Chuyện kể của cựu phi công – anh hùng Từ Đễ

Thứ Hai, 28/12/2015, 15:40
Căn nhà của ông Từ Đễ - một phi công của Phi đội Quyết Thắng, người từng dùng máy bay thu được của địch, ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-4-1975 - nằm trong một con hẻm nhỏ rợp bóng cờ. Mảnh sân nhà ông có bóng tre, có hồ nước nhỏ và chiếc cầu màu đỏ như gợi nhớ bóng dáng cầu Thê Húc.

Đặc biệt trên mặt cây cầu nhỏ này in hình bàn chân của các thành viên trong gia đình: Cha mẹ ông, vợ chồng ông và các con dâu rể, cháu nội ngoại.

Thấy chúng tôi mải mê ngắm cây cầu nhỏ, ông bèn giải thích: “Mẹ tôi ngày xưa luôn nói với bố tôi rằng: về nhà là cởi quân phục ra. Ý cụ là hãy quên công việc của cơ quan, đơn vị đi mà tập trung cho gia đình! Tôi cũng thấm nhuần lời dạy của mẹ nên làm cầu để rửa chuyện đời, mỗi khi về đến nhà mình, là dành trọn tất cả cho gia đình”.

Nhìn những lá cờ phơi phới bay trong con hẻm nhỏ, tôi hỏi ông: "Hôm nay là ngày gì bác nhỉ?". Ông mỉm cười: "Là ngày vui! Tuổi chúng tôi sáng ra thấy mình còn khỏe mạnh, còn được đi bằng đôi chân ra vườn tưới rau, đạp xe đưa cháu đi học, mở iPad xem tin, đọc báo, ra ngõ gặp mấy ông bạn bàn chuyện thời tiết, rồi cùng uống cà phê, rồi về nhà viết và vẽ… Cô thấy vậy có đáng… treo cờ mừng không?".

Bước chân vào phòng khách của gia đình ông, ở một vị trí trang trọng nhất trên tường là một bức tranh trên nền giấy nâu nhạt, trên đó viết 4 câu về cụ Từ Giấy:

Từ chương thủa ấy, đầy tâm huyết

Giấy mực hôm nay, nặng nghĩa tình          

Một kiếp trần ai, ai cũng mến

Trăm năm trần thế, thế là vinh.

Trong bức tranh ấy, ông Từ Đễ vẽ minh họa con gà, con cá chép và cây dáy. Ông giải thích đó là vì cụ Từ Giấy tuổi Dậu, mệnh thủy và tên thật là Từ Dáy. Ba biểu tượng này lại mang hàm ý sản xuất nông nghiệp bền vững "vườn (cây dáy) - ao (con cá) - chuồng (con gà)", được viết tắt là chữ VAC, một tư tưởng theo chiến lược tái sinh mà cụ Từ Giấy đã tổng kết từ cuộc sống của nông dân ta.

Ngắm bức tranh, chúng tôi hỏi ông Từ Đễ những câu chuyện, những kỷ niệm về ông cụ thân sinh ra ông - Giáo sư Từ Giấy - người từng được vinh danh là 1 trong 20 huyền thoại của ngành dinh dưỡng thế giới.

Ông Đễ trầm ngâm: "Cụ thân sinh ra tôi vốn là một trí thức uyên bác, thông thạo 5 ngoại ngữ: Pháp, Nga, Trung Quốc, Anh, Tây Ban Nha, ngoài ra cụ rất giỏi chữ Nôm. Sinh ra được 1 tuổi thì bố mất, mẹ ở vậy tần tảo làm thuê khắp vùng để nuôi con ăn học. Từ Giấy học rất giỏi, có lần đi thi Văn đứng đầu tỉnh Hà Đông, được thưởng 60 đồng Đông Dương - số tiền khổng lồ đối với ông lúc bấy giờ. Nhờ vậy, ông được vào Trường Bưởi có học bổng, rồi tốt nghiệp tú tài Toán, ghi danh vào Trường Y Hà Nội.

Ngoài  học bổng, ông Từ Giấy còn sống thêm bằng việc dạy học cho con em những nhà giàu, rồi ông còn có cả một biệt tài là đánh đáo ăn tiền… (sau này người con út của ông Từ Giấy là Từ Ngữ cũng đánh đáo giỏi nhất phố Quán Thánh), ông còn đổi giấy khen của mình cho con nhà giàu lấy tiền - (con nhà nghèo chỉ cần tiền ăn học thôi).

Ông hay dặn dò tôi: Con người ta 70% là nước lã, nên mọi chuyện phải khiêm tốn, có gì con cũng chỉ nên tin 30% thôi, mình phải tự làm, tự thử thì mới khẳng định đúng hay sai. Tri kỷ, tri bỉ, tri túc, tri chỉ, vừa phải. Cả cuộc đời, ông đã thực hiện phương châm sống: Chuyện to biến thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có gì. Và tôi cũng vậy, cố gắng theo gương cụ, lúc nào cũng làm việc nghiêm túc, khoa học và thẳng thắn để sống thanh thản".

Ông Từ Đễ kể những câu chuyện về cụ Từ Giấy từ thời còn hàn vi, rồi khi cụ là bác sĩ quân y, chủ bút  tờ Vui Sống với bút danh Lang Khoai luôn vui tươi dí dỏãm cuốn hút bạn đọc, đến các công trình nghiên cứu nổi tiếng của cụ, cho đến việc cụ được phong danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động…

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ.

Và rồi câu chuyện của chúng tôi lại quay về chuyện… ném bom. Bốn mươi năm sau trận đánh hào hùng ngày 28-4-1975, cho đến ngày 22-10-2015, các phi công của Phi đội Quyết Thắng gồm: Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Nguyễn Văn Lục được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ.

Tôi hỏi ông, sao tận 40 năm sau các bác mới được phong Anh hùng, ai cũng tưởng cả phi đội phải là Anh hùng từ lâu rồi chứ? Ông Từ Đễ cười hóm hỉnh: "Cô hỏi thế có bằng đố tôi!". Giọng ông chậm rãi: "Chắc có nhiều lý do nhưng có một điều này là do… quan niệm chưa đúng. Đó là trong không quân, thành tích của một phi công luôn gắn với chiến công bắn rơi máy bay địch, chả thế mà danh hiệu ACE (Át chủ bài) đều gắn với thành tích bắn rơi 5 máy bay trở lên!

Nhưng đánh mục tiêu mặt đất như các phi công của Phi đội Quyết Thắng thì chưa được tính, vì 24 cái máy bay ở Tân Sơn Nhất ngày 28-4-1975 bị tan tành khi đang đậu chứ không bay. Mà quy định thì chỉ có tiêu chuẩn "bắn rơi" chứ chưa có tiêu chuẩn khác. Chính vì những quy định chưa tính việc hoàn thành  nhiệm vụ mới là mục đích của trận chiến đấu, "bắn rơi" cũng chỉ là một phần của khái niệm này, nên đến tận bây giờ, các phi công của Phi đội Quyết Thắng mới được phong Anh hùng… cũng là điều dễ hiểu".

Tôi rụt rè hỏi ông: "Cháu nghe bảo bác đã tự kiểm điểm vì "dám" lượn một vòng ngắm Sài Gòn sau khi ném bom Tân Sơn Nhất, rồi  lại chào phi công Hoa Kỳ khi "va" nhau trên trời nữa. Và khi về đến Phan Rang, máy bay hết sạch dầu, ông Hán Văn Quảng phải nhường cho bác hạ cánh trước, vừa xuống được đường băng là động cơ tắt hẳn. Tưởng là phi công vốn rất kỷ luật, lượng nhiên liệu mang đi phải tính toán đong đếm từng tí để còn "sức" mà cõng bom, vậy sao bác "liều" thế?

Ông Từ Đễ cười rất sảng khoái, gương mặt ông như trẻ ra, đôi mắt ánh lên nét tinh anh: "Để cô hiểu được việc này, tôi phải nói rõ, sau cuộc chiến với Không quân Mỹ thì hầu hết anh em phi công chúng tôi đều trở thành người chiến thắng, nhiều bạn bè của tôi trở thành anh hùng, các ACE nổi tiếng.

Không những vậy, chính các ACE Việt Nam đã đưa máy bay MiG-21 trở thành huyền thoại. Nhưng MiG-21 chỉ nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam thôi, còn trong các cuộc chiến tranh khác, MiG-21 không làm nên trò trống gì cả.  Và khi không quân non trẻ của chúng ta bước vào chiến đấu với MiG-17, rồi MiG-21 đều thắng lợi và cuối cùng là thắng toàn diện với Không quân Hoa Kỳ mà không hề có sự trợ giúp trực tiếp nào của các phi công Trung Quốc, Liên Xô. Chúng tôi không được chia sẻ về kinh nghiệm chiến tranh, không được dạy về chiến thuật không chiến, tất cả đều phải tự mày mò tìm hiểu.

Chúng tôi hay nói đùa với nhau: Ếch cõng nhái mà thành ACE! Phi công Việt Nam đánh giỏi đến nỗi nội bộ phi công Hoa Kỳ đồn đại về một phi công Việt Nam tên là "đại tá Tom" đã bắn rơi tới 14 máy bay Mỹ! Đấy, cô thấy chưa, phi công chúng tôi có đúng là những kẻ không ai dạy được không?

Qua chiến đấu bọn tôi trưởng thành và không có ai dạy cho cả. Anh hùng Nguyễn Văn Cốc hiền lành vậy, ai dạy cho anh lên trời dũng mãnh thế? Anh hùng Hoàng Văn Kỷ bay yếu, tính tình thì ít nói, nhưng lên trời thì tìm mọi cách đè lên đầu bằng được máy bay F4 rồi bắn máy bay xẻ làm đôi mới đã. Hơn nữa ông Kỷ còn nhằm đúng buồng lái mà bắn nên không phi công Hoa Kỳ nào nhảy dù được cả!

Rất nhiều phi công, anh hùng mà không ai giống ai - đều "mười phân vẹn mười". Nhưng nét chung là chúng tôi luôn phản ứng mau lẹ, được trời phú cho khả năng tỉnh táo trong không chiến. Chắc cô chưa được gặp phi công Anh hùng số 1 của Không quân Việt Nam là cụ Nguyễn Văn Bảy, bề ngoài của cụ chẳng ai nghĩ là phi công chứ đừng nói chuyện anh hùng. Cụ trông khắc khổ, hút thuốc lá như bễ và cực kỳ kiệm lời. Thế nhưng khi lên trời, cụ lột xác thành một con báo gấm: linh lợi, quyết đoán, khôn ngoan và đã nổ súng là bắn rơi máy bay địch.

Và tôi còn có một anh bạn cực kỳ thông minh - giáo sư tiến sĩ về máy bay, nhưng khi cầm cờ-lê thì không thể vặn được nổi một con ốc!... Nên tôi kết luận thế này, trong đội ngũ phi công hình như mâu thuẫn, cứ học giỏi thì bay kém hoặc không bay được, IQ của họ thuộc dạng  bắt chước  giỏi, khéo léo như cầu thủ bóng đá.

Chỉ riêng trường hợp phi công Anh hùng Nguyễn Tiến Sâm là cá biệt, vì anh vừa thông minh, học giỏi, bay giỏi và đánh rất hay… Tôi kể cho cô câu chuyện xa như thế để cô thấy được rằng tôi làm gì cũng tính toán nhanh như điện, xem dầu còn đủ để về sân bay Phan Rang hạ cánh không? Đủ là tôi lượn chơi một vòng ngắm Sài Gòn! Rồi tôi bay kẹp sát máy bay vận tải C141 của Không quân Mỹ, giơ tay chào để chúc họ bay về nhà an toàn với gia đình. Họ đã hạ cờ rút quân thì đâu còn là kẻ thù nữa… Thôi thì, đành rằng vô kỷ luật,  nhưng ai chẳng có một thời trai trẻ tự do của mình, rồi đến khi có tuổi lại chỉ ngồi nhâm nhi cà phê mà nhớ về những chuyện như vậy của thời trẻ ngang dọc. Tôi "tự hào" là người khách du lịch đầu tiên của Sài Gòn giải phóng đó nghe!".

Rồi ông mỉm cười hóm hỉnh: "Các bạn tôi đều có tính khí hơi ngỗ ngược như vậy, mỗi người một dạng nổi chìm khác nhau nên chính vì thế có thể là lý do các cô gái mê say chăng?".

Câu chuyện với ông già cựu phi công lừng lẫy ngang dọc một thời này mỗi lúc càng thú vị. Ông kể câu chuyện nào cũng xa xa rồi đến gần gần rồi phát lộ ra cái tính ngang tàng khí phách của một thời trai trẻ.

Từ Đễ - Từ Giấy, hai cha con cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tôi nhìn mấy quyển sách trên bàn rồi hỏi ông: "Bác cũng mê đọc sách?". Ông hỏi lại: "Thế cô nghĩ tôi chỉ đọc trên mạng thôi hả? Gia đình bên ngoại nhà tôi là dòng dõi cụ Nguyễn Trãi nên cái gien nghệ thuật nó cứ bám riết lấy số phận. Hơn nữa, ông bố tôi tuy là bác sĩ quân y nhưng lại là một nhà báo nên cụ cũng mê nghệ thuật. Bạn bè của  ông có nhiều nghệ sĩ lớn về văn chương, hội họa, âm nhạc nên tôi cũng được "hưởng" lây.

Ngay từ nhỏ, tôi đã được ông cho tiếp cận nhiều với âm nhạc, nghệ thuật, rồi tôi lại được ông cho đi học vẽ nơi thầy Sĩ Ngọc, Phạm Song. May mắn, tôi cũng hay được hầu rượu các bậc cao niên đáng kính hàng đầu của nghệ thuật Việt Nam. Và cũng chính từ đây, tôi thấy cuộc đời có rất nhiều mảnh ghép như nhìn qua ống kính vạn hoa vậy. Từ đó nó chỉ cho tôi ngoài trách nhiệm với bầu trời, thì cũng phải biết bảo vệ và làm phong phú cuộc sống riêng của mình.

Cụ phi công Anh hùng Nguyễn Văn Bảy đã tự tổng kết cuộc đời mình thế này: "Tao tự hào 3 việc trong đời mà tao không cảm thấy hổ thẹn cho thằng đàn ông: Một, tao đánh nhau không tồi, hoàn thành sứ mạng của thằng đàn ông trước Tổ quốc. Hai: tao là chủ gia đình lo cho vợ con đàng hoàng trước làng xóm. Ba: tao uống rượu không thua ai trong làng xóm”. Bọn tôi giống như cụ Bảy ở điều một và hai, còn điều ba thì mỗi người chọn một dạng không thua ai. Tôi tự hào về mình ham và biết thưởng  thức nghệ thuật".

Tôi thắc mắc hỏi ông: "Nghề bay  hay thế, sao cháu ít thấy có tác phẩm nghệ thuật hay ca khúc nào nói về phi công?". Nói đến đề tài này là ông sôi nổi hẳn lên: "Muốn sáng tác được ca khúc hay, người nhạc sĩ  phải hiểu  cuộc sống của phi công chúng tôi. Nó vất vả, căng thẳng lắm!

Khi chúng tôi bay trên bầu trời, không bao giờ được thưởng thức vẻ đẹp của màu xanh biếc, chiều hoàng hôn thơ mộng hay ngắm nhìn trời sao đêm lấp lánh đâu! Ngó trước tìm địch, ngó sau phòng máy bay địch, ngó lên trên phòng tên lửa của tàu chiến địch, ngó xuống đất phòng tên lửa ta  bắn nhầm, đúng là nguy hiểm bốn phương  tám hướng!…

Còn trong cánh phi công chúng tôi, chỉ có một vài phi công có thể viết được sâu sắc như ông Công Huy lái MiG-21 đã bắn rơi máy bay Mỹ, xuất khẩu thành thơ  đến độ viết tin nhắn cho bạn bè cũng bằng thơ, ông Nguyễn Sĩ Hưng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên VNA viết rất hay và sáng tạo, ông Võ Văn Tuấn - Phó tổng Tham mưu trưởng hát xuôi và ngược đều hay, ông Zoãn Thắng con trai cụ nhạc sĩ Zoãn Mẫn cũng sáng tác được ca khúc. Nhưng ôi thôi già mất rồi! Còn lại đa phần chúng tôi chỉ biết thưởng thức nghệ thuật và vỗ tay"…

Câu chuyện với người lính phi công Anh hùng, cứ giản dị vậy thôi mà sâu sắc. Ngồi trước mặt tôi đây, ông Từ Đễ nom thật hiền lành. Tôi hỏi một câu cuối cùng cho buổi chuyện trò đầy thú vị này: "Cháu cảm giác bác và các đồng  đội của mình chẳng biết sợ điều gì đâu nhỉ?!". Thế là ông trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên: "Cô nói thế là sao? Tôi bây giờ sợ nhất các cháu mình, chúng nó réo một cái là  bỏ việc chạy đến ngay ấy chứ".

Long Hà
.
.