Chăm tay vun tưới, củi cành nở hoa

Thứ Ba, 18/12/2018, 15:32
Trong quan niệm của không ít người, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vẫn là một nỗi ám ảnh dai dẳng. Thế nhưng, giờ đây, nó không còn là nỗi ám ảnh tuyệt vọng nữa, nếu người trót mắc phải biết và dám vượt lên số phận. Kiên cường chiến đấu với căn bệnh quái ác, cuộc sống của anh Mạc Văn Tuấn (47 tuổi, tên nhân vật đã đổi) thật sự nở hoa.

Căn nhà của anh nằm trong hẻm nhỏ trên đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chỉ vỏn vẹn chưa đầy 40m2 nhưng là nơi mà anh cùng 3 người thân của mình là mẹ ruột, vợ và con gái sinh sống đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc.

Trước đây, nhà anh ở khu chợ Cầu Muối, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP Hồ Chí Minh, địa danh nổi tiếng một thời về tệ nạn. Hầu hết thanh niên trong xóm đều nghiện ma túy. Nhà anh có hai anh em trai, cả hai nghiện ngập. Năm 2005, người em trai qua đời khi tuổi còn rất trẻ vì AIDS. Bạn nghiện của anh nay không còn ai, tất cả đều vì AIDS.

Ban đầu Tuấn luôn khuyên nhủ em trai và bạn bè bỏ ma túy nhưng không ai bỏ được. Tự hỏi không hiểu vì sao, anh thử xem nó ra làm sao. Đó là khoảng năm 1997. Tuấn lúc ấy đang làm nghề tài xế chạy xe tải chở hàng thuê. Lần đầu sử dụng ma túy, Tuấn thấy trong người khó chịu, bần thần. Nhưng vì “sĩ diện”, anh tiếp tục sử dụng rồi nghiện từ khi nào không biết. Không có thuốc là mệt mỏi, vật vã, không thể làm việc. Có ngày Tuấn sử dụng 4-5 cữ, làm bất kể chuyện gì để có tiền mua thuốc.

Đến năm 2000, anh được đưa đi cai nghiện 6 tháng tại Cơ sở cai nghiện ma túy - Bảo trợ xã hội Phú Văn thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cơ sở đóng trên địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước. Về địa phương nhưng thất nghiệp, Tuấn lang bang với đám bạn, rồi quay lại đường cũ. Căn nhà khang trang ở quận 1, mẹ Tuấn phải bán để trả tiền mà hai anh em đã “phá” vì ma túy. Còn lại ít tiền, mẹ Tuấn đến quận Thủ Đức mua căn nhà nhỏ hiện nay để sinh sống và cũng hy vọng để tránh xa môi trường xấu - cái nơi mà rất nhiều người bị “nàng tiên nâu” cướp đi sự sống.

Đến năm 2002, Tuấn lại đi cai nghiện ở Phú Văn, thời gian cai 5 năm. Vào năm 2005, mẹ Tuấn lên thăm và báo tin em trai đã qua đời vì bệnh AIDS. Hình ảnh người mẹ già lầm lũi, đã chịu bao nhiêu khổ cực của cuộc sống, nay lại phải đau buồn vì chính các con mình làm khổ, luôn hiển hiện trong Tuấn. Tuấn bắt đầu suy nghĩ và hối hận khi bản thân chuẩn bị đến lượt đi theo em, vì biết mình đã mang trong người mầm mống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Bà Trần Thị Lựu và anh Nguyễn Chí Nghĩa trao đổi với anh Tuấn (người ngồi quay lưng).

Thường thì con người ta đến lúc “gần đất xa trời” hay suy nghĩ nhiều và tiếc sự sống, luôn ước muốn giá như thời gian quay trở lại. Biết là mình sống không được bao lâu, bởi trong người đang mang căn bệnh thế kỷ, chuẩn bị tinh thần “vĩnh biệt trần gian” nhưng vì mẹ, Tuấn đã nỗ lực cai nghiện, để nhanh chóng về nhà giúp mẹ trong những ngày còn sống trên cõi đời này. Anh muốn làm những điều có ích cho mẹ, cho xã hội.

Đến năm 2007, sau khi cai dứt cơn nghiện, Tuấn trở về địa phương ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Nơi có căn nhà cũ kỹ, lụp xụp với người mẹ già mái tóc đã phai sương, thân hình gầy gò ốm yếu, vầng trán xếp lớp những vết nhăn.

Trong danh sách tiếp nhận người nghiện ma túy về địa phương, bà Trần Thị Lựu, Đội trưởng Đội cán sự tình nguyện phường Hiệp Bình Chánh, thấy có một người tên Tuấn ở gần nhà mình. Bà đến gặp mẹ anh để hỏi han. Mẹ anh nước mắt vắn dài, than thở tuyệt vọng. Bà nghĩ có lẽ nào 3 người đàn ông thân thuộc của bà lại lần lượt ra đi! Bà đến Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đăng ký sẽ hiến xác cho y học, sau khi con trai qua đời.

Trước sự tuyệt vọng của mẹ anh Tuấn, bà Lựu đã nhiều lần, nhiều ngày tâm sự, chia sẻ động viên để bà cùng chính quyền địa phương chữa trị cho con trai bà. Bởi lúc này, tinh thần là rất quan trọng để anh Tuấn sử dụng thuốc phòng chống HIV/AIDS. Mẹ anh Tuấn thì cho rằng, cuộc đời con trai mình coi như xong, không còn hy vọng gì. Thế nhưng anh Tuấn lại là người quyết tâm “còn nước còn tát” và sống có ích quãng đời còn lại nên anh đã nghe lời khuyên của bà Lựu, đi khám bệnh định kỳ và uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình mẹ con anh Tuấn, bà Lựu và anh Nguyễn Chí Nghĩa, cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội phường Hiệp Bình Chánh cùng một số cán bộ phường đề xuất lãnh đạo UBND phường hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho anh khám chữa bệnh miễn phí, xét duyệt đưa gia đình anh vào diện hộ nghèo để được hưởng chính sách của Nhà nước; đồng thời thường xuyên thăm hỏi động viên, vận động các “Mạnh Thường Quân” hỗ trợ gia đình anh. Một số cán bộ địa phương còn bỏ tiền túi ra mua quà đến thăm hỏi động viên mẹ con anh Tuấn.

Sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và những người xung quanh phần nào vơi bớt đi khó khăn của gia đình anh Tuấn lúc đó nhưng cái chính vẫn là bản thân anh đã nỗ lực vươn lên. “Tôi thấy anh Tuấn là người kiên trì, có ý chí vươn lên, nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ và uống thuốc đều đặn nên tình trạng sức khỏe của anh được cải thiện đáng kể”, bà Lựu tâm sự.

Thấy sức khỏe của mình bắt đầu chuyển biến tốt, anh đăng ký học lại để thi lấy giấy phép lái xe ô tô. Sau đó, anh chạy xe chở thuê hàng hóa từ chợ đầu mối Thủ Đức giao cho khách ở chợ Bến Thành và một số chợ trong thành phố. Cũng từ đây, anh quen biết rồi tiến đến hôn nhân với người phụ nữ là vợ anh hiện nay.

Tuấn kể: “Năm 2009, trong quá trình nhận và chở hàng tại chợ đầu mối Thủ Đức, tôi gặp một người con gái phụ việc tại vựa trái cây ở đây, mỗi ngày đều gặp và nói chuyện qua lại đùa vui. Sau khoảng hơn một năm thì hai đứa chính thức yêu nhau. Tôi có tâm sự về hoàn cảnh gia đình cũng như bản thân đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng rất may là cô ấy không sợ mà còn động viên tôi cố gắng điều trị”.

Anh Tuấn (tên nhân vật đã được thay đổi) dạy con học.

Nghe anh kể đến đây, chúng tôi thấy người phụ nữ của đời anh thật là gan dạ, dám chấp nhận một người đàn ông bị căn bệnh mà rất nhiều người sợ, thậm chí xa lánh. Là người nhiều năm tiếp xúc với những người bị bệnh như anh Tuấn nhưng đối với một người chuyên làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội như anh Nguyễn Chí Nghĩa, có lẽ ấn tượng nhất vẫn là người vợ: “Tôi thật sự không biết phải nói như thế nào ngoài việc cảm phục vợ anh Tuấn. Hằng ngày cô ấy vẫn chăm sóc, động viên Tuấn, từ đó động lực trong Tuấn ngày càng bừng lên”, anh Nghĩa nói.

Tuấn thì tâm sự: “Tôi thấy cuộc đời như được nở hoa. Tôi nghĩ không bao giờ có người phụ nữ nào dám thương mình”.

Năm 2012, một đám cưới giản dị diễn ra và sau đó, vợ anh sinh một bé gái xinh xắn, dễ thương. Anh Tuấn bộc bạch: “Khi biết mình bị bệnh, tôi nghĩ cuộc đời mình coi như xong, không bao giờ nghĩ lại có được như ngày hôm nay. Mỗi ngày nhìn thấy vợ con mình vui cười là lòng tôi thấy ấm áp”. Vẻ phấn khởi hiển hiện trên gương mặt chai sạn vì cuộc sống của anh làm chúng tôi cảm thấy cũng vui lây. Theo bà Lựu, y học bây giờ phát triển, bệnh nhân và người vợ (không bị bệnh) uống thuốc và làm đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ thì khả năng đứa con sinh ra không bị lây nhiễm là rất cao, người vợ cũng không bị lây bệnh từ chồng.

Anh cho biết, lúc quen nhau, cô gái vẫn giấu cha mẹ việc người yêu bị AIDS. Có một lần anh bị bệnh nặng phải ở nhà điều trị. Đúng dịp đó, cha cô ở quê lên TP Hồ Chí Minh thăm con gái, không thấy bạn trai mà con gái đã đưa về quê ra mắt họ hàng, ông hỏi thì con gái nói anh bị bệnh. Cha cô hỏi về bệnh tình và muốn đến thăm anh. Cuối cùng, cô gái đành nói thật với cha là người yêu bị “căn bệnh thế kỷ”. “Khi biết tôi bị bệnh này, cha mẹ cô ấy không những không phản đối bắt con gái bỏ tôi mà còn động viên tôi cố gắng chữa trị”, anh Tuấn xúc động nói.

Sau khi cưới, vợ chồng anh tích góp được ít tiền cộng với vay mượn người thân mua xe tải nhỏ để chở hàng, không phải chạy xe thuê nữa. Do là xe cũ nên sau khi mua về, anh tự học cách sửa ô tô và mày mò tu sửa chiếc xe mới mua, chỗ nào khó thì đưa ra tiệm. Chiếc xe được sửa đẹp và tốt hơn nên có người hỏi mua, anh bán có được chút lãi. Thấy việc mua xe cũ về sửa lại bán có lời, anh tiếp tục tìm mua chiếc xe tải khác về tự sửa chữa, ai thuê chở hàng thì chở, ai mua thì bán. Vậy là cái nghề mua xe tải cũ về tu sửa rồi bán đã đến với anh.

Hôm chúng tôi đến, thấy anh đang sửa chiếc xe tải mà anh mới mua, chân tay lấm lem, người mồ hôi ướt đẫm, chúng tôi cứ tưởng anh là thợ sửa xe ô tô, không ngờ anh tự học vậy mà sửa như thợ chuyên nghiệp. Chiếc xe tải anh đang sửa gần xong rất đẹp mà giá lại rẻ. Anh cho biết “thấy tôi làm uy tín và bán xe giá khá mềm nên nhiều người đã đặt mua”. Còn vợ anh từ khi có bầu, anh bàn với vợ nghỉ dưỡng ở nhà để đứa con trong bụng được khỏe mạnh, anh sẽ cố gắng lao động để nuôi vợ. Sau khi sinh và nghỉ hậu sản, vợ anh xin vào làm công nhân cho một công ty ở gần nhà. Thu nhập của vợ chồng anh cũng đủ để trang trải cuộc sống và anh đã sửa căn nhà cũ khang trang hơn trước.

Câu chuyện về cuộc đời của anh đã thu hút chúng tôi một cách kỳ lạ. Anh cho biết, những tâm sự về cuộc đời mình anh chưa bao giờ kể với ai, anh nghĩ rằng cũng chẳng ai thèm nghe đâu mà kể. Bởi cuộc đời của một người nghiện ma túy rồi bị bệnh AIDS thì có gì đâu mà kể, chứ chưa nói là bị “khinh rẻ”. Thật ra anh cũng không muốn kể nhưng bây giờ anh muốn nói ra điều mà có lẽ nhiều người đang không biết phải làm như thế nào, có thể tuyệt vọng...

Điều mà anh muốn nói là khuyên các bạn trẻ rằng: “Được sống trên cõi đời này là một hạnh phúc rất lớn, do đó hãy biết trân trọng cuộc sống, đừng hành hạ bản thân, người thân và đừng bao giờ thử ma túy dù chỉ một lần vì nó chỉ hại cho bản thân. Còn những ai đã lỡ sa vào con đường này, những ai bị “căn bệnh thế kỷ” thì hãy nỗ lực điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ và sống có ích”.

Con trai được như ngày hôm nay, mẹ anh Tuấn rất yên lòng. Bà vui mừng khôn xiết và xúc động nói: “Tôi biết ơn chị Lựu và chính quyền địa phương cũng như tất cả những người đã quan tâm giúp đỡ gia đình tôi, giúp con tôi vượt lên nghịch cảnh để có được cuộc sống như ngày hôm nay”.

Bà Nguyễn Thị Thanh, trưởng khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, cho biết: “Tuấn là người luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, chịu khó làm ăn; chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và những quy định của địa phương”.

Nhìn tấm ảnh cưới của vợ chồng anh và ảnh con gái anh nở trên môi nụ cười tươi tắn, vô tư, chúng tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm và đầy xúc cảm. Đúng lúc này, chuông điện thoại của anh reo lên, sau đó anh cho biết có người thuê chở hàng. Tạm biệt gia đình anh, chúng tôi ra về, thấy hình như đường phố hôm nay đông vui hơn mọi ngày, xa xa có hai chú chim bồ câu trắng đang đậu trên mái nhà nhìn rất hạnh phúc.

Nguyễn Cảnh
.
.