Bắt trộm, đừng để đang đúng thành sai
- Đuổi bắt trộm… vô tình làm chết người
- Trộm chó ghé đổ xăng xe thì bị "tóm"
- Chủ hiệu tạp hóa chém nam học sinh trộm đồ bị khởi tố tội danh “giết người”
Ký ức về cuộc điều tra vụ bắt trộm dẫn đến án mạng vẫn ám ảnh chúng tôi sau bao năm, khi mà tin tức về những vụ tự xử của người dân đối với những tên trộm đêm ít lâu lại ngập tràn mặt báo.
Nỗi niềm người phá án
Vụ án xảy ra cách nay đã hơn chục năm, nhưng chưa có chi tiết nào phai mờ trong ký ức các cán bộ điều tra khi nhận nhiệm vụ truy tìm hung thủ đánh chết kẻ trộm ở một ngôi làng nhỏ ven đô năm ấy. Công tác truy xét gặp vô vàn khó khăn.
Cả một làng hơn nghìn hộ dân, tất cả đều khai giống nhau: "Khi tôi chạy đến, đã thấy tên trộm đã bị đánh chết giữa đồng, tôi không nhớ lúc đó có ai, chỉ thấy rất đông?" Bao công sức đã đổ xuống nhưng kẻ thủ ác vẫn mờ mịt như thách đố. Bởi lẽ những cuộc điều tra kiểu này hiếm khi nhận được sự ủng hộ, hợp tác của người dân. Mà khi dân đã không giúp, dẫu có "tài thánh" cũng khó để làm bất cứ việc gì.
Tang vật trong một vụ trộm chó. |
Sự bất hợp tác đó, cũng thật dễ hiểu, khi mà những tên trộm đêm đã đẩy họ vào nỗi bất an thường trực. Với người dân quê, những chú trâu, con cún, đàn gà… không chỉ là tài sản có giá trị, mà còn là bầu bạn, mang trong đó cái tình của người chăm sóc, nuôi nấng.
Khi những tài sản này mất đi, nỗi tiếc nuối, căm giận bừng bừng trong khổ chủ rồi lóe ra qua ánh mắt nhìn như đâm dao vào những gã "dặt dẹo", ngày thì hút xách, bài bạc, đêm hôm "tuần tra", rình mò, đào tường khoét ngạch…
Khi cơ hội đến, chỉ một tiếng hô "bắt trộm", là cả làng ùa ra với dao, gậy, gạch đá trên tay. Cơn thịnh nộ của đám đông chất chứa bên trong sự tức tối dồn nén qua bao ngày tháng sẽ biến thành trận mưa đòn "hội đồng" không thương tiếc nhằm vào những tên trộm. Rồi trước những cái chết được cho là "đáng đời" ấy, người dân cố kết lại thành một khối, như thách thức mọi nỗ lực truy tìm hung thủ.
Bởi thế, cả tháng trời bám địa bàn, đã làm mọi việc cần làm, nhưng thủ phạm vẫn chỉ đâu đó trong số những nam giới được cơ quan điều tra gọi hỏi, lấy lời khai. Vụ án lâm vào "câu dầm bế tắc" trong nỗi day dứt của tổ làm án.
Dẫu nạn nhân là một tên trộm, với một lý lịch bất hảo như tù tha, nghiện hút… thì trước pháp luật, anh ta vẫn là một công dân với quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể như bao người khác. Việc tự ý tước đoạt sinh mạng con người một cách trái pháp luật, dù với bất cứ lý do gì, đều không thể biện minh.
Còn nhớ khi đó, để lên "dây cót" cho tổ làm án, một vị chỉ huy của cơ quan điều tra đã nói: "Tôi biết trong số anh em ở đây, cũng có người không mặn mà, thiết tha lắm với việc tìm công bằng cho một tên trộm. Nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải làm rõ sự thật của vụ án.
Nạn nhân sai, là sai với pháp luật. Chứ những người đã gây ra vụ án mạng này, không có quyền đại diện cho công lý để phân xử, để buộc anh ta phải chết. Không thể dùng hành vi phạm pháp để xử lý một hành vi phạm pháp khác. Hành vi bắt trộm là được phép, nhưng đánh chết người cho bõ tức hay để thỏa mãn ác tính là không thể chấp nhận được. Họ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá quy định của pháp luật".
Cuộc điều tra băng qua vài tháng trời, rồi cũng "đóng máy" khi không còn việc gì để làm, bởi chẳng có thông tin mới nào xuất hiện. Sự cố kết, cùng nhau "đổ bê tông" - (im lặng, từ chối khai báo) của dân chúng trong ngôi làng ấy thật đáng sợ... Cho đến nay, thất bại của cuộc điều tra ấy vẫn là kỷ niệm buồn trong đời làm nghề của lính điều tra trọng án.
Những "bài học" mới
Gõ cụm từ "đánh chết trộm" trên công cụ Google, chưa đầy 1 giây đã cho ra 6,642,157 kết quả. Thông tin cho thấy, hiện tượng tự xử của người dân đối với đám "đạo chích" chưa dừng lại. Thậm chí đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn cho cả hai phía - đối tượng trộm cắp và người bắt trộm.
Một vụ án điển hình vẫn đang gây tranh cãi gay gắt trên nhiều diễn đàn của giới luật gia, đó là vụ ông Lê Minh Phương (sinh năm 1967, trú tại phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dùng kiếm chém trọng thương tên trộm đêm và vướng vào vòng lao lý.
Khoảng 0 giờ 15 ngày 23-11-2017, Nguyễn Đăng T. (sinh năm 2002) trèo qua ô gió, đột nhập vào cửa hàng tạp hóa của gia đình ông Phương để trộm cắp tài sản. Thấy tiếng động bất thường, vợ ông Phương đánh thức chồng dậy, cho biết trong nhà đang có trộm đột nhập.
Ông Phương liền đi xuống tầng 1, lấy thanh kiếm cầm ở tay, rồi nấp vào chỗ kín quan sát. Khi T. tiến đến gần, ông Phương xông ra dùng kiếm chém liên tiếp 2 nhát vào đầu, tay thiếu niên này. Bị chém, T. vụt chạy ra phía cửa và cầu xin ông Phương không đánh nữa.
Ông Lê Minh Phương tại phiên tòa sơ thẩm. |
Thấy T. bị chảy nhiều máu, bà Liên liền gọi xe cấp cứu đưa T. tới bệnh viện, đồng thời trình báo cơ quan công an. Kết quả giám định thương tích của T. lên đến 95%. TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Phương mức án 9 năm tù giam về tội "Giết người"…
Những năm gần đây, nạn trộm cắp vật nuôi đang hoành hành khắp các miền quê, cùng với đó là những vụ "tự xử" dẫn đến án mạng giữa người dân và các nhóm "đạo chích".
Người dân xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) chưa quên vụ truy đuổi, tấn công những tên "câu" chó, hậu quả làm một tên trộm chó tử vong, ba người còn lại cùng đi tù. Đó là buổi trưa ngày 12-10-2017, Nguyễn Ngọc Ban cùng Lê Văn Hòa rủ nhau đi "câu" trộm chó của người dân tại khu vực huyện Thường Tín và Phú Xuyên để bán lấy tiền tiêu.
Khi đi, Ban mang theo 1 súng bắn kích điện và một con dao. Sau khi bắt trộm được 4 con chó của người dân ở huyện Thường Tín và Phú Xuyên, Hòa chở Ban sang địa phận xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) để tiếp tục trộm tài sản. Khi đi qua nhà anh Hoàng Văn Tặng (sinh năm 1989), thấy một con chó vàng ở ngoài đường nên chúng dừng lại bắt. Trong lúc Hòa và Ban dùng băng dính quấn miệng con chó lại, thì bị người dân trong thôn phát hiện, hô hoán rồi đuổi bắt.
Nghe tiếng hô "trộm chó", anh Tặng từ nhà chạy ra. Thấy chó nhà mình bị bắt trộm, chủ nhà cầm theo tuýp sắt đuổi theo. Ông Nguyễn Văn Thức là người hàng xóm, cũng cầm theo gậy tre gắn xiên tự tạo chạy xe máy chặn đầu hai kẻ trộm chó. Đến cầu Máng Bảy gần đó, ông Thức đuổi kịp vì xe của 2 tên trộm đâm vào ổ gà, mất lái lao xuống mương nước.
Ông Thức dùng gậy có xiên tự chế đâm về phía Hòa nhưng không trúng và bị Hòa đẩy xuống mương nước. Vừa bò được lên bờ, ông Thức bị tên Ban cầm dao tông chém. Tránh được cú chém, ông Thức cầm cây xiên đâm vào ngực người này.
Anh Tặng cũng cầm tuýp sắt xông đến vụt vào người Ban, khiến Ban ngã xuống đường. Cả 2 tiếp tục đấm, khiến Ban chết tại chỗ. TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Thức 7 năm tù, anh Tặng 6 năm tù về tội "giết người". Riêng tên Hòa chịu hình phạt 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Trước đây cũng đã từng có một vụ án chủ nhà bị khởi tố vì tự ý xử lý kẻ trộm, đó là anh Nguyễn Văn Trình (ở ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre).
Giữa đêm khuya, anh Trình cùng cha là ông Nguyễn Văn Tập bắt quả tang Phạm Văn K. (sinh năm 1999) đang lục lọi trong tiệm tạp hóa nhà mình. Sau nhiều lần gọi điện báo tin cho ông Lê Nguyên Luyến (Trưởng ấp Phú Bình) nhưng ông này không nghe máy, do đêm khuya không có phà, ghe đưa tên trộm lên xã, nên anh Trình cùng cha đã trói K. tại nhà mình.
Trong lúc giữ tên trộm, anh Trình có dùng dây vắt qua cây kéo K. lên xuống vài lần để tra khảo. Sau đó anh Trình bị khởi tố tội bắt giữ người trái pháp luật, cha anh cũng bị xem là đồng phạm. TAND huyện Chợ Lách xử anh Trình về tội "bắt, giữ người trái pháp luật", với hình phạt sáu tháng cải tạo không giam giữ.
Cần hành xử theo pháp luật
Những vụ trộm cắp vật nuôi hay đột nhập chỗ ở tại các khu dân cư luôn ẩn chứa nguy cơ phát sinh trọng án. Đó có thể là hành vi chống trả của tội phạm khi bị người dân bắt giữ, hoặc người bắt gian hành xử quá khích với đối tượng do bức xúc. Đã xảy ra nhiều vụ án "Giết người"; "Cố ý gây thương tích"; "Bắt giữ người trái pháp luật"… mà người bị tuyên án chính là nạn nhân của bọn trộm cướp.
Tư vấn cách ứng xử khôn ngoan và đúng đắn nhất khi bắt được đối tượng trộm cướp, Thượng tá Trịnh Kim Vân - (nguyên Điều tra viên cao cấp, Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội) nói: "Phạm tội quả tang là trường hợp đang thực hiện hành vi phạm tội thì bị phát hiện hoặc sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị phát giác ngay và bị truy đuổi, tức là có sự liên tục về mặt thời gian.
Pháp luật cho phép mọi công dân được quyền bắt giữ, khám xét thu vũ khí, tang vật, khống chế (khóa trói) đối tượng. Việc sử dụng vũ lực đối với kẻ gian dừng lại ở mức độ cần thiết. Tức là đủ để khống chế (khóa trói), tước vũ khí nhằm vô hiệu hóa sự kháng cự, chống trả của đối tượng. Ngay sau khi an toàn, phải khẩn trương dẫn giải kẻ gian đến giao nộp tại cơ quan chức năng (Công an cơ sở hoặc UBND phường, xã), chứ không được tự ý giam giữ hay "tự xử".
Vẫn theo ông Vân, trên thực tế đã xảy ra không ít vụ bắt trộm, vì "của đau, con xót" hay bức xúc nhất thời, mà người dân đã khóa trói, đánh đập đối tượng một cách dã man cho bõ tức, chứ không giải đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết vụ việc. Hậu quả làm nạn nhân chết hoặc thương tích nặng, còn người bắt trộm phải ra hầu tòa về những hành vi tương ứng. Đó là chuyện "đang đúng thành sai" rất đáng buồn.
"Cần phải hiểu rằng, cái sai của đối tượng là sai với pháp luật, chứ không phải sai với cá nhân người nào. Chỉ có Tòa án, nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam, mới có quyền phán quyết một người đã phạm một tội nào đó.
Không ai được đại diện cho công lý, để phán xử và áp dụng hình phạt với người khác. Cho nên việc dùng vũ lực đánh đập đối tượng vì tức giận hoặc để thỏa mãn ác tính, sẽ bị coi là hành vi phạm tội và bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ của hậu quả.
Nếu đánh chết người, sẽ phạm vào tội "Giết người"; nếu kẻ gian bị thương tích từ 11% trở lên, phạm tội "Cố ý gây thương tích"; nếu giam trói kẻ gian để tra khảo, hành hạ, chứ không giao nộp cơ quan chức năng, có thể bị kết án về tội: "Bắt, giữ người trái pháp luật". Hành xử theo kiểu "lệ làng", không có chỗ trong đời sống văn minh, thượng tôn pháp luật" - Thượng tá Vân nhấn mạnh.