Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam
Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông cũng là người xuất hiện trong xe tăng của quân ta tấn công vào Dinh Độc Lập cách đây 50 năm.
Vượt gian nan để đến ngày giải phóng
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở huyện Yên Thành, gia đình Đại úy Nguyễn Đức Trọng có 8 anh, chị, em. Từ nhỏ, ông Trọng đã được đấng sinh thành hun đúc tinh thần đánh giặc qua những câu chuyện, bài hát về truyền thống cách mạng của quân và dân ta. Cha mẹ và chị gái của ông cũng cùng người dân cả nước kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Bên cạnh việc nỗ lực đèn sách, ông Trọng còn phụ giúp gia đình làm ruộng. Đến tuổi trưởng thành, ông càng nhận thức rõ hơn hành động của mình rằng, phải tham gia quân ngũ để góp sức giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bên ấm trà nóng, trong kí ức của ngày giải phóng, Đại úy Nguyễn Đức Trọng kể: “Khi vừa tròn 18 tuổi, được lệnh tổng động viên của Nhà nước, tôi đành gác lại việc học của mình để hăng hái lên đường nhập ngũ. Từ bé, hình ảnh đẹp về người Bộ đội Cụ Hồ luôn hiện hữu trong tâm trí khiến tôi nhiều đêm thao thức không thể chợp mắt. Tôi chỉ mong mau trưởng thành để được ra trận, góp mình đánh đuổi quân xâm lược. Khi tôi nhập ngũ, cha mẹ ở nhà vừa tham gia sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, vừa tham gia dân công hỏa tuyến”.

Sau hơn 3 tháng huấn luyện tân binh, vào tháng 7/1974, Nguyễn Đức Trọng vào Quảng Nam - Đà Nẵng tham gia chiến dịch Thượng Đức. Đây là một trận đánh quan trọng trong Chiến dịch Tây Nguyên thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ, diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11/1974, tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Cũng là một trong những trận đánh lớn giữa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân lực Việt Nam Cộng hòa, được coi là bước thử nghiệm quan trọng trước Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Đại úy Trọng cho biết, Thượng Đức là một quận lỵ nhỏ nhưng có vị trí chiến lược quan trọng, được ví như “cánh cửa thép” bảo vệ Đà Nẵng từ hướng Tây. Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã xây dựng ở đây một cụm cứ điểm mạnh với nhiều công sự kiên cố. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công năm 1975, Quân Giải phóng quyết định mở chiến dịch đánh chiếm Thượng Đức, nhằm kiểm tra sức mạnh tác chiến của các đơn vị chủ lực và thu hút lực lượng địch khỏi Tây Nguyên. Đến đầu tháng 11, Thượng Đức hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Quân Giải phóng.

“Trong thời gian tham gia chiến dịch trên, nhiều lần tôi may mắn thoát chết trong gang tấc. Một lần, tôi cùng đồng đội vác cây gỗ làm hầm chữ A trên chốt, thì bị quân địch bất ngờ giội pháo quyết liệt khiến chúng tôi bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình bị thương nhẹ trên người. Một lần khác, tôi được phân công trực gác từ 2h đến 4h sáng ngày hôm sau. Khi tôi vừa hết ca thì quân địch đánh pháo bất ngờ lúc rạng sáng, khiến đồng đội của tôi là đồng chí Nguyễn Xuân Đài, Tiểu Đội trưởng hy sinh. Tiếp đó, trong lần tôi cùng đồng đội kéo pháo lúc 4 giờ sáng, thì bất ngờ quả mìn chống tăng nổ gần khiến đồng chí Trần Hữu Chiến, Tiểu đoàn phó hy sinh…”, Đại úy Trọng rơm rớm nước mắt, nhớ lại.
Suốt chiến dịch, Đại úy Nguyễn Đức Trọng cùng đồng đội thường xuyên ngủ hầm, ăn uống với lương khô, rau rừng. Nhiều đồng đội của ông bị sốt rét rừng, bệnh nặng và hy sinh. “Dù khó khăn, gian khổ hiểm nguy nhưng cũng không làm nản lòng ý chí chiến đấu, mà còn khiến những người lính này kiên cường chiến đấu và chiến thắng. Qua đó, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục ngàn tên địch, mở rộng vùng giải phóng Khu vực Nông Sơn – Trung Phước, Thượng Đức và vùng Tây Nam Quế Sơn, Tây Bắc Tam Kỳ với 117.000 dân”, Đại uý Nguyễn Đức Trọng kể.
Tháng 12/1974, Đại úy Nguyễn Đức Trọng cùng đồng đội tham gia đánh trận Khe Tre. Đây là một vị trí chiến lược thuộc huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Khu vực này rừng núi hiểm trở, giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hành lang giữa miền núi và đồng bằng ven biển. Khi đó, Đại úy Trọng được phân công bộ đội hỏa lực chi viện cho bộ binh đánh trước, yểm trợ trong thời gian 1 ngày từ Khe Tre xuống Đại Lộc. Ông cùng đồng đội kéo pháo lên Núi Truồi dùng hỏa lực đã phá hàng chục lô cốt của địch để bộ binh và xe tăng vượt đèo xuống Huế. Tiếp đó, ông cùng đồng đội được phân công nhiệm vụ dò mìn cho xe tăng di chuyển xuống Đà Nẵng và giải phóng địa phương này vào trưa 29/3. “Trong lần hành quân đó, nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh do gặp phải mìn của quân địch…”- Đại úy Trọng xúc động.
Thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn
Đến tháng 3/1975, sau 7 ngày hành quân thần tốc với xe tăng và xe tải, men theo quốc lộ 1A, Đại úy Nguyễn Đức Trọng cùng đồng đội vào đánh Tuy Hòa. Sau đó, giải phóng Phú Yên vào ngày 1/4/1975. Đây là trận đánh quan trọng giúp Quân Giải phóng kiểm soát hoàn toàn tỉnh Phú Yên, mở đường tiến vào Nam Trung Bộ. “Khoảng 23h một ngày cuối tháng 3/1975, chúng tôi được phân công nhiệm vụ trinh sát mở đường. Gần đến Phan Rang (Ninh Thuận) thì phát hiện đèn pha của quân địch. Lập tức, tôi cùng đồng đội tấp ngay xe vào lề, xuống cống tôn bên đường trú ẩn. Trong đêm quân địch liên tiếp giội bom pháo kích, nhưng chúng tôi vẫn an toàn…
Quân chủ lực của ta sau đó đã có mặt đánh tan quân địch. Đến ngày 14 và 15/4/1975, Quân Giải phóng dùng pháo binh và đặc công tấn công các vị trí phòng thủ quanh Phan Rang, khiến Quân đội Việt Nam Cộng hòa hoang mang. Ngày 16/4/1975, Sư đoàn 325 và Sư đoàn 3 của Quân Giải phóng mở đợt tấn công chính, đánh vào trung tâm thị xã Phan Rang. Lực lượng Quân đội Việt Nam Cộng hòa chống trả quyết liệt nhưng nhanh chóng bị áp đảo. Ngày 17/4/1975, toàn bộ hệ thống phòng thủ của Quân đội Việt Nam Cộng hòa bị vỡ, nhiều sĩ quan cao cấp bị bắt”, Đại úy Trọng kể.

Đến ngày 18/4/1975, Đại úy Trọng cùng đồng đội đánh Phan Thiết. Khi đó, ông được phân công nhiệm vụ dò mìn dưới chân cầu khoảng 10m và đoạn đường phía trước để bộ binh, xe tăng đi qua. Trong lần này, ông Trọng cũng suýt hy sinh nếu không được đồng đội yểm trợ phía sau. Đến 23h, quân ta đã làm chủ Phan Thiết. Ngày 26/4/1975, Quân Giải phóng mở cuộc tấn công vào Biên Hòa, Long Bình, Trảng Bom, phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch. Ngày 27 và 28/4/1975, quân địch hoang mang, bỏ chạy về phía Sài Gòn. Sân bay Biên Hòa bị pháo kích khiến hoạt động không quân tê liệt.
“Ngày 29/4/1975, Quân Giải phóng kiểm soát hoàn toàn Biên Hòa và toàn tỉnh Đồng Nai. Các đơn vị tiếp tục truy kích, quân địch rút chạy về Sài Gòn. Trong trận đánh tại Đồng Nai, có 7 đồng đội của tôi anh dũng hy sinh. Đến ngày 30/4/1975, chúng tôi đánh Cát Lái, để vượt cầu Sài Gòn. Khi đó, chỉ bộ binh và xe tăng tác chiến. Tại khu vực cầu Sài Gòn, đồng chí tiểu đoàn trưởng đã hy sinh. Sau đó, chúng tôi đã điều khiển xe tăng tấn công vào trung tâm Sài Gòn và cắm cờ trên Dinh Độc Lập lúc 11h30’ cùng ngày…”, Đại uý Nguyễn Đức Trọng nhớ lại thời khắc lịch sử hào hùng và hạnh phúc.
Nói về kỷ niệm ngày chiến thắng, Đại úy Nguyễn Đức Trọng xúc động: “Khi đó, đồng đội của tôi cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Trong ánh mắt của các chiến sĩ tràn ngập niềm vui sướng, hạnh phúc về ngày giải phóng đất nước. Tôi ra phía trước cửa của Dinh Độc Lập thì người dân đến đông đúc để chúc mừng Quân Giải phóng. Người thì ôm, người tặng hoa và mang theo đồ ăn, thức uống để tặng cho bộ đội. Một số người dân thì hát bài Quốc ca để chúc mừng ngày chiến thắng, khiến ai nấy đều vui mừng, xúc động…”.
Ghi nhận thành tích anh dũng trong chiến đấu, Đại úy Nguyễn Đức Trọng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương và Bằng khen cao quý, vì góp công tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.