Chút duyên lành với Tăng thống Myanmar

Thứ Năm, 04/02/2016, 15:40
Một cơ may cữ thu Rangoon, tôi được diện kiến vị Tăng thống giáo chủ Miến Điện.

Tăng thống, trước nay vẫn tạm hiểu là chức vụ quản lý tăng sự được triều đình phong và coi là người đứng đầu Phật giáo cả nước thời phong kiến và quân chủ. Bây giờ, từ tăng thống được hiểu là người đứng đầu Phật giáo trong một nước, hoặc của một giáo hội và chức vụ này thường do các tổ chức giáo hội quyết định.

Với Đại Việt chức tăng thống lần đầu được lập dưới triều Đinh Tiên Hoàng. Cụ thể là Hòa thượng Khuông Việt đại sư giữ chức tăng thống. Sau này, cho đến thời nhà Trần và nhà Lê vẫn nếp ấy. Nhiệm vụ của người giữ chức này, tuy sử sách không ghi lại rõ ràng song vẫn có thể hiểu như một chức để quản lý các sư sãi ở trong nước.

Triều đình nhà Nguyễn, hình như đề cao Nho học, không lập chức Tăng thống?

Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập năm 1963, đã sử dụng lại danh vị tăng thống để chỉ cương vị lãnh đạo cao nhất của giáo hội. Theo đó có 5 vị Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ Đệ nhất tăng thống đến Đệ ngũ tăng thống. Tại Myanmar, hình như tăng thống không có hệ thống quyền lực tới 5 bậc mà duy nhất chỉ có một tăng thống lãnh đạo cao nhất của giáo hội?

Vị tăng thống tối cao mà chúng tôi sắp được bái yết có tên là Silan An Da.

Cũng cần nói thêm, một trong những người Việt từng tới Myanmar may mắn có nhiều duyên lành với cửa Phật xứ Miến Điện lại có duyên may tiếp cận với Ngọc Xá lợi là ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar (AVIM) kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV)

Nhớ lại một sự kiện ngày 23-7-2013 thay mặt Giáo hội Phật giáo Myanmar, Ngài Silan An Da - Đức tăng thống Myanmar - đã ban tặng một viên Ngọc Xá lợi Phật tổ cho ông Trần Bắc Hà vì những công trạng, đóng góp thiết thực với đất nước Myanmar.

Ngọc xá lợi, một vưu vật màu nhiệm mà di thể của những kẻ phàm trần không thể có được sau thủ tục lẫn các công đoạn hỏa táng.

Theo tâm nguyện của ông Trần Bắc Hà, Ngọc Xá lợi Phật Tổ được an vị tại tầng 25 Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hà Nội, từ ngày 26-7 đến ngày 30-7-2013 để đồng bào, tăng ni phật tử, cán bộ nhân viên ngành ngân hàng, các bằng hữu được chiêm bái. Từ ngày 31-7-2013, Ngọc Xá lợi Phật Tổ được nghênh rước và an vị tại Chùa Long Khánh của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định để đồng bào, tăng ni, phật tử chiêm bái. Sau đó vào trung tuần tháng 9-2013, Ngọc Xá lợi của Phật tổ được rước về an vị thờ phụng tại Chùa Thiên Hưng, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Thời gian Ngọc Xá lợi an vị tại Hà Nội tuy ngắn, nhưng đã có hơn 1.000 đoàn với hơn 5.000 lượt người đến cung nghinh chiêm bái Ngọc Xá lợi Phật Tổ.

Ngọc Xá lợi Phật tổ là bảo vật linh thiêng cao quý của Phật giáo. Trên cõi nhân gian này, chỉ những người thực sự có nhân duyên, may mắn mới có cơ hội được diện bái Ngọc Xá lợi Phật tổ, là biểu tượng cho sự hiển linh của Đức Phật nơi nhân gian trần thế.

Đây là Ngọc Xá lợi Phật tổ thứ 5 được Giáo hội Phật giáo Myanmar trao tặng cho Việt Nam.  Tại buổi lễ, Ngài Silan An Da - Đức tăng thống Giáo hội Phật giáo Myanmar đã trịnh trọng phát biểu: “Ngọc Xá lợi Phật tổ chứa đựng một năng lượng màu nhiệm, có thể tăng căn lành, giải trừ nghiệp ác. Ngọc Xá lợi Phật tổ có năng lực cảm hóa tâm người, phát triển lòng bác ái trong nội tâm của những ai có cơ duyên được chiêm bái Ngọc Xá lợi.  Ngọc Xá lợi giúp tâm thế thanh tịnh, có sức khỏe tốt và sau này có thể trở về cõi niết bàn”.

Cái duyên mà ông Chủ tịch AVIM Trần Bắc Hà ngẫu gặp, ngẫu được trên đất nước mà Phật giáo là quốc giáo là cả một câu chuyện dài. Chuyện dài nhưng khó nói như chuyện lần đầu ông được yết kiến vị giáo chủ tăng thống  Silan An Da.

…Ngôi chùa mà chúng tôi ghé không rõ có phải là nơi đức tăng thống trụ trì? Nhưng bên ngoài lẫn nội thất cũng dung dị. Bắt mắt đầu tiên là khuôn viên khá rộng. Rangoon đang cữ những ngày mưa lê thê. Nhà chùa cho các chú tiểu cầm ô thân đón khách.

Ngôi chùa ni vị Tăng thống trụ trì.

Qua một hành lang rộng. Một không khí lặng lẽ u tịch chế ngự. Những sải chân trần khẽ khàng cung kính lướt nhẹ trước các ban thờ Phật sáng trưng đèn nến. Dãy hành lang dằng dặc kết thúc. Trong cái khoảng mờ mờ sáng tối, tôi định thần và sững người trước một hình nhân an vị theo lối kiết già bất động trước một cái bàn con đặt trước bàn thờ Phật. Bộ phẩm phục chỉ là một tua vải màu nâu vàng cuốn quanh người lộ ra khoảng bờ vai gầy gò màu ngà.

Cặp mắt không biết nhắm nghiền hay khép hờ. Chăm chú vào đôi tay chắp lại hình búp sen của ngài thấy thoáng như ánh nhìn của một thứ tuệ nhỡn?

Đức ngài tăng thống Silan An Da đang ngồi kia...

(Sau này nhân một cuộc gặp với một số doanh nhân và báo chí Myanmar ở Rangoon, tôi có đưa họ coi bức hình chụp vị tăng thống thì ai cũng tỏ ra kính trọng và ngỏ ý mừng cho tôi có cái may và duyên lành được có buổi sơ kiến với ngài).

Sau thủ tục niệm Phật, ngài tăng thống với chất giọng rì rầm, nhỏ nhẹ, khoan thai đương buông lời thân chúc phúc cho bọn người đến thăm ngài trong đó cảm ơn ông Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam đã đến chiêm bái chùa và thăm hỏi sức khỏe của ngài.

Một bất ngờ hay duyên lành khi ông Trần Bắc Hà giới thiệu tôi là nhà báo Việt Nam đi theo đoàn muốn có vài lời bạch với đức ngài (Bắc Hà may không dùng từ phỏng vấn).

Ngài khoan thai gật đầu ưng thuận.

Biết thưa thốt cái gì vào thời khắc và khung cảnh này?

Tới lúc này tôi mới nhận ra âm sắc tiếng Anh đặc biệt mà ngài dùng. Được cái người phiên dịch chuyển ngữ mau và nuột. Nhờ thế biết được ngài sinh năm 1938. Căn tu rất sớm suốt 11 năm là tiểu. Ngài từng theo học Đại học Phật giáo dòng Tiểu thừa. Năm 1959 là sư. Ngài tu nghiệp nhiều năm ở Ấn Độ. Từng hành đạo ở Nê Pan, Trung Quốc, Srilanka… Lại bất ngờ được biết ngài là chỗ quen thân với thầy Huyền Diệu trụ trì ở Việt Nam cổ tự.

Ngập ngừng cùng những đắn đo. Tôi được biết trước đó, ngài tăng thống đây có mối quan hệ sâu đậm với hai yếu nhân Miến Điện là Thống tướng Than Shwe và Tổng thống Thein Sein bây giờ. Mạnh dạn vuột ra câu hỏi  rằng, cơ duyên nào để ngài gặp gỡ và có mối duyên lành với ngài Thống tướng và Tổng thống thấy ngay mình hớ khi vị Tăng thống khoan thai rằng như ông vừa hỏi là cái duyên…

Tác giả đang hầu chuyện Tăng thống Silan An Da.

Cũng lạ, hai người vốn khác nhau. Xuất thân từ một gia đình bần nông,  ngoài 20 tuổi Thein Sein đã gia nhập quân đội. Ông nhanh chóng tỏ ra là một nhà quản trị hơn là một người lính. Những năm 90, ông Thein Sein là trợ lý của Thống chế Than Shwe. Bốn năm làm Tư lệnh quân đội tại vùng buôn lậu ma túy khét tiếng Tam giác vàng,  không có bất cứ cáo buộc nào về hành vi buôn lậu hay lạm quyền của ông.

Trong số những nhân vật cứng rắn tại Myanmar, ông Thein Sein là người ôn hòa và trong sạch. Gặp gỡ tổng thống sau khi được thả tự do, thủ lĩnh phe đối lập Aung San Suu Kyi đã đánh giá ông Thein Sein là “chân thành” với tiến trình cải cách Myanmar. Chỉ hai năm qua, ông Thein Sein đã khiến cả thế giới ngạc nhiên trước hàng loạt cải cách chính trị và mở cửa kinh tế của mình.

Trộm nghĩ, một đất nước với chế độ quân sự chuyển thành dân sự nếu không có căn tính hòa bình của một quốc gia quốc giáo là Phật giáo, thì sự chuyển đổi sẽ nhọc nhằn khốn khổ những là núi xương sông máu chứ chả phải nhẹ nhàng thế này? Và nữa, vai trò của vị tăng thống đây đã đóng góp hiến kế những gì cho sự bình yên kiến quốc Myanmar? Phật giáo Myanmar, quốc giáo Miến Điện, nhập thế hay xuất thế?

Rồi tôi cũng vuột ra câu hỏi khó khăn khi nghĩ đến những đồn đại, không biết chính xác đến đâu rằng chính vị tăng thống này đã góp đã can dự vào những quyết định kinh thiên động địa. Đó là việc dời đô từ Rangoon sang Naypyidaw. Việc thứ hai là thay đổi tên nước. Việc nữa là thay đổi quốc kỳ Myanmar.

Vẫn cặp mắt khép hờ. Gương mặt bất động bình thản cùng động thái với cung cách trả lời như vô ngôn, không phản đối cũng như không phủ nhận của vị tăng thống có lẽ thoạt đầu khiến người chứng kiến hoang mang? Nhưng gẫm lại chừng như sự thật đang được toát yếu và phát lộ ngay trong trạng thái vô ngôn ấy?

Hay, dở, đúng, sai? Chả biết. Nhưng toàn bộ cơ quan hành chính tóm lại là bộ máy của thủ đô Rangoon bao đời nay đã được thiên đô về Naypyidaw  cách Rangoon hơn 400 km. Thủ đô Naypyidaw   được xây mới hoàn toàn cách đây 10 năm.

Và vào lúc 15 giờ (giờ địa phương) ngày 21-10-2010 các cơ quan nhà nước, chính phủ, công sở… nhận được thông báo hạ quốc kỳ cũ. Đài Truyền hình Nhà nước đã phát thông báo thay đổi quốc kỳ và lễ thay cờ đã diễn ra đồng thời trên khắp cả nước. Quốc kỳ mới gồm 3 dải mang màu vàng (trên) - xanh (giữa) - đỏ (dưới) và ngôi sao màu trắng ở giữa. Quốc kỳ mới với 3 màu  biểu trưng cho tình đoàn kết, hòa bình, ổn định, sự dũng cảm và tính kiên quyết.

Cùng ngày, tên nước được đổi thành Cộng hòa liên bang Myanmar thay cho tên được sử dụng trước đây là Liên bang Myanmar.

…Rangoon vẫn rả rích nhịp điệu đầu mùa mưa. Ngoái lại tôi giật mình thấy vị tăng thống tự lúc nào đứng chỗ hành lang đang cầm ô hướng cái nhìn như vô minh nhưng đằm thắm hồn cốt về đám chúng sinh Việt đang hối hả lên xe.

Xuân Ba
.
.