Xử lý cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”

Thứ Ba, 02/05/2023, 15:46

Từ đầu năm đến nay, gần như mỗi tuần, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh liên tục đều ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hàng loạt cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp cũng như các bác sĩ, kỹ thuật viên... Trong đó, có nhiều cơ sở chưa được cấp phép theo quy định, thậm chí đã bị tước giấy phép, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động “chui”.

Đáng chú ý, nhiều phòng khám thẩm mỹ bị phát hiện vi phạm, xử phạt nhưng sau đó vẫn tái phạm hay tìm cách “lách luật” đổi tên cơ sở, chuyển địa điểm để tiếp tục hoạt động…

Muôn hình vạn trạng sai phạm của các cơ sở “làm đẹp”

Những ngày gần đây, Phòng khám chuyên khoa (PKCK) Da liễu Americare Clinic thuộc Công ty TNHH Vũ Lâm Minh (địa chỉ 54B+54C Nguyễn Văn Trỗi, phường 15, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) trở nên “nổi tiếng” khi báo chí phanh phui việc cơ sở này quảng cáo “Giảm béo siêu công nghệ, hủy mỡ chuẩn y khoa, cỗ máy giảm mỡ triệu đô...”.

2.jpg -0
Các “công nghệ giảm béo” tại các phòng khám được Thanh tra Sở Y tế làm rõ và xử lý theo quy định

Với những sai phạm kể trên, ngày 26/4, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên của PKCK Da liễu Americare Clinic thuộc Công ty TNHH Vũ Lâm Minh và quyết định tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh (KCB) 4 tháng đối với Công ty TNHH Vũ Lâm Minh; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề KCB của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trong thời hạn 3 tháng, do phát hiện nhiều sai phạm tại Americare Clinic. Đồng thời, Công ty TNHH Vũ Lâm Minh còn bị xử phạt số tiền 193 triệu đồng.

Thanh tra Sở Y tế xác định công ty này có vi phạm tại địa điểm kinh doanh Công ty TNHH Vũ Lâm Minh (PKCK Da liễu) khi cung cấp dịch vụ KCB vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động KCB; Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề KCB; Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định…

Ngoài Công ty TNHH Vũ Lâm Minh thì những bác sĩ, kỹ thuật viên của PKCK Da liễu Americare Clinic cũng bị xử phạt nặng.

Xử lý cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp vẫn Như “bắt cóc bỏ đĩa” -0
Phòng khám chuyên khoa Americare Clinic thuộc Công ty TNHH Vũ Lâm Minh dàn dựng kịch bản quảng cáo “Giảm béo siêu công nghệ...”

Cũng trong đợt này, Bác sĩ chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ Hồ Phi Nhạn - bác sĩ “TikTok” (chủ Thẩm mỹ viện Natural, 658 Lê Hồng Phong, phường 10, quận 10) cũng bị xử phạt 94,5 triệu đồng, đình chỉ hoạt động KCB của cơ sở trong thời hạn 18 tháng, tịch thu tang vật vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 2,5 triệu đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm. Thanh tra Sở Y tế xác định bác sĩ Hồ Phi Nhạn có hành vi cung cấp dịch vụ KCB mà không có giấy phép hoạt động KCB, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với giá trị lô hàng vi phạm gần 14 triệu đồng, quảng cáo dịch vụ KCB khi chưa có giấy phép hoạt động KCB.

Đáng nói, trước đó, bác sĩ Nhạn đã thực hiện các clip sửa mũi với lời quảng cáo thay đổi diện mạo hấp dẫn đăng tải trên TikTok thu hút chị em phụ nữ đến làm đẹp sửa mũi. Sau khi một bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ đã làm đơn trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Vào cuộc kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện cơ sở của bác sĩ Nhạn không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy phép hoạt động KCB, nhưng vẫn ngang nhiên hành nghề thẩm mỹ và quảng cáo trên web không có giấy phép.

Ngoài bác sĩ người Việt thì bác sĩ người nước ngoài cũng có nhiều sai phạm theo kiểu liên tục tái diễn. Trong đó, ngày 22/4, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 16,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề KCB trong thời hạn 3 tháng đối với Bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa Li Guang Qiu (quốc tịch Trung Quốc), hành nghề tại Phòng khám Đa khoa (PKĐK) Hoàn Cầu (80-82 Châu Văn Liêm, phường 11, quận 5). Bác sĩ Li Guang Qiu đã có các hành vi sai phạm như: Chỉ định sử dụng các dịch vụ KCB vì vụ lợi, không ghi sổ y bạ cấp cho người bệnh điều trị ngoại trú, lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu định của pháp luật…

Đáng nói, trước đó vào cuối tháng 12/2022, bác sĩ Li Guang Qiu cũng đã bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện các sai phạm tương tự. Thời điểm đó, bác sĩ Li Guang Qiu bị xử phạt 9,5 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề KCB trong thời gian 3 tháng… 

Liên quan tới PKĐK Hoàn Cầu, cuối tháng 3/2023 vừa qua cũng bị người dân gọi điện tới đường dây nóng của Thanh tra Sở Y tế phản ánh có dấu hiệu “vẽ bệnh, moi tiền” người bệnh… Theo đó, một bệnh nhân nam, 20 tuổi, làm thủ thuật cắt bao quy đầu tại phòng khám này với giá 7 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ thuật lại bị vẽ thêm bệnh khác và yêu cầu đóng thêm 15 triệu đồng.

Chỉ là cơ sở làm đẹp (chăm sóc da, gội đầu, cắt tóc) thế nhưng Thẩm mỹ viện Pascal (địa chỉ 62-64 Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10) của bà Ngô Ái Mỹ làm chủ lại quảng cáo các dịch vụ KCB khi chưa có giấy phép hoạt động. Do đó, ngày 22/4, Thanh tra Sở Y tế cũng đã ra quyết định xử phạt 35 triệu đồng...

Xử lý cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp vẫn Như “bắt cóc bỏ đĩa” -0
Chỉ là cơ sở làm đẹp (chăm sóc da, gội đầu, cắt tóc) thế nhưng Thẩm mỹ viện Pascal lại quảng cáo các dịch vụ khám chữa bệnh

Trước đó, bà Ngô Ái Mỹ cũng đã từng bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt nhiều lần về các hành vi như: Cung cấp dịch vụ KCB mà không có giấy phép hoạt động; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề KCB; sử dụng thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng của các bộ phận trên cơ thể, quảng cáo các dịch vụ KCB khi chưa có giấy phép...

Đáng chú ý, sau khi có quyết định của Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vào ngày 23/6/2022 xử phạt bà Ngô Ái Mỹ phạt 92,5 triệu đồng, đình chỉ hoạt động KCB của cơ sở trong thời hạn 18 tháng, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo hoạt động KCB, thì ngay lập tức cơ sở đã thay đổi biển hiệu: Từ “Vedette - Clinic and Spa” đổi thành “Pascal - Luxury Beauty Clinic and Spa” như hiện nay. Đồng thời, trên website của cơ sở này cũng nhanh chóng đổi tên thành Thẩm mỹ viện Pascal vào ngày 24/6/20222…

Ngoài những sai phạm kể trên, ngày 18/4 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã thông tin về trường hợp một người nước ngoài tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) tại Bệnh viện Chuyên khoa PTTM Korean Star - Sao Hàn (viết tắt BV Sao Hàn, địa chỉ 781/C9 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh).

Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP Hồ Chí Minh và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đến BV Sao Hàn xác minh nội dung vụ việc. Kết quả xác minh ghi nhận:  Ngày 1/4, người bệnh L.S.B đến khám tại BV Sao Hàn. Ngày 2/4, người bệnh L.S.B nhập viện và PTTM. Ngày 3/4, người bệnh xuất viện về nhà tại tỉnh Đồng Nai. Đến trưa ngày 7/4, người bệnh thấy khó thở, không nói chuyện được nhưng vẫn còn tỉnh táo, nên người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và đã tử vong vào ngày 9/4.

Đáng nói, từ năm 2020-2022, BV Sao Hàn liên tiếp bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xử phạt hành chính và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề KCB đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, bệnh viện này cũng xảy ra vụ việc một người phụ nữ nguy kịch và tử vong sau khi thực hiện phẫu thuật nâng mũi.

Bất chấp pháp luật vì lợi nhuận mang lại lớn

Trong các vụ việc điển hình kể trên, câu hỏi đặt ra là tại sao với cùng các hành vi sai phạm và cơ quan Thanh tra cũng đã ra quyết định xử phạt rất nhiều lần, nhưng các cơ sở này và các cá nhân có trách nhiệm hay các bác sĩ, kỹ thuật viên vẫn có thể hành nghề và tiếp tục tái phạm?

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thực trạng hành nghề thẩm mỹ “chui” trên địa bàn thành phố không phải là vấn đề mới nhưng luôn là vấn đề nóng về nhiều phương diện, bởi lẽ, nó liên quan đến sức khỏe và tính mạng người dân.

Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết không phải tất cả cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp đều thuộc sự quản lý của ngành Y tế. Theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp thành 3 nhóm khác nhau: Nhóm 1 là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng. Nhóm 2 gồm cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da. Nhóm 3 là những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người.

Trong đó, chỉ có nhóm 3 ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 PKĐK có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 PKCK thẩm mỹ (tất cả đều thuộc nhóm 3) và 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun thêu) đã công bố trên cổng thông tin Sở Y tế (nhóm 2), các cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng (nhóm 1).

Theo Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thời gian qua Thanh tra Sở đã nỗ lực kiểm soát các trang mạng trong quảng cáo, cung cấp dịch vụ thư giãn, làm đẹp và xử lý không ít cơ sở quảng cáo sai, quảng cáo quá sự thật các hạng mục được phép hoạt động. Tuy nhiên, sau khi bị xử lý, cam kết không tái phạm, có những cơ sở nghiêm túc thực hiện, nhưng vẫn còn những cơ sở đổi tên tài khoản, lập tài khoản mới nên rất khó để kiểm soát. 

Ngoài ra, thực tế các chế tài về quản lý vi phạm trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ còn quá nhẹ nhàng, trong khi nguồn lợi nhuận từ lĩnh vực này mang lại quá lớn khiến cho nhiều doanh nghiệp bất chấp để “vượt rào”, ngang nhiên vi phạm, bị xử lý rồi lại tái phạm…

Để kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thẩm mỹ, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các Phòng Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai các giải pháp quyết liệt hơn trong quản lý hành nghề và dạy nghề trái phép trên địa bàn và phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Y tế và Thanh tra các Sở khác có liên quan để cương quyết xử lý nghiêm mang tính răn đe. Thanh tra Sở Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, Công an địa phương xử lý triệt để các cơ sở hành nghề trái phép trá hình.

Bên cạnh sự vào cuộc từ phía cơ quan chức năng, thì ngành y tế cũng đề nghị người dân cần trang bị kiến thức về y khoa, tìm hiểu kỹ thông tin về cơ sở thẩm mỹ, lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín, tránh tâm lý chủ quan, vội vàng gấp gáp dễ xảy ra những biến chứng khôn lường. Nếu phát hiện hành vi sai phạm của cơ sở, hãy gọi ngay đến đường dây nóng của Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh qua số điện thoại 0989.401.155 hoặc vào ứng dụng “Y tế trực tuyến”, để Thanh tra Sở Y tế kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.

Phú Lữ
.
.