Bát nháo mua bán cổ vật đại dương

Thứ Bảy, 15/05/2021, 08:55
Cổ vật đại dương được xem là báu vật khó tìm như “mò kim đáy biển, như hái sao trên trời”. Thế giới cổ vật luôn chứa đựng trong mình vô vàn huyền bí. những cuộc thương thảo cho các phi vụ buôn bán với số tiền “khủng” cũng lắm ảo diệu...


Tiền cổ vua Gia Long

Lê Văn Em (45 tuổi, ngụ Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh) là một tay buôn cổ vật có số má trong giới đồ cổ. Em xuất thân từ nghề ve chai đồng nát, sau chuyển sang bán đồng hồ vỉa hè. Cuộc đời đưa đẩy, Em bén duyên với cổ vật biển, mà chủ đạo là tiền xu cổ.

Năm 2010, Em được ông chú đi biển tặng cho vài đồng tiền cổ thời Vua Gia Long. Lúc đó, Em nghĩ thứ này chỉ để đút túi cho vui. Nào ngờ, thời gian rỗi rãi ngoài vỉa hè, Em mang đồng xu ra mài bóng rồi nảy suy nghĩ thiết kế mặt đồng hồ từ tiền cổ.

Vốn khéo tay, lại có nghề, chỉ 3 ngày Em đã tự “sản xuất” được một chiếc đồng hồ vỉa hè có mặt tiền cổ độc lạ hiếm thấy khó tìm. Những vị khách có tiền, thích chơi hàng độc ghé lại trả giá rất cao. Em bán chiếc đồng hồ tiền cổ với giá 30 triệu đồng. Từ 5 đồng xu cổ, Em kiếm được số tiền kha khá, đổi đời, mọi người bắt đầu nhắc đến biệt danh Em “tiền cổ”.

Đứng trước hang Tiền, ông Tư cho biết hiện tiền xu cổ được cho là của vua Gia Long rất hiếm và đã không còn lưu lạc trong dân nữa.

Thấy ngon ăn, Em làm một chuyến du hành về các địa danh lưu dấu tiền cổ định bụng sẽ hốt một mớ hàng hoặc chí ít cũng thu mua của người dân quanh vùng. Không ai biết chuyến đi thực tế tìm kiếm cổ vật của Em có thành công hay không nhưng, trở về, Em liên tiếp cho ra đời những chiếc đồng hồ mặt tiền Gia Long long lanh, lấp lánh và được chào bán với giá cao ngất ngưởng. Không chỉ bán đồng hồ mặt tiền cổ, Em còn bán đồng xu thô để làm dây chuyền đeo cổ hoặc chế tác thành nhẫn, vòng đeo tay. Em không còn ngồi vỉa hè nữa mà mang shop đồ cổ về nhà mình tại Củ Chi.

Đồ cổ không dành cho đám đông. Với những người không thích, nó chỉ như thứ bỏ đi hoặc vật trang trí bình thường. Thế nhưng, đây là niềm yêu thích ngút trời của các “con chiên” đồ cổ. Họ sẵn sàng bỏ cả đống tiền để có được món đồ tâm đắc. Thế nên, khách hàng của Em không nhiều nhưng chất lượng. Mỗi tháng Em bán được một chiếc đồng hồ cũng thu về vài chục triệu đồng, trong khi giá gốc bỏ ra chỉ bằng mớ rau cân cá, có khi được cho không.

Cổ vật biển, trong đó có tiền xu cổ trên các con tàu đắm đã được tìm thấy rất nhiều ở vùng biển Việt Nam và cả trên thế giới. Người chơi tiền cổ quan niệm rằng, tiền xu cổ luôn là một pháp khí sử dụng rất nhiều trong phong thủy. Những đồng tiền xu là biểu tượng của nguồn tài lộc và của cải. Cát khí của nó không những làm gia tăng tài lộc mà con đem lại nhiều may mắn về công danh, sự nghiệp và giải trừ tai họa, tiểu nhân...Tiền cổ lấy từ đáy đại dương còn mang theo những phép màu tâm linh huyễn hoặc. Trong nó đều hiển diện cho một vị thần trấn yểm.

Bằng ý nghĩa đó, có bán đắt “cắt cổ” cũng không ai phàn nàn gì. Nếu xui, mua phải đồ giả, họ cũng không hơi sức đâu mà đi đôi co với những gã lắm mưu nhiều kế như Em.

Nhập nhoạng, bát nháo giữa tiền cổ thật và tiền giả để trục lợi trên niềm tin của người khác thì không thể chấp nhận được. Những nhà chơi tiền cổ chân chính không chấp nhận kiểu bán buôn lươn lẹo như thế. Và những khách hàng đam mê cổ vật thấy mình tổn thương vì bị lừa dối.

Tiền xu cổ thời vua Gia Long trở thành mặt hàng bán mua nhộn nhịp trong giới chơi đồ cổ.

Tiền cổ Vua Gia Long của Em được quảng cáo “thỉnh” trong một cái hang giữa biển ở Kiên Giang. Đó là ngọn núi đá, bên trong có hang động rất lớn, dân địa phương gọi là hang Tiền. Nơi đây, từ trăm năm trước, bà con trong vùng nhặt được rất nhiều đồng tiền xu, được truyền tụng là của Vua Gia Long - Nguyễn Ánh để lại trong thời gian ông chạy loạn vào phía Nam. Ông Tư, người dân sống lâu năm am hiểu về dấu tích này cho biết: “Nhiều người già trong vùng có nhặt được tiền xu cổ trong hang. Tiền đồng do ngâm nước biển mặn bị gỉ sét, sứt mẻ, mục nát nên đã không còn lưu lạc trong dân nữa. Bây giờ kiếm được một xu cũng khó, lấy đâu ra nhiều mà buôn bán”.

Ông Tư dẫn chúng tôi vào hang Tiền để mục sở thị. Trải qua những mùa nước triều dâng, các phiến đá bị bào mòn nhẵn nhụi, để lộ ra nhiều dấu vết của lịch sử. Trong lòng hang vẫn còn vài vệt đào bới của dân săn lùng cổ vật để lại. Không biết từ thời gian nào mà phường săn đã tìm về đây khai quật và cũng chẳng ai biết họ tìm kiếm được thứ gì trong những cái hố kia. Nhưng, ông Tư khẳng định, hơn 20 năm ông về vùng này sinh sống thì đã không còn thấy tiền cổ Gia Long nữa.

Tiền cổ Gia Long được giới buôn rao bán với giá... vua chúa. Trên một trang thương mại điện tử nổi tiếng rao bán nhiều đồng tiền cổ của Việt Nam, trong đó có đồng xu từ thời vua chúa triều Nguyễn với giá vài chục triệu tới vài trăm triệu đồng. Đồng tiền cổ thời vua Minh Mạng (1791-1841) được rao bán với giá 2.550 USD. Đồng xu vàng thời Thiệu Trị (1807-1847) có giá 2.050 USD. Đồng xu vàng từ thời vua Tự Đức được ra giá hơn 8.700 USD...

“Hóa phép” cổ vật

Cổ vật đại dương, luôn được xem là báu vật khó tìm. Những cuộc thương thảo cho các phi vụ buôn đồ cổ diễn ra với số tiền “khủng”. Ông Mai Trọng T. (ngụ H. Củ Chi, Tp.Hồ Chí Minh) từ 20 năm về trước đã là tay buôn đồ cổ có thứ bậc trong giới. Ông T. xuất thân là dân buôn gỗ. Những chuyến đi cùng mối quan hệ sâu rộng cho ông T. nhiều hiểu biết về đồ cổ. Một lần đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), ông T. mua được cây kiếm cổ, thân kiếm có khắc dòng chữ “Thuận Thiên”, giải nghĩa ra là “thuận theo ý trời hoặc thay trời hành đạo”. Nguồn gốc cây kiếm còn mù mịt thì tiếng tăm của nó đã lan truyền khắp miền Nam. Dân chơi đồ cổ ở Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang, Tp. Hồ Chí Minh tìm gặp ông T. để chiêm ngưỡng báu vật của vua.

Những cuộc thương thảo, ngã giá đêm khuya, sáng tối diễn ra trong căn nhà cổ của ông T. ở Củ Chi. Bản thân ông T. cũng mê đồ cổ, lại là đồ của vua chúa thì không còn gì quý bằng.

Kiếm Thái An của vua Gia Long hiện trưng bày ở bảo tàng bên Pháp.

Theo quan niệm tâm linh của giới chơi đồ cổ, cây kiếm tượng trưng cho sức mạnh, uy quyền của đấng nam nhi. Lại có thêm chữ vàng khắc trên lưng kiếm nữa, chứng tỏ người sở hữu nó tương lai sẽ là bậc đế vương đầu đội trời, chân đạp đất.

Đang so đo tính toán thì có một đại gia ở Tp. Hồ Chí Minh vào nhà giậm chân một cái đã hô 5 tỷ đồng. Vào thời điểm gần 20 năm trước, đó là con số cực lớn, có thể mua được vài căn nhà mặt phố. Ông T. bán ngay.

Từ đó, ông T. bỏ hẳn nghề buôn gỗ, chuyển sang nghề săn đồ cổ từ biển. Ông cho rằng, đồ cổ nằm dưới biển chính là báu vật của đại dương chứa đựng vô vàn thần bí. Mỗi món đồ đều là một phần linh hồn của biển cả, vì cơ duyên nào đó mà trồi lên mặt đất. Ông T. khẳng định: “Mỗi món đồ cổ của biển, là một vị thần hiển linh”. Nghề buôn cổ vật biển cho ông T. thật nhiều tiền bạc. Một thời, trong nhà ông chứa hàng chục ký vàng, hàng bao tiền.

Ông mải miết theo những chuyến đi săn tìm dự trữ, chờ thời. Tiền có nhiều, ông dồn vào đầu tư cổ vật. Hễ ai có món nào là ông mua, ông gom cho bằng hết. Năm 2013, ông T. nghe tin ngư dân khai quật, trục vớt được một chiếc tàu đắm tại vùng biển ngoài khơi huyện Côn Đảo. Bộ sưu tập gồm 300 cổ vật với các chủng loại: Tô, bình, hũ, chén, quả cân, quả rọi, gương, viên đá trang trí hoa văn... bằng chất liệu gốm, sứ, kim loại. Đặc biệt phát hiện một số đồng tiền Trung Hoa Thiên Hy đúc năm 1017-1021... Xác định, con tàu này bị đắm vào khoảng cuối thế kỷ XIV...

Tuy nhiên, ông T. đã không thể tiếp cận được các hiện vật này bởi chúng đã được đưa về bảo tàng trưng bày. Ông bị “cò” cổ vật dắt về một làng chài, tới một con tàu cũ có chứa một đống “cổ vật” giả được “mặc áo” như thật. Ông T. chìm đắm vào nó, bị lời dụ dẫn làm cho mê hoặc rồi xuống tiền hốt cả con tàu “sắt vụn” về nhà.

Ông phân ra các loại, rồi bắt đầu rao bán. Vài người trong giới tới xem, có người mới vào nghề nhưng tin tưởng vào trình độ chơi cổ vật biển của ông T. nên lao vào mua. Có người, vừa nhìn vào là biết đồ giả, họ nói cho ông T. thì bị ông mắng cho một trận, đuổi đi.

Tác phẩm điêu khắc trên vỏ sò, hóa thạch trăm năm dưới lòng đại dương được chủ nhân mua với giá “không thể tiết lộ”.

Mặc dù kiên quyết bảo vệ chính kiến cổ vật của mình nhưng có nhiều anh em trong nghề khuyến cáo nên ông T. lặng lẽ thuê một công ty thẩm định. Kết quả là đồ giả, đồ nhái, tiền cổ, đao kiếm là những thứ tầm thường đã được phủ sơn và một ít hóa chất bảo quản. Vì tiếc số tiền quá lớn đã bỏ ra, ông T. biến mình thành kẻ dối trá chuyên nghiệp.

Ông dùng uy tín và tên tuổi chơi cổ vật biển nhiều năm của mình bắt đầu một trò buôn phù thủy. Không những lừa trong nước, mà ông còn lừa cả dân chơi nước ngoài. Điển hình là vụ bán vò rượu cổ được ông T. thêu dệt qua câu chuyện con tàu Hy Lạp chở khoảng 3.000 đến 4.000 vò gốm hai quai, được xem là vật cất trữ cổ đại chuyên được sử dụng để vận chuyển rượu vang, đã bị chìm vào khoảng thế kỷ 5 trước Công nguyên. Ông T. nói với khách hàng, ông đã từng tới Hy Lạp săn lùng và mua được thứ này. Thật ra, cả đời ông chưa bước chân ra khỏi đất Việt Nam. Vị khách trố mắt ngạc nhiên nhưng ông rất cẩn thận mang theo một cậu học trò làm trong ngành kiến trúc, có chút am hiểu về cổ vật.

Vừa xem xong bảo vật biển của ông T., cậu học trò lắc đầu, quay sang nói nhỏ vào tai thầy. Mặt vị khách Tây chuyển từ đỏ sang tái, rồi tỏ vẻ giận dữ.

Từ một cao thủ buôn cổ vật, thoáng chốc đã “lên voi”, nay ông T. trở thành kẻ xàm xí, hai mặt, mất hết uy tín. Những vị khách đã lỡ mua hàng độc, lạ của ông, đành ngậm ngùi im lặng, rồi cắt đứt mối thân tình. Gần một năm nay, ông T. không thể bán được món hàng nào, dù là thật.

“Đồ cổ mang hồn cốt và chứa đựng nhiều huyền bí, nó có thể làm con người có tất cả nhưng cũng sẽ mất bằng sạch nếu cứ mãi ngất ngây mê muội với danh lợi từ nó”, Kỷ lục gia châu Á, nhà sưu tầm đồ cổ Đinh Công Tường đúc rút chân lý sau gần nửa thế kỷ nghiên cứu văn hóa cổ vật.
Ngọc Hoa
.
.