Nhớ một Tổng biên tập bất đắc dĩ

Thứ Tư, 23/06/2021, 15:09
Đó là một người bạn của tôi, quen biết nhau trong kháng chiến chống Mỹ khi đơn vị chúng tôi - Cụm tình báo chiến lược H67 thuộc Đoàn tình báo J22 - về hoạt động tại quê anh - chiến trường Đồng Khởi, Bến Tre.


Cái sự quen biết của chúng tôi cũng là tình cờ, bất ngờ, bởi công việc của đơn vị chúng tôi và đơn vị anh không liên quan gì tới nhau.  Anh, lúc bấy giờ là Chánh Văn phòng Thị ủy Bến Tre. Sau ngày giải phóng miền Nam, giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tôi, một cán bộ đoàn nghiên cứu địa hình của tỉnh (tên ngụy trang của Cụm H67). Bởi thời đó, tất cả các đơn vị tình báo hoạt động ở bất kể địa bàn nào cũng đều phải mang một danh xưng giả trong tiếp xúc quan hệ ở địa phương để giữ bí mật công việc của mình.

Ba Chăm (thứ hai, từ trái sang) và Tác giả bài viết (thứ hai, từ phải sang) trên cầu sông Ba Lai từ Giồng Trôm sang Bình Đại.

Vào một ngày cuối tháng 12-1969, chúng tôi quyết định xây dựng căn cứ bám trụ tại An Phước, huyện Châu Thành cho tới ngày 30-4-1975. Thời gian lâu vậy, mà phải 4 năm sau (tháng 2-1973) tôi mới gặp anh, dẫu rằng hai đơn vị chỉ cách nhau dòng sông Ba Lai nhỏ bé. Thực tình, đó cũng là cuộc gặp “bất đắc dĩ”. Một buổi chiều, trinh sát Hiệp sang hầm làm việc của tôi thông báo “chú Bảy (Cụm trưởng Bảy Vĩnh) mời anh Ba (Ba Dương - tên thường gọi của tôi ở chiến trường) sang hầm chú Bảy họp gấp!". Tôi vội sang hầm Cụm trưởng, thầm nghĩ “họp gì mà vắng hoe - nhõn một chủ nhà và một khách”. Hai người ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn ghép bằng tre. Lại thầm nghĩ “chắc là một trí thức, cơ sở bí mật từ Sài Gòn về”. Tôi vừa bước xuống hầm, Cụm trưởng Bảy Vĩnh đã reo lên “A... khách của anh tới rồi. Ba Dương! Mời vô!”.

Khách trịnh trọng đứng dậy bắt tay tôi: “Xin chào nhà báo! Vậy là chuyến đi của tôi gặp hên rồi”. Tôi ngớ người trước lời chào của vị khách lạ. Lại thầm nghĩ “Bố này chắc nghe người ta thổi mình lên đây. Có mấy bài in trên Văn nghệ Quân giải phóng, Văn nghệ Khu 8, Văn nghệ Đồ Chiều, đáng gì đâu mà khoác cho mình “cái áo” sang như vậy?”. Cụm trưởng cũng đứng lên, nhìn tôi, giới thiệu: “Anh Ba Cầu, Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư thị xã Bến Tre, sang bàn với đơn vị phối hợp một việc, mà việc này tôi nghĩ chỉ Ba Dương tham gia là phù hợp. Xin mời ngồi, có gì anh Ba sẽ trao đổi kỹ nội dung. Khách vô đề luôn".

- Thưa anh Bảy! Thưa đồng chí nhà báo!... Tình hình nghiêm trọng lắm! Hiệp định Ba Lê (Hiệp định Paris) đã được ký kết và có hiệu lực, song kẻ địch rắp tâm phá hoại Hiệp định. Chúng không từ bất kể thủ đoạn nào lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Để bù đắp số lính Mỹ rút khỏi Việt Nam, chúng sẽ tăng cường đôn quân, bắt lính. Nguồn lực chủ yếu là thanh niên, học sinh, sinh viên sống trong vùng địch tạm chiếm. 

Ở Bến Tre, địa bàn thị xã là trọng điểm vì ở đây có một số trường trung học. Trước tình hình đó, chủ trương của Thị ủy sẽ sắm ra một loại tài liệu tuyên truyền trong vùng địch tạm chiếm mà trọng tâm là khu vực học sinh, sinh viên để khơi dậy tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, chống đàn áp dân chủ, chống đôn quân, bắt lính. 

Hình thức tài liệu, có thể là một tờ báo hoặc tạp chí chi đó do phong trào yêu nước của học sinh làm ra. Vì vậy, ngôn ngữ, văn phong phải phù hợp với đối tượng. Việc này chúng tôi giao cho đồng chí Ba Chăm, Chánh Văn phòng Thị ủy tổ chức thực hiện. Cái khó nhất là lực lượng viết bài. Anh em ở các cơ quan đơn vị xưa nay chỉ quen đánh giặc, lo công việc chuyên môn của mình, không quen viết lách. Để khắc phục tình trạng này, phải tổ chức một lớp học cấp tốc về nghề viết báo cho anh em. Vì vậy, tôi đề nghị nhà báo phối hợp với Ba Chăm giúp cho việc này. Ba Chăm lo khâu tổ chức, triệu tập học viên. Còn nội dung... (ông ngước nhìn tôi, khẽ cười) phải cậy nhà báo Thái Dương thôi.

Tim tôi như muốn vọt khỏi lồng ngực bởi rơi vào tình thế bất khả kháng, đành khẽ hắng giọng, ngập ngừng.

- Dạ... Thưa anh Ba!... Vậy, khi nào có thể thực hiện?

- Nếu được anh Bảy và nhà báo ủng hộ thì chiều ngày mốt (ngày kia) đúng 3 giờ mời đồng chí sang bên tôi, qua sông, tới lộ giữa, rẽ trái, tới ngã ba sẽ có Ba Chăm ra đón.

Đêm hôm đó tôi không sao ngủ được bởi cái sự cả nể của mình. Dằn vặt mãi rồi cũng tìm ra được “lối thoát” tạo niềm tin cho mình. Cái khoản giáo trình, giáo án, ngẫm ra cũng không đến nỗi gì, “chẳng có cá lấy cua làm trọng”, ấy là nhờ cái thời làm lính pháo binh ở Quân khu Tây Bắc, đơn vị cử đi lớp viết báo ngắn hạn do Báo Quân đội nhân dân tổ chức tại thị xã Sơn La, cứ “moi” trong đầu ra những bài học cơ bản của nghề báo là có thể “đắp đổi qua ngày”. Còn cái khoản lối viết, ngôn ngữ, văn phong, giả là người sống trong vùng địch thì cũng không đến nỗi gì. Số là ngoài công tác chuyên môn, Cụm trưởng còn giao thêm cho tôi một số việc, trong đó có theo dõi hoạt động của giới ký giả Sài Gòn, thường xuyên được nghiên cứu mấy tờ báo như Tin sáng, Điện tín (nhật báo) và 2 tờ tạp chí Đối diện, Đứng dậy... Chừng đó thôi cũng tích lũy được nhiều vấn đề.

Tôi tới điểm hẹn trước 5 phút theo giờ quy định, đã có người chờ đón. Đó là một thanh niên rất kẻng trai chừng ngoài hai chục tuổi, dáng thư sinh, có mái tóc bồng bềnh lượn sóng tự nhiên. Anh ta mở lời trước.

- Xin chào anh! Anh có phải...

- Tôi là Thái Dương, bên An Phước qua.

- Ôi!... Anh Ba! Tôi là Ba Chăm. Chú Ba Cầu giao tôi đi rước và bàn công chuyện với anh. Biết anh nhận lời, bọn tôi mừng hết sảy. Xin mời anh vô cứ.

Bìa giai phẩm “Học đường mới” xuất bản năm 1973 và một số Bài viết của tác giả in trên “Văn nghệ Quân giải phóng” năm 1971.

Tôi ngỡ ngàng trước khung cảnh hoang tàn không một bóng cây, ngổn ngang những thân dừa khô khốc do bom đạn địch tàn phá nhiều lần. Bởi Phước Thạnh là địa bàn giáp ranh thị xã, trọng điểm oanh kích của địch. Thật không ngờ, ẩn dưới ngổn ngang những thân dừa te tua đầy thương tích kia lại là một hệ thống hầm kiên cố đủ sức đảm bảo an toàn cho cơ quan đầu não của thị xã. Khi đã yên vị dưới hầm làm việc, rót nước ra bát mời khách, Ba Chăm vào đề luôn:

- Báo cáo anh Ba, công tác chuẩn bị cũng hòm hòm. Đã xây dựng xong hầm hội trường, sức chứa hơn chục người. Về hình thức “sản phẩm”, tụi tôi đề xuất mấy phương án, cuối cùng lãnh đạo phê duyệt ra tờ tạp chí với tên gọi: Giai phẩm “Học đường mới”. Chủ đề: “Viết cho quê hương hòa bình”. Toàn bộ nội dung lớp học trông cậy nơi anh. Thời gian mở lớp gói gọn trong 5 ngày. 3 ngày nghe thầy giảng, một ngày viết bài, ngày chót tổng kết lớp học, chấm điểm, chọn bài cho số giai phẩm đầu tiên. Nói là 5 ngày nhưng thực ra chỉ có 5 buổi chiều, bởi buổi sáng phải án binh, đề phòng địch càn quét.

- Các anh định khi nào triển khai, tôi hỏi.

- Dạ... Chỉ chờ ý kiến của anh là triển khai ngay.

- Vậy, ta thống nhất, tính từ ngày mai, 3 ngày sau tôi sang và khai mạc luôn.

- Tuyệt vời! Nhất trí với anh như vậy.

Đúng hẹn, tôi tới khi 10 học viên đã có mặt đông đủ. Bài “nhập môn” là “Những kiến thức cơ bản của nghề báo”.

Thật không ngờ, “một mùa gặt bội thu”, ngày kết thúc người nào cũng có bài nộp, nhiều người có tới 2-3 bài với chất lượng rất tốt, dư sức cho 1 số giai phẩm với nhiều thể loại: bút ký, tiểu luận, tùy bút, tản văn và đặc biệt là thơ...

Phần cuối cùng, Ba Chăm trao đổi với tôi về Ban biên tập gồm 3 người, văn xuôi 2 và thơ 1 người. “Ai làm tổng biên tập?”, tôi hỏi. Ba Chăm ngập ngừng: “Chắc... không cần đâu anh ạ”. - “Đâu có được! đã là tờ báo hoặc tạp chí, giai phẩm, tập san... đều phải có tổng biên tập hoặc chủ bút chớ. Theo tôi, đồng chí làm tổng biên tập là ngon rồi”. - “Không được đâu anh Ba! Bởi cái khoản này tui... không rành”. - “Yên tâm đi, bởi cung đoạn cuối cùng phải được đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy duyệt, lo gì”.

Vì thời gian quá gấp, tôi không kịp có bài trong “Học đường mới” số 1. Để đa dạng chuyên mục, về căn cứ của đơn vị, tôi tranh thủ viết một truyện ngắn “Giấc mơ của người đã khuất” ký tên Đặng Thị Thanh Tính (giả danh một cựu nữ sinh Trung học Kiến Hòa - chính quyền Sài Gòn thời đó đổi tên tỉnh Bến Tre thành Kiến Hòa). Hôm đem bài sang, tiện thể thăm Ba Chăm, giữa lúc anh đang cơ cấu “Học đường mới” số 2 với 17 bài, 55 trang. Ba Chăm mừng lắm vì có thêm bài của tôi dài tới 9 trang, lại là truyện ngắn, nâng tổng số lên 18 bài, 64 trang, gồm 10 văn xuôi và 8 bài thơ. Trong đó nhiều tác giả danh xưng là học sinh hoặc cựu học sinh Trung học của tỉnh. 

Tỷ như tác giả Bàng Hữu Lộc với bài viết “Đi tìm ánh sáng” (nhớ về mái trường Trung học Kiến Hòa); Lữ Quốc Trung (Trung học Tân Dân) với bài thơ “Niềm đau”; Nguyễn Thị Hoàng Thảo, với tùy bút “Tôi đã chọn” viết về một người bạn cũ ở Trung học Kiến Hòa; Thuận Khương (Trung học Bồ Đề với tác phẩm văn xuôi “Quê hương và tôi”; Hồng Phương (học sinh lớp 8) với bài thơ “Nữ sinh Việt Nam” trong đó có mấy câu mở đầu: “Kiêu hùng thay tuổi trẻ Việt Nam/ Hùng dũng kiên cường xông ra phía trước.../ Bay phất phơ tà áo trinh nguyên/ Cao tiếng thét đòi chánh quyền thi hành Hiệp định...”.

Chỉ mấy tuần sau, tôi nhận được báo cáo của một cơ sở bí mật ở thị xã Kiến Hòa với nội dung “Dư luận dân chúng xầm xì về một tờ báo chuyền tay trong học đường, có những bài chống chánh quyền đã lắm. Nghe như do đám cựu học trò Kiến Hòa làm ra”.

Là một cựu cộng tác viên lâu năm của Báo Công an nhân dân, nhân kỷ niệm Ngày Truyền thống báo chí Cách mạng (21-6), tôi ghi lại chút hồi ức về một thời viết báo nghiệp dư nơi chiến trường xưa. Nó trở thành kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời chinh chiến của tôi.

Bến Tre 1973 -  Hà Nội, tháng 6-2021.

Khổng Minh Dụ
.
.