1001 chiêu làm đẹp “chui”
Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã mạnh tay xử phạt, “dẹp loạn” nhiều cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép. Song, làn sóng làm đẹp “chui” vẫn diễn ra dưới nhiều vỏ bọc và hình thức khác nhau. Lời cảnh báo về hiểm họa này đã được đưa ra rất nhiều, nó không còn mới mẻ và xa lạ nữa, nhưng vẫn có những nạn nhân “sa lầy” khiến tiền mất tật mang, thân tàn ma dại…
Làm đẹp… giá rẻ
Giữa một “rừng” thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp, với những lời quảng cáo ma mị đầy mật ngọt thì việc tìm và lựa chọn một nơi uy tín để trao gửi nhan sắc là điều rất “phiêu lưu” với phái nữ. Không ít người đã trở thành nạn nhân, mang vết sẹo suốt đời khi trót tin vào tài năng của “chuyên gia” làm đẹp tự xưng.
Là công nhân lâu năm, làn da ngày càng xám, nhăn nhúm và đồi mồi, chị Vỹ Linh (38 tuổi, ngụ TP Dĩ An, Bình Dương) muốn đi “tỉa tót” nhan sắc lại cho bằng chị bằng em. Chị Linh chưa biết phải tìm thẩm mỹ nào vừa rẻ lại vừa uy tín thì cô em xóm trọ đã “mách” ngay cho một nơi phù hợp. Cô em giới thiệu có người bạn là kỹ thuật viên tại thẩm mỹ viện lớn ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) sẽ nhờ tư vấn giúp. Sau khi trao đổi, chị Linh được người tên Thùy tư vấn trọn gói làm đẹp căng da mặt, làm đầy mũi, cằm bằng liệu pháp tiêm filler. Thùy cho biết, liệu trình này làm ở bệnh viện thẩm mỹ sẽ hết 15 triệu nhưng Thùy sẽ làm “chui” giúp chị Linh tại phòng trọ với giá 5 triệu đồng.
Thấy chị Linh đang phân vân, Thùy trấn an: “Chị đến bệnh viện thì cũng chỉ tiêm xong rồi về, mà tiền tốn rất nhiều. Em làm ở thẩm mỹ viện lâu năm, tiêm cho nhiều người nên việc này em rất thành thạo. Thuốc thì em lấy ở công ty với giá gốc nên mới rẻ như vậy”.
Nghe Thùy nói có lý, đến bệnh viện cũng tiêm, mà ở nhà cũng tiêm thì tội gì phải đi đâu cho tốn kém. Chị Vỹ Linh “chốt đơn” hẹn Thùy ngày cuối tuần sẽ tới phòng trọ của cô ấy để thực hiện ca làm đẹp. Ngày đầu tiên, chị Linh được Thùy tiêm cho một liệu trình filler ở hai bên mặt, hẹn 3 ngày sau tiêm nốt hai liều ở mũi và cằm là sẽ có vẻ đẹp đầy tròn, đủ đường nét “mặt trái xoan, cằm trái đào, mũi dọc dừa”.
Làm đẹp nhanh gọn lẹ, lại không phải nghỉ làm ở công ty khiến chị Vỹ Linh mất 5 triệu cũng cảm thấy xứng đáng. Theo lời quảng cáo của Thùy, sau khi tiêm filler, da mặt của chị Linh sẽ đẹp ngay lập tức và vẻ đẹp này nếu khéo chăm sóc, giữ gìn có thể kéo dài trong vài năm. Khoảng 10 ngày sau, chị Linh thấy một bên mặt bị lõm xuống, sờ vào thấy đau nhức và có u cứng. Chị hỏi Thùy thì được trấn an, không sao, là do quá trình tái tạo của chất làm đầy da mặt. Yên tâm với lời giải thích của Thùy, nhưng ngay hôm sau, chỗ lõm đỏ ửng, sưng tấy lên và nóng ran. Chị Linh tiếp tục gọi cho Thùy, cô này vẫn quả quyết là “không sao”, chỗ sưng cứ chườm đá lạnh vào là xẹp. Tuy nhiên, vết mụn ngày càng sưng và có nguy cơ vỡ mủ, hành chị Linh sốt gần 40 độ, chị được em gái đưa vào bệnh viện.
Tại đây, chị Linh được chẩn đoán biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn. Nếu không được xử trí kịp thời, ổ áp xe có thể lan rộng, viêm tấy lan tỏa phần mềm, hoặc vỡ ra, để lại sẹo xấu, sẹo lõm trên vùng mặt. Bên cạnh đó, những nhiễm trùng vùng mặt nếu không được xử lí đúng cách, vi khuẩn có thể theo đường máu vào các tĩnh mạch trong sọ, hoặc gây nhiễm trùng máu. Với trường hợp của chị Linh, bác sĩ đã chủ động trích rạch khối áp xe vùng má để loại bỏ tổ chức mủ dưới da. Dù bác sĩ đã xử trí an toàn, di chứng để lại cho chị Vỹ Linh là một vết sẹo lõm vùng má.
“Bây giờ nhan sắc của tôi còn không bằng trước khi tiêm filler, vết sẹo trên mặt rất to phải mất một khoản tiền lớn mới có thể đi xóa được. Tôi làm công nhân thì lấy đâu ra tiền chứ. Thùy có gọi điện an ủi động viên tôi, hứa sẽ trả lại một nửa số tiền đã lấy của tôi, nhưng sau đó thì mất tăm, gọi điện không liên lạc được”, chị Vỹ Linh buồn bã kể.
Tiêm filler trong nhà nghỉ, quán gội đầu
Muốn làm đẹp nhưng lại ít tiền, ham rẻ là tình trạng chung của rất nhiều chị em phụ nữ có thu nhập thấp. Tai nạn của chị Vỹ Linh không phải hiếm, mà có nhiều trường hợp tương tự đã từng xảy ra khi làm đẹp “chui” tại các cơ sở không có giấy phép hoạt động, thậm chí tại nhà trọ, khách sạn hoặc quán gội đầu, cắt tóc.
Một ngày cuối tuần đầu tháng 10, chị Lê Thị Nhàn (P. Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đi gội đầu, cắt tóc để cuối tuần tham dự tiệc cưới đứa em họ. Đang gọi đầu thì bà chủ tên Minh tỉ tê: “Môi của chị mỏng và thâm quá, chị có muốn làm đầy cho mọng và đỏ không? Bên em mới nhập loại thuốc từ Đức về, chỉ một liều đẹp được 6 tháng”. Chị Nhàn thật thà cho biết không có nhiều tiền để làm đẹp kiểu “nước ngoài”. Minh xua tay thêm vào: “Hàng ngoại nhưng giá Việt Nam, một liều em lấy chị 500 ngàn thôi”. Nghe có lý, trong khả năng tài chính nên chị Nhàn đồng ý “làm một liều” cho đẹp cái môi. Tiêm xong, chưa kịp về tới phòng trọ chị Nhàn thấy hai bờ môi ngứa ngáy và tê giật. Chị quay lại tiệm gội đầu hỏi bà chủ thì được khuyên về nhà chườm đá lạnh vào sẽ hết. Chị Nhàn về làm theo, không những không đỡ mà ngày hôm sau, môi chị Nhàn sưng to như quả cà chua kèm theo vết sùi bọt màu trắng. Chị Nhàn phải đi bệnh viện chuyên khoa da liễu và được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, kháng viên do bị nhiễm vi khuẩn sau tiêm Filler không được bảo quản tốt. Sau cú sốc đầu đời vì làm đẹp, chị Nhàn cho biết, quá ám ảnh và sẽ chừa tới già, không bao giờ dám liều mạng làm đẹp kiểu này nữa.
Trước đó, tại Tây Ninh hai người phụ nữ rủ nhau đi làm đẹp tại… nhà nghỉ. Không những gặp biến chứng phải đi bệnh viện cấp cứu mà họ còn bị mất cả tài sản. Theo đó, bà N.T.A (52 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) đi cùng người bạn tên Tú đến nhà một nghỉ trên địa bàn huyện Hòa Thành (Tây Ninh) để tiêm filler. Quá trình tiêm, bà A. được cho uống 2 lần thuốc không rõ loại nào. Uống xong thì bà A. ngủ thiếp đi khoảng 6 tiếng.
Khi tỉnh dậy, bà A. phát hiện người bạn đi cùng và người tiêm filler không còn trong phòng. Tài sản của bà gồm điện thoại, trang sức trên người và 7 triệu đồng tiền mặt cũng không cánh mà bay. Cảm thấy khuôn mặt có biến chứng, bà A. đến Bệnh viện đa khoa Tây Ninh cấp cứu, sau đó được hướng dẫn lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) điều trị.
Nạn nhân tiếp theo là bà T.T.H. (56 tuổi) được người tên Thủy đến tại nhà nghỉ của gia đình (xã Trường Tây, Hòa Thành, Tây Ninh) tư vấn và thực hiện tiêm filler. Trong quá trình tiêm, bà H. thấy đau nhức và đề nghị ngưng tiêm. Người tên Thủy giải thích triệu chứng này sẽ từ từ giảm, rồi rời khỏi nhà nghỉ.
Một lúc sau, bà H. thấy đau và sưng nhiều hơn nên liên hệ Thủy thì được hướng dẫn nghỉ ngơi tại chỗ. Tình trạng đau và sưng tăng lên, bệnh nhân liên hệ lại người này nhưng không được. Bà H. được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa Tây Ninh khám và cũng được hướng dẫn lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đây đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân bị tai biến do tiêm filler và có dấu hiệu bị lừa đảo.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã có văn bản gửi Sở Y tế Tây Ninh về 2 trường hợp tai biến trên. Quá trình điều tra, Công an thị xã Hòa Thành (Tây Ninh) ra quyết định tạm giữ hình sự Tôn Nữ Huy Phương (53 tuổi, được biết đến với biệt danh “Thủy thẩm mỹ”) để điều tra làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản.
Quyết liệt dẹp loạn thẩm mỹ “chui”
Trong vài năm trở lại đây, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý vi phạm nhiều thẩm mỹ viện “ma”, hoạt động không phép, quảng cáo “thần thánh hóa” các sản phẩm hàng hóa dịch vụ làm đẹp. Tuy nhiên, dù mạnh tay dẹp loạn thẩm mỹ “chui” nhưng chúng vẫn mọc ra như nấm sau mưa khi đã “thay áo, đổi tên”. Đây là một trong những chiêu trò rất tinh vi nhằm đánh lừa, qua mắt người có nhu cầu làm đẹp. Thực tế, những người làm công nhân như chị Vỹ Linh, chưa một lần đi làm đẹp, ít giao tiếp xã hội thì việc nhận biết được nơi nào uy tín, đâu là bác sĩ giỏi là điều cực kỳ khó. Mặt khác, họ là tầng lớp thu nhập thấp, không có nhiều tiền nên các đối tượng lợi dụng điều này mồi chài, dụ dỗ bằng những màn quảng cáo “có cánh”.
Làm thế nào để người đi làm đẹp được bảo vệ an toàn, không còn xảy ra những biến chứng chết người như đã từng. Đây là câu hỏi khó và nhức nhối suốt nhiều năm qua.
Bên cạnh việc xử phạt, truy cứu trách nhiệm các cơ sở thẩm mỹ vi phạm, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao các quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường rà soát việc cấp phép kinh doanh, lưu ý việc đăng ký tên của nhóm loại hình kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Các địa phương phải tăng cường hậu kiểm sau cấp phép để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm và lưu ý chấn chỉnh tên biển hiệu các loại hình dịch vụ thẩm mỹ (thêu, phun, xăm trên da), cơ sở chăm sóc da, cơ sở cắt tóc, gội đầu... phải đồng nhất với tên cơ sở trong giấy phép đăng ký kinh doanh.
"Các địa phương phải chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thực hiện các kỹ thuật xâm lấn, phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; đào tạo ngành nghề thẩm mỹ không có giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề trên địa bàn quản lý”, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị Sở Y tế xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất, thường xuyên liên tục đối với hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở hành nghề y tế tư nhân; phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quá trình hoạt động của các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ không phép, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng về phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định.
Khi phát hiện các cơ sở thẩm mỹ "chui", người dân có thể phản ánh qua đường dây nóng Sở Y tế hoặc ứng dụng “Y tế trực tuyến” trên điện thoại. Các kết quả này sẽ được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.