp hơn và tính thanh khoản tăng lên, thôi thúc nhà đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư khác với lợi nhuận cao hơn, từ đó đẩy giá tài sản lên cao. Tuy nhiên, sự gia tăng giá trị tài sản này phần lớn bắt nguồn từ “bong bóng" và hoạt động đầu cơ hơn là hỗ trợ giá trị thực tế. Chỉ cần chờ tín hiệu bất lợi là “bong bóng" tài sản có thể nhanh chóng vỡ tan, để lại thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, không loại trừ việc FED cắt giảm lãi suất sẽ tác động đến mức nợ toàn cầu. Cắt giảm lãi suất một mặt có thể kích thích đầu tư và tăng trưởng kinh tế, song mặt khác có thể làm tăng nhu cầu nợ, đẩy một số quốc gia vào cảnh vay nợ quá mức, từ đó gia tăng rủi ro nợ trên thế giới.

Do vậy, khi cuộc họp thường kỳ tháng 9 của FED đang cận kề, tất cả các quốc gia đều nên đặt mình vào vị trí cảnh giác cao độ nhằm ứng phó với nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên thị trường tài chính và kinh tế.

Mai Nguyễn (Tổng hợp)
.
.