An ninh bệnh viện và những lỗ hổng

Thứ Sáu, 11/04/2014, 19:55

Chưa bao giờ vấn đề an ninh bệnh viện lại trở nên nóng bỏng như bây giờ. Trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong khuôn viên bệnh viện; Cò mồi, giả danh bắt cóc, mua bán trẻ em; Gây rối, hành hung bác sĩ, phá hoại tài sản công cộng tại bệnh viện đang là những vấn đề nhức nhối. Mới đây, chiến công của Công an Quận 7 TP HCM triệt phá một đường dây môi giới, mua bán trẻ sơ sinh lại tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh giác cho toàn xã hội đối với vấn đề bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế. Họ chính là những người đang trải qua giai đoạn yếu ớt nhất của cuộc đời, nên nhu cầu được che chở lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

14 giờ 30 phút tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Trung tâm nằm ở tầng 2 của tòa nhà. Muốn vào trung tâm, phải đi qua một cửa bảo vệ do một nhân viên an ninh bệnh viện mặc đồng phục màu xanh đậm kiểm soát. Người nhà không ai được vào hành lang này, trừ trường hợp xin phép được vào đón tay bé xong là phải ra ngay.

Qua cánh cửa sơn trắng toát là một khu đệm, được ngăn cách với khu vực chăm sóc các bé bằng một hàng cửa lan can inox sạch bóng. Ngoại trừ các điều dưỡng viên mặc đồng phục xanh, đội mũ trùm tóc đảm bảo vệ sinh thì người thường không được phép qua hàng lan can này.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Bích Thủy nói với tôi: “Nếu muốn vào chụp ảnh thì có thể được một lúc, nhưng phải đeo ủng bọc giày lại”. Nói rồi, chị Thủy đưa cho tôi một đôi bọc ủng bằng vải pha nilon và bảo tôi đi trùm ra ngoài đôi giày. 

Dọc hành lang trung tâm dựng đầy máy móc chuyên dụng. Bên phải hành lang là khu vực chăm sóc các bé bình thường. Bên trái là các phòng đặc biệt, hầu hết là lồng kính, để chăm sóc các bé sinh non, bệnh lý. Chị Thủy cùng các điều dưỡng viên nhịp nhàng di chuyển giữa các cũi inox bóng loáng san sát nhau để chăm sóc các bé.

Chị Thủy cho biết, các bé xuống đây từ Khoa đẻ, đi kèm hồ sơ và số hiệu, không bé nào giống bé nào. Mỗi ngày trung tâm đón nhận từ 40 - 50 bé, và cũng chừng ấy bé được giao về cho gia đình, về tận giường sản phụ. Mọi trường hợp đón bé đều phải có đầy đủ giấy tờ. Có những trường hợp trẻ sinh non, mẹ bệnh lý hoặc con bệnh lý không thể trao bé tận giường, người nhà phải trình đủ các loại giấy tờ chứng minh như giấy tạm thu viện phí, chứng minh thư khớp với hồ sơ của các bé.

Chị Thủy lật giở từng trang sổ ghi chép của trung tâm. Mọi trường hợp đón bé đều có ghi cụ thể tên, tuổi người đón, số CMND, nơi cấp, ngày cấp… và gia đình ký nhận đầy đủ.

Đang câu chuyện, đột nhiên cánh cửa đẩy vào. Một y tá áo trắng đẩy xe, bên trong là 2 sinh linh bé nhỏ vừa chào đời. Đi theo là một vài người nhà, ý chừng là chờ để được đón tay bé. Chị Thủy lập tức phân công điều dưỡng viên đón các cháu bé. Cô điều dưỡng viên trẻ với giọng nhẹ nhàng vừa đủ nghe đọc kiểm tra thông tin với người nhà, vừa đọc vừa kiểm tra sơ bộ tình trạng từng bé: kiểm tra giới tính, kiểm tra hậu môn, cử động bàn tay…

Lần lượt các bé được tiếp nhận. Cung Đình Phúc. Con trai. Số 2138. Sinh 14 giờ 40 phút. 4kg… Phạm Thùy Linh. Con gái. Số 2139. 3,8kg. Như vậy là hai em bé này ra đời liền nhau, và cùng xuống một lượt. Điều dưỡng viên đọc đến đâu, gia đình đứng cạnh xác nhận đến đấy. Trước khi đưa từng bé vào trong, điều dưỡng viên không quên nhẹ nhàng hỏi: “Ai đón tay bé nào?”. Bé Phúc được bà nội bế lần đầu tiên trong đời, khóc to lắm.

Đứa trẻ sinh ra là niềm vui khôn tả với gia đình.

Sau một loạt những bất trắc xảy ra thời gian qua, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã được tăng cường an ninh khá tốt. Nhân viên an ninh mặc đồng phục có mặt ở khắp các vị trí cần kiểm soát. Về cơ bản được tìm hiểu, mọi quy trình từ giao nhận các bé, tắm bé cũng như xuất viện đều được làm khá chặt chẽ.

Tuy nhiên, sự quá tải thì vẫn còn. Tình trạng người thân, gia đình sản phụ đi theo vạ vật ghế đá, hành lang vẫn không phải là hiếm gặp, gây không ít khó khăn cho hoạt động kiểm soát an ninh trong khuôn viên bệnh viện. Thực tế cho thấy hầu hết các vụ đánh lừa sản phụ bắt cóc trẻ sơ sinh đều bắt đầu từ việc kẻ gian trà trộn vào đây để nắm thông tin để lựa chọn "con mồi".

Trường hợp Nguyễn Thị Lệ bắt cóc bé sơ sinh con trai của sản phụ Trần Thị Thơm ngay tại bệnh viện này cách đây ít lâu là một ví dụ. Sẵn ý đồ bắt cóc trẻ sơ sinh, sau nhiều ngày vạ vật cùng người nhà sản phụ, Lệ đã nắm được quy luật hoạt động của khu điều trị tự nguyện. Đa phần ở đây là các ca đẻ mổ, thời gian nằm viện của sản phụ thường kéo dài một tuần, người nhà mệt mỏi, chểnh mảng. Nắm được bé con chị Thơm chưa tiêm phòng, Lệ quyết định khai thác sơ hở này. Lệ đã lấy trộm áo blouse, đeo thẻ của bệnh viện đến bên giường nằm của chị Thơm yêu cầu đưa bé Trường đi xét nghiệm để tiêm rồi sau đó chuồn thẳng.

Sau đúng 4 ngày vất vả, các chiến sĩ Công an TP Hà Nội đã tìm lại được cháu bé trong nỗi vui mừng vô hạn của cả gia đình và đội ngũ y bác sĩ, khép lại sự cố đáng tiếc lần đầu tiên trong suốt 55 năm lịch sử Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ban giám đốc bệnh viện khi ấy đã phải đứng ra nhận lỗi, xin lỗi gia đình sản phụ. Kíp trực ngày hôm ấy bị xử lý trách nhiệm nghiêm khắc.

Và mới đây nhất là vụ bắt cóc bé trai của sản phụ Nguyễn Thị Minh Tâm tại Bệnh viện quận 7, TP HCM. Sẵn ý đồ xấu, Lê Thị Bích Trâm lê la tại nhiều bệnh viện để tìm cách thực hiện. Nhiều lần quanh quẩn ở Bệnh viện quận 7, Trâm nhận thấy an ninh khá lỏng lẻo, ra vào tự do nên quyết định ra tay.

Chiều ngày 8/1/2014, Trâm lân la vào phòng hậu sản làm quen với chị Tâm ngay sau khi bé trai 3,2kg của chị Tâm vừa xuống giường với mẹ. Lấy cớ chăm sóc chị dâu cũng đẻ nằm phòng bên cạnh nhưng bên ấy không có chỗ nghỉ, Trâm đã nghỉ đêm ngay cạnh giường của mẹ con chị Tâm. Sáng hôm sau, nhân khi chị Tâm đi vào nhà vệ sinh, Trâm đã bế bé đi mất. Lại cũng phải sau 4 ngày truy tìm, vận động vất vả, các chiến sĩ Công an quận 7, Công an TP HCM mới đưa được cháu bé về với mẹ.

Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, việc đảm bảo an ninh, an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh là công việc vô cùng quan trọng. Người mẹ phải mang nặng đẻ đau, 9 tháng 10 ngày mới sinh nở khó nhọc, nên đối với đội ngũ y bác sĩ càng phải nâng cao trách nhiệm, đặt yếu tố an ninh, an toàn lên vị trí đặc biệt quan trọng.

Về cơ bản, các công đoạn từ khâu làm rốn, chuyển bé, tắm bé, tiêm phòng, tiêm chủng, xuất viện đều được làm rất chặt chẽ và đã thành quy trình chuẩn. Chẳng hạn như riêng thẻ tên đánh số mẹ và con, trước đây là miếng kẽm có lồng dây, tính đảm bảo không cao. Nhưng nay bệnh viện đã nhập công nghệ từ Malaysia, thẻ dây có đánh số. Mẹ một chiếc, con một chiếc, cố định nơi cổ tay mẹ, cổ chân con. Bé trai dây trắng, bé gái dây hồng, không số nào trùng số nào.

Ngoài ra, điều đặc biệt của loại thẻ số này là một khi đã bấm vào là không tháo ra được, cả sản phụ lẫn sơ sinh. Các sản phụ và gia đình đều được dặn trước điều này, và một khi bị tháo ra khỏi người (chỉ có thể cắt bằng kéo, dao), thẻ không còn tác dụng và không được công nhận nữa. Toàn bộ thông tin hồ sơ liên quan đến bé sơ sinh và mẹ sẽ được kiểm tra lại một lượt kỹ càng khi làm giấy chứng sinh để tránh mọi nhầm lẫn.

Một trong những khâu có thể xảy ra sơ suất, đó là tắm bé thì đã được giải quyết bằng phương án giờ tắm bé và vệ sinh sản phụ là toàn bộ người nhà phải ra ngoài. Trong thời gian này chỉ có sản phụ, trẻ sơ sinh và lực lượng chuyên môn của bệnh viện chịu trách nhiệm toàn bộ. Về cơ bản, sản phụ cần ý thức rằng chỉ có thời gian này mới được phép giao con vô điều kiện cho các y, bác sĩ để thực hiện công tác chuyên môn (tắm, chăm sóc bé…).

Bởi vì đây là giai đoạn bệnh viện kiểm soát hoàn toàn. Còn trong mọi thời điểm khác trong ngày, nếu không quen mặt, sản phụ đều có quyền hỏi rõ người đến đưa bé đi là ai, thậm chí là cả xác nhận của y tá trực buồng nếu cảm thấy chưa yên tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, khâu này cũng chưa từng xảy ra sai sót.

Đáng lo ngại nhất có lẽ là thời gian vào thăm tự do. Đây là quãng thời gian mà lực lượng an ninh bệnh viện chỉ đóng vai trò giữ gìn trật tự là chính. Đây cũng là quãng thời gian dài nhất trong ngày và với tình trạng quá tải như hiện nay thì sự kiểm soát lại càng trở nên khó khăn. Nhìn lại những vụ bắt cóc trẻ sơ sinh chủ yếu đều diễn ra trong quãng thời gian này.

Hiện tại, phương án kiểm soát chặt chẽ nhất được áp dụng, đó là mọi trẻ sơ sinh muốn được đưa ra khỏi khu vực đều phải có giấy xuất viện. Mặc dù thế, một khi đã có ý đồ xấu thì sự kiểm soát của lực lượng an ninh bệnh viện chưa hẳn lúc nào cũng phát huy được hiệu quả tuyệt đối. Bệnh viện quá tải, người ra vào nườm nượp, sản phụ còn phải nằm chung giường nên việc giám sát người nhà là gần như không thể. Trong tình huống này, có lẽ tốt nhất là mỗi sản phụ phải có ý thức nâng cao cảnh giác.

Trong trường hợp có việc buộc phải đi ra khỏi buồng mà để con lại thì chỉ nên gửi y tá, hộ lý quen mặt hoặc gửi trực tiếp sản phụ khác tin cậy. Đối với mọi trường hợp, tuyệt đối không gửi con cho người nhà sản phụ khác hoặc người không quen biết có mặt trong buồng

Mai Khuê
.
.