Chợ người Việt ở Budapest

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:00
Từ Áo sang Hungary với quãng đường hơn 200km, xe buýt chạy mất 3 tiếng, nhưng do chúng tôi đi đúng vào dịp bắt đầu ngày nghỉ lễ Phục Sinh nên đường sá hơi đông hơn so với bình thường. Chúng tôi lên xe và bắt đầu khám phá Budapest - thủ đô của Hungary với sự hướng dẫn của anh Dương, một cựu du học sinh Việt Nam.

Người Việt ở Budapest

Anh Dương nguyên là học sinh chuyên Toán của trường Lam Sơn (Thanh Hóa) được Nhà nước cử đi học ở Hungary vào cuối năm 80 đầu năm 90 của thế kỉ trước với chuyên ngành làm vườn, trồng cây thuốc. Đây là khoa học duy nhất ở Hungary lúc đó và đến giờ đã được sát nhập vào khoa khác. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao anh lại chọn ngành này học mà không học Bách khoa hay Kinh tế?”.

Anh Dương cười: “Hồi đó được cử đi học không được lựa chọn học khoa gì, ngành gì mà Nhà nước chọn cho hết rồi cứ thế mà đi học thôi. Đó đơn giản là sự ghép nối, cũng giống như thành phố Budapest này vậy, trước kia Budapest là 3 thành phố riêng biệt bao gồm: Buda, Óbuda và Pest. Đến năm 1873, thành phố được hợp nhất với tên gọi Budapest như ngày nay”.

Xe đưa chúng tôi lên núi Gellért, từ đó sẽ nhìn xuống toàn cảnh Budapest. Từ trên núi, bạn có thể nhìn thấy những cây cầu nối liền bờ Pest bằng phẳng với vùng đồi của Buda. Tính đến nay có khoảng 9 cây cầu nối liền hai bờ sông và mỗi cây cầu là một công trình nghệ thuật, tuy nhiên phải kể đến cây cầu Lánchíd - hoàn thành năm 1849.

Lánchíd, tên đúng ra là cầu Xích nhưng thường được gọi là cầu Sư Tử do một kiến trúc sư người Anh thiết kế. Đối với người Việt Nam lần đầu đến Budapest, không thể không đến cầu Tự Do, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi bộ khi đến thăm Hungary.

Đứng trên đỉnh Gellért bên bờ Buda nhìn sang bên kia sông thì Pest như một cô gái đầy sức sống, vô cùng cuốn hút với những đường phố sầm uất, những trung tâm khoa học và nhiều trường đại học, những khu thương mại xen lẫn vô số tiệm café, nhà hàng hấp dẫn và điểm nhấn không thể không nói đến là nhà Quốc hội, tòa nhà quốc hội lớn thứ ba trên thế giới. Và với người dân Hungary, họ đặt tượng đài tự do ở trên đỉnh cao nhất của thành phố đã nói lên phần nào tư tưởng yêu chuộng tự do của dân tộc này.

Budapest nhìn từ trên cao.

Anh Dương cho biết, hiện tổng số người Việt sống ở Hungary khoảng gần 6.000 người, chủ yếu từ số du học sinh học xong ở lại, từ lao động xuất khẩu và một số ít sau này đi theo diện đoàn tụ gia đình, anh chị em đón sang để làm ăn. Người Việt sống  tập trung ở Budapest, công việc chủ yếu là buôn bán tại chợ của người Việt, một số ít mở quán ăn nhưng không nhiều vì dân Hung ít ăn quán châu Á.

Anh Dương tâm sự,  những năm cuối 80 đầu 90, những du học sinh như anh phải đứng giữa 2 sự lựa chọn. Nếu về nước thì cuộc sống sẽ rất khó khăn bởi hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc đó nói chung còn nghèo,  hai là ở lại làm ăn gửi tiền về giúp đỡ mọi người trong gia đình. Cuối cùng phải lựa chọn thứ hai, tức là ở lại. Anh làm đủ nghề để sống, từ chạy chợ buôn bán linh tinh cho tới làm phiên dịch trong nhà máy. Và do đi làm phiên dịch cho công nhân Việt Nam xuất khẩu nên anh đã gặp và nên duyên với chị Hà, một người con gái xinh đẹp gốc Hà Nội.

Vợ chồng anh Dương cũng như nhiều người Việt bán hàng chủ yếu ở chợ trời Bốn Con Hổ, nhưng từ khoảng năm 2005, chợ trung tâm thương mại Thăng Long thành lập cho người Việt thì tất cả mọi người chuyển vào đây làm ăn buôn bán. Chợ được xây dựng trên nền của một nhà máy bỏ hoang và được một doanh nhân người Việt tên là Dương với biệt danh Dương “siêu” mua lại của Chính phủ Hungary.

Một góc chợ Thăng Long - chợ của người Việt tại Budapest.

Nói là chợ người Việt bán hàng của Việt Nam nhưng thực chất hàng hóa được bày bán trong này đều có xuất xứ từ Trung Quốc là chủ yếu. Anh Dương cho biết, Hungary là cửa ngõ của hàng Trung Quốc đi vào châu Âu. Hàng Trung Quốc đã đánh bật hàng Thổ ra khỏi chợ này và nhiều chủ hàng giàu lên vì nhập trực tiếp hàng Trung Quốc về bán.    

Nhưng việc kinh doanh của người Việt ngày càng khó khăn do nền kinh tế của Hung cũng có phần suy thoái, dân Hung không có tiền để mua sắm nhiều như trước. Bên cạnh đó, chính phủ có chính sách siết chặt các quy định về thuế má. Giờ đây, tất cả máy tính tiền in hóa đơn của cửa hàng đều phải nối trực tiếp với sở thuế của thành phố. Tức là anh chỉ cần bán một mặt hàng cho khách là ngay lập tức sở thuế biết anh bán được bao nhiêu tiền và cuối ngày anh thu được bao tiền.

“Vậy anh không nhập vào máy nữa mà đưa hàng thu tiền thẳng từ khách hàng thì sao?”, tôi hỏi. Anh Dương trả lời ngay: “Làm thế cũng được nhưng dễ chết. Bởi vì sở thuế đôi khi cài người giả vờ đi mua hàng và người bán hàng mà không đưa hóa đơn lập tức họ đưa thẻ công vụ và phạt trực tiếp tại chỗ”.

Trường hợp một người bạn anh Dương là một ví dụ: Bán một gói bánh giá trị cũng không nhiều, người mua sau mấy phút quay lại nói muốn đổi gói bánh to hơn và trả thêm tiền tương đương 5 euro. Ông bạn bán hàng vội lấy bánh và cất luôn 5 euro thừa vào tủ mà không đưa hóa đơn số tiền thêm 5 euro. Thế là bị phạt. Bị 4 lần như thế, cửa hàng sẽ bị đóng cửa ngoài tiền nộp phạt. Tiền nộp phạt có khi dẫn đến phá sản.

Nhiều trường hợp người Việt đã bị như vậy rồi. Việc buôn bán ế ẩm khiến nhiều người phải chuyển đổi nghề nghiệp, bán hoặc sang nhượng cửa hàng. Gia đình anh Dương cũng vậy, trước kia có 2 cửa hàng giờ đã phải sang nhượng lại 1 cái.

Công trình “Thành của người đánh cá” với kiến trúc độc đáo.

Số 7 linh thiêng của người Hungary

Rời khu chợ Thăng Long - một biểu tượng của Việt Nam giữa lòng thành phố - chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình khám phá Budapest với điểm đến là cung điện Hoàng gia và Thành của người đánh cá cùng với những nhà thờ lớn - biểu tượng của Budapest.

Theo lời kể của anh Dương thì lâu đài Hoàng gia (Buda Castle) bị phá hủy nhiều trong Thế chiến thứ hai, đến nay vẫn đang được tiếp tục tu sửa. Mặc dù vậy, khi đến lâu đài, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên về độ hoành tráng và diễm lệ của nó. Dưới tòa lâu đài là một đường hầm xuyên núi nhìn rất đặc biệt, không giống như những đường hầm thông thường. Một nửa hầm hình bán nguyệt, một nửa hình chữ A. Một phần liên quan đến tòa lâu đài hiện là nơi làm việc của tổng thống.

Đi bộ một đoạn, bạn sẽ tới nhà thờ Matthias và Thành của người đánh cá. Tại đây bạn có thể nhìn thấy tượng của vị vua Matthias vào thế kỉ XV cưỡi ngựa được chạm trổ và trang trí rất công phu. Vị vua này là người có công lớn giúp người dân Hungary, sau này được Giáo hoàng phong thánh. Bộ áo giáp của vị vua này cách đây khoảng 1.000 năm vẫn được lưu giữ ở một tu viện cách Budapest khoảng 80 km. Hộp sọ của vị vua này cũng được cất giữ ở một nhà thờ khác cho đến tận bây giờ.

Nếu chú ý quan sát, bạn sẽ nhận ra ở Thành của người đánh cá có 7 ngọn tháp, còn ở quảng trường Anh hùng có 7 người cưỡi ngựa. Số 7 rất quan trọng và linh thiêng đối với người Hungary vì đó là con số tượng trưng cho 7 tộc trưởng thuộc bộ lạc Magya di chuyển đến Hungary và quyết định sống, lập nghiệp để tạo nên nước Hungary ngày nay.

Đứng ở quảng trường Anh hùng, bạn có thể nhìn thấy hai bên là bảo tàng tranh và bảo tàng nghệ thuật, phía sau quảng trường là cung điện Mùa hè lộng lẫy và bể bơi Széchenyi Bath được bao quanh bởi cung điện tuyệt đẹp. Người dân Budapest luôn tự hào rằng họ có suối nước nóng ở khắp nơi trong thành phố, và tắm suối nước nóng là hoạt động không thể không thử khi bạn đến Budapest. Có hơn 100 suối như vậy trong thành phố với nhiệt độ nước từ 21-78 độ C.

Tòa nhà Quốc hội Hungary - tòa nhà nghị viện lớn thứ nhì châu Âu và thứ ba trên thế giới.

Đối diện quảng trường Anh hùng có một địa điểm mà người dân gốc của Budapest cận đại không thể nào quên, đó là Đại sứ quán Nam Tư - nơi gắn liền với chính biến năm 1956. Cựu Thủ tướng Nagy Imre sau khi chính biến nổ ra đã bỏ chạy vào sứ quán Nam Tư ẩn náu nhưng cuối cùng bị quân đội Liên Xô bao vây, sứ quán Nam Tư buộc phải trao thủ tướng cho quân đội Liên Xô.

Ngày 17 tháng 6 năm 1958, ông cùng những người nổi dậy bị Tòa án Tối cao Hungary tuyên bố hành quyết. Ngày nay, chính quyền hiện tại đã dựng lại tượng của ông trong thành phố, tuy vị trí đặt tượng có đôi chút khiêm tốn và phải là người thông hiểu Budapest mới biết.

Từ quảng trường Anh hùng, lên một chuyến tàu điện ngầm là chạy thẳng tới tòa nhà Quốc hội của Hungary. Năm 1880, hơn 3 thập niên sau cuộc chiến 1848-1849, Quốc hội Hungary ra đạo luật về việc xây dựng một tòa nhà lập pháp cố định - khi đó, Hungary là thành viên của nền quân chủ Áo - Hung và đang có những bước phát triển rất rực rỡ về văn hóa, giáo dục, kinh tế và kiến trúc. Trong gần 20 dự án thì dự án của Steindl Imre đã được lựa chọn.

Công trình mang dấu ấn của trường phái Tân Gothic, và xứng đáng đứng vào hàng những kiệt tác kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Công trình được xây dựng ròng rã trong vòng gần 20 năm (1885-1904). Tòa nhà có kích thước hết sức bề thế: chiều cao 268m, rộng 123m và cao 96m, diện tích cơ bản gần 18 ngàn m2, với 27 cửa ra vào và hơn 200 phòng chính. Là tòa nhà nghị viện lớn thứ nhì châu Âu và thứ ba trên thế giới, nhà Quốc hội Hungary còn đặc biệt ở chỗ nó được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu trong nước, ngoại trừ 8 cây cột đá cẩm thạch được mang tới từ Thụy Điển.

Những con số thống kê được ghi lại cho biết, trong vòng 17 năm liền, thường xuyên có 1.000 công nhân làm việc tại công trình này. 40 triệu viên gạch, 40 kg vàng đã được sử dụng. Tổng cộng, có tới 242 pho tượng, vô số tranh tường và các họa phẩm xuất sắc đã hiện diện trong và ngoài tòa nhà để tôn vinh “ngôi nhà của quốc dân Hungary”.

Không chỉ là nơi hội họp của các vị dân biểu, nhà Quốc hội Hungary còn là nơi lưu giữ những báu vật của đất nước Hungary có lịch sử 1.100 năm tuổi. Đó là chiếc “vương miện thiêng liêng” của vị vua lập quốc István Đệ nhất, người sau này được cả 2 giáo hội Công giáo và Chính thống giáo phong thánh.

Mặc dù vậy, điều tôi ấn tượng nhất trong chuyến đi này về Budapest không phải là tòa nhà Quốc hội bề thế hay cảnh đẹp lãng mạn bên bờ sông Danube mà là về thủ tục hành chính. Công dân Budapest có thể nộp hồ sơ thủ tục hành chính ở bất kì trụ sở ủy ban nào trong thành phố mà không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình và bạn có thể nhận kết quả ở nơi bạn cư trú. Điều này là một sự tiến bộ vượt bậc so với nhiều nước châu Âu khác.

Hoàng Nguyên Bình (từ châu Âu)
.
.