Theo chân “nài” thuốc lá lậu: Buôn lậu ngày càng manh động

Thứ Năm, 18/12/2014, 08:30
Có thể nói, cuộc chiến chống hàng lậu ở Đồng Tháp, An Giang là cuộc chiến đầy cam go, gian khổ và nguy hiểm. Nó cam go, nguy hiểm là vì các cơ quan chức năng như Công an, Hải quan, Biên phòng không đủ lực lượng để chốt chặn thường trực ở những điểm nóng còn nếu có, "nài", dân đai vác vẫn liều mạng vượt qua. Dọc tuyến biên giới đối diện gò Tà Mâu, từ khu vực phường Vĩnh Nguơn qua phường Núi Sam đều có chốt của Biên phòng, Hải quan và Đội Đặc nhiệm cơ động liên ngành nhưng chỉ cần vài phút sơ hở, lợi dụng người, xe tấp nập trên đường, "nài" trà trộn vào, chở hàng vượt chốt.

1. Ăn cơm trưa xong, tôi qua phà Hồng Ngự rồi đi xe ôm vào thị xã Tân Châu. Đến trước cổng chợ, tôi điện thoại cho một người đã từng làm "nài" theo số máy Long cho nhưng chuông reo 6, 7 lần mà bên kia vẫn im lặng.

Thật ra, bạn tôi ở Tân Châu khá nhiều, từ một bác sĩ đã từng làm giám đốc trung tâm y tế huyện rồi sau đó là bí thư thị xã, đến chủ của một hãng xe khách hoặc giám đốc một công ty tư nhân chuyên cung cấp thức ăn thủy sản, chưa kể tôi còn có mối quan hệ thân thiết với một phó chủ tịch huyện nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi không muốn làm phiền họ bởi lẽ định hướng của tôi trong chuyến đi này là thâm nhập thực tế chứ không phải vào cơ quan, trụ sở, văn phòng, xin số liệu mặc dù số liệu là điều phải có trong bất kỳ bài viết nào.

Gọi một anh xe ôm, tôi nhờ anh ta đưa tôi đến bến phà Châu Giang, sang Châu Đốc. Đang lúc trả giá thì điện thoại tôi reo. May quá, người gọi là anh cựu "nài" quen Long: "Ai mới kêu tui dzậy?".

Tôi xưng tên rồi cho biết "Long bên Hồng Ngự giới thiệu tôi gặp anh". Anh cựu "nài" - mà tôi tạm gọi là Hải, ngạc nhiên: "Ủa! Sao tui hổng nghe thằng Long nói gì hết?".

Lại phải gọi ngược về cho Long. Vài phút sau, Hải hỏi tôi đang ở đâu? Tiếp theo Hải nói "ông cứ qua bên kia phà Châu Giang rồi kiếm quán cà phê nào đó ngồi đợi tui, chừng nửa tiếng xong công chuyện, tui tới gặp ông liền".

Cũng như Hồng Ngự, thuốc lá lậu ở Châu Đốc được vận chuyển từ Campuchia bằng đường thủy rồi tập kết tại những kho hàng quanh khu vực chợ Gò Tà Mâu, tỉnh Tà Keo, Campuchia, đối diện với xã Vĩnh Ngươn, Châu Đốc. Phần lớn số thuốc này xuất xứ từ thành phố Sihanouk Ville, Campuchia, nơi có cảng biển cùng tên. Đây là một trong những "đầu ra" lớn nhất của hai loại Hero, Jet, do Công ty Sumatra, Indonesia sản xuất bằng sự nhượng quyền của một công ty thuốc lá của Anh rồi đưa vào Campuchia dưới dạng tạm nhập, tái xuất.

Mà xuất thì xuất đi đâu? Sau khi đến cảng Sihanouk Ville, hàng chục nghìn thùng thuốc lá được chuyển về kho của Công ty Thai Boon Roong Co LTD - chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc lá Jet và Công ty Hero King, kinh doanh thuốc Hero, có chi nhánh ở Phnôm Pênh, Campuchia. Tiếp theo, các chủ hàng chia nhỏ nó ra rồi vận chuyển đến những kho nằm dọc theo biên giới Việt Nam như Bavet - Mộc Bài tỉnh Tây Ninh, Kirivong - Châu Đốc tỉnh An Giang, Svây Riêng - Mộc Hóa tỉnh Long An…
Một kho thuốc lá lậu bên đất Campuchia.

Để tiêu thụ, các "đầu nậu" người Việt lẫn người Campuchia thuê "nài", dùng các phương tiện như xuồng cao tốc, xe gắn máy - kể cả mang vác để đưa vào Việt Nam. Và mặc dù theo luật pháp Việt Nam, hành vi buôn lậu, vận chuyển từ 1.500 gói thuốc lá lậu trở lên sẽ bị khởi tố hình sự hoặc xử phạt hành chính - có khi lên đến 100 triệu đồng nếu dưới 1.500 gói nhưng nó là món hàng siêu lợi nhuận vì thuốc lá lậu không phải chịu bất kỳ một khoản thuế nào.

Qua tìm hiểu tôi được biết, ở cảng Sihanouk Ville, giá khởi điểm của mỗi gói Jet, Hero chỉ 4.500 - 5.000 đồng tiền Việt nhưng khi đến tay người tiêu thụ Việt Nam, nó tăng lên thành 15.000 hoặc 17.000 đồng tùy theo địa phương có nằm gần các điểm buôn lậu hay không, chưa kể nhiều loại thuốc lá lậu chất lượng thấp khác như League, Luxury, Mine, Gem, Golden Deer, Cambo, Ram, Rainson, Oris..., giá khởi điểm mỗi gói cũng chỉ 3.000 đến 3.500 đồng… Theo khảo sát của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), hai loại Hero, Jet chiếm khoảng 40% thị phần trong nước.

2. Nói là "đợi nửa tiếng" nhưng phải mất hơn một giờ, cựu "nài" Hải mới xuất hiện. Sau khi biết mục đích của tôi, Hải nói: "Tui sẽ đưa anh đến chợ Gò Tà Mâu để coi cho biết, nhưng giới thiệu anh gặp mấy thằng "nài" quen tui thì kẹt cho tui lắm nên anh thông cảm. Còn nếu có gặp thì anh hạn chế hỏi han, nhất là đừng chụp hình".

Mua chiếc nón bảo hiểm dỏm giá 35.000 đồng, tôi leo lên chiếc Honda 67 của Hải. Gọi là "chợ Gò Tà Mâu" chứ thật ra nơi đây chỉ chừng 30 nóc nhà, cất trên một gò đất cao, chủ yếu bán hàng kim khí điện máy đã qua sử dụng. Hải nói: "Thuốc lá thì họ để trong những kho phía đằng kia".

Theo tay Hải chỉ, tôi thấy có mấy dãy nhà, nhà nào nhà nấy rộng cỡ 200m2 mà Hải cho biết có thể chứa được 2.000 thùng thuốc lá, mỗi thùng 50 cây (500 gói). Thỉnh thoảng, vài chiếc xe gắn máy lách vào cánh cửa chỉ hé ra một khoảng nhỏ rồi chừng 15-20 phút sau, người lái nó lao ra như tên bắn, trên yên xe phía sau là những khối vuông vức bọc bằng lớp nylon xanh hoặc đen hoặc những bao "xác rắn". Chẳng cần phải hỏi, ai cũng biết đó là thuốc lá lậu!

Mùa này nước đã rút nên việc vận chuyển thuốc lá lậu không còn phải đi bằng xuồng. Hải nói: "Thông thường, hàng được "nài" đưa về tập kết tại một số điểm ở khóm 7, phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc". Tiếp theo, trục đường chính để vận chuyển thuốc lá lậu ra khỏi Châu Đốc là quốc lộ 91 đi thành phố Long Xuyên. Trên quốc lộ này, có ít nhất 5 điểm chứa hàng, nằm ở địa bàn các huyện Châu Phú, Châu Thành và thành phố Long Xuyên. Từ đây, thuốc sẽ theo một số những chuyến xe buýt, xe khách tốc hành, xe tải…, đến Cần Thơ, đi Rạch Giá, lên Vĩnh Long, TP HCM.
Một nhóm "nài" bị cơ quan Công an bắt giữ cùng tang vật.

Theo tìm hiểu của tôi, mỗi "nài" nếu mỗi ngày chạy được 2 chuyến trót lọt, sẽ kiếm được từ 360-600 nghìn đồng tùy theo họ chở 60 hay 100 cây. Nếu bị bắt, dĩ nhiên họ phải đền nhưng lấy tiền đâu ra mà đền nên vì vậy, họ lại tiếp tục chạy để trừ dần vào số nợ. Hải nói: "Với những "nài" được" đầu nậu tin tưởng thì lỡ có bị bắt, họ cũng không phải đền nên họ rất liều lĩnh và manh động, quyết tâm bảo vệ hàng bằng mọi giá".

Với đầu nậu, nhiều người cũng sẵn sàng chấp nhận ăn thua đủ. Câu chuyện về một chủ hàng nghi vấn phóng hỏa đốt nhà ở khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang nhằm phi tang hàng lậu hồi tháng 10 vừa qua vẫn là đề tài nóng, không chỉ trong giới "nài" mà còn với cả người dân.

Nguyên là vào lúc 1h30 ngày 3/10, sau một thời gian tiến hành điều tra, xác minh, Công an tỉnh An Giang phối hợp với Công an huyện Tịnh Biên, Công an thị trấn Tịnh Biên đã tiến hành kiểm tra căn nhà đồng thời là kho chứa hàng của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - nhưng thường được giới buôn lậu gọi là Mỹ, ở số 1 đường Kim Đồng, khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên. Hải nói: "Bà Mỹ có trong tay nhiều chân rết, nhiều "nài", chuyên tổ chức gom hàng từ bên kia biên giới về tập kết tại kho trong khu vực chợ cửa khẩu Tịnh Biên rồi sau đó bán cho các đầu mối khác".

Phát hiện công an bao vây quanh nhà và kho hàng, bà Mỹ cúp điện đồng thời sai người chuyển các thùng thuốc lá lậu từ trên gác xuống đất rồi huy động hơn 200 người làm công việc bốc xếp ở các kho gần đó đến giúp bà tẩu tán số hàng lậu. Trong số hơn 200 người này, nhiều kẻ la ó, kích động đám đông phá vòng vây xông vào cướp hàng, đe dọa cán bộ thi hành nhiệm vụ. Và mặc cho lực lượng Công an kiên trì thuyết phục "bà trùm" mở cửa kiểm tra hành chính nhưng bà vẫn cố thủ trong nhà.

Khoảng 40 phút sau, kho hàng lậu bất ngờ bốc cháy dữ dội nên một mặt, lực lượng Công an buộc phải phá cửa xông vào cứu "bà trùm" Mỹ và đứa cháu ngoại 2 tuổi bị phỏng, đưa tới Trạm Y tế thị trấn Tịnh Biên cấp cứu. Mặt khác, Công an huyện, Công an thị trấn Tịnh Biên, Ban Quản lý chợ Tịnh Biên cùng Lực lượng Phòng cháy chữa cháy từ Châu Đốc xuống, lao vào dập lửa. Lợi dụng sự rối ren ấy, cả trăm đối tượng - kẻ dùng dao, vỏ chai bia, gậy gộc đe dọa lực lượng chữa cháy, kẻ xông vào kho hàng của bà Mỹ, không phải để cứu hàng mà là ném hàng vào lửa nhằm phi tang chứng cứ. Rất vất vả, lực lượng chức năng mới đẩy lùi được nhóm manh động này ra ngoài và đến 3h30, đám cháy mới được dập tắt.

Mặc dù căn nhà và kho hàng của "trùm" Mỹ đã ra tro nhưng Công an huyện Tịnh Biên vẫn còn thu được hơn 122.000 gói thuốc lá Hero, Jet, Esse, Ram, Oris…, hơn 140 thùng bia, nước giải khát, rượu ngoại. Tất cả đều là hàng lậu. Một cán bộ Công an Tịnh Biên cho biết: "Qua khám nghiệm hiện trường, chúng tôi xác định số hàng lậu bị thiêu rụi còn nhiều hơn số hàng sót lại sau vụ cháy". Với bà trùm Mỹ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi "tàng trữ hàng cấm" và "hủy hoại tài sản".

3. "Năm nào cũng vậy, cứ gần tết là thuốc lá lậu bung ra dữ lắm…", Hải nói khi anh ta chở tôi bám theo một "nài" chạy chiếc Dream "mù". Trên chiếc xe này, sau lưng người lái là hai bao "xác rắn" to đùng còn ở giữa tấm "bửng" là một bao khác cũng to không kém mà theo lời Hải thì "không dưới 120 cây".

Đang ngon trớn, chiếc Dream đột ngột tấp vào một cây xăng ven đường rồi vòng ra phía sau mấy trụ bơm xăng. Làm như tình cờ, Hải cũng tấp vào, mở nắp bình xăng, kêu cô nhân viên "đổ 50 nghìn". Quay sang anh chàng chở thuốc lá lậu, Hải hỏi: "Đường "đắp mô" hả?".

Anh "nài" gật đầu: "Ừa! Sáng giờ kẹt 3 chuyến rồi. Mấy ổng làm dữ quá. "Ăng ten" báo bữa nay lại có thêm chốt Vĩnh Tế" rồi anh ta móc điện thoại, gọi cho ai đó xin ý kiến: "Tui ém (hàng) vào chỗ bà Bảy nghe". Hai nhân viên bán xăng vẫn thản nhiên bơm xăng cho khách như thể chuyện này là chuyện quá quen thuộc dù rằng chỉ vài phút sau đó, lại có thêm 2 "nài" thuốc lá lậu tấp vào, né "chốt".

Có thể nói, cuộc chiến chống hàng lậu ở Đồng Tháp, An Giang là cuộc chiến đầy cam go, gian khổ và nguy hiểm. Nó cam go, nguy hiểm là vì các cơ quan chức năng như Công an, Hải quan, Biên phòng không đủ lực lượng để chốt chặn thường trực ở những điểm nóng còn nếu có, "nài", dân đai vác vẫn liều mạng vượt qua. Dọc tuyến biên giới đối diện gò Tà Mâu, từ khu vực phường Vĩnh Nguơn qua phường Núi Sam đều có chốt của Biên phòng, Hải quan và Đội Đặc nhiệm cơ động liên ngành nhưng chỉ cần vài phút sơ hở, lợi dụng người, xe tấp nập trên đường, "nài" trà trộn vào, chở hàng vượt chốt.

Đã không ít cán bộ, chiến sĩ mang thương tật vì những hành động hung hãn của những kẻ vận chuyển hàng lậu mà cụ thể là Trung úy Lại Văn Quý, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm, ma túy, Đồn Biên phòng Cầu Muống đã bị các đối tượng gồm Trần Thanh Sơn, ngụ tại thị xã Hồng Ngự; Đinh Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Phương, cùng ở ấp 1, xã Thường Thới Hậu B, dùng gậy, mái chèo tấn công khiến Trung úy Quý bị gãy cánh tay phải, thương tật vĩnh viễn 14%.  Ba đối tượng này sau đó đã bị khởi tố và bị kết án 30 đến 36 tháng tù.

Mặc dù công tác chống buôn lậu, đặc biệt đối với các mặt hàng "nóng" như thuốc lá ngoại nhập lậu đã được các lực lượng - nòng cốt là Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường và các trạm Kiểm soát liên hợp tăng cường tuần tra, mật phục để ngăn chặn với kết quả là từ đầu năm đến nay, tại An Giang đã có hơn nửa triệu bao thuốc lá lậu bị bắt giữ, cùng hơn 200 xe gắn máy, 15 ôtô bị tạm giữ chờ xử lý, khởi tố hình sự 14 vụ; còn tại Đồng Tháp, con số này cũng không kém.

Nhưng qua một số diễn biến trước đây, chẳng hạn như có thời điểm giá xăng dầu bên Campuchia cao hơn Việt Nam 5.000-6.000 nghìn đồng/lít thì lập tức, buôn lậu xăng dầu tràn qua biên giới nên nếu không có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng và nhất là sự cộng tác của quần chúng nhân dân - trong đó có giới tài xế xe khách, xe tải, xe bus bằng các phong trào tuyên truyền, vận động thì mai này, khi Nhà nước áp dụng chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, chắc hẳn nạn buôn lậu thuốc lá sẽ không dừng lại ở mức như bây giờ…

Vũ Cao
.
.