“Bài học lớn” ở một đơn vị Anh hùng

Thứ Tư, 10/11/2010, 05:40
Công an huyện Thanh Trì là một trong những đơn vị của Công an Hà Nội được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới. Ở đây, có một thứ được gọi là "bài học lớn" - thậm chí, bài học này còn được biên soạn thành sách và mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) phải xem như "kim chỉ nam" cho mọi hành động của mình.

Công an ở nơi "làng lên phố"

Thượng tá Nguyễn Đình Thế - Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì tâm sự với chúng tôi: Tốc độ đô thị hóa của Thanh Trì nhanh đến chóng mặt. Chỉ mới năm nào thôi Thanh Trì còn là một huyện nông nghiệp. Đô thị mọc lên cũng là lúc đất Thanh Trì chứng kiến nhiều thay đổi, người tứ xứ đổ về. Kéo theo đó là nhà nghỉ, nhà trọ, các dịch vụ ăn chơi giải trí mọc lên như nấm. Thanh trì lại là địa bàn nằm kẹt giữa những địa bàn nhiều phức tạp như Hà Đông, Thanh Xuân và đặc biệt là quận Hoàng Mai, nơi có 2 bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát khiến cho tình hình phố huyện này càng trở nên phức tạp.

Chỉ tính riêng trong 4 năm thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ", Công an Thanh Trì đã thụ lý gần 1.000 vụ việc liên quan tới 3 lĩnh vực kinh tế, hình sự và ma túy. Ngoài ra còn chưa kể đến hàng nghìn vụ việc liên quan đến tụ tập đông người gây mất trật tự trên địa bàn, các vụ lôi kéo đám đông tranh chấp đất đai...

Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, các khu công nghiệp, khu đô thị mọc lên, người dân đang quanh năm gắn với ruộng đồng bỗng dưng nhận được một khoản bồi thường giải phóng mặt bằng, nhà ít thì nhận được vài chục, vài trăm triệu, nhà nhiều thì dăm tỉ đồng. Thế là cả làng cả xã hò nhau xây nhà lầu, sắm xe cộ. Đám thanh niên được bố mẹ chia cho mỗi đứa con mấy trăm triệu bỗng chốc tiền đầy túi, nhiều người chẳng biết làm gì "thôi đành"... đổ vào ăn chơi.

Vậy nên, cũng như một số địa phương là Hòa Lạc, Sơn Tây, Mỹ Đình, Thanh Trì vướng vào bi kịch của sự giàu lên đột ngột. Nhiều thanh niên vướng vào cờ bạc, chích hút, mại dâm, tệ nạn xã hội. Trong các vụ ăn chơi phá phách, đua xe đình đám quy mô lớn mà các đơn vị Công an triệt phá trên địa bàn Hà Nội, thể nào "dân chơi Thanh Trì" cũng đóng góp vài đối tượng. Đô thị hóa kéo theo những thách thức mới và biến Thanh Trì trở thành địa bàn phức tạp về an ninh trật tự.

Viết cẩm nang đối phó với... "cướp làng"

Nạn cướp tài sản là một trong những vấn đề nhức nhối nhất ở Thanh Trì mà thủ phạm trong các vụ việc này không ai khác chính là thanh niên địa phương. Việc Công an Thanh Trì đối phó hiệu quả với loại tội phạm này là một minh chứng sống động cho sự thấm nhuần lời dạy của Bác với Lực lượng CAND: "Khi dân giúp ta nhiều thì thành công nhiều, giúp ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn".

Tiêu biểu nhất có lẽ là vụ 2 thanh niên ở xã Ngũ Hiệp là Phạm Văn Tuân và Dương Anh Dũng rủ nhau chuẩn bị "hàng lạnh" đi cướp xe máy bán lấy tiền trả nợ. To gan hơn, đám công tử chơi bời này còn âm mưu "chôm" cả súng AK từ chốt bảo vệ của một doanh nghiệp quốc phòng trên địa bàn, may mà âm mưu của chúng bất thành.

Vốn gia đình cũng sẵn "lộc đất đai" nên 2 "dân chơi Thanh Trì" này tiêu tiền không tiếc tay, ở nhà thì ít mà "cắm rễ" nhà nghỉ thì nhiều. Cho đến khi số tiền bán đất đã cạn, chúng rủ nhau đi mượn xe máy để cầm cố. Chơi hết tiền, chúng bàn nhau đi cướp. Âm mưu trộm súng nhưng không được, nên Tuân và Dũng đã mua dao, găng tay, khẩu trang để phục vụ cho việc cướp.

Đối tượng mà 2 “công tử huyện” này nhắm đến là các đôi tình nhân tâm sự nơi vắng vẻ. Sau nhiều đêm mò mẫm, cuối cùng chúng cũng gặp được con mồi là một đôi tình nhân đang tâm sự tại đường mương thuộc cánh đồng thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì. Cả hai đều đeo khẩu trang, đi găng tay, cầm dao đe dọa làm đôi trai gái phải "bỏ của chạy lấy người". Còn chiếc xe Jupiter màu xanh mang biển kiểm soát 29T1-515... đã bị bọn chúng cướp.

Cướp xe xong, chúng mang đi bán sau đó về mừng tại nhà nghỉ T.B ở thị trấn Văn Điển để "hội ngộ" với một người đẹp tên là V.A đang chờ sẵn tại đó. Rất may là các cán bộ của Đội CSĐT TP về TTXH Thanh Trì đã có kinh nghiệm trong những vụ việc kiểu này nên chỉ sau vài ngày xác minh, tìm hiểu nguồn tin từ quần chúng nhân dân, hai chàng "công tử" đã bị sờ gáy.

Nhận biết được nguy cơ từ những tên "cướp làng" loại này, Công an Thanh Trì đã rất kỳ công trong công tác bám địa bàn để đối phó. Ban chỉ huy Công an huyện đã dày công nghiên cứu, biên soạn cuốn cẩm nang về "Xây dựng xã, thị trấn an toàn về an ninh nông thôn" với đầy đủ các số liệu, thống kê, các nghiên cứu xã hội học công phu, các kinh nghiệm xử lý trong từng tình huống cụ thể. Cuốn sách này được phổ biến xuống tận các cán bộ an ninh cấp cơ sở để vừa phổ cập kiến thức, vừa làm cẩm nang khi làm việc. Vậy nên, trong phần nhiều các vụ việc tương tự, chỉ trong một thời gian rất ngắn là cơ quan Công an đã có thể khoanh vùng, xác định đúng đối tượng và đám "cướp làng" chỉ có nước... ra đầu thú để nhận khoan hồng.

Ví dụ như vụ Công an Thanh Trì triệt phá nhóm đối tượng gây ra 25 vụ cướp tài sản của các đôi tình nhân tại khu công nghiệp Ngọc Hồi và Tứ Hiệp.

Ngày 10/4/2010, Công an Thanh Trì nhận được trình báo của anh Nguyễn Văn H và chị Phạm Thị Hồng Đ về việc bị các đối tượng bịt mặt xông đến đe dọa, cướp xe, điện thoại khi đang tâm sự ở ven đường.

Xác định đúng đây là đám "cướp làng", Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an huyện Thanh Trì đã tiến hành khoanh vùng và truy xét. Chỉ sau 2 ngày vận động, đã có 2 đối tượng là Nguyễn Văn Điệp và Nguyễn Đình Lộc ra đầu thú. Vài ngày sau, hai tên Nguyễn Quang Khải, Phạm Văn Bính cũng tự tìm đến Cơ quan Công an. Đến ngày 21/4, đối tượng cuối cùng là Nguyễn Văn Thắng cũng ra đầu thú nốt.

Xây dựng được cẩm nang để "bắt thóp" các đối tượng "cướp làng", những vụ cướp do chính người địa phương gây ra những năm gần đây giảm hẳn. Từng CBCS Công an huyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao đã bám địa bàn, dựa vào dân, vận động nhân dân cùng tham gia phát hiện, đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong quan hệ với nhân dân, Công an huyện luôn coi trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân, lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; từ đó tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân.

Giám định tang vật để trả lại cho người bị mất.

Chuyên đề ANTG cũng đã nhận được một lá thư của một độc giả bày tỏ sự biết ơn với các CBCS Công an huyện Thanh Trì:

"Tôi là Bùi Thanh Tâm, một độc giả quen thuộc của ANTG. Hôm nay, tôi không những cảm ơn ANTG đã có những thông tin cập nhật rất bổ ích cho tôi trong cuộc sống, mà tôi còn muốn nhờ báo chuyển lời cảm ơn của tôi đến Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội), cụ thể là Công an trạm Yên Mỹ đã giúp tôi tìm lại tài sản bị mất.

Ngày 27/1, tôi bị mất chiếc xe Spacy BKS 29N1-2555. Nhờ thái độ tận tình và rất mộc mạc nhưng đầy trách nhiệm của các chiến sĩ Công an trạm Yên Mỹ, tôi và gia đình rất cảm động khi được nhận lại tài sản đã bị mất. Tôi xin được nói lời cảm ơn chân thành tới các đồng chí Công an đã đem lại niềm vui cho gia đình tôi.

Xin chúc các đồng chí Công an mạnh khỏe và luôn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho nhân dân".

Bám vào dân để... bài trừ ma túy

Thanh Trì là vùng đất cửa ngõ thủ đô, lại là nơi giáp ranh với nhiều địa bàn phức tạp về trật tự xã hội như Hà Đông, Hoàng Mai. Đây lại là vùng đất ưa thích của những người ngoại tỉnh về Hà Nội lao động, sinh sống, kéo theo đó là các đối tượng phức tạp về đây hoạt động. Một trong những vấn đề phức tạp ở Thanh Trì chính là tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy. Cũng trong lĩnh vực bài trừ ma túy, Công an Thanh Trì đã phát huy cao tinh thần dựa vào nhân dân.

Trong 4 năm thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ", Công an Thanh Trì đã khám phá 237 vụ, xử lý 286 đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy. Mặc dù đã khám phá được 13 đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy lớn, mang tính chất liên tỉnh nhưng thành công lớn nhất của Lực lượng CSĐTTP về ma túy huyện Thanh Trì chính là việc xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy. Một thời, Thanh Trì được xem là bãi đáp cho giới "bay lắc" mỗi khi Công an các quận nội thành ra quân ở các đợt cao điểm. Thượng tá Nguyễn Đình Thế tâm sự: "Cứ mỗi khi Công an các quận nội thành siết chặt thì ở vùng ven này chúng tôi cũng vã mồ hôi".

Một trong những khu vực phức tạp nhất về tệ nạn ma túy là xã Tân Triều. Tiếp giáp hai quận nổi tiếng phức tạp là Hà Đông và Thanh Xuân, xã Tân Triều có nghề truyền thống là buôn bán lông gà, lông vịt, phế thải, vỏ bao bì và làm nghề dệt. Đây là nơi mà dân buôn bán tứ phương hay đổ về giao dịch làm ăn; sinh viên, lao động thời vụ tìm đến thuê trọ, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng buôn bán ma túy nhỏ lẻ lẩn trốn.

Tân Triều dần hình thành những xóm liều, xóm bụi và cũng xuất hiện những điểm bán lẻ ma túy kiểu như Thanh Nhàn. Nhiều thanh niên Tân Triều đã không thoát khỏi vòng luẩn quẩn của cái chết trắng: Lúc đầu hút chơi, đến khi nghiện ngập hết tiền thì quay sang bán lẻ để kiếm tiền hút sách.

Trước tình hình đó, Ban chỉ huy Công an huyện Thanh Trì đã hạ quyết tâm sẽ xóa bỏ bằng được hệ thống tụ điểm phức tạp về ma túy này để trả lại bình yên cho Tân Triều. Một lần nữa bài học sâu sát quần chúng, bám địa bàn, dựa vào dân lại được vận dụng.

Suốt mấy tháng liền, các CBCS Đội CSĐTTP về ma túy đã đến tận địa bàn sống ở nhà dân, quan sát, thu thập tin tức và nhờ vào tai mắt của nhân dân. Thế là chân dung bao nhiêu ông trùm, bao nhiêu chân rết, "chim lợn"... được dựng lên đầy đủ.

Sau khi nắm rõ các đối tượng, quy luật hoạt động, Công an Thanh Trì thực hiện phương châm "cắt cung, bắt cầu". Đầu tiên là cán bộ an ninh cơ sở lập hồ sơ, "vét" hết các đối tượng nghiện ngập đi cai nghiện, tổ chức các chốt an ninh ngăn chặn các đối tượng lạ mặt từ bên ngoài vào mua ma túy. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động đến tận từng hộ gia đình. Sau đó, Công an Thanh Trì thực hiện nốt bước 2 là đưa các đầu nậu buôn bán ra chịu tội trước pháp luật.

Một lần nữa bài học bám dân lại được vận dụng thành công. Tân Triều đã được trả lại sự thanh bình theo đúng nghĩa của nó.

Công an huyện Thanh Trì được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới - đó là ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực, chiến công của tập thể các CBCS. Nhưng như Thượng tá Nguyễn Đình Thế tâm sự thì: "Không có gì hạnh phúc bằng làm anh hùng trong lòng dân"

Hoàng Thắng
.
.