Nạn bạo hành gia đình: “Sát thủ” trong bóng tối
Bữa cơm trong bóng tối và nước mắt
Sau khi Chuyên đề ANTG khởi đăng loạt bài "Bạo lực gia đình - những vết thương nhức nhối", chiều 8/12, bà Nguyễn Thị N. đã gọi điện đến đường dây nóng của tòa soạn. Chỉ nói được mấy câu, bà N. đã òa khóc nức nở.
Mới ngoài 50 tuổi nhưng sự khắc khổ, vất vả khiến bà N. già hơn cả chục tuổi. Những nếp nhăn xô lại nơi khóe mắt, trên gò má rám nắng. Gương mặt phờ phạc, đôi mắt vốn sắc sảo trước đây nhiều lúc ngơ ngác, vô hồn. Câu chuyện cuộc đời của bà N. phần nhiều là những ngày đầy khổ đau và nước mắt.
Bị chồng bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần, nhiều lần bà N. đã có ý định quyên sinh. |
"Số tôi vất vả từ nhỏ" - bà N. bắt đầu câu chuyện của mình trong tiếng thở dài. Mới 5 tuổi thì mẹ mất. Bố đi lấy vợ hai. 5 anh chị em bà N. tự rau cháo nuôi nhau.
"Thiếu tình cảm từ nhỏ nên khi lấy chồng, tôi vui lắm. Tôi nghĩ mình sẽ được bù đắp những mất mát đã phải chịu đựng. Tôi luôn khao khát một gia đình êm ấm, nơi mọi người yêu thương nhau và được yêu thương. Nhưng cái số tôi không được như vậy" - bà N. đưa tay lên quệt nước mắt.
Chồng bà N. là ông Nguyễn Mạnh H. (56 tuổi), người cùng xã. Bà N. cho biết hai người là bạn học với nhau từ nhỏ. Khi ngỏ lời yêu nhau thì ông H. đi bộ đội. 5 năm chờ đợi, không ít người đến dạm hỏi nhưng bà N. nhất mực đợi ông H. trở về. Năm 1985, hai người làm đám cưới. Năm 1987, bà N. sinh được cô con gái duy nhất.
Theo lời bà N. kể thì mặc dù chồng bà làm việc tại một cơ quan tài chính của địa phương nhưng trong suốt 30 năm chung sống đến nay, bà chưa hề biết đến đồng lương của chồng. Vốn là người phụ nữ tháo vát, chịu thương chịu khó, một tay bà vừa lo toan việc nhà, vừa kinh doanh buôn bán, nuôi con ăn học.
Thế nhưng số phận thật trớ trêu và khắc nghiệt. Bà N. còn nhớ như in cái ngày định mệnh của cô con gái xấu số. Đó là ngày 2/7/2009. Con gái bà qua đời vì tai nạn giao thông, khi chỉ một tuần nữa là nhận bằng tốt nghiệp đại học. Một năm trời, bà N. như phát điên vì đau buồn khi mất đi đứa con gái duy nhất. Khao khát có một đứa con, một năm sau đó, bà N. đến bệnh viện thụ tinh nhân tạo. Nhưng ông trời chẳng chiều lòng người. 5 lần thụ tinh đều không thành.
"Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ nên rất thèm khát tình cảm gia đình. Sau khi con gái mất, nhà chỉ có hai vợ chồng đã có tuổi ra vào nhìn nhau buồn lắm. Tôi muốn có đứa con cho thành một gia đình, gắn kết vợ chồng, về nhà có đứa gọi bố, gọi mẹ nên đầu năm 2013, tôi quyết định xin một bé gái về làm con nuôi. Người đàn bà đi lấy chồng, có con là của, có chồng là tình thương. Tôi không mong gì hơn thế. Tôi luôn khao khát một mái ấm, có đứa trẻ bi bô trong nhà. Lớn lên nó sẽ là chỗ dựa cho hai vợ chồng" - bà N. tâm sự. Trước khi nhận con nuôi, bà cũng đã trao đổi với chồng nhưng không hiểu vì lý do gì, ông H. cứ gạt đi không đồng ý. Đến khi bà N. bế cháu bé về nhà, ông H. tỏ ra khó chịu, bắt đầu chửi mắng và đuổi hai mẹ con bà đi. Có hôm, bà phải bế con sang nhà hàng xóm ở nhờ vài hôm cho ông H. nguôi mới về nhà.
Có những hôm vợ chồng cãi vã, sáng hôm sau bà lại xách cặp lồng đi mua phở về cho chồng ăn, mong chồng nguôi giận. Chiều chồng, bà còn mua quần áo mới, mua thuốc nhuộm tóc về nhuộm cho chồng. "Tôi cũng có tuổi rồi nên kể cả trường hợp ông ấy có đi với ai bên ngoài, tôi cũng đồng ý, miễn là về nhà ông ấy vui vẻ, không đánh mắng vợ con" - bà N. kể.
Nhưng từ đầu năm 2014, khi bà N. phát hiện ông H. có "bồ nhí" 8X thì tình hình ngày càng tệ hơn. Không những bị chồng kiếm cớ chửi mắng, bà còn bị "bồ nhí" của ông H. nhắn tin, gọi điện thoại chửi bới, thách thức. Đầu năm 2014, bà nghe tin chồng cùng bồ nhí đi thụ tinh nhân tạo. Rồi cô bồ nhí có thai. Không hiểu có đúng là con của ông H. không, nhưng từ đó ông H. càng đối xử tệ bạc với vợ hơn. Có mấy chỉ vàng hai vợ chồng dành dụm được, ông H. cũng mang đi. Còn cô bồ nhí, lấy cớ đã mang thai cho ông H. nhắn tin thách thức bà N. với lời lẽ hết sức xấc xược. Cô ta nói rằng cái bụng bầu chính là thứ vũ khí làm gia đình bà tan nát, rằng cô ta sẽ lấy đi những gì mà bà đang có…
Từ ngày bồ nhí mang thai, ông H. như người mê muội. Tối nào ông cũng gây sự, đòi bà N. phải đưa sổ đỏ. "Ông ấy là cán bộ mà chửi bậy bạ lắm. Xúc phạm tôi đã đành, ông ấy xúc phạm đến cả bố mẹ tôi, những người đã khuất. Ông ấy có những hành động làm nhục tôi. Tôi đau khổ tột cùng. Chẳng lẽ 30 năm chung sống với nhau, tôi hết lòng tận tụy chăm sóc gia đình, lo cho chồng con mà giờ ông ấy phủi hết tất cả hay sao?" - bà N. nghẹn ngào, hai hàng nước mắt chứa chan. "Có những đêm bị ông ấy đánh chửi, tôi quỳ xuống đất van xin, bảo ông muốn gì cũng được, miễn là đừng động vào tôi, để cho tôi được yên thân. Nhưng ông ấy vẫn không để cho tôi được yên. Có đêm nghĩ quẩn, tôi ôm con bé định ra sông Hồng nhảy xuống chết quách đi cho đỡ khổ. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, con bé không có tội gì cả. Nếu tôi có chết thì ai sẽ nuôi nó đây? Tôi đã nhận nuôi nó từ khi nó mới được sinh ra làm người. Tôi coi nó như con đẻ, tôi phải có trách nhiệm nuôi nó. Con tôi mất rồi. Tôi là mẹ, tôi luôn khao khát được làm mẹ. Vậy tại sao chồng tôi lại không cho tôi cái quyền đó cơ chứ?" - bà N. đưa tay lên ôm ngực, giọng tức tưởi.
Rất nhiều lần cãi vã, xô xát, xóm giềng đến can thiệp, ông H. đều không nghe. 2 lần vào tháng 7 và tháng 10/2014, bị chồng đánh đau, bà N buộc phải đến Cơ quan Công an trình báo. Hai lần ông H. bị xử phạt hành chính, ông H. thôi đánh vợ nhưng bạo hành tinh thần vẫn diễn ra. Sợ hãi đến nỗi giờ đây, buổi tối trước khi đi ngủ, bà phải cài trước số điện thoại của đồn công an để nếu bị chồng đánh thì chỉ việc bấm máy gọi cho nhanh. Cửa nhà cũng không dám khóa, chỉ làm cái móc tạm để nếu xảy ra điều gì còn ôm con chạy ra đường kêu cứu. "Tôi mệt mỏi vô cùng. Cứ buổi tối khi ông ấy đi làm về là tôi lại căng như dây đàn. Về đến nhà là ông ấy chửi. Tôi phải bật đài to để át tiếng chửi của ông ấy. Quá mệt mỏi, một tháng nay, tôi ra Hà Nội đi bán hàng thuê, vừa có tiền để nuôi con, vừa khuây khỏa nỗi lòng. Vậy mà về nhà, ông ấy chửi tôi là mày đi làm cave à? Tôi ngần này tuổi rồi, đầu hai thứ tóc rồi. Sao ông ấy có thể sỉ nhục tôi như vậy?".
Bà N. đau khổ kể rằng, ngày nào cũng vậy, 11 giờ đêm bà mới ăn cơm. Lý do bà không thể ăn sớm hơn, vì bị chồng chửi như vậy thì làm sao mà nuốt trôi cho được. Buổi chiều tối, đón con từ mẫu giáo về, bà xin cơm hàng xóm cho con ăn, cho uống sữa. Đợi đến khi ông H. chửi bới chán chê rồi đi ngủ, bà mới dậy nấu cơm. Mò mẫm nấu và ăn trong bóng tối để ông H. không biết được. "Bưng bát cơm lên đắng miệng lắm, nhưng tôi vẫn phải cố nuốt để có sức ngày mai đi làm nuôi con. Hôm nào cũng bát cơm chan nước mắt cô ạ. Tôi thực sự mệt mỏi lắm rồi. Bây giờ, tôi chỉ có niềm vui là đứa con gái 2 tuổi. Mỗi lần thấy tôi khóc, nó biết lau nước mắt cho tôi. Tôi thấy thế là đủ. Tôi cảm nhận được tình thương từ con bé rồi. Còn chồng tôi thì bạc quá. Tôi không hy vọng ông ấy sẽ nghĩ lại tình vợ chồng nữa rồi". Bà N. lại tức tưởi đưa tay lên ôm ngực, nén những tiếng thổn thức chực bật ra.
Bạo lực tinh thần - "sát thủ" nguy hiểm
Theo cán bộ tham vấn của Trung tâm Phụ nữ và phát triển, trường hợp bà N. nêu trên là điển hình cho những phụ nữ bị chồng bạo lực cả về thể chất và tinh thần. Đặc biệt những tổn thương về tinh thần kéo dài khiến bà N. đã có lúc định quyên sinh là điều hết sức đau đớn. Nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ cho thấy bạo lực về tinh thần có ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn so với bạo lực tình dục và thể xác. 54% phụ nữ cho biết đã phải chịu bạo lực tinh thần trong đời. Bạo lực tinh thần được xem là "sát thủ" để lại hậu quả nghiêm trọng nhất (đặc biệt là đối với phụ nữ).
Hiện nay các vụ bạo lực thống kê được đa số là bạo lực thể xác, kinh tế, là các dạng bạo lực có thể nhìn thấy được, dễ dàng thu thập bằng chứng nên dễ phát hiện để ngăn chặn và xử lý. Còn hầu hết bạo lực tinh thần vẫn còn nằm trong bóng tối bởi sự im lặng, che giấu của nạn nhân. Điều này khiến cho hình thức bạo lực này khó bị phát hiện, cùng với đó việc thu thập "tang chứng, vật chứng" rất khó nên công tác xử lý của cơ quan chức năng còn hạn chế.
Bạo lực tinh thần thường diễn ra âm thầm trong các gia đình học vấn cao là phần nhiều và rất cay độc, để lại hậu quả xấu rất lớn. Đây là một tình trạng mới phát sinh trong đời sống hiện đại. Nguyên nhân là do những nạn nhân có trình độ học vấn cao, có địa vị xã hội, ngại công khai mình là nạn nhân bị bạo lực bởi danh dự bản thân, gia đình. Do đó, hình thức bạo lực này càng có cơ hội phát triển. Nhìn lại, những vụ tự vẫn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình đều tập trung ở các gia đình có kinh tế, tri thức thay vì ở các gia đình học vấn thấp.
Mới đây nhất, vụ việc thai phụ Lê Thị H.M. (28 tuổi) ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ ôm con nhỏ nhảy xuống sông Lô quyên sinh đã gây chấn động dư luận. Gia đình nạn nhân đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng cho rằng nguyên nhân cái chết thương tâm và oan nghiệt của mẹ con chị M, là do bị một số người trong gia đình nhà chồng bạo hành về tinh thần trong suốt thời gian dài, từ khi chị M. về làm dâu cho tới khi mang thai đứa con thứ 2. Sự thật cái chết của mẹ con chị M. đang được cơ quan chức năng làm rõ. Nhưng một phụ nữ có học thức, có công việc ổn định như chị M. tìm đến cái chết chứng tỏ nạn nhân rơi vào tình trạng quẫn bách về tâm lý, không lối thoát.
Để ngăn ngừa hình thức bạo lực trong bóng tối này và để những chế tài pháp luật phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ nạn nhân, xử lý thủ phạm, không còn cách nào khác là phải phá vỡ sự im lặng, đồng thời kêu gọi sự lên tiếng của nạn nhân cũng như người thân bên cạnh. Đây cũng cách tốt nhất để nạn nhân bị bạo lực tinh thần tự bảo vệ và cứu mình khỏi những bi kịch bế tắc.