Chiến dịch lớn của cảnh sát khu vực

Thứ Ba, 21/07/2020, 20:39
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, tra từng người” - Trung tá Dương Văn Duẩn, cảnh sát khu vực (CSKV) Công an phường Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) khái quát với tôi như thế về công việc của các anh trong những ngày này.

Bước vào cao điểm triển khai thực hiện Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc đang tập trung cao độ, dốc toàn lực để hoàn thành kịp tiến độ thời gian, đảm bảo chính xác việc thu thập thông tin dân cư. Áp lực công việc đang đè nặng đôi vai lực lượng CSKV. Có theo chân họ xuống từng hộ dân lấy dữ liệu mới thấy hết nỗi nhọc nhằn, vất vả cùng ý thức trách nhiệm cao, quên mình vì nhiệm vụ của những người bám dân ở cơ sở.

“Vắt chân lên cổ”

23 giờ 30, Trung tá Duẩn cùng tôi luồn lách xe máy qua những con phố, ngõ xóm chỉ còn sáng ánh đèn đường ở tổ 4-5 phường Phúc Lợi và khu đô thị Vinhomes Riverside để phát phiếu thông tin dân cư (DC01), phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (DC02) cho một số hộ dân mà ban ngày đã nhiều lần xuống nhưng chưa gặp được. Anh bảo phải xuống giờ này mới “chắc ăn”, chứ trong giờ hành chính nhiều người chưa về. Bộ cảnh phục thấm đẫm mồ hôi sau một ngày hè làm việc cật lực, giữa tháng “chiến dịch” thu thập dữ liệu dân cư... khiến vẻ phờ phạc, mệt mỏi hằn lên mặt.

Với khoảng 2.200 nhân khẩu trong địa bàn được giao phụ trách, yêu cầu phải thu thập xong thông tin cá nhân, nhập liệu vào hệ thống trong thời gian ngắn, khiến Trung tá Duẩn “quay như chong chóng”, không còn thời gian nghỉ ngơi để thay bộ quần áo. Anh kể trách nhiệm thu thập dữ liệu dân cư trước tiên thuộc về CSKV. Họ phải đến từng hộ gia đình tuyên truyền, phát phiếu DC01, DC02, hướng dẫn người dân tự kê khai thông tin cá nhân. Diện kê khai thông tin bao gồm các hộ và nhân khẩu có hộ khẩu thường trú và chỗ ở trên địa bàn (KT1); người phường khác (thuộc TP Hà Nội) tạm trú trên địa bàn, người của phường tạm vắng tại nơi cư trú (KT2 đến và đi); người tỉnh ngoài mua nhà, tạm trú trên địa bàn phường (KT3); người tỉnh ngoài thuê nhà, ở thời vụ trên địa bàn (KT4).

Trung tá Dương Văn Duẩn (Công an phường Phúc Lợi) hướng dẫn người dân kê khai thông tin cá nhân.

Theo quy định, người dân phải tự kê khai, không được viết thay, ký thay người khác trong gia đình, ngoại trừ các trường hợp như người già, trẻ em dưới 14 tuổi, người vắng mặt tại nơi cư trú (đang chấp hành án, đi nước ngoài...), người mắc bệnh tâm thần, thiểu năng trí tuệ, người không biết chữ... Sau khi người dân kê khai 17 “trường” thông tin trên phiếu DC01, CSKV phải trực tiếp kiểm tra giấy tờ tùy thân của họ để đối soát với thông tin trên phiếu xác định đúng sai. Nếu có sai sót, yêu cầu khắc phục, chỉnh sửa ngay.

Khi hoàn tất phiếu thông tin, CSKV thu phiếu rồi thống kê, báo cáo. Tiếp theo,  phiếu sẽ qua các bước kiểm tra, phê duyệt của lãnh đạo đơn vị rồi chuyển lại cho CSKV để trực tiếp nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý dân cư. Khâu nhập liệu cũng đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ và phê duyệt của chỉ huy đơn vị, để tránh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình nạp dữ liệu, thông tin vào máy tính. Kết thúc công đoạn nhập liệu, toàn bộ dữ liệu dân cư của quận tổng hợp trên số liệu các phường báo cáo, được chuyển về Công an thành phố để báo cáo Bộ Công an.

Công việc nghe đã thấy phức tạp, trên thực tế còn khó khăn gấp bội. Trung tá Duẩn kể tình huống phổ biến nhất đó là CSKV phải năm lần bảy lượt đến nhà mới gặp được người cần gặp để phát phiếu vì họ cũng bận công việc hay đi làm ăn, công tác xa. Tiếp đến là chuyện người dân mất giấy tờ tùy thân, không nhớ được ngày tháng năm sinh, không nhớ số CMND đã được cấp do bị thất lạc, hay việc không biết số CMND của cha mẹ mình đang ở xa.

Cá biệt, có những trường hợp vì nhiều lý do nên không hợp tác, không cung cấp thông tin cá nhân, không ký phiếu thông tin, dù cho CSKV đã giải thích “hết nước hết cái”. Với các trường hợp “xương xẩu” này, CSKV lại phải vận động những người thân quen, hàng xóm có uy tín với người đó để vận động, thuyết phục. Kiên trì, nhẫn nại là phương châm hành động của CSKV trong “chiến dịch” này.

Bên cạnh đó, những biến động về địa giới hành chính cũng gây nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin ở 3 cấp tỉnh - huyện - xã của công dân. Nhiều địa danh đã thay đổi tên nên bây giờ tra cứu “các kiểu” cũng không ra. Đó là những vướng mắc không nhỏ trong quá trình thu thập thông tin.

Anh cho biết với yêu cầu triển khai và hoàn thành công việc trong thời gian rất ngắn (từ 5-6 đến 30-6-2020 phải hoàn thành việc thu phiếu thông tin, từ 3-7 đến 25-7 phải nhập liệu xong), nên lực lượng công an cơ sở đang phải “vắt chân lên cổ” mà “chạy” cho kịp tiến độ nhưng vẫn phải bảo đảm sự chính xác tuyệt đối của thông tin. “Cái khó ló cái khôn”, nhiều cách làm sáng tạo đã được CSKV vận dụng để chạy đua với thời gian, hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng công việc.

Cảnh sát khu vực hướng dẫn người dân kê khai thông tin cá nhân.

Trung tá Duẩn kể: “Quán triệt mệnh lệnh của Giám đốc Công an TP Hà Nội, bám sát kế hoạch công tác và chỉ đạo của Ban chỉ huy Công an quận Long Biên và Công an phường Phúc Lợi, chúng tôi đã vào cuộc với tinh thần quyết tâm cao, phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ. Nhiều cách làm sáng tạo đã được triển khai, như lồng ghép tuyên truyền kế hoạch thu thập dữ liệu dân cư trong các cuộc họp tổ nhân dân, huy động sự hỗ trợ của cán bộ dân phố, các liên gia trưởng vào việc kêu gọi người dân hợp tác, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.

Đặc biệt là việc CSKV sử dụng phần mềm Zalo, Facebook để tương tác, chia sẻ nội dung, yêu cầu công việc trong các nhóm. Nhờ khai thác tốt tính năng liên kết xã hội trên các ứng dụng này, nên trong thời gian ngắn đã chuyển tải được thông tin đến nhiều hộ gia đình trên địa bàn, tiết kiệm được thời gian đi lại, làm việc của người dân và CSKV”.

Ông Nguyễn Huy Khôi ở tổ 4, phường Phúc Lợi cho biết gia đình ông có 4 khẩu, sau khi nghe CSKV phổ biến chủ trương thu thập thông tin dân cư và vận động gia đình chấp hành, ông đã nhiệt tình hưởng ứng, cùng người thân khai báo thông tin, viết phiếu và giao nộp đúng hạn.

Ông chia sẻ: “Nhìn các anh CSKV nắng nôi vất vả quá nên chúng tôi rất đồng cảm, chia sẻ, thực tâm muốn giúp họ sớm hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác tôi nghĩ việc khai báo thông tin cá nhân giúp cho việc quản lý dân cư của Nhà nước được tốt hơn, đỡ được nhiều loại giấy tờ như hiện nay. Bản thân người dân cũng rất có lợi khi thủ tục hành chính được đơn giản hóa”.

Dốc lòng hoàn thành nhiệm vụ

Thiếu tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Công an phường Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) như lọt thỏm giữa chồng hồ sơ, giấy tờ, công văn báo cáo trong “chiến dịch” thu thập dữ liệu dân cư. Anh cho biết, cùng với các đơn vị công an cơ sở trong toàn quốc, Công an phường Giang Biên đang tập trung cao độ về quân số, thời gian, biện pháp để triển khai kế hoạch thu thập thông tin dân cư đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.

Cụ thể, đơn vị thực hiện chế độ trực 50% quân số, ăn ngủ tại cơ quan, CSKV làm việc hết công suất cả 3 ca sáng - chiều - tối,  không giải quyết bất kỳ trường hợp nào xin nghỉ phép, đi du lịch. Để tăng cường cho “mặt trận” nóng bỏng này, công an phường đã huy động một số cán bộ cảnh sát hình sự, cảnh sát trật tự hỗ trợ tổ CSKV. Ban chỉ huy phân công nhau, mỗi người phụ trách từ 2-3 CSKV trên cơ sở tính toán số lượng dân, chia đều công việc.

Trách nhiệm của các phó công an phường là phải giao việc, đôn đốc CSKV triển khai công việc phát phiếu thông tin, hướng dẫn người dân kê khai, đối soát và thu thập; kiểm tra kết quả công việc của CSKV, ký tắt xác nhận thông tin trên từng phiếu rồi trình trưởng công an phường xem xét. Nếu phiếu đạt yêu cầu, thông tin đúng thì ký, đóng dấu trên phiếu để báo cáo công an quận, nếu có sai sót thì yêu cầu làm lại.

Hoạt động nhập dữ liệu dân cư tại Công an quận Long Biên.

“Trách nhiệm của người đứng đầu công an phường rất nặng nề trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Theo quy định tại Công văn số 612/CALB-QLHC ngày 19-6-2020 của Công an quận Long Biên thì trưởng công an phường phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn, tuyệt đối không được ủy quyền hay phó thác cho cấp phó mà phải trực tiếp thực hiện việc phúc tra, kiểm tra thông tin về công dân trên phiếu DC01, DC02 tại các hộ trên địa bàn và xác nhận 2 mức (CSKV, trưởng công an phường), đảm bảo thông tin “đúng, đủ, sống”.

Bên cạnh đó, phải sử dụng đồng bộ các giải pháp, biện pháp nhằm huy động tối đa nguồn nhân lực, phương tiện tại chỗ để phối hợp, hỗ trợ lực lượng CSKV thực hiện nhiệm vụ được giao, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, chia thành các ca - kíp cụ thể để bảo đảm tận dụng tối đa thời gian sử dụng máy tính kết nối hệ thống” - Thiếu tá Hiếu cho biết.

Không chỉ vất vả trong quá trình thu thập thông tin dân cư, mà việc nhập liệu cũng tốn rất nhiều thời gian, công sức. Thiếu tá Hiếu kể địa điểm nhập liệu của tất cả các phường tập trung tại trụ sở Công an quận Long Biên. Tại đây, Công an phường Giang Biên chỉ được giao 2 máy tính để nhập liệu. Để đẩy nhanh tiến độ nạp dữ liệu, đơn vị phải mượn bên ngoài thêm 2 máy tính. Hằng ngày luôn có người làm việc trên máy, trong lúc những người khác xuống địa bàn thu thập thông tin.

Vào giờ nghỉ trưa, cuối giờ chiều, hay ban đêm, khi CSKV đã nghỉ nhập liệu, thì Ban chỉ huy Công an phường vào máy, tiến hành kiểm tra, đối soát thông tin giữa phiếu và dữ liệu đã nạp trên hệ thống. Nếu đúng thì duyệt và chuyển thông tin đi. Nếu phát hiện sai sót thì không duyệt mà yêu cầu kiểm tra lại. Ròng rã đã hơn 1 tháng nay, một khối lượng công việc rất lớn đã được đơn vị triển khai, hoàn tất, bám sát yêu cầu về tiến độ và chất lượng.

“Chung lưng đấu cật” cùng với CSKV trong “chiến dịch” này là những CBCS ở các đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội các quận, huyện. Với vai trò, trách nhiệm là đầu mối công việc, thường trực, tham mưu cho Ban chỉ huy chỉ đạo triển khai thực hiện các kế hoạch công tác trên giao nên cường độ làm việc của họ trong những ngày này cũng không thua kém gì anh em dưới cơ sở.

Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Hoa - (Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Long Biên) cho biết Long Biên là địa bàn rộng, với nhiều thành phần dân cư đa dạng, từ dân xóm bãi, người làm thuê, dân ngụ cư, dân làm nghề nông nghiệp, đến dân kinh doanh buôn bán, công chức viên chức... nên công tác thu thập dữ liệu dân cư gặp nhiều khó khăn.

“Thực hiện nghiêm túc Mệnh lệnh số 05/ML-CAHN-PV01-PC06 ngày 5-6-2020 của Giám đốc Công an TP Hà Nội về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách triển khai Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an quận Long Biên đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Tại trụ sở quận bố trí 64 máy tính để các đơn vị tập trung nhập liệu 24/24, với gần 170 cán bộ chia ca làm việc suốt ngày đêm. Nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo, ý thức tự giác, tích cực, trách nhiệm trước công việc của CBCS mà đến này khoảng 90% công việc đã hoàn thành” - Trung tá Hoa chia sẻ.

Đào Trung Hiếu
.
.