Chuyện chưa kể ở “nghĩa trang không bia mộ”

Thứ Ba, 20/12/2016, 08:35
Để có được những chiến thắng vang dội lịch sử, ghi tạc nỗi khiếp sợ vào tâm khảm quân thù, hàng ngàn chiến sỹ kiên trung của Tổ quốc đã gửi thân xác vào lòng đất chiến khu Mã Đà. Sự hy sinh anh dũng của họ khiến những đồng đội còn sống sót khắc khoải niềm thương nhớ.

Hàng chục năm sau chiến tranh, nhiều chiến binh cũ đã tìm về Mã Đà để quy tập hài cốt đồng đội. Tuy nhiên, do điều kiện nghiệt ngã của chiến tranh và của vùng đất khắc nghiệt, hầu hết nấm mộ của những liệt sỹ đều bị thất lạc, bia tạc mất dấu. Và những người quy tập ấy đã “tương ngộ” với đồng đội cũ...

Cổng nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà.

1. "Nghĩa trang không bia mộ" là cách gọi của người dân địa phương về Nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà. Đó là một nghĩa trang nằm lặng lẽ trong cụm di tích đền Tưởng niệm Trung ương Cục miền Nam, Chiến khu Đ.

Từ trung tâm Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai muốn đến đền tưởng niệm di tích Trung ương Cục miền Nam, Chiến khu Đ phải vượt qua 40 km đường rừng nguyên sinh thâm u. Trước khi đi, hướng dẫn viên cảnh báo: "Ở đây có một đàn voi khoảng 20 cá thể và một số cá thể bò tót thường xuyên xuất hiện nên mọi người cần chú ý".

Quả nhiên, trên đường đi chúng tôi bắt gặp 2 chú bò tót đứng ẩn hiện trong vạt rừng thưa đang nhẩn nha gặm cỏ.

Hiện, cánh rừng Mã Đà được Quỹ Bảo tồn Việt Nam đưa vào diện bảo tồn sinh thái khẩn cấp và được xác định là sinh cảnh tự nhiên trong “Global 200 Ecoregions” bởi tổ chức phi chính phủ VCF. Vì lẽ đó, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, cánh rừng Mã Đà vẫn còn lưu giữ được dáng dấp của một đại ngàn hoang sơ.

Ngoài việc bảo tồn, khôi phục sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái tự nhiên bản địa, các nhà chức trách địa phương còn thực thi nhiệm vụ bảo vệ các giá trị văn hóa lịch sử của các di tích, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch sinh thái. Trong đó có di tích Chiến khu Đ - Mã Đà và nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà.

Sau khi hướng dẫn mọi người thực hiện nghi thức thắp nhang trước đền tưởng niệm căn cứ Trung ương Cục, anh Nguyễn Văn Nhân - Trưởng Trạm kiểm lâm khu di tích kể: "Khu di tích này được khởi công xây dựng vào năm 2008. Lúc đầu, đa số công nhân thi công đều được nhà thầu thu tuyển từ lực lượng lao động ở TP HCM. Do không quen khí hậu, thổ nhưỡng, lực lượng công nhân này hầu hết đều bị chói nước (bệnh sốt rét) dẫn đến tiến độ thi công có nguy cơ bị chậm trễ.

Thấy vậy, chú Lê Hoàng Quân, lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã chỉ đạo phải tuyển người địa phương vốn là lâm tặc làm công nhân. Ông chỉ đạo rất cứng rắn. Tuyển người địa phương có 2 cái lợi. Thứ nhất, người địa phương đã quen thổ nhưỡng nên không bị chói nước. Thứ hai, có việc làm ổn định, họ sẽ không làm lâm tặc nữa".

Bia tưởng niệm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở căn cứ Mã Đà.

Căn cứ vào chỉ đạo đó, các công ty xây dựng tham gia thi công công trình di tích đều tuyển người địa phương.

Khi những lâm tặc địa phương trở thành công nhân xây dựng thì xảy ra một hiện tượng mà lúc ấy, nhiều người cho là mê tín. Mỗi sáng sớm, trước khi vào ca họ luôn thắp nhang khấn vái khắp nơi. Hỏi ra mới biết, khi còn làm lâm tặc, họ thường chứng kiến nhiều điều huyền bí mỗi khi đi vào khu vực này. Có người đang ngủ trưa, bất ngờ tỉnh giấc vì trông thấy một số người lính bộ đội ẩn hiện trong rừng cây. Có người còn nghe thấy tiếng họ hát vang giữa rừng!?

Những điều huyền bí ấy lại thường xuyên xuất hiện ở gốc cây cổ thụ. Cây cổ thụ ấy được họ gọi tên là “cây đa bóp cổ”. Họ gọi như vậy là bởi khi còn nhỏ, cây đa đã bám ký sinh vào một thân cây. Khi trưởng thành, nó bóp dần cái cây “ân nhân” cho đến khi chết hẳn. “Cây đa bóp cổ” chỉ cách khu vực xây di tích lịch sử Trung ương Cục vài trăm mét.

Những người giám sát thi công căn cứ vào lời kể của các công nhân “lâm tặc” đã “thám hiểm” gốc “cây đa bóp cổ” và phát hiện nơi ấy có 4 ngôi mộ liệt sỹ gồm: Nguyễn Hoàng Việt, Phạm Hữu Tuân, Nguyễn Xuân Hải và Vũ Ngọc Quang. Vụ việc được báo cáo về Tỉnh ủy Đồng Nai. Ngay lập tức, đồng chí Bí thư Lê Hoàng Quân chỉ đạo Tỉnh đội Đồng Nai lập tổ điều tra, xác minh 4 ngôi mộ.

Sau một thời gian ngắn điều nghiên, thu thập thông tin, tổ điều tra của Tỉnh ủy Đồng Nai xác định thời chiến tranh, khu vực “cây đa bóp cổ” là vị trí đóng quân của đơn vị quân y K72 - 1 trong 3 đơn vị quân y của Sư 9. Thường thì cạnh các quân y viện thời chiến tranh đều có những nghĩa trang dã chiến.

Thì ra, nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà có từ thời chiến tranh nhưng suýt bị lãng quên.

Suốt thời kỳ đóng quân ở đây, quân y K72 đã chứng kiến phút lâm chung của 450 liệt sỹ. Và 4 ngôi mộ không bia đó là mộ của liệt sỹ thuộc Sư 9. Đội điều tra còn xác định, vào ngày 22-4-1975 (trước khi giải phóng Sài Gòn 8 ngày), Sư 9 có 60 chiến sỹ hy sinh tại khu vực này. Ngoài ra trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến, còn có hơn 1.000 liệt sỹ của các đơn vị khác nằm lại nơi đây - trong khu vực khoảng 2 ha rừng.

Ngay sau khi nhận được báo cáo của đội điều tra, ông Lê Hoàng Quân chỉ đạo Tỉnh đội thực hiện ngay việc quy tập hài cốt liệt sỹ. Đau xót là cuộc quy tập không thành công như mong muốn. Hầu hết các ngôi mộ đều bị thú hoang “khai quật”, các bia gỗ bị mối mọt tiêu hủy. Điều duy nhất tìm thấy chỉ là những chiếc tăng nylon, vốn là “quan tài thời chiến”. Một số ít các tấm tăng nylon còn “lưu giữ” lọ thuốc kháng sinh dùng để ghi tên tuổi liệt sỹ. Tuy nhiên những chiếc lọ này cũng bị thú hoang phá hủy.

Chỉ duy nhất 1 trường hợp thi thể liệt sỹ còn nguyên vẹn nhưng không tìm được nhân thân. Trường hợp hy sinh của liệt sỹ này được 1 cựu quân nhân quân y K72 trở lại tìm vào năm 2005.

Vì lý do đó, ông Lê Hoàng Quân chỉ đạo xây một nghĩa trang liệt sỹ không bia mộ ở khu vực “cây đa bóp cổ” vào năm 2004.

Những ngôi mộ "gió" không tên ở nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà.

2. Trong quá trình xây dựng nghĩa trang, một số chuyện kỳ lạ lại xảy ra.

Anh Nguyễn Văn Nhân kể: "Chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng chạy vào khu vực công trình, khi vừa đến đầu dốc, gần cây đa bóp cổ thì tắt máy. Lần nào cũng vậy. Tôi bảo anh ấy vào thắp nhang khấn xin các liệt sỹ. Quả nhiên sau khi khấn vái, xe anh ấy không còn bị tắt máy nữa".

Ngày nay, dưới gốc đa "bóp cổ" có một “ngôi đền”. Tuy gọi là ngôi đền nhưng hình dáng chỉ là ngôi miếu. Người dân địa phương tín ngưỡng anh linh các liệt sỹ nên gọi là "đền". Ngôi miếu nằm dưới gốc “cây đa bóp cổ” và không nằm trong hạng mục xây dựng nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà mà do người dân tự quyên góp tiền xây dựng.

Anh Nam - cán bộ kiểm lâm thuộc khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai là nhân chứng một số chuyện kỳ lạ liên quan việc xây dựng khu nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà.

Anh kể: "Năm 2011, gia đình liệt sỹ Nguyễn Sỹ Việt (quê Đô Lương, Nghệ An) đã nằm mộng thấy anh về gọi tìm mộ. Gia đình chỉ biết anh là chiến sỹ của Sư 9, đóng quân ở Mã Đà. Người thân của anh đã vào Bà Rịa nhờ một nhà ngoại cảm giúp đỡ. Nhà ngoại cảm cho biết phần mộ anh nằm ở gần một cây cổ thụ giữa rừng Mã Đà thuộc Chiến khu Đ. Người thân anh Việt lặn lội vào rừng tìm thì gặp thêm ngôi mộ của đồng đội anh Việt.

Sáng 29-4-2011, tôi cùng 30 người thuộc đoàn tìm kiếm hài cốt anh Nguyễn Sỹ Việt đứng trước đền khấn vái và hóa vàng. Ngay sau khi 30 người rời khỏi vị trí cúng, tôi còn đứng lại khấn vái thì 2 nhánh cây to bằng nửa thân người của “cây đa bóp cổ” gãy ngang, từ trên cao rơi xuống vào đúng vị trí của 30 người vừa rời đi. Nếu nhánh cây rơi sớm một phút thì không hiểu hậu quả thế nào. Nhà ngoại cảm cho biết, anh Việt và 3 liệt sỹ kia muốn ở lại nơi đây với đồng đội? Vì vậy, ngôi miếu này vẫn còn lưu giữ 4 cái bia liệt sỹ".

3.Từ giai đoạn sơ khai của cuộc khởi nghĩa Nam bộ, “Thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ đã chọn cánh rừng thâm u Mã Đà làm căn cứ chiến lược. Đó là vùng đất rừng sâu, nước độc, sỏi đá cũng chất chứa những bí hiểm sinh tử. Ngay sau khi được Bác Hồ cử vào miền Nam thống nhất các lực lượng kháng chiến chống Pháp, Tướng Nguyễn Bình cũng chọn nơi đây là Căn cứ Tổng hành dinh Khu bộ quân sự Khu 7.

“Cây đa bóp cổ" và ngôi "đền" liệt sỹ.

Năm 1962, Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông Nam bộ chọn nơi đây là căn cứ địa. Và năm 1965, sư đoàn chủ lực đầu tiên của Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam đã chọn nơi đây làm nơi khai sinh và trú đóng Tổng hành dinh. Trong suốt 2 cuộc trường kỳ kháng chiến giành độc lập, tự do dân tộc, địa danh chiến khu Mã Đà được xem là biểu tượng của ý chí quyết thắng của quân và dân miền Đông Nam bộ.

Đó là vùng đất ghi dấu những trận đánh vang dội lịch sử khiến quân ngoại xâm khiếp vía nhớ đời như chiến thắng Lạc An, Tân Uyên, Nhà Nai, Mã Đà, cầu Bà Kiên (trong kháng chiến chống Pháp), Phước Thành, Đất Cuốc, Đồng Xoài, Đường 14, Phước Long (trong kháng chiến chống Mỹ).

Năm 2004, Khu di tích Trung ương Cục miền Nam tại Mã Đà được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Những điều ký bí xảy ra ở nơi đây, có thể xuất phát từ tâm niệm thành kính trước những cái chết bi tráng của những chiến sỹ tuổi đời còn rất trẻ. Tiếc thương, ngưỡng mộ, cộng hưởng với quanh cảnh hoang sơ, thâm trầm và những hiện tượng thiên nhiên trùng hợp khiến bất cứ ai cũng có thể tự ám thị để rồi xuất hiện trong tâm thức những hình ảnh tâm linh.

Anh Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai giải thích: "Những điều huyền bí xảy ra ở nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà, có thể không có thật, nhưng những vết thương lòng về những mất mát, hy sinh vì Tổ quốc sẽ còn vang vọng mãi đối với những người hưởng thụ nền hòa bình, độc lập hôm nay. Nếu không đau xót trước hàng ngàn anh linh liệt sỹ không bia mộ ở vùng rừng thẳm ấy, là có tội với quê hương. Hãy thử một lần viếng thăm hương hồn các liệt sỹ, sẽ thấy rõ điều đó".

Nông Huyền Sơn
.
.