“Cảnh sát giao thông làng”

Thứ Hai, 15/12/2014, 20:35
Người dân làng Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) từ lâu đã quen với hình ảnh một ông lão tóc bạc da mồi hàng ngày đứng ở đầu làng để “chỉ huy” giao thông. Hàng chục năm qua, dù mưa dù nắng, dù mùa đông giá rét cũng như ngày hè nóng rát, ông Phạm Đình Chính vẫn chăm chỉ làm cái việc “vác tù và” ấy không một chút nề hà.

1. Tiếng là một làng ở thôn quê, song Lai Xá lại nằm ngay Quốc lộ 32, cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 20km. Nhiều năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa có thể nói là… chóng mặt. Nhiều chung cư, công trình xây dựng mọc lên như nấm sau mưa. Các phòng trọ dành cho sinh viên, người lao động ngoại tỉnh cũng đua nhau xây dựng… Cũng từ đó mà con đường chính dẫn vào làng trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Cứ vào giờ cao điểm, kẻ ra người vào, ôtô, xe máy, xe đạp, xe cải tiến… chen chúc, đi lại tấp nập.

Có mặt tại Lai Xá vào một buổi sáng đầu đông, chúng tôi dễ dàng bắt gặp ông Phạm Đình Chính đang cần mẫn làm cái công việc mà không ít người cho rằng "rỗi hơi". Dáng người thấp đậm cùng bộ quần áo giản dị, ông Chính vẫn nổi bật trong đám đông với chiếc còi luôn “toét, toét” trên miệng, và chiếc gậy một đầu được buộc túi nilon. Giống như một người cảnh sát giao thông thực thụ, ông Chính điều khiển dòng người đi chậm lại, đúng làn đúng tuyến. Những khi xuất hiện xe ôtô, ông Chính lại tả xung hữu đột chặn một dòng để nhường cho luồng còn lại thông suốt. Cũng có khi mặt ông đỏ gay, để "ép" mấy cậu thanh niên tóc xanh tóc đỏ, đang phóng bạt mạng phải tuân thủ Luật Giao thông!

Suốt từ 10 giờ sáng cho đến khoảng 12 giờ, ông Chính ra sức điều khiển, rồi hướng dẫn, nhắc nhở người dân tham gia giao thông cho an toàn. Đôi lúc các cháu học sinh đi dàn hàng hai, hàng ba ông Chính lại thổi "toét, toét", bắt phải đi thành một hàng. Khi đoàn người đã vãn, ông lão mới ngồi tạm vào một chiếc ghế ngay tại cổng làng. Khuôn mặt ông đỏ gay, mồ hôi mồ kê nhễ nhại; lưng áo cũng ướt đẫm. Khi chúng tôi tiếp xúc, ông Chính tỏ ra rất ngại ngùng, mãi mới chịu kể một chút về cái công việc mà ông đã chọn lấy phần gian khổ, để cho nhân dân được đi lại dễ dàng hơn.

Sinh năm 1934, ông Phạm Đình Chính chỉ được học hết bậc tiểu học là phải lao vào cuộc mưu sinh. Trong hai cuộc kháng chiến, ông Chính phải phiêu bạt lên Thái Nguyên, làm thuê cho một hiệu ảnh. Bà Đinh Thị Thìn - vợ ông thì ở lại quê nhà chăm lo cho bố mẹ chồng, và nuôi nấng con cái. Có những lúc một tay bà không thể quán xuyến hết, và Hà Nội bị giặc Mỹ đánh phá, ông Chính lĩnh trọng trách đưa 2 cô con gái lớn lên Thái Nguyên để tiện chăm sóc, dạy dỗ…
Ông Phạm Đình Chính rời nhà đi làm nhiệm vụ.

Một thời gian sau người thợ ảnh này lại phiêu dạt xuống huyện Ứng Hòa (Hà Tây cũ), mở một hiệu ảnh để mưu sinh. Cho mãi đến năm 1983 thì ông mới trở lại quê hương bản quán là làng Lai Xá. Khi ấy, hai cụ thân sinh đều đã khuất núi, các con đều khôn lớn trưởng thành ông và bà mới có dịp được cùng chung sống dưới một mái nhà, bỏ lại những năm tháng tha phương cầu thực.

Cũng trong thời gian đi làm ảnh, ông Chính cũng được đi nhiều nơi, biết lắm chỗ. Ông theo nhiều đoàn rước dâu, đến những nơi có hội họp để chụp ảnh. Nhưng cũng chính mắt ông đã phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng. Dù cuộc mưu sinh nhanh chóng cuốn ông đi, song nhiều lúc nhớ lại những cảnh tượng hãi hùng đó khiến ông không khỏi rùng mình. Thỉnh thoảng ông lại nghe tin bạn bè thời thơ ấu, cho đến thanh niên bị tai nạn giao thông, người may mắn chỉ gãy chân gãy tay, người thì chẳng bao giờ có thể gặp lại nữa.

Cho đến đầu năm 2000, ông phải nghỉ hẳn việc làm ảnh. Vì khi đó mắt mờ, tay run nên không thể chụp ảnh được nữa. Cùng lúc các con của ông đều đã yên bề gia thất, hơn nữa thời điểm đó, làng Lai Xá của ông bắt đầu chuyển mình. Người dân tứ xứ kéo về mua đất xây nhà, rồi các nhà máy xí nghiệp lân cận mọc lên. Con đường trục chính trong làng giờ đây xe chạy không ngớt.

Ngôi nhà của ông Chính nằm ngay đầu làng. Hàng ngày ông chứng kiến cảnh nhiều vụ va chạm giao thông, đa phần là do đường thì nhỏ, người thì đông nên rất khó kiểm soát. Có những vụ người làng sau những va chạm đã quay ra cãi vã  khiến ông Chính đứng ngồi không yên.

Rồi qua đọc báo, xem các chương trình trên tivi ông Chính thấy mỗi ngày ở Hà Nội, và nhiều nơi trên cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông rất thương tâm. Ông cứ lẩn thẩn nghĩ rằng, nhỡ đâu một ngày nào đó tai họa lại giáng xuống làng mình, xuống con cháu mình thì chẳng còn gì buồn hơn. Trăn trở nhiều đêm, ông quyết định nói với đồng chí trưởng thôn cho phép mình đứng ở cổng làng để điều khiển giao thông.

2. Nói là làm, hàng ngày cứ ba ca: sáng từ 6 đến 8 giờ, trưa từ 10-12 giờ và chiều từ 16-18 giờ, ông Chính lại có mặt tại cổng làng. Ông xin được của anh công an xã một chiếc gậy và một chiếc còi, rồi học theo các đồng chí cảnh sát giao thông trên tivi để ra "đứng đường". Bà con trong làng lúc đầu tự nhiên thấy một lão già cầm chiếc gậy ra khua khoắng thì lạ lắm. Họ thường mỉm cười chào ông, nhưng cũng có người buông lời chế giễu.

Sau rồi người ta thấy việc làm của ông Chính có tác dụng thật. Những vụ ùn tắc hay va chạm giao thông ở làng giảm hẳn. Trước kia, mỗi khi có chiếc ôtô hay xe công nông ra vào thì y rằng ùn ứ cả giờ đồng hồ vì cổng làng thì bé, lại chẳng ai chịu nhường ai. Nay ông Chính xuất hiện "ép" một bên phải tránh đường nhường ôtô đi trước. Bởi vậy chỉ sau 5-7 phút đường lại thông thoáng như bình thường.

Cũng sau một thời gian sử dụng gậy của công an xã cho, ông Chính thấy chưa phù hợp lắm. Vì nó chưa tạo sự chú ý cho người dân từ đằng xa, và nhỡ va vào ai đó thì cũng hơi đau. Bởi vậy ông Chính cải tiến bằng cách tìm một cây gậy dài hơn, một đầu buộc túi nilon chủ yếu để ra hiệu cho người tham gia giao thông giảm tốc độ từ xa. Dân "tổ lái" nào dù đi nhanh mấy, mà thấy chiếc gậy của ông Chính vẫy từ đằng xa thì kiểu gì cũng phải kìm lại.

Có dạo, ông còn mua sơn về viết trước cổng làng dòng chữ "Đường xe đi phải đi chậm, vào ra từ từ để được an tâm…" để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông.

"Thế những ngày mưa gió bác có ra… đứng đường không?" - tôi hỏi.

Ông Chính mỉm cười, chỉ vào chiếc áo mưa được gấp cẩn thận trong chiếc túi nilon ông luôn mang bên mình, bảo: "Đúng là khi trời mưa thì lượng người cũng ít hơn hẳn, nhưng cũng chính lúc đó lại nhiều người đi ẩu hơn để mau về nhà tránh mưa nên tôi vẫn phải có mặt chứ. Hơn nữa, qua "nghiên cứu" thì tôi thấy dù mưa to đến mấy thì vẫn có những đối tượng là công nhân, học sinh cuối cấp… phải đi làm, đi học bình thường. Vì vậy chẳng khi nào tôi dám nghỉ".

Rồi những hôm người trong làng có việc, ông Chính lại phải dậy sớm hơn thường lệ. Bởi từ 5 rưỡi sáng là lượng người qua lại đã khá đông rồi, nên ông Chính cũng phải có mặt.
Ông Chính được UBND TP Hà Nội tặng bằng khen người tốt việc tốt.

Tuy thế, việc điều khiển giao thông không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có những lần đám choai choai khi thấy ông thổi còi ra hiệu đi chậm lại thì rồ ga phi nhanh hơn, khiến ông suýt ngã. "Nhưng đối tượng như thế cũng ít thôi. Lần sau thấy tôi vẫn đứng ở đây thì kiểu gì cũng "chờn", không dám hỗn láo như thế nữa đâu" - ông Chính cười khà khà.

Và, khi thấy việc làm của ông Chính thực sự có hiệu quả, đồng chí trưởng thôn đã đề nghị xã mỗi tháng trích ra 500 ngàn đồng để "bồi dưỡng" cho ông. Song ông kiên quyết không nhận. "Tôi làm việc này chủ yếu là đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, về già không làm gì chỉ mong có một việc làm giúp ích cho xã hội là vui rồi" - ông nói.

Cũng có lần, chính con trai ông cật vấn: "Ngày ngày bố đứng ở đó, khi bố ốm thì thuê ai đứng thay bố?". Ông Chính bảo: "Bố làm được ngày nào hay ngày đó, chỉ mong bà con có ý thức tự bảo vệ mình khi tham gia giao thông".

Có một điểm là người thân trong gia đình ai cũng ủng hộ việc làm đó của ông. "Những hôm trái gió trở trời, không được khỏe, ông ấy phải về nhà sớm hơn ngày thường. Nhưng cứ đỡ một chút ông lại ra làm nhiệm vụ" - bà Thìn vợ ông chia sẻ. Anh Phạm Văn Tuấn, một người dân trong làng cho biết: "Nhiều khi đi qua đây thấy ông Chính là thấy an toàn, không thấy ông đứng đó thì rất lo lắng. Phần vì không có ai giữ trật tự giao thông, phần lo lắng cho sức khỏe của ông. Để tìm người làm việc mẫn cán như ông chẳng phải dễ dàng. Có ông đứng đó không chỉ trẻ con mà người lớn đi lại cũng rất an tâm".

Đã bước sang tuổi 81, song ông Chính vẫn chưa có ý định bỏ công việc "vác tù và" kia. Ông tâm niệm, mình còn làm gì giúp được dân làng thì cứ làm, bao giờ không còn sức khỏe nữa thì thôi.

Rời Lai Xá, chúng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh ông lão râu tóc trắng như cước đang tả xung hữu đột, điều khiển giao thông với nụ cười luôn thường trực trên môi.

Minh Tiến
.
.