Nữ chiến sĩ biệt động 2 lần tham gia trận đánh Dinh Độc Lập
50 năm trôi qua kể từ ngày thống nhất đất nước, với nữ chiến sĩ Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định năm xưa Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa), hôm nay vẫn nguyên vẹn hồi ức về những ngày tháng lịch sử ấy. Bà là nữ chiến sĩ duy nhất trong 15 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn làm nên trận đánh gây tiếng vang vào Dinh Độc Lập trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Và bà cũng là người cùng đoàn Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975 sau khi chính quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng…
"Không gì có thể sánh được ngày đất nước hòa bình"
Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn trên đường Trần Quang Khải quận 1, bà nhiều lần trải qua cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc và những giây phút lắng đọng, xúc động khi kể về những chiến công, những hy sinh mất mát của đồng đội và chính bản thân bà…
"Tôi từng trải qua chiến tranh, từng sống chết, từng lăn lộn vào chiến trường, bước bên xác đồng đội để tiếp tục chiến đấu, nên đối với tôi và tất cả những đồng đội của tôi hay nói rộng hơn là tất cả người dân Việt Nam, không gì có thể sánh bằng hai chữ hòa bình và tôi tin rằng thế hệ trẻ với những hoài bão của mình sẽ tiếp tục xây dựng và gìn giữ nền hòa bình quý giá này của đất nước...", bà Chính Nghĩa xúc động.
Kể về khoảng thời gian cũng như thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc, ngày mà đất nước thống nhất, giang sơn liền một cõi, bà Chính Nghĩa tỏ rõ sự vui mừng, hạnh phúc: "Lúc bấy giờ, cảm giác trong người tôi nhẹ nhàng như đi trên mây. Ai trải qua những giờ phút đau thương, hy sinh mất mát, rồi khi được tận hưởng những giờ phút hoà bình, mới thấu hiểu được niềm vui vô bờ bến, sự hạnh phúc khi chứng kiến những hình ảnh lịch sử người dân đổ ra đường ăn mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước liền một dải"…

Nhiều năm đã trôi qua, ký ức về trận đánh Dinh Độc Lập Xuân Mậu Thân 1968 với nhiều mất mát, hy sinh nhưng đầy hào hùng vẫn in sâu trong ký ức của bà Chính Nghĩa.
Bà kể, theo kế hoạch, đội biệt động của bà do đồng chí Tô Hoài Thanh chỉ huy đánh vào Dinh Độc Lập và giữ trận địa trong khoảng 20 đến 30 phút chờ quân chi viện tới. Đây là một mục tiêu quan trọng, nằm trong nội đô và được bảo vệ nghiêm ngặt…
Rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, 15 chiến sĩ biệt động đi trên 3 xe tải nhỏ và 2 xe máy tiến vào cổng sau Dinh Độc Lập, trong số đó duy nhất có một nữ chiến sĩ là Chính Nghĩa. Chiếc xe tải đi đầu nhanh chóng tiêu diệt chốt gác, tạo điều kiện đặt thuốc nổ phá cổng. Tuy nhiên, khối thuốc không nổ, lực lượng biệt động bị mắc kẹt ở cổng, 5 chiến sĩ hy sinh ngay khi trèo qua tường rào...
Không thể tiến công vào trong, các chiến sĩ biệt động chiến đấu ngay bên ngoài cổng. Gần 40 phút cầm cự vẫn chưa thấy có quân ta tiếp viện, cả Đội 5 dồn lực quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Trận đánh đó mãi là một ký ức không thể nào quên với bà Chính Nghĩa, bởi hôm đó bà chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống, trong đó người Đội trưởng Tô Hoài Thanh hy sinh ngay trước mắt bà. "Cuộc chiến đấu không cân sức giữa 15 chiến sĩ biệt động với hàng trăm tên địch diễn ra trong 2 đêm 1 ngày Tết Mậu Thân, 8 đồng đội của tôi hy sinh, tôi và 6 đồng chí khác bị thương và bị địch bắt sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng", bà xúc động kể lại.
Sau đó, bà bị giam cầm, tra tấn tàn bạo từ nhà tù Tổng nha Cảnh sát đến Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa và cuối cùng là nhà tù Côn Đảo. Năm 1974, với thắng lợi của Hiệp định Paris, bà Chính Nghĩa được trả tự do cùng hàng ngàn chiến sĩ cách mạng khác đang bị giam cầm tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo.
Để rồi chưa đầy 1 năm sau, nữ chiến sĩ biệt động kiên trung ấy lại có mặt cùng đội Quân Giải phóng tiến về Sài Gòn nhận lệnh tham gia đánh Dinh Độc Lập trong những ngày tháng Tư lịch sử của dân tộc. Nhưng khi đang trên đường hành quân thì bà cùng các đồng đội nhận tin chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Hòa cùng khí thế chiến thắng từ khắp nơi báo về, trưa 29/4/1975, đoàn A34 tình báo Miền nhập cùng đoàn xe tăng từ Đồng Dù tiến về Hóc Môn. Vượt qua cầu Sáng, lực lượng ta quyết định đánh sập cầu để địch không thể tiếp viện cho Sài Gòn. Bà Nghĩa cùng đoàn xe tăng vượt sông, đóng quân tại chợ Hóc Môn mà không gặp trở ngại gì.
Sáng 30/4/1975, đoàn tiếp tục hành quân tiến về Sài Gòn. "Khoảng 9h sáng 30/4, chúng tôi đi tới Trường huấn luyện Quang Trung, nghe đài phát thanh thông tin tình hình các nơi liên tục chiến thắng. Lúc bấy giờ, cảm giác trong người tôi nhẹ nhàng như đi trên mây. Nghĩ để đi đến chiến thắng nhất định có tiếng súng, có đổ máu, nhưng cuối cùng mọi sự đều thuận lợi", bà Chính Nghĩa hồi tưởng.
Tới khi cả đoàn nghe được thông tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh kêu gọi quân nhân Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Trong bối cảnh đó, bà và đồng đội chứng kiến cảnh nhiều quân nhân Việt Nam Cộng hòa cởi đồ lính, tất cả giơ hai tay lên đầu hàng…
Cứ như thế, đoàn A34 tiến về giải phóng Sài Gòn mà không vấp phải sự phản kháng nào. Không những vậy, bà và đồng đội còn được chứng kiến hình ảnh đồng bào đứng dọc hai bên đường nô nức chào mừng đoàn Quân Giải phóng… Tại khoảnh khắc đó, bà Chính Nghĩa vui mừng khôn xiết vì hạnh phúc đến với toàn dân nhưng cũng không khỏi xót xa cho những người đã phải ngã xuống trước đó.
Ở tuổi 78, bà Nghĩa vẫn nhớ mãi cảm xúc của những ngày tháng đó: "Không khí của hòa bình, không còn chiến tranh không thể diễn tả hết bằng lời. Suốt mấy chục năm chiến tranh triền miên, ác liệt, tôi luôn nghĩ nhất định sẽ có ngày giải phóng… Trong niềm vui và hạnh phúc, tâm trí tôi là giữ vững được tinh thần, khí thế của ngày giải phóng và không khí hòa bình mãi mãi đối với đất nước, dân tộc Việt Nam".
Xúc động về những ngày tháng 4 lịch sử
Những ngày tháng 4 lịch sử này, đang trong đợt kỷ niệm 50 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, người ta vẫn thường gặp bà trong các dịp lễ kỷ niệm, giao lưu nhân chứng lịch sử… Và mới nhất là hôm 14/4/2025, bà đã cùng giao lưu chia sẻ những kỷ niệm chiến đấu cũng như những suy nghĩ, cảm xúc về những ngày tháng 4 lịch sử với một đoàn khách người Hàn Quốc đến thăm Bảo tàng Biệt động Sài Gòn trên đường Trần Quang Khải, quận 1.
Nghe những chia sẻ của bà, các thành viên trong đoàn khách Hàn Quốc đều không khỏi tỏ ra thán phục hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé nhưng đã gan dạ, cùng đồng đội sống và chiến đấu để giành độc lập tự do cho quê hương, đất nước, Tổ quốc mình. Trong câu chuyện của mình, bà nhiều lần nhấn mạnh sự quý giá của hòa bình, sự hy sinh của lớp lớp người đi trước, luôn sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh…
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em tại vùng đất thép xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), cha mất khi mới lên 2 tuổi, một mình mẹ bà (Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đáng) phải tần tảo nuôi các con. Dù có đến 8 người con, nhưng mẹ của bà vẫn cùng các bà mẹ khác góp sức cho kháng chiến bằng những bữa cơm và tiếp tế lương thực cho bộ đội.
Ngay từ nhỏ, cô bé Chính Nghĩa đã nhanh nhẹn, thông minh. Năm 1960, khi mới 12 tuổi, cô đã làm giao liên cho cán bộ hoạt động bí mật tại xã… Đến năm 1964, người thanh niên Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Mỹ đưa ra xử bắn sau khi đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara không thành đã dấy lên phong trào tòng quân giết giặc của thanh niên ở khắp mọi làng quê của miền Nam Việt Nam.
Cái chết đầy anh dũng của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã làm xúc động cho người con gái "đất thép" nung nấu ý chí tham gia vào Đội Biệt động Sài Gòn. Gần một năm sau, Đội 5 của Biệt động Thành hoạt động tại Củ Chi tìm kiếm một cô gái dũng cảm tham gia vào đội. Đây là nhiệm vụ rất nguy hiểm với phụ nữ nên tiêu chuẩn tìm người rất khắt khe. Cuối cùng, Vũ Minh Nghĩa được chọn.
Ngày 15/4/1965, Vũ Minh Nghĩa chính thức trở thành nữ Biệt động Sài Gòn dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân (bí danh Bảy Bê, sau này là chồng của bà - Anh hùng LLVTND, đã mất năm 2006). Năm đó bà vừa tròn 18 tuổi…
Vào Đội 5, Chính Nghĩa được giao nhiều nhiệm vụ như làm liên lạc, vận chuyển thư từ, vũ khí trong nội và ngoại thành. Có những ngày, cô đi lại như con thoi theo lộ trình Sài Gòn - Thủ Đức - Củ Chi trong khi đồn bốt địch bủa khắp nơi. Nhanh nhẹn và gan dạ cô được anh em trong Đội 5 khi đó gọi với cái tên là "Chiến sĩ tên lửa", với ý nghĩa "Người giao liên nhanh và chính xác như mũi tên lửa".
Ngày tháng đã trôi qua nhiều năm, nhưng với nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Chính Nghĩa không thể nào quên những ngày trong vai "tình nhân" với Đội trưởng biệt động Bảy Bê rong ruổi khắp đường phố Sài Gòn và những trận đánh "xuất quỷ nhập thần" làm rung chuyển Sài Gòn và Lầu Năm Góc của Mỹ.
"Thời điểm ấy, tôi thường xuyên "đóng cặp" là vợ chồng với Đội trưởng Đội 5 Biệt động Sài Gòn là đồng chí Bảy Bê để che mắt địch khi đi công tác, do thám tình hình. Do nhanh nhẹn nên tôi được Đội trưởng Bảy Bê chỉ dạy cho rất nhiều kinh nghiệm hoạt động bí mật. Chẳng biết từ bao giờ giữa chúng tôi đã nảy sinh một tình yêu trong sáng và rất đẹp, nhất là trong những lần vào sinh ra tử, giáp mặt với kẻ thù. Khi hòa bình lập lại, chúng tôi mới được nên duyên vợ chồng chính thức với nhau", bà vui vẻ kể lại.
Tháng 6/1966, Đội trưởng Đội 5 bị địch bắt, chúng dùng đủ mọi cực hình tra tấn nhưng không khai thác được gì nên đày ông ra Côn Đảo. Chính Nghĩa cùng đồng đội tiếp tục ở lại chiến đấu và bà đã cùng các đồng đội đánh một trận đánh để đời vào Dinh Độc Lập Xuân 1968, làm tiền đề cho Đại thắng mùa Xuân 1975.
Từ những đóng góp của bà trong thời gian tham gia chiến tranh giải phóng đất nước, bà Chính Nghĩa đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều Bằng khen khác. Hiện nay, bà Chính Nghĩa đang sống cùng con cháu ở quận Gò Vấp và tích cực tham gia các hoạt động phục dựng, giao lưu kể chuyện về cuộc chiến đấu anh dũng của bản thân và các đồng đội của mình…