Bi kịch của cô gái bị kẻ cuồng yêu tạt xăng đốt

Thứ Sáu, 28/10/2011, 17:15

Tôi không thể hình dung được sự đau đớn mà Thu đã phải gánh chịu trong khoảnh khắc không may của cuộc đời mình, khi mà Trần Thanh Bình tạt ca xăng vào người cô rồi châm lửa. Tôi cũng không biết, thời điểm đó, Bình nghĩ gì mà lại thực hiện hành vi hèn hạ ấy với người con gái mà Bình đã và đang theo đuổi nhiều năm liền…

Chỉ biết, tối qua ngồi với tôi ở khoa Bỏng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, nước mắt của mẹ Thu mặn chát. Còn Thu, nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, với khuôn mặt cháy xém và những vùng da loang lổ vết bỏng…

Mẫu khoai mì để dành

Chị tên là Nguyễn Thị Lan, 39 tuổi. Chị làm vợ sớm, 19 tuổi bằng tuổi Thu, con gái đầu của chị đang nằm điều trị tại khoa Bỏng. Chồng chị là anh Hồ Văn Phúc, lớn hơn chị nhiều tuổi. Anh, từ khi thanh niên cho đến lúc làm chồng, làm bố và giờ đã gần 50 tuổi cũng chỉ có mỗi cái nghề duy nhất, nghề làm thuê.

Ai thuê gì làm nấy, ai gọi gì làm đó… Mỗi ngày được vài mươi nghìn tiền công, lúc có việc, khi không. Chị  kể với tôi là, sau ngày đám cưới ở quê, vùng đất thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh chị dắt díu nhau lên Bình Phước sinh sống.

Hỏi chị sao lại lên Bình Phước lập nghiệp. Chị đáp: "Nghèo quá mà lên thôi, em ạ. Chứ ở Vũng Tàu cũng chẳng biết làm gì, mọi thứ đắt đỏ quá. Bố mẹ hai bên ai cũng nghèo xơ, tổ chức cho con cái đám cưới là đã một sự cố gắng".

Bình Phước, cách đây 20 năm, anh chị không có thân thuộc ở đó. Vốn liếng anh chị mang theo lên Bình Phước, chỉ là người làng ở quê lên đây lập nghiệp trước, về thăm lại quê, kể vài câu chuyện về đất đai, về cây khoai mì (sắn), vườn điều… của những ông chủ đang thiếu người làm công chăm sóc.

Đến được vùng đất bây giờ có địa phận hành chính được xác lập là tổ 5, ấp Thanh Thủy, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, anh chị không còn một xu trong túi.  Láng giềng xưa ở cùng làng thương tình cho mượn miếng đất, ứng tiền để anh chị mua ít bạt ny lông quây lại làm nơi tạm tránh nắng tránh mưa.

Cô con gái đầu lòng của anh chị, mang tên Hồ Thị Thu ra đời trong hoàn cảnh khốn khó ấy, năm 1993.

Chị nhớ, ngày đó chị đi làm thuê mỗi ngày được 13 nghìn. Còn anh, cao hơn một xíu, trên 20 nghìn một ngày. Tiền hồi đó có giá, chắt chiu từng chút một cũng đủ sống. Tháng nào đều việc lại có dư tí chút.

Mà có lẽ, trời cũng thương cảnh nghèo, nên ở những ngày rách bươm ấy, cái gia đình nhỏ của chị không có ai đau ốm vặt. Chắt chiu gần 8 năm trời, chị mua được mảnh đất con con để cất cái nhà tạm, xung quanh trồng một ít cây điều.

Ở Bình Phước, lại ở Bù Đốp những năm mà cây cao su chưa là loại cây sinh lợi như bây giờ, thì đất rẻ như cho. Mà có lẽ, giờ cũng không đắt đối với những khu đất chưa xanh bóng mát của cây cao su.

Có được nhà, anh chị vẫn đi làm thuê. Chị làm ở xưởng chế biến hạt điều của một cơ sở tư nhân. Anh cắm mặt làm quần quật trên mảnh đất của những ông chủ bỏ tiền ra thuê. Hai cậu con trai sau lần lượt ra đời… Cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, nhưng đã dễ thở hơn.

Gần hai năm về trước, chị mang vốn liếng dành dụm bấy lâu mua được mẫu đất để trồng sắn. Nghe chị tính thương lắm, chị bảo: "Chị cho em Thu đi học nghề uốn tóc ở Sài Gòn hết năm nay là  thành thợ. Cậu bạn trai của Thu cũng đã học xong nghề sửa xe máy, nên sang năm chị tính bán phần thu hoạch khoai mì, tổ chức đám cưới cho hai đứa nó. Chắc cũng đủ dư để cho Thu vài chỉ vàng làm của hồi môn… Vậy mà". Chị lại khóc bỏ lửng câu chuyện còn dang dở.

Cái mẫu khoai mì làm của để dành cho ngày vui của Thu, cô con gái đầu lòng và là con gái duy nhất của chị đã được chị bán non cho thương lái lấy 20 triệu đồng. 20 triệu không phải sắm đồ cưới hay lo sửa lại nhà cửa chờ ngày đàng trai đến coi mắt Thu, mà là để chị mang lên Sài Gòn, đóng viện phí cho Thu điều trị tại khoa Bỏng.

Chuyện đời mây gió khôn lường, bi kịch ập đến  nhà chị nhanh như thủy triều lên, không điềm dự báo…

Thu nằm đau đớn trên giường bệnh.
Bạn trai đang chăm sóc Thu.

Câu chuyện buồn của Thu

Thu, học đến lớp 9 thì thôi học ở nhà phụ mẹ chăm em. Thời điểm ấy, cậu em kế Thu được 4 tuổi, cậu em út đang lẫm chẫm tập đi. Ở nhà được ít lâu, Thu đòi lên Sài Gòn làm công nhân kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Hai năm ở Sài Gòn, Thu chỉ biết từ công ty về nhà trọ và ngược lại. Sau đó Thu về lại quê.

Những đêm tăng ca đến tờ mờ sáng ở nhà xưởng vào mùa hàng cần giao cho đầu mối gấp đã khiến Thu kiệt sức. Thu ở nhà, đi làm thuê trong xưởng hạt điều với mẹ.

Mẹ Thu kể rằng, Thu có nhan sắc. Nên đám thanh niên ở cùng khu thường hay trêu ghẹo, tán tỉnh. Cậu thanh niên đắm đuối với Thu hơn cả có tên là Nguyễn Thanh Bình, sinh năm 1993, thường gọi là Tú.

Tú có cái tiệm sửa xe gắn máy nhỏ, ngụ ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp. Từ nhà Tú sang nhà Thu có đến hơn 12 km, nhưng ngày nào Tú cũng có mặt trước cổng nhà Thu chỉ để ngắm người trong mộng một lát rồi về. Ban đầu, Tú cũng vào nhà Thu chơi. Nhưng về sau, khi nghe Thu nói Thu đã có bạn trai và chỉ coi Tú như người anh thì Tú đã thôi không vào nhà nữa.

Thu lên Sài Gòn học nghề uốn tóc, mối tình đơn phương của Tú càng lâm vào cảnh bế tắc hơn. Mà thật ra, tình đơn phương là đã đủ bế tắc rồi, bế tắc hơn nữa thì gần như sẽ phát sinh ra bi kịch. Một bi kịch mà chính người chủ động tạo ra nó cũng không thể lường trước hết hậu quả.

 Chị Lan bảo rằng, mỗi lần Thu về lại quê để đi dự đám tiệc của bạn bè toàn giấu Tú. Vì Thu sợ cái cảnh Tú cứ dai dẳng bám theo sau lưng mình. Vậy mà, lần nào Thu về Tú cũng biết. Ngay cả cái ngày gần đây nhất, ngày 12/10, khoảng 9 giờ sáng khi Thu đi chợ về thì đã thấy Tú đứng chờ trước cổng.

Tú cầm gì đó trên tay, Thu không nhìn thấy rõ, chỉ biết sáng nay Tú có nhiều biểu hiện khác lạ. Thu đã sờ sợ… Thu chủ động cất tiếng chào, Tú không đáp, chỉ tiến sát đến chỗ Thu đang đứng rồi hất cái dung dịch mà Tú đang cầm trên tay lên người Thu.

Thu loáng thoáng nghe có mùi xăng. Và sau đó, khi Tú lạnh lùng bật hộp quẹt thì Thu chỉ còn biết gào thét trong đau đớn, tuyệt vọng… Khắp người Thu chỗ nào cũng bốc lửa. Nghe tiếng kêu thét của con gái, bố Thu đang nằm dưỡng bệnh ở trong nhà, chạy vụt ra. Ông như chết lặng khi nhìn thấy Thu nằm lăn trên mặt đất, lửa vẫn đang âm ỉ cháy trên người. Thoáng ông còn kịp nhìn thấy bóng Tú bỏ chạy.

Chị Lan nhận được tin chồng báo về việc xảy ra với con gái mình khi đang ở trong xưởng điều. Nghe xong, chị bật khóc vì lo sợ. Ông chủ xưởng hạt điều thương tình, điều khiển xe ôtô riêng đến nhà chở Thu đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Xoài. Sau khi được sơ cứu, vệ sinh vết thương, Thu được chuyển thẳng lên điều trị ở khoa Bỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM. Trước đó, ông chủ xưởng hạt điều cũng đã dúi vào tay bố Thu vài chục triệu, ông cho gia đình Thu mượn để lo chuyện nhập viện này kia.

Tiền ông chủ xưởng hạt điều tốt bụng cho mượn, tiền bán non 1 mẫu mì... gom góp  được chừng 60 triệu đã nhanh chóng bốc hơi theo những biến chứng trên cơ thể do ảnh hưởng của vết bỏng nặng mà Thu đang chịu đựng.

Chị Lan nói, chị nhìn Thu từ bấy đến nay, chị chỉ biết khóc. Chị không biết làm gì, chị cũng không biết sau này sẽ tính sao. Sài Gòn, lạ lẫm với chị. Những dụng cụ y tế, tiền máu, tiền thuốc… cho Thu đắt hơn nhiều trong suy nghĩ của chị. Đó là chưa kể tiền viện phí.

Chị loay hoay mãi mà không biết suy tính thế nào. Hôm xảy ra vụ việc, gia đình Tú có chủ động đến nhà, gặp chồng chị để đưa 10 triệu đồng gọi là tiền hỗ trợ vì con trai họ đã gây nên tội. Nhưng còn giận, nên khi nghe chồng nói qua điện thoại, chị yêu cầu anh không được cầm số tiền ấy.

Chị không cần gì ngoài cô con gái đầu lòng của chị. Chị hỏi tôi, liệu em Thu có được như xưa không? Tôi im lặng không trả lời, mãi sau mới nói một câu an ủi. Chị mừng, bảo: "Giờ chị cũng chỉ mong Thu được lành lặn, trời thương chị, trời sớm cho gia đình chị bình an".

Trước khi chia tay, chúng tôi có gửi chị ít tiền, nói là chị giúp em mua sữa cho Thu uống. Thấy chị có nét mừng. Tiền chị bán mẫu mì non, vay mượn của ông chủ xưởng điều đã cạn mà Thu vẫn cần tiền để điều trị trong những ngày kế tiếp.

Chị Nguyễn Thị Lan: “Trời thương chị, trời sớm cho gia đình chị bình an”.

Hy vọng lắm vào sự giúp đỡ quý báu của bạn đọc gần xa. Nói theo cách của chị thì "Trời thương, trời sớm mang bình yên đến căn nhà của chị".

Tôi hỏi chị, đưa số điện thoại của chị lên báo, để bạn đọc đồng cảm gọi điện thoại trực tiếp cho chị được không(?!). Chị gật đầu…

Số điện thoại của chị là: 0168.8612.714.

Thu nằm trên giường bệnh, hết sốt rồi đến lạnh, cứ rên hừ hừ trong miệng. Xót con, chị không biết làm gì ngoài chuyện đứng xa xa quạt cho con và khóc. Chồng chị lên thăm con gái, nhìn Thu khóc nấc. Khóc từ khi đặt chân vào phòng bệnh, cho đến lúc chia tay hai mẹ con về lại quê để lo lắng cho hai cậu con trai vẫn còn khóc. Không nói gì, chỉ khóc thôi… Người đàn ông hơn nửa đời người lấy nghề làm thuê lo cho con gái, giờ chứng kiến cảnh này, ai lại không đau lòng.

Nước mắt, đôi khi đủ uy lực hơn lời nói nhưng đáng tiếc là đa phần chỉ để phản ánh những nỗi buồn.

Từ hôm Thu nhập viện đến nay, bạn trai Thu cũng túc trực tại bệnh viện để chăm sóc. Tối tôi đến, nghe chị Lan bảo rằng cậu đang ở dưới khuôn viên của bệnh viện nằm nghỉ, sẵn tiện đợi chị có nhờ mua những thứ lặt vặt gì thì mua luôn. Ở bệnh viện, con rể và mẹ vợ tương lai chỉ chủ yếu thở dài, cũng không biết nên nói với nhau câu gì. Mọi thứ buồn bã, chậm chạp trôi đi.

Tôi đã thực hiện nhiều bài viết về những bi kịch có xuất phát điểm từ sự luyến ái. Bi kịch nảy sinh có thể từ sự  ghen tuông, có thể từ tuyệt vọng, có thể từ hận thù do bị từ chối tình cảm… Dẫu với bất cứ lý do gì, thì người phụ nữ đa phần đều là người phải gánh chịu bi kịch. Những bi kịch mà không biết đến bao giờ mới có thể kết thúc. Thậm chí, là không bao giờ.

Hơn 1 giờ sau khi tạt xăng vào người Thu và châm lửa đốt, Tú đã đến Cơ quan Công an đầu thú. Tôi hỏi chị Lan là, chị có biết nhiều về Tú không. Chị đáp, chị biết chứ. Chị biết tính Tú hiền, không tụ tập nhậu nhẹt say xỉn rồi đi phá làng phá xóm như những thanh niên khác. Chị cũng không hiểu sao Tú lại có thể xuống tay làm cái chuyện dã man đó đối với con gái chị.

"Mấy lần, chị nghe Thu tâm sự về Tú. Chị nghĩ là, thôi thì không đến với nhau được bằng tình yêu, thì vẫn có thể thân thiết với nhau như bạn bè… Chị đâu ngờ mọi chuyện lại xảy ra như vậy đâu", lại khóc.

Từ lúc vào bệnh viện xin phép được trao đổi với chị cho đến khi ra về, tôi có lén ngước nhìn Thu hai lần, kịp nhận biết tuổi 18 của Thu đã bị đánh cắp vĩnh viễn.

Dẫu vậy, vẫn hy vọng vào sự thủy chung mà bạn trai hay có thể gọi là chồng sắp cưới của Thu sẽ giúp Thu có tiếng cười ở tương lai. Vẫn biết, tiếng cười xa xăm quá.

Bởi hiện tại, chỉ toàn là nước mắt. Cái cảm giác buồn buồn theo tôi mãi cho đến tận lúc này, khi gõ những con chữ cuối cùng kết thúc bài viết.

Hay tình ái, mãi mãi là sự mụ mị không có lời cảnh báo.

Kinh Hữu
.
.