Bí ẩn “đội lái” trong những “cơn sóng đất”

Thứ Ba, 16/03/2021, 13:05
Hễ nghe ngóng được thông tin về đề xuất quy hoạch, xin chủ trương hoặc chỉ là thoang thoảng trên bờ môi chót lưỡi, lập tức “đội lái” tạo thành khói nhanh chóng lan tỏa ra cả một vùng. 


“Đội lái” là tên gọi “trong ngành” để chỉ một nhóm môi giới bất động sản, có rất nhiều mánh khóe cũng như kinh nghiệm “tạo sốt”. Bằng chiêu thức chuyên nghiệp, “tạo sốt”, thổi giá thật cao, đánh bóng tên tuổi, tấn công dồn dập vào tâm lý khách hàng... Cuộc chơi nhanh chóng tàn canh, kẻ hả hê hưởng mớ lợi nhuận, người tiu nghỉu ôm đất “chết chìm”.

Chiêu “đánh sóng, tạo sốt”

Thông tin về sân bay Téc Ních ở Bình Phước chỉ đang là một đề xuất lập nghiên cứu quy hoạch, thế nhưng đã được “đội lái” đẩy lên thành “cơn sốt” nóng bỏng trong lĩnh vực bất động sản.

“Cò” Lê Tân thuộc nhóm của “đội lái” Phạm Thanh H. ở Bình Dương sau một tuần mật phục, đóng đô ở Hớn Quản đã trở về “đại bản doanh” an toàn, tuy da dẻ hơi đen và gầy sụt mất 2kg. Tân kể với anh em trong nghề, trước khi “đánh sóng” tạo “cơn sốt” đất ở Bình Phước, một vài nhóm “đội lái” đã ngồi lại với nhau, bàn bạc để đưa ra phương án tối ưu nhất. Manh mối có được chỉ dựa vào thông tin có một đoàn cán bộ của tỉnh về Hớn Quản khảo sát vị trí để xin chủ trương xây dựng sân bay. Lập tức, cánh “ông tám bà bảy” xúm lại buôn chuyện là sắp xây dựng sân bay rộng 500 ha có tên là Téc Ních. Nghe như tiếng sấm ngang tai, “cò vạc” bất động sản từ Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương nháo nhào truyền tai nhau.

Cảnh mua bán, trao đổi nhộn nhịp tại khu vực được đồn thổi sẽ xây dựng sân bay Téc Ních.

Lê Tân vào nghề được 3 năm, được đánh giá hàng 3 sao với 9 điểm kinh nghiệm. Từ tết tới nay, Tân ngồi “ngáp ruồi” một chỗ, vì bất động sản do ảnh hưởng của dịch bệnh gần như không có nhà đầu tư. Nhận cuộc gọi triệu tập của trưởng nhóm, Tân mừng như nắng hạn gặp mưa rào. Cuộc họp diễn ra giữa hai nhóm “đội lái” quy tụ khoảng 15 “cò” bất động sản từng trải.

Hôm sau, tất cả các thành viên lên đường đi thực địa, vừa nghe ngóng tình hình, vừa lấy cảm hứng viết bài quảng cáo, rao vặt trên báo và mạng xã hội. Xác định thông tin về sân bay Téc Ních mới chỉ dừng lại ở khảo sát, tương lai cũng như triển vọng hình thành xa tít mù khơi nhưng nhóm “đội lái” vẫn quyết tâm “tạo gió, gieo mưa”. 2 ngày sau, thông tin giá đất ở Hớn Quản đắt như tôm tươi nằm tràn lan trên các trang mạng xã hội, tờ rơi quảng cáo và từ miệng của chính những “bà tám” đang sinh sống ở khu vực.

Các “cò” trong “đội lái” dập dìu đi mời gọi nhà đầu tư. Lê Tân gọi điện cho chị Khánh Loan, là nhà đầu tư có triển vọng của anh ta mời mua đất sân bay. Chị Khánh Loan bảo chờ vài ngày xem tình hình thế nào, chị rất sợ sốt ảo rồi vỡ tan như bong bóng. Lê Tân dùng chiêu “điệu hổ li sơn” nhằm quật ngã nhà đầu tư: “Chị cứ tới thực địa xem, ai đã bắt chị mua ngay đâu mà lo. Đầu tư vào thời điểm này, dù có “bong bóng” cũng không lỗ, lợi nhuận 30% trong vòng 2 tuần”.

Nghe lời mồi chài của “cò Tân”, chị Khánh Loan sắp xếp thời gian đi một chuyến lên Bình Phước. Quả thật, hôm chị tới, con đường liên xã nửa bê tông nửa đường đất dẫn vào khu vực được cho là sân bay Téc Ních nhộn nhịp người và xe. Cảnh tượng chẳng khác nào đi ăn đám cưới nông thôn. Tại vị trí lô đất Tân giới thiệu cho chị Khánh Loan mua đã có gần chục nhà đầu tư lượn lờ thám thính, tìm hiểu. Thấy cảnh đó, chị Loan có lòng tin vào tiềm năng sinh lời.

Xem xong đất, Lê Tân dẫn chị Loan vào quán nước ven rừng cao su. Tại đây, bà chủ bán nước mồm như tôm như tép ra rả nói về dự án sân bay, đất nền chính chủ... Trên đường về lại thành phố, Lê Tân không ngừng tỉ tê, mật ngọt vào tai chị Loan. Khuyên chị nên đầu tư ngay, chỉ cần muộn một ngày khả năng đội lên 10 giá. Mắt thấy, tai nghe rõ ràng, chị Khánh Loan quyết định đầu tư miếng đất 250 m2, trong đó 100 m là thổ cư với giá 1 tỷ đồng.

Vừa chốt giá xong, Lê Tân gọi ngay cho sếp của mình là Phạm Thanh H. tới tận nhà chị Loan nhận 100 triệu đồng tiền đặt cọc, hẹn 3 ngày sau sẽ thanh toán toàn bộ để làm thủ tục sang tên. Việc mua bán diễn ra thuận lợi, đất sạch, không vướng tranh chấp nên thủ tục pháp lý nhanh chóng.

Thuê “diễn viên quần chúng”

Đang hớn hở vì mua được miếng đất ngon lành cạnh sân bay, chị Loan sững người giật mình khi chứng kiến trận cãi vã nảy lửa giữa một nhà đầu tư và một “cò” đất. Nhà đầu tư này có mua miếng đất và bây giờ muốn bán lại. Ông tìm “cò” đã bán đất cho mình để nhờ thu lại, chỉ lấy chênh lệch 100 triệu thôi. Tuy nhiên, “cò” không chịu đứng ra lấy đất mà chỉ hứa với nhà đầu tư sẽ tìm khách bán hộ. Ông này không chịu, quát vào mặt “cò”: “Lúc mua các cậu bảo sẽ thu lại bất cứ khi nào tôi muốn bán, bây giờ lật lọng vậy hả”.

Bảng rao bán đất có ở khắp nơi.

Chị Khánh Loan thấy lạ, bèn tới hỏi chuyện chủ đất. Cùng là nhà đầu tư với nhau, ông này bộc bạch hết. Ông cho biết, đã lên tỉnh hỏi về dự án sân bay và được trả lời chưa có gì hết, thậm chí còn chưa có chủ trương quy hoạch, họ khuyên ông đừng tin lời đồn. Hoảng quá, nên ông lật đật bán miếng đất dù chỉ mới mua được 5 ngày.

Chị Khánh Loan nghe xong choáng váng, nhưng cố lấy lại bình tĩnh đi tìm một vài người dân có uy tín, có kiến thức hỏi thêm. Chị may mắn gặp được một thầy giáo trong vùng. Ông thầy thật thà có sao nói vậy, làm chị Loan toát hết mồ hôi. Theo thầy giáo, giá đất ở Hớn Quản tự nhiên sốt là do “cò” thổi giá. Họ còn tìm đến tận nhà ông gạ bán đất, ông không bán thì họ đề nghị làm “diễn viên quần chúng” giúp, bán được lô nào họ sẽ trả 10 triệu tiền thù lao.

Công việc của “diễn viên” quần chúng rất đơn giản, chỉ việc ngồi tụm năm tụm bảy ở quán nước hoặc chỗ nào có xe ô tô từ thành phố lên xem đất. Khi các nhà đầu tư đến hỏi, chỉ việc trả lời là “có nghe quy hoạch sân bay, ở đây giờ không có đất mà bán, vì giá rất cao”. Với tư cách của mình, thầy giáo liền từ chối. 

Chị Khánh Loan bấy giờ mới nhận ra bà bán nước và ngay cả chủ đất bán cho chị đều là “diễn viên” của “đội lái”. Ngay buổi chiều, chị không trở về thành phố mà quyết định ở lại bán đất. Xem như chưa biết chuyện gì xảy ra, chị hỏi Lê Tân có muốn thâu lại đất của chị không? Lê Tân khuyên: “Đất mới mua được 3 ngày, sao chị bán vội vậy, chờ thêm ít thời gian cho sinh lời”.

Chị Loan khéo léo đưa ra nguyên nhân: “Chị cũng mong vậy, mà ngặt nỗi gia đình chồng có việc quan trọng ở Hà Nội cần tiền gấp. Thôi em lấy lại giúp chị, hoàn vốn cũng được”. Nghe có vẻ hợp lý trong hoàn cảnh “sóng gió” ở đây vẫn chưa tan, Lê Tân đồng ý thâu lại mảnh đất của chị Loan với giá gốc.

Đẩy được “món nợ” đi, chị Khánh Loan thở phào nhẹ nhõm. Trên đường về thành phố, chị vẫn gặp rất nhiều nhà đầu tư nườm nượp đổ về Hớn Quản. Nhìn các ông các bà bảnh bao, hớn hở ôm tiền đi mua đất mà lòng chị xót xa. Tuy nhiên, chị Loan không dám hé răng tiết lộ sự thật “bong bóng” đất ở Hớn Quản sắp nổ tung, vì sợ bị trả thù.

Ôm đất khóc ròng

Cơn sốt đất vừa qua ở Bình Phước là “mô típ” quen thuộc từng diễn ra ở nhiều nơi. Đầu năm 2020 tại các khu vực Bình Ba thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng từng xảy ra cơn sốt đất tương tự ngay sau khi có đề xuất xây dựng khu đô thị của một tập đoàn lớn.

Dư âm của “sóng đất” Bình Ba cho đến hôm nay vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với vợ chồng ông Lê Trần Hải và bà Nguyễn Thị Ánh Khuyên (Ngụ Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh). Ngày đó, vợ chồng ông Hải đi mua đất không phải từ “cò” mà do người quen giới thiệu. Họ khoe, vừa tậu được nền đất trong khu quy hoạch dự án, triển vọng tương lai xanh rờn. Nghe có tiềm năng, vợ chồng ông Hải cũng đi xuống Bình Ba xem, trên tinh thần là vừa đi chơi vừa nghe ngóng. Không ngờ, vừa nhìn thấy chủ đầu tư mới toanh đang ngơ ngáo tìm đường, một cặp “cò” phóng xe máy tấp tới hỏi thăm. Họ sốt sắng, nhiệt tình hướng dẫn đường đi, không những thế còn tận tâm dẫn đến mấy khu đất của người dân đang cần bán.

Quảng cáo về dự án sân bay Téc Ních trên mạng xã hội.

Tới hiện trường, những người nông dân áo vải, tay cuốc tay dao lầm lũi phát cỏ dọn vườn, niềm tin của vợ chồng ông Hải được nhân lên. Chủ vườn cũng nói muốn bán đất, ai mua được giá thì bán. “Cò” dẫn vợ chồng ông đi xem thêm mấy lô nữa, đều có chủ ra đón tiếp cả. Quyết không để vuột mất “con mồi” béo bở, “đội cò” trưng đề án quy hoạch, bản đồ khu đô thị rất đáng tin cậy. Vợ chồng ông Hải bị thuyết phục hoàn toàn, xuống giá ngay, đặt cọc, hôm sau đi công chứng sang tên.

Mua được miếng đất nằm trong quy hoạch đô thị hiện đại bậc nhất ven biển, vợ chồng ông Hải lâng lâng nghĩ về ngày thu lời tiền tỷ hoặc chí ít cũng có một suất nhà liên kế để mà nghỉ dưỡng khi về già.

Một tuần sau, cơn “sốt đất” bị dính “liều thuốc đặc trị”. Chính quyền và ngành chức năng huyện Châu Đức đã vào cuộc lập lại trật tự. Đồng thời, giao Công an phối hợp các cơ quan chức năng xác minh, điều tra những trường hợp rao bán “dự án ma”.

Bình Ba không còn cảnh dòng người, dòng xe chen lấn, tấp nập như trước. “Sóng đất” cũng nhanh chóng tan vào hư không. Những người đến sau như vợ chồng ông Hải rơi vào cảnh “chết chìm”. Số tiền gần 2 tỷ mua nền đất, trong đó 1 tỷ là tiền vay ngân hàng, mỗi tháng phải trả lãi và gốc 12 triệu. Hơn một năm qua, ngày nào ông Hải cũng lên mạng nghe ngóng tình hình dự án, giá đất Bình Ba sốt trở lại để đẩy hàng đi, thu vốn về. Thỉnh thoảng ông chạy xe xuống thăm đất, nhìn cảnh cỏ dại mọc um tùm, đường sá vắng tênh mà lòng ông nặng trĩu. Người chủ bán đất, bây giờ đã thành phú ông ở vùng, chễm chệ ở trong ngôi biệt thự, thong dong đi đánh cờ mỗi ngày. Mỗi lần gặp ông Hải đều vỗ vai động viên, an ủi.

Tiến sĩ kinh tế Lê Hoài Nam, CEO Tổ chức Phát triển các dự án vùng Đông Nam Á nhận định: Đặc điểm của những cơn “sốt đất ảo” là đều ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, cao tốc, hay các đại đô thị của các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch triển khai.
Thông qua lực lượng “cò đất” hùng hậu giá đất được đẩy lên cao chóng mặt. Giao dịch chủ yếu là lướt cọc, sang tay, nhu cầu sử dụng đất thực sự không hề có. Sau mỗi “đợt sóng”, kẻ giàu lên phút chốc, người trở thành “chị Dậu” và đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất mà không hề mất gì chính là “đội lái”.
Ngọc Thiện
.
.