Vì sao các “ông lớn” rời bỏ Thung lũng Silicon?
Quyết định chuyển trụ sở khỏi Thung lũng Silicon, thủ phủ công nghệ của Mỹ, để đến “đóng đô” tại Texas của Tesla - công ty đã gắn bó với Thung lũng Silicon suốt 18 năm - là chấn động mới nhất đối với bang California. Trong 2 năm qua, danh sách các công ty quyết định “dứt áo ra đi” khỏi Thung lũng Silicon đã liên tục nối dài. Nhiều tên tuổi lớn như Oracle Corp., Hewlett Packard hay Tesla đang rời bỏ "miền đất hứa" này vì những tính toán đường dài.
Khi những biểu tượng ra đi
Không chỉ Tesla, Hewlett Packard Enterprise, có lịch sử gắn bó với Thung lũng Silicon từ khi thành lập Công ty Hewlett-Packard trong một nhà để xe ở Palo Alto cách đây 8 thập kỷ, năm 2020 cũng thông báo kế hoạch chuyển đến Houston. Phát ngôn viên của Hewlett Packard Enterprise, Adam Bauer, cho biết: “Chúng tôi quyết định chuyển trụ sở của mình đến khu vực Houston để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, cơ hội tiết kiệm chi phí lâu dài và sở thích của các thành viên về tương lai công việc”. Cùng lúc đó, gã khổng lồ Oracle cũng thông báo đang chuyển trụ sở từ Redwood, California tới Austin, Texas.
Người đồng sáng lập Reddit (trang web dịch vụ, giải trí, tương tác) Alexis Ohanian chuyển nhà từ San Francisco đến Miami vào năm 2017. Cuối năm 2020, Jonathan Oringer, người thành lập Shutterstock cũng chuyển đến Miami. Ngoài ra còn nhiều tên tuổi đáng chú ý khác như các nhà đầu tư mạo hiểm Keith Rabois, David Blumberg... cũng lần lượt đi khỏi Thung lũng Silicon. Danh sách những người tìm “bến đỗ” mới thời gian gần đây còn có Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk, Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey, cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt, Chủ tịch Palantir Peter Thiel...
Đáng nói là trong khi khu vực vịnh San Francisco, nơi có Thung lũng Silicon, tiếp tục thu hút công nhân công nghệ, con số này đã giảm hơn 35% trong năm 2020 so với năm 2019, mức giảm lớn nhất so với các đô thị khác, theo dữ liệu của LinkedIn. Các chuyên gia dự báo sẽ còn giảm sâu hơn.
Bất động sản đắt đỏ và rào cản pháp lý
Elon Musk đã chỉ ra một số vấn đề của California khi ông thông báo về việc chuyển từ Palo Alto đến Austin. Ông cho biết nhà máy Fremont của công ty chật cứng công nhân và thiết bị. Ngoài ra, giá bất động sản cao tại California cũng khiến nhiều nhân viên của công ty không thể mua nổi nhà trong khi Tesla có rất nhiều người từ xa đến làm việc.
Nhiều công ty tại Thung lũng Silicon gặp phải khó khăn tương tự. Các chủ doanh nghiệp phải đưa ra mức đãi ngộ hậu hĩnh vô cùng để người lao động có thể gánh được chi phí nhà ở cao ngất ngưởng. Hewlett Packard Enterprise cũng cho biết cắt giảm chi phí bất động sản là nguyên nhân chính trong quyết định chuyển đến Houston của công ty này, bên cạnh các lý do như đại dịch và tính chất thay đổi của công việc.
Hiệp hội các nhà bất động sản của California dự báo giá nhà trung bình cho một gia đình ở bang này sẽ tăng lên mức kỷ lục 834.000 USD vào năm tới, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn nước Mỹ. Giá bán nhà trung bình ở quận Santa Clara - trung tâm của Thung lũng Silicon - là 1,66 triệu USD vào tháng 8, tăng gần 11% so với một năm trước đó.
Một số công ty cũng bày tỏ lo ngại về việc ngày càng có nhiều luật lệ của bang khắt khe hơn với doanh nghiệp. Một đạo luật của California vào năm 2018 yêu cầu các công ty có trụ sở chính đặt tại bang này phải có ít nhất một nữ giám đốc trong ban giám đốc. Đến cuối năm 2021, những công ty có từ 6 giám đốc trở lên phải có ít nhất 3 nữ giám đốc.
Ngoài ra, California còn có những nỗ lực trong việc áp thuế tài sản. Cơ quan lập pháp bang California đã đệ trình Dự luật 2088 nhằm đánh thuế mới 0,4% đối với những cá nhân nắm giữ tài sản hơn 30 triệu USD và sẽ truy thu những người đã rời California trong thập kỷ trước. Dự luật đã không được thông qua nhưng hiện tại lại có một dự luật khác tìm cách tăng thuế thu nhập cá nhân với những người kiếm trên 1 triệu USD/năm và đánh thuế vào cả các tập đoàn.
Một số thành phố như San Francisco đã áp đặt các loại thuế mới đối với các tập đoàn lớn có mức lương cao cho CEO, bất kể công ty có trụ sở chính hoặc được thành lập ở đâu.
Các chuyên gia cho rằng việc chuyển trụ sở công ty của các công ty công nghệ lớn không chỉ để tránh tăng thuế mà còn có thể cắt giảm quỹ lương cho người lao động. Xu hướng sẽ là chuyển đến những nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn, nên tiền lương chi cho người lao động cũng giảm. Dan Ives, nhà phân tích tài chính của Wedbush Securities, cho biết thành phố Austin, bang Texas, đang hình thành một “Thung lũng Silicon nhỏ” với chi phí trả lương chỉ bằng một nửa mức trung bình của một nhân viên ở Thung lũng Silicon ở California.
Vẫn là nền kinh tế mạnh
Trên thực tế, sự ra đi của Tesla, hay cả những công ty khác, có tác động mang tính biểu tượng hơn là kinh tế đối với California. Ông Elon Musk đã khẳng định dù chuyển trụ sở, Tesla sẽ không rời bỏ California và sẽ tiếp tục mở rộng ở đây. Thung lũng Silicon vẫn là một nam châm thu hút đầu tư công nghệ. Trong quý 3-2021, hợp đồng ký kết tại đây đạt giá trị kỷ lục 27,1 tỷ USD, tăng 17% so với 3 tháng trước đó, theo một báo cáo của CBInsight.
Hơn nữa, dù ngành công nghệ là một phần quan trọng trong nền kinh tế bang, California cũng gặt hái từ các lĩnh vực khác như thương mại và giải trí. Robert Sammons, giám đốc cấp cao của bộ phận nghiên cứu tại Công ty Cushman ở San Francisco, cho biết California vẫn là trọng điểm của ngành công nghệ, với bề dày nhân tài và các trường đại học danh tiếng.
Stephen Levy, giám đốc và nhà kinh tế cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế California ở Palo Alto, cho biết: “Lĩnh vực công nghệ rất lớn nên California có thể chia sẻ lợi ích với các bang khác”. Nhưng, “làn sóng di cư” thực sự đáng lưu ý, đặc biệt khi chính quyền bang vẫn chưa có câu trả lời cho các vấn đề hiện nay về môi trường và điều kiện kinh doanh của các công ty.