Văn học thiếu nhi và bước ngoặt ấn tượng

Thứ Hai, 06/06/2022, 19:02

Từng có thời điểm văn học thiếu nhi bị “bỏ quên”, tạo khoảng trống đáng tiếc cho nền văn học do một bộ phận những người có trách nhiệm và đội ngũ cầm bút chưa nhận thức được tầm quan trọng và đầu tư đúng mức; chưa có kế hoạch, hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy, khuyến khích sự phát triển...

Chưa kể, sáng tác cho thiếu nhi luôn là thách thức với người cầm bút mọi thời đại. Gần đây, ở chính giai đoạn đầy khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành xuất bản lại có những bước chuyển mình đáng kể với dấu ấn là văn học thiếu nhi. Rực rỡ nhất phải kể đến mùa hè năm 2021, 2022.

Điểm nhấn về kỷ lục

Vừa qua, tác giả Nguyễn Hạnh Phương (sinh năm 2009) được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao kỷ lục “Người viết truyện giả tưởng bằng tiếng Anh và xuất bản thành sách song ngữ Anh-Việt nhỏ tuổi nhất Việt Nam” với tác phẩm “Star Team: A Quest for the greatest power” (Biệt đội ngôi sao: Cuộc tìm kiếm sức mạnh vĩ đại) do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Tác phẩm viết về chuyến phiêu lưu của bốn đứa trẻ (người Anh) ở độ tuổi 12, học cùng lớp và mỗi người sở hữu một khả năng đặc biệt.

1-1654488177776.JPG
Tác giả Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi) nhận giải thưởng “Khát vọng Dế Mèn”.

Tác giả nhí đã lên ý tưởng và bắt đầu viết vào tháng 7-2019, khi mới 10 tuổi. Chia sẻ về quá trình sáng tác, Nguyễn Hạnh Phương cho biết, em viết nháp toàn bộ nội dung, sau đó tập trung viết bổ sung và xây dựng chi tiết cho tập một: “Trở về quá khứ”. Sau khi hoàn thành tập một bằng tiếng Anh, em dịch sang tiếng Việt. Hiện tác giả sắp hoàn thiện tập hai và dự kiến sẽ ra mắt tác phẩm dưới dạng một bộ truyện nhiều tập.

Giới chuyên môn nhận định, tác phẩm có nội dung nhân văn, ca ngợi tình bạn, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết và ý chí vượt lên những thử thách; lối diễn đạt trong sáng, linh hoạt mang đến cảm quan tốt, tiếp cận một cách gần gũi nhất với những bạn đọc. Mẹ là giáo viên tiếng Anh, tác giả có lợi thế tiếp cận Anh ngữ ngay từ khi còn bé. Lên bốn tuổi, em đã có thể đọc sách bằng cả hai ngôn ngữ. Nguyễn Hạnh Phương cũng từng đoạt các huy chương vàng, bạc, đồng giải ASMO môn tiếng Anh và Khoa học trong năm 2020 và 2021; liên tục đạt học bổng trong các năm học tại trường; tham gia nhiều chương trình truyền hình, đặc biệt chuỗi chương trình dạy tiếng Anh dài tập Mathdorm của kênh VTV7 và cộng tác viên chương trình “Vì tầm vóc Việt” của kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Thời gian tới, cùng với việc sáng tác các tập tiếp theo, tác giả có kế hoạch xuất bản sách nói và tiếp cận thị trường thế giới.

Nguyễn Hạnh Phương chỉ là một ví dụ, trên thực tế, có nhiều cây bút nhí đang hăng say sáng tác về chính thế giới của mình. Có tác giả chọn bối cảnh Việt Nam với những nhân vật thuần Việt, nhưng lại mở ra vấn đề mang tầm quốc tế, thậm chí vượt ra khỏi phạm vi trái đất. Có tác giả lại chọn bối cảnh quốc tế và sáng tác trực tiếp bằng tiếng Anh. Ở độ tuổi thiếu niên, các tác giả đều thể hiện được đam mê, năng lượng văn chương dồi dào qua những tác phẩm chất lượng tốt và đều có dự định xây dựng thành bộ truyện.

Quay ngược thời gian về Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư năm 2021 cũng bắt gặp nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi được vinh danh: một giải A, bốn giải B, hai giải C trong tổng số 24 giải thưởng. Ở giải thưởng uy tín này, mảng sách thiếu nhi tuy chiếm số lượng không nhiều (27 tên sách/bộ sách, gồm 62 cuốn) so với các mảng sách khác, như: Văn hóa, văn học và nghệ thuật, chính trị, kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ... song, các tác phẩm đề tài thiếu nhi đã góp mặt ở tất cả hạng mục giải thưởng. Ðây là thành quả từ sự quan tâm của các nhà xuất bản, công ty sách, đội ngũ sáng tác và bạn đọc với những đóng góp tích cực, thiết thực. Ðồng thời, thể hiện quá trình quan sát, ghi nhận kịp thời từ Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia, đóng góp tích cực vào công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi - một việc làm cần thiết, quan trọng để hướng tới tương lai tốt đẹp của nước nhà.

Các tác phẩm văn học thiếu nhi đoạt giải thưởng gần đây đều thể hiện xuất sắc những giá trị văn hóa, nhân văn và hội nhập. “Chang hoang dã - Gấu” của tác giả Trang Nguyễn (sinh năm 1990) và họa sĩ Jeet Zdung (NXB Kim Ðồng) đoạt giải A, Giải thưởng Sách quốc gia là cuốn truyện tranh chủ đề bảo vệ thiên nhiên và môi trường hoang dã. Tác giả đã dẫn dắt bạn đọc khám phá thiên nhiên tuyệt đẹp, hướng trẻ em đến lối sống lành mạnh, hòa hợp với thiên nhiên. Sau khi xuất bản tại thị trường trong nước, tác phẩm bán được bản quyền cho Nhà xuất bản Pan Macmillan của Anh và nhượng quyền cho năm nước, gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới nhất, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức đã vinh danh 5 giải “Khát vọng Dế Mèn” cho 5 tác phẩm: “Biệt đội thám tử” và “Emma thảm họa” (2 truyện dài của Quyên Gavoye, NXB Kim Đồng); “Cơ Bản là Cơ Bản” (truyện dài, Phạm Huy Thông, NXB Kim Đồng); “Đu đưa trên ngọn cây bàng” (bản thảo truyện dài, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy); Bản thảo chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi); “Chiếc dép thất lạc” (sách tranh; Tác giả: Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển), dịch: Kim Ngọc; NXB Kim Đồng).

“Thần đồng” và người nước ngoài…

Viết về thiếu nhi, chinh phục được độc giả nhỏ tuổi chính là thách thức và nếu thành công thì đó cũng là thành công đặc biệt, bởi những tác phẩm văn học đã thực sự mang đến giá trị hữu ích cho thế hệ chủ nhân tương lai. Quan sát mảng đề tài văn học thiếu nhi những năm gần đây, có thể nhận thấy một trong những tín hiệu vui cho nền văn học đang được đánh dấu bằng việc xuất hiện một lực lượng người cầm bút ở chính độ tuổi này. Thí dụ, tác giả Cao Việt Quỳnh viết cuốn tiểu thuyết phiêu lưu giả tưởng đầu tay “Người sao chổi - Cuộc chiến vòng quanh thế giới” khi mới 12 tuổi. Tác giả Nguyễn Khang Thịnh viết cuốn sách “Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy” ở độ tuổi 13. Tác giả Cao Khải An với tác phẩm “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Ðồi Rơm” từng đoạt Giải “Khát vọng Dế Mèn” lần thứ nhất năm 2020 khi 11 tuổi.

Hầu hết các tác giả nhí đều chọn thể loại văn học giả tưởng để phát huy cao độ trí tưởng tượng, sự sáng tạo trong tư duy, ngôn ngữ. Mỗi tác giả mang đến nét cá tính riêng biệt. Sự sôi động, phong phú của thị trường và giải thưởng sách thiếu nhi tạo nên những tia sáng đầy hy vọng trong bức tranh chung của văn học nghệ thuật. Đáng chú ý, một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9-12 tuổi sáng tác không chỉ là thơ, truyện ngắn, mà còn có những tập tiểu thuyết giả tưởng dung lượng lớn, dựng lên một thế giới tuổi thơ và thế giới nghệ thuật đồ sộ. Có em viết truyện trực tiếp bằng tiếng Anh sau đó tự dịch ra tiếng Việt để in sách song ngữ Việt - Anh, xác lập nên một kỷ lục đẹp trong đời sống văn học thiếu nhi.

Văn học thiếu nhi và bước ngoặt ấn tượng -0
Đông đảo độc giả trẻ tuổi xếp hàng chờ mua sách.

Tác giả Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi) học sinh trường Tiểu học Quỳnh Lôi (Hà Nội) đoạt Giải “Khát vọng Dế Mèn” với chùm truyện ngắn đồng thoại được đánh giá có tố chất “thần đồng”. Qua sự quan sát, diễn đạt của em, mọi sự vật hiện ra sống động, có hồn cốt khiến ta nhớ đến những đứa trẻ bình thường xung quanh mình. Những đứa trẻ trò chuyện với đồ chơi, tưởng tượng trong hang kiến là một xã hội thu nhỏ, hay hòn đá nhành cây cũng có cảm xúc nên biết đau, biết giận, vui buồn. Thuộc top 8 tác phẩm lọt chung kết giải thưởng này, bộ sách tranh 7 tập “COVID trong mắt trẻ thơ”.

Tác phẩm khiến ta bật khóc trước những nỗi đau COVID được cảm nhận qua góc nhìn trẻ thơ và đặc biệt hơn cả, đó còn là một sự kết hợp thú vị: 7 em thiếu nhi phụ trách vẽ mỗi truyện và 4 em phụ trách dịch lời sang tiếng Anh. Điều đó lý giải vì sao khi lật giở từng trang sách tranh độc giả sẽ gặp những nét vẽ minh họa đơn giản, hồn nhiên, thậm chí là hài hước, nhưng cao hơn tất cả đó là cảm xúc ắp đầy của trẻ thơ, khiến người lớn phải thực sự ngỡ ngàng, thay đổi suy nghĩ và hành động.

Yếu tố bất ngờ ở Giải thưởng Dế Mèn còn có 3 cái tên đến từ Bỉ - Thụy Điển - Pháp. Geralda De Vos là một nghệ sĩ Bỉ, bà đến Việt Nam theo một chương trình lưu trú nghệ sĩ. Kỳ lạ là bà quan tâm đến những chiếc dép vô tình bị đánh rơi trên các nẻo đường và quyết định đưa vào tác phẩm. Họa sĩ Sofia Holt, người Thụy Điển đã đồng điệu với câu chuyện về “Chiếc dép thất lạc” của Geralda De Vos, thể hiện bằng những bức tranh minh họa tuyệt đẹp, thấm đẫm những cảnh sắc Việt Nam. Còn Quyên Gavoye là một chuyên gia di sản tại một thành phố ở Pháp, cũng là bà mẹ của hai đứa trẻ.

Hai tác phẩm “Emma thảm họa” và “Biệt đội thám tử” là sản phẩm của sự quan sát kỹ càng về cuộc sống trẻ thơ. Trong cuộc sống sôi động, tươi mới ấy, ta thấy trẻ đang lớn lên từng ngày, không phải từ những kiến thức từ trong sách vở mà chính từ những kỹ năng sống nhận ra hay tự “thực hành” với sự trợ giúp không quá nhiều của người lớn. Cả hai tác phẩm đều lấy bối cảnh ở Pháp nhưng tác giả rất có chủ ý quảng bá văn hóa Việt Nam.

Chân trời ngay… dưới gót chân!

Hội Nhà văn Việt Nam ở nhiệm kỳ này đã và đang có những thay đổi, trong đó văn học thiếu nhi là mảng ưu tiên với các kế hoạch, hoạt động và giải thưởng. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, Hội đặt sự ưu tiên cao cho văn học thiếu nhi bởi đây chính là những chủ nhân tương lai của nền văn học. Hội đã có kế hoạch cụ thể thông qua các hoạt động nhằm đánh thức nguồn cảm hứng sáng tạo, hỗ trợ công bố tác phẩm, tổ chức các cuộc thi về đề tài văn học thiếu nhi với hy vọng phát hiện, bồi dưỡng thêm nhiều tài năng văn học.

Bên cạnh thế hệ nhà văn viết cho thiếu nhi đa phần đã lớn tuổi, qua các đầu sách đã xuất bản gần đây và các giải thưởng, có thể nhận thấy tiềm năng từ đội ngũ kế cận. Tác phẩm văn học thiếu nhi của họ không dừng lại ở đóng góp, sáng tạo về mặt nội dung mà hình thức các cuốn sách đều được ứng dụng tốt nền tảng đồ họa, công nghệ, kỹ thuật mới, mang lại sự lôi cuốn về thị giác cho bạn đọc.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Dế Mèn đưa ra sự liên hệ thú vị với thế hệ thiếu nhi thời ông: “Trẻ em hiện giờ rất giỏi, có những em như một thiên tài. Về âm nhạc có những giọng ca nhí hát hay vô cùng, kéo nhị rất giỏi, biểu diễn hấp dẫn lắm. Có những em tính nhẩm giỏi không khác gì máy tính… Thế nhưng văn chương thì... thời chúng tôi có cả dàn nhà thơ nhí, nhưng hiện giờ không có. Nay xuất hiện những em bé viết văn, đó là điều rất đáng khuyến khích, bởi có các em tham gia thì chúng ta có nền văn học đương đại, có những tác giả trong tương lai”. Dẫn hai câu thơ rất nắn nót của Trần Dần: Tôi tiếc khi chân trời không có người bay/ Và lại tiếc khi người bay mà không có chân trời, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định: “Các em hiện giờ có rất nhiều điều kiện chứ không như chúng tôi ngày xưa. Hiện giờ trong công cuộc đổi mới của chúng ta, chân trời ngay dưới gót chân của các em, chỉ có điều các em có bay được không…”.

PGS-TS Ngô Văn Giá nhận định: “Viết cho trẻ thơ vẫn là niềm mơ ước của bất cứ ai, bất cứ người cầm bút nào. Đây là điều may mắn và đáng quý. Các giải thưởng đã góp phần kích hoạt, khích lệ những mơ ước, khát vọng này. Những người viết ít nhiều đã có ý thức hoặc bằng những cảm thức tinh tế hướng ngòi bút vào các vấn đề sinh thái, môi trường, cụ thể hơn là thiên nhiên với loài vật, cỏ cây, hoa lá... Có rất nhiều tác giả trở về với thiên nhiên, với không gian sinh thái, như để thầm nói với bạn đọc trước nhất là với những đứa trẻ rằng, thiên nhiên chính là bầu bạn, là mái nhà che chở, nuôi dưỡng tâm hồn, và giúp con người cảm thấy yêu và gắn bó hơn với đời sống.”

Hiện tại, các đơn vị xuất bản đều đang cố gắng cải thiện về nội dung và hình thức các ấn phẩm dành cho thiếu nhi nhằm đáp ứng nhu cầu độc giả. Trong mùa hè này, đón trước xu hướng, các nhà xuất bản đều đồng loạt ra mắt ấn phẩm mới. Nhiều sách có tranh minh họa đẹp mắt, nội dung rõ ràng, mạch lạc, dễ đọc, dễ hiểu. Không chỉ sách dịch từ nước ngoài, các nhà xuất bản còn đặt hàng nhiều tác giả trong nước để có nội dung phong phú, gắn kết với đời sống thiếu nhi và cách viết gần gũi.

Theo các đại diện đơn vị phát hành, độc giả nhỏ tuổi hiện nay không chỉ cần nội dung và hình thức sách phong phú, mà còn cần mở rộng biên độ thưởng thức qua sự đột phá, sáng tạo về phương pháp đọc. Do đó, nhiều cuốn sách sau khi ra mắt song song hai hình thức sách truyền thống và sách nói còn đi bước tiếp theo là chuyển tác phẩm sang phiên bản truyện tranh, phim hoạt hình... Điều đáng quý, hầu hết các dự án sách văn học thiếu nhi đều dành một phần lợi nhuận đồng hành, kiến thiết các chương trình thiện nguyện, khuyến học đối với trẻ em vùng sâu vùng xa, biên cương, hải đảo… mang lại món quà tinh thần cho thế giới trẻ thơ.

Thanh Khê
.
.