Cảnh báo về sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên

Thứ Ba, 19/02/2008, 09:15
Khi đang là học sinh lớp 7, B. thường hay than vãn với mẹ rằng chán đời, không muốn đến lớp nữa vì đi học chẳng có gì vui. Mẹ em đã động viên, khích lệ em rất nhiều song tình trạng của em cũng không khá lên mà ngược lại em càng ngày càng thấy hay đau đầu, căng thẳng. Vào một ngày cuối tháng 7, em đã sử dụng hơn 30 viên thuốc thần kinh D3 để tự kết liễu cuộc đời mình...

Một vài trường hợp bị bệnh

Để thực hiện phóng sự này, tôi đã đến Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai vào một ngày giáp tết Mậu Tý khi người Hà Nội co ro trong những đợt gió mùa đông bắc tràn về. Viện vừa được xây dựng lại và được mở rộng thêm nên rất khang trang, hiện đại. Ở đây có 3 phòng điều trị là T4 (phòng điều trị nam), T5 (phòng điều trị nữ) và phòng điều trị theo yêu cầu.

Tôi đã gặp và tiếp xúc với một bệnh nhân nữ tên T.T. vào đây được gần một tuần do người nhà nhận thấy em có những biểu hiện khác thường: chậm chạp, ngại giao tiếp, nói một mình.

Gia đình em cho biết em là con thứ hai, quá trình phát triển thể chất, tinh thần của em hoàn toàn bình thường, T. là một đứa trẻ hiền lành, trầm tính và ít nói. Cho đến khi em học lớp 12, mọi người trong nhà thấy em trở nên ít nói hơn, ít tiếp xúc với bạn bè và gần như không có bạn, không nói chuyện với người thân.

Gia đình đã đưa em đi khám và được điều trị bằng thuốc, sau đó tình trạng của em có tiến triển hơn, em lại đi học bình thường và tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hiện giờ, em đang là sinh viên năm thứ nhất của một trường cao đẳng, song gần đây gia đình lại thấy em có những biểu hiện như trước, chậm chạp, hay nói, cười một mình, việc học tập sút kém hẳn. Gia đình đã đưa em đến Viện Sức khỏe tâm thần để điều trị.

Nhìn khuôn mặt xinh xắn của em, tôi không nghĩ rằng các bác sĩ chẩn đoán em rối loạn tâm thần loại phân liệt. Khi được hỏi về nguyên nhân bị bệnh thì bố em có nói rằng không biết nguyên nhân là do đâu, cả gia đình từ trước tới giờ cũng không có ai mắc bệnh như thế.

Còn các vấn đề về tâm lý như thất bại trong học tập, trong tình cảm, hay quan hệ bạn bè thì gia đình không rõ vì em không hay nói chuyện, chia sẻ với người thân về những vấn đề đó.

Nhắc đến chuyện thất bại trong học tập, khó khăn trong các mối quan hệ xã hội, tôi nhớ lại cách đây hơn một năm, cũng tại Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, tôi có dịp tiếp xúc với một cậu bé 15 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có điều kiện vật chất đầy đủ, được bố mẹ quan tâm, chăm sóc song em lại rất trầm tính, khép kín, ít nói, các cô chú trong nhà đều cho rằng em lầm lì, chậm chạp, không làm được gì.

Khi đang là học sinh lớp 7, đầu học kỳ 2, B. (tên của em) có biểu hiện mệt mỏi, thường hay than vãn với mẹ rằng khó chịu, chán đời, không muốn đến lớp nữa vì đi học chẳng có gì vui. Mẹ em đã động viên, khích lệ em rất nhiều song tình trạng của em cũng không khá lên mà ngược lại em càng ngày càng thấy mệt mỏi, hay đau đầu, căng thẳng.

Từ chỗ là một học sinh khá giỏi, đến cuối năm lớp 7, kết quả học tập của em chỉ đạt trung bình kém. Cho tới mùa hè năm lớp 7 lên lớp 8, vào một ngày cuối tháng 7, em đã sử dụng hơn 30 viên thuốc thần kinh D3 để tự kết liễu cuộc đời mình. Rất may, mẹ em đã phát hiện ra và ngăn kịp thời.

Ngay ngày hôm sau, em được đưa tới phòng khám Nhi - Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai để khám và được chẩn đoán là trầm cảm, không có dấu hiệu của bệnh lý thần kinh thực tổn. Tiếp xúc với em, tôi nhận thấy trên khuôn mặt B. luôn hiện hữu một nỗi buồn u uất, sự căng thẳng, vẻ mệt mỏi, và đôi khi nhăn nhó vì những cơn đau đầu hành hạ.

Theo những nhà tâm lý đã trị liệu cho em, nguyên nhân chủ yếu khiến B. rơi vào trạng thái trầm cảm là do em có tính cách trầm, nét nhân cách hướng nội, mặc cảm tự ti về bản thân, không có nhiều bạn bè chia sẻ trong những lúc khó khăn... Những nhân tố trên trực tiếp hay gián tiếp đã gây ra sự buồn chán, phiền muộn ở B.

Rời Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, tôi đến Khoa Tâm thần AM6 - Viện Quân y 103. Khác với suy nghĩ của nhiều người về một nơi “nhốt” những người điên, khoa tâm thần AM6 nằm ở một nơi thoáng đãng, sạch sẽ, không hề có những tiếng la hét, cười rú, đập phá của bệnh nhân. Một không gian rất thanh bình, tĩnh mịch.

Hiện tại, các bác sĩ, y tá trong khoa đang điều trị cho một bệnh nhân nam 20 tuổi có hành vi tự sát. Theo lời y tá trưởng của khoa AM6, việc tiếp xúc với những bệnh nhân có ý tưởng, hành vi tự sát là rất khó khăn, việc điều trị, chăm sóc cho họ lại càng khó khăn, đặc biệt với nhóm tuổi thanh thiếu niên phải có sự kiểm soát rất chặt chẽ.

Các bác sĩ, y tá ở đây phải loại bỏ tất cả những vật cứng, sắc nhọn có khả năng trở thành hung khí để các em tự sát và cùng với người nhà các em theo dõi sát sao mọi cử chỉ, hành động, không để các em tích trữ thuốc, đi lại hay ngồi một mình trong phòng.

Trước đây đã có trường hợp bệnh nhân thủ được một lưỡi dao lam đi vào buồng vệ sinh giả vờ đi vệ sinh nhưng lại dùng dao lam cắt đứt tĩnh mạch để tự vẫn.

Hay như trường hợp trong lúc bác sĩ, y tá họp, không có người nhà trông, bệnh nhân nằm một mình trong phòng, úp mặt xuống giường dùng chăn quấn chặt vào cổ và nhét vào miệng đến ngạt thở. Rất may là các bác sĩ, y tá đã phát hiện và cứu chữa kịp thời.

Chính vì vậy mà việc chăm sóc bệnh nhân có ý định, hành vi tự sát ở tuổi thanh thiếu niên nói riêng và các lứa tuổi khác nói chung đều phải hết sức cẩn thận, chu đáo, theo dõi người bệnh 24 giờ.

Nguyên nhân của rối loạn tâm thần và tự sát

Ở cả hai nơi, tôi đều bắt gặp những khuôn mặt non nớt của các em nam và nữ mà tuổi đời mới chỉ mười tám, đôi mươi. Hiện trên những khuôn mặt ấy là những ánh mắt chậm chạp lờ đờ, những nụ cười ngây ngô, những bước chân vô định khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Vậy nguyên nhân từ đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến rối loạn tâm thần và tự sát ở thanh thiếu niên. Trao đổi về vấn đề này, TS.BS Hoàng Cẩm Tú, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm bệnh nhi, Bệnh viện Nhi Thụy Điển cho biết: “Tuổi thanh thiếu niên (từ 12 đến 18 tuổi) là độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên các em rất nhạy cảm và dễ tổn thương, có khi một câu mắng của bố mẹ cũng khiến các em tủi thân và nghĩ rằng bố mẹ không thương yêu mình”.

Hơn nữa, xét trên góc độ sinh học, các em trong độ tuổi này có xu hướng muốn được độc lập, không muốn phụ thuộc vào bố mẹ do đó mà các em dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống bên ngoài tổ ấm gia đình.

Nhận thức về các vấn đề xã hội cũng trở nên sâu sắc hơn, nên thích tranh cãi, phản kháng lại người lớn. Khi phát hiện ra khiếm khuyết, các em dễ thất vọng, chán chường và nguy cơ tự sát tăng cao.

Áp lực xã hội cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến tự sát. Có thể nói hiện nay thanh thiếu niên phải chịu rất nhiều áp lực xã hội, trong đó có lẽ nặng nề nhất phải kể đến áp lực học tập mà theo TS.BS Đinh Đăng Hòe, Trưởng phòng khám Nhi, Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, đó là tình trạng “ép học” đối với trẻ em thành phố.

Để bằng bạn, bằng bè mà nhiều bậc cha mẹ chỉ chăm chú đầu tư vào việc học của con cái, mà không chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con mình. Hành vi tự tử là cách thức để các em phản kháng lại áp lực đó.

Trong môi trường đầy áp lực, và tính cách dễ tổn thương của lứa tuổi, đối với thanh thiếu niên, từ những thất bại trong học tập, thất bại trong chuyện tình cảm với bạn khác giới, mâu thuẫn với bạn bè, bị thầy cô trách mắng, đến những xung đột của cha mẹ, bị bỏ rơi trong gia đình, không có sự thông cảm, chia sẻ giữa những thành viên trong gia đình... là giọt nước cuối cùng làm tràn ly dẫn đến những hành vi tiêu cực. Chính vì thế mà nhiều em đã tìm tới cái chết chỉ với lý do bị bố mẹ đánh mắng, bố mẹ không quan tâm, không hiểu các em.

TS. BS Hoàng Cẩm Tú cũng cho biết, 2/3 số người tự tử bị trầm cảm. Đặc biệt trầm cảm nội sinh dẫn tới nguy cơ tự sát rất cao. Ngoài ra, các bệnh cơ thể cũng là một yếu tố đi kèm thường gặp của tự tử, (nhất là ở những trẻ mắc những bệnh không thể chữa như ung thư hoặc mắc bệnh xã hội như HIV/AIDS).

Nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần, tự tử còn do sự thiếu hụt các kỹ năng xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề. Đứng trước một vấn đề mâu thuẫn khó khăn, do không có kỹ năng giải quyết nên các em trở nên bế tắc. Các em lại không có kỹ năng xã hội nên không thể huy động các nguồn trợ giúp. Sự bế tắc và cô đơn cùng cực trong giai đoạn khủng hoảng của lứa tuổi này góp phần làm nguy cơ tự tử tăng cao.

Các giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần

Mặc dù tỉ lệ tự tử cao và nguyên nhân của tự tử rất đa dạng nhưng đa số các vụ tự tử có thể đề phòng được với các biện pháp theo dõi quan sát tế nhị và sát sao, xử lý thích đáng và kịp thời.

Theo Thạc sĩ Tâm lý học Trần Thành Nam, giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐHKHXH & NV, đứng trước một ý nghĩ hay một mưu toan tự tử, chúng ta không thể coi thường mà ngược lại phải tỏ rõ cho thiếu niên biết là mình rất quan tâm đến vấn đề này, và sẵn sàng để giúp đỡ vượt qua khó khăn, tin tưởng vào cuộc sống.

Điểm mấu chốt là phải đánh giá được các nguy cơ tự tử ở các em thông qua việc khai thác tiền sử tâm lý và rối loạn tâm thần, các biểu hiện tâm lý và tâm thần hiển hiện và tiềm ẩn, ý tưởng tự sát, kế hoạch tự sát, hành vi tự sát. Phải đặc biệt chú ý phát hiện các hoang tưởng bị tội và ảo thanh mệnh lệnh thúc đẩy hành vi tự sát.

Cần theo dõi sát sao các sự kiện thể hiện nguy cơ tự sát cao như các em không còn kế hoạch gì cho tương lai, đem cho tài sản cá nhân, viết thư tuyệt mệnh, viết chúc thư để thể hiện đau buồn mất mát.

Gia đình nên kết hợp với những nhà tâm lý lâm sàng và các bác sĩ tâm thần để giúp các em giảm nỗi đau buồn về tâm lý bằng cách thay đổi môi trường stress, tranh thủ sự nâng đỡ của người thân trong gia đình và bạn học.

Để đề phòng tự tử có hiệu quả, điều quan trọng thứ hai là phải theo dõi và đánh giá được khả năng tái phát. Các số liệu cho thấy tỉ lệ tái phát tự tử thường khá cao, từ 30% đến 50% trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng sau lần tự tử đầu tiên không thành công.

Chính vì vậy, trong một số trường hợp đặc biệt nên đưa các em nhập viện để vừa điều trị bằng các nhóm thuốc chống trầm cảm (antidépresseur), giải lo âu (anxiolytique) vừa theo dõi sự tái phát. Bên cạnh đó cũng cần phải chú ý theo dõi những yếu tố nguy cơ tái phát cao như gia đình đông con - thường trên 4 con, gia đình có tiền sử nghiện rượu, khó khăn trong học tập và tính tình thất thường của các em, các em có những rối loạn trong quan hệ tình cảm gia đình cũng như về mặt quyền lực của cha mẹ đối với con cái, khuynh hướng trầm nhược, buồn chán, có những rối loạn về nhân cách hoặc rối loạn tâm thần ở các em.

Trước sự gia tăng tự tử, rối loạn tâm thần ở lứa tuổi thanh thiếu niên, gia đình, nhà trường  cần tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh và là chỗ dựa vững chắc cho tuổi trẻ, giúp cho các em nhận thức đúng đắn về giá trị của cuộc sống, xây dựng được những kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, tạo lập một thế giới quan tươi sáng và có một lý tưởng sống đúng đắn.

Xã hội cần thiết lập và tăng cường mạng lưới các trung tâm tham vấn, hỗ trợ tâm lý, với những nhà tâm lý lâm sàng được đào tạo chính quy, bài bản, có tay nghề cao luôn sẵn sàng trợ giúp các em về những vướng mắc tâm lý.

Một điều hết sức quan trọng là mỗi thanh thiếu niên phải ý thức được và có trách nhiệm với hành vi mà mình gây ra vì mọi tội lỗi không phải hoàn toàn thuộc về người lớn.

Trước khi rời Viện Quân y 103, có một hình ảnh mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được. Giữa trời gió lạnh, một người mẹ với khuôn mặt khắc khổ, lo âu đang dìu đứa con trai bị rối loạn tâm thần đi từng bước như một đứa trẻ đang tuổi chập chững dù năm nay cậu đã xấp xỉ tuổi 20.

Với những em trong bài phóng sự này, tôi cho rằng các em có thể không bị rối loạn tâm thần, không bị trầm cảm, không có ý tưởng, hành vi tự sát nếu được gia đình và xã hội quan tâm đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần ở tuổi vị thành niên, không còn là những đứa trẻ như người lớn nói “trẻ con thì biết gì” mà hơn ai hết phải ý thức được trách nhiệm bản thân với cuộc đời mình, trách nhiệm của người làm con với cha mẹ, với thầy cô và xã hội.

Đã bao giờ trong số các em, có ai đó đặt mình vào vị trí của cha mẹ nghĩ đến con mình chỉ vì vài câu nói nặng lời mà chúng có thể dùng dao hay một vài viên thuốc ngủ để tự kết thúc cuộc đời?

Ngô Thu Hà
.
.