“4 cùng” nơi biên viễn Avương

Thứ Hai, 28/07/2025, 09:25

Nép mình giữa những dãy núi trập trùng thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ ở phía Tây TP Đà Nẵng, xã biên giới Avương, nơi cuộc sống đồng bào Cơ Tu còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, thiếu thốn. Trong bối cảnh đó, Công an xã Avương đã ghi dấu ấn với những kết quả tích cực trong đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), xây dựng niềm tin vững chắc với nhân dân. Thành công ấy gắn liền với phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào).

Bám bản, bám làng

Người dân xã Avương, TP Đà Nẵng đến nay đã rất quen thuộc với Đại úy Phạm Trần Lương Tri, người cán bộ Công an xã có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, thường xuyên đến từng nhà, từng bản làng để trò chuyện, nắm bắt tình hình thực tế trong nhân dân. Cuối năm 2021, khi đang là cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam (cũ), Đại úy Phạm Trần Lương Tri đã viết đơn tình nguyện lên vùng biên giới xã Bhalêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Avương, TP Đà Nẵng). Ngay từ những ngày đầu về cơ sở, anh đã nỗ lực làm quen với môi trường công tác mới, thường bám sát địa bàn để thực hiện nhiệm vụ.

“4 cùng” nơi biên viễn Avương -0
Công an xã Avương, TP Đà Nẵng tổ chức diễu hành, thể hiện quyết tâm trong đảm bảo tình hình ANTT.

Xã Avương có hơn 95% người dân là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Nhận thấy việc tìm hiểu ngôn ngữ, phong tục của bà con là rất cần thiết để phục vụ nhiệm vụ công tác của mình nên Đại úy Phạm Trần Lương Tri đã cố gắng học tập ngôn ngữ của bà con từ các đồng chí, đồng đội là người địa phương và thông qua những lần xuống cơ sở, tiếp xúc với người dân. Nhờ đó, anh đã hòa nhập nhanh với môi trường sống, làm việc tại xã Avương, được người dân  mực tin yêu; đồng chí, đồng đội tin tưởng.

Một trong những cán bộ Công an xã Avương có thâm niên ở vùng biên viễn heo hút này nhất là Trung tá Ngô Văn Thìn, Trưởng Công an xã. Từ năm 2009, sau khi tốt nghiệp Đại học CSND (đóng tại TP Hồ Chí Minh), anh được bố trí về đơn vị Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam cũ). Đến thời điểm ngày 1/3/2025, thực hiện chủ trương không tổ chức Công an cấp huyện, Trung tá Ngô Văn Thìn khi ấy là Phó Trưởng Công an huyện Tây Giang được điều động giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam. Và khi thời khắc lịch sử trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vào ngày 1/7/2025, Trung tá Ngô Văn Thìn được điều động về làm Trưởng Công an xã Avương.

Từ quá trình công tác căn bản trên để thấy rằng, phần lớn thời gian công tác kể từ ngày ra trường đến nay, Trung tá Ngô Văn Thìn đã gắn bó mật thiết, sâu đậm với vùng biên giới phía Tây Đà Nẵng ngày nay. Từ những lần cùng đồng đội về các bản làng để “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con đồng bào, Trung tá Ngô Văn Thìn lại có thêm cơ hội để học hỏi ngôn ngữ và phong tục, tập quán của bà con.

Bên cạnh đó, cùng với việc trao dồi, chia sẻ kiến thức với đồng chí, đồng đội, lâu dần, “tích tiểu thành đại”, Trung tá Ngô Văn Thìn đã nhanh chóng rành rọt tiếng nói cũng như phong tục, tập quán của đồng bào Cơ Tu nơi đây. Có người còn nói vui rằng, Trung tá Ngô Văn Thìn tự bao giờ đã là người con của núi rừng, của cộng đồng đồng bào Cơ Tu nơi biên viễn kỳ vĩ.

Giờ đây, khi triển khai thực hiện tổ chức bộ máy mới, lực lượng Công an xã Avương đều luôn nỗ lực từng ngày bám bản, bám làng để giữ gìn sự bình yên nơi “phên giậu” Tổ quốc và bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Thiếu tá Ông Văn Thức, Thiếu tá Hốih Dương, Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh, Đại úy Zơrâm Thân Ba, Đại úy Phạm Ngọc Thủy… của Công an xã Avương đã trở nên rất đỗi thân thương với bà con nơi đây. Trong đó, Đại úy Phạm Ngọc Thủy là cán bộ do Bộ Công an tăng cường về.

Đại úy Phạm Ngọc Thủy sinh ra và lớn lên ở vùng đất cao nguyên Đắk Lắk đầy nắng và gió. Ngay từ khi còn bé, anh đã nuôi ước mơ khoác lên mình màu áo CAND để góp phần nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học ANND năm 2016, anh được nhà trường điều động đến nhận nhiệm vụ tại Khoa An ninh xã hội (nay là Khoa An ninh nội địa).

“4 cùng” nơi biên viễn Avương -0
Lực lượng Công an xã Avương triển khai mô hình “Trao sinh kế, tiếp nhận vũ khí”.

Quá trình công tác tại trường với nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, khi có thông báo về chủ trương của Bộ Công an tăng cường cán bộ Công an chính quy đến công tác tại Công an xã biên giới đợt 2, nhận thức được việc này là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng nên Đại úy Phạm Ngọc Thủy đã đề xuất nguyện vọng tình nguyện tăng cường về Công an xã biên giới với cấp ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học ANND và lãnh đạo Khoa An ninh nội địa. Vậy là từ tháng 11/2023, anh được điều về công tác tại Công an xã biên giới Bhalêê, huyện Tây Giang (nay là xã Avương).

“Với bản thân tôi, một giảng viên nghiệp vụ giảng dạy về lĩnh vực đảm bảo an ninh nội địa, để bài giảng được sống động, chất lượng, góp phần đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cho học viên thì chất liệu, hơi thở thực tiễn là rất quan trọng. Chính vì vậy, việc được điều động về địa bàn xã biên giới Avương là một trải nghiệm quý báu”, Đại úy Phạm Ngọc Thủy chia sẻ.

Nhiều cách làm hay

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Công an xã Avương đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả nhằm giữ vững “vùng xanh” về ma túy, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Điển hình, từ khi triển khai thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp đến nay, Chi đoàn Công an xã Avương đã tích cực, tiên phong triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến, tham gia vận hành mô hình chính quyền điện tử, giúp người dân làm quen với các ứng dụng như VNeID hay Cổng dịch vụ công quốc gia. Do là địa bàn vùng biên giới, hạ tầng mạng còn hạn chế, người dân chưa quen sử dụng điện thoại thông minh… nên việc cung ứng DVC trực tuyến trên địa bàn xã Avương trong giai đoạn đầu triển khai chính quyền địa phương 2 cấp gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tế đó, tuổi trẻ Công an xã Avương đã phối hợp Đoàn Thanh niên xã tổ chức Đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và cung cấp DVC trực tuyến; phối hợp chặt chẽ với cán bộ, công chức xã, đảm bảo các nhiệm vụ hành chính được thực hiện thông suốt, trơn tru, hiệu quả. Tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Avương, các đoàn viên Chi đoàn Công an xã Avương thường xuyên có mặt để trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường số, từ việc cài đặt ứng dụng VNeID, đăng ký tài khoản định danh điện tử đến nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu kết quả và thanh toán trực tuyến.

Các đoàn viên Công an đã tận tình hỗ trợ từng thao tác, đảm bảo người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ. Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Avương, lực lượng thanh niên tình nguyện còn đi sâu vào các thôn, trực tiếp đến các khu dân cư để hướng dẫn người dân, đặc biệt tại những khu vực xa trung tâm, nơi điều kiện tiếp cận công nghệ còn hạn chế.

“4 cùng” nơi biên viễn Avương -0
Công an xã Avương hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Từ thực tế có thể khẳng định rằng, việc triển khai công nghệ số, chính quyền số giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại và tăng cường sự minh bạch trong quản lý hành chính. Một người dân ở thôn Ta Lang, xã Avương chia sẻ rằng trước đây, làm giấy tờ phải đi cả ngày đường, nhưng “giờ có các anh Công an hướng dẫn, chỉ cần ngồi ở nhà là xong”. Việc ứng dụng công nghệ số kết hợp với tinh thần “4 cùng” đã trở thành cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực của lực lượng Công an xã Avương.

Trung tá Ngô Văn Thìn, Trưởng Công an xã Avương cho biết, thời gian qua, Công an xã Avương đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo để đảm bảo ANTT và hỗ trợ đời sống bà con, như “Lá chắn vùng biên” để tăng cường tuần tra biên giới, “Nhà tôi có bình chữa cháy” và “Tổ liên gia an toàn PCCC” để nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy, hay “Cổng trường an toàn giao thông” để bảo vệ an toàn cho học sinh. Trong số các mô hình đã được triển khai tại xã Avương thì “Trao sinh kế, tiếp nhận vũ khí” là mô hình nổi bật, được xem là sáng kiến điển hình, kết hợp giữa đảm bảo an ninh và hỗ trợ phát triển kinh tế người dân. Mô hình này nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, khuyến khích bà con tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế, đồng thời hỗ trợ sinh kế để thay đổi nếp sống, chấm dứt hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép.

“Công an xã Avương chủ động tiếp cận, tuyên truyền để bà con hiểu rõ các quy định pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng như tác hại của việc tàng trữ vũ khí trong gia đình. Mỗi công dân tự nguyện giao nộp vũ khí được hỗ trợ một lần sinh kế duy nhất, như giống cây trồng hoặc vật nuôi, và ký cam kết thay đổi hành vi. Chỉ từ ngày 1/7 đến nay, qua mô hình này, chúng tôi đã tiếp nhận 11 khẩu súng tự chế các loại do người dân tự nguyện giao nộp”, Trung tá Ngô Văn Thìn thông tin thêm.

Với đặc thù là xã biên giới, đa số người dân là đồng bào thiểu số nên Công an xã Avương rất thấu hiểu vai trò của già làng, người có uy tín (NCUT) vì chính họ là cầu nối để gắn kết cộng đồng. Từ nhận thức trên, Công an xã Avương đã phát huy vai trò của các già làng, NCUT để tuyên truyền pháp luật, vận động bà con tham gia giữ gìn ANTT từ cơ sở, ở cơ sở. Thông qua NCUT, Công an xã dễ dàng tiếp cận người dân, giải thích các vấn đề như phòng, chống ma túy, bảo vệ tài nguyên rừng hay giữ gìn an ninh biên giới.

Trong các buổi tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, già làng, NCUT cùng góp thêm những lời khuyên, kể những câu chuyện thực tế giúp bà con dễ dàng tiếp thu. Sự phối hợp này giúp người dân hiểu rõ hơn về pháp luật, tích cực tham gia phong trào tự quản, đưa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn.

Xã Avương, TP Đà Nẵng được thành lập ngày 1/7/2025 theo Nghị quyết số 1659/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở sáp nhập xã Avương và xã Bhalêê thuộc huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam trước đây. Toàn xã Avương mới có diện tích tự nhiên 225,3km2, có 16 thôn, 1.329 hộ dân với 5.426 khẩu, trong đó đồng bào Cơ Tu chiếm hơn 95%.

Ngọc Thi
.
.