Chuyện kể về người anh hùng trong bài thơ “Núi Đôi”
Nguyên mẫu trong bài thơ là nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Bắc đã bị giặc Pháp xả đạn trong một lần bà làm giao liên dẫn đường đưa chiến sĩ từ vùng địch hậu ra “vành đai trắng” Phù Linh. Bà mất khi mới 22 tuổi. Giữa những ngày mùa hè tháng 6, tôi tìm về gia đình của nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Bắc.
Chuyện tình dưới chân núi
Tôi tìm về địa chỉ xóm Chùa, thôn Xuân Đoài (còn gọi là Xuân Dục - Đoài Đông), xã Phù Linh, nơi nữ liệt sĩ anh hùng Trần Thị Bắc yên nghỉ. Nhà thơ Vũ Cao sau khi đến thăm mộ và nghe dân làng kể chuyện tình của người lính trẻ đã viết nên những vần thơ đi vào lòng người: “Nhưng núi còn kia anh vẫn nhớ/ Oán thù còn đó anh còn đây/ Ở đâu cô gái làng Xuân Dục/ Đã chết vì dân giữa đất này...”.
Bài thơ ra đời năm 1956, sau cái chết bi tráng của nữ anh hùng 2 năm, còn hôm nay, hơn nửa thế kỉ đã qua đi, hình ảnh làng mạc, thôn xóm giờ khác xưa. Xóm Chùa nằm cách thị trấn Sóc Sơn chừng hơn 1km, lại nằm gần dưới chân núi Đôi, giữa trưa hè yên ả, đường trong xóm vắng bóng người.
Tôi lần mò hỏi mộ liệt sĩ Trần Thị Bắc, cụ già chừng hơn 80 tuổi móm mém thủng thẳng nói: “Con hỏi vào nhà ông Lập xay xát lúa gạo”. Ông Lập là người em cùng cha khác mẹ với bà Bắc, lúc bà Bắc mất ông Lập vẫn chưa ra đời.
Ông Trần Văn Nhuận cầm tấm bằng nhà nước vinh danh liệt sĩ Trần Thị Bắc là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |
Ông Lập đi vắng, chỉ có vợ ở nhà, bà bảo: “Cháu phải đến gặp ông Trần Văn Nhuận, ông Nhuận là người nắm hết hồ sơ, lí lịch của bà Bắc. Ông Nhuận là em ruột cùng cha cùng mẹ với bà Bắc. Năm ngoái, bà Bắc được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông Nhuận là người đi nhận sự vinh danh này...”. Nhà ông Nhuận cũng không mấy xa, ở ngay chợ cầu Cồn, cách khoảng 1km.
Nhà số 2, ngõ 64, phố Núi Đôi là nhà của ông Trần Văn Nhuận. Đó là một ngôi nhà khá đặc biệt, ngay tại phòng khách là ban thờ có bức hình bà Bắc. Bà rất trẻ, đẹp nền nã, khuôn mặt thanh tú mang vẻ man mác buồn. Bà mặc áo dài the đen, vấn tóc. Đây là tấm hình duy nhất của bà.
Nói về chị gái mình, ông Nhuận hai mắt đỏ hoe rưng rưng xúc cảm: “Chị tôi sinh năm 1932, mất năm 1954, lúc đấy chị 22 tuổi, đang làm y tá cứu thương. Khi chị mất, tôi mới 17 tuổi, thương chị vô cùng”. Những kí ức cứ ùa về qua câu chuyện kể của người em trai của liệt sĩ Trần Thị Bắc.
Thời kháng chiến chống Pháp, xã Phù Linh cùng bao nhiêu làng xã khác của Việt Nam, trai gái xung phong đi bộ đội. Năm 1947, ông Trịnh Khanh vừa bước sang tuổi 17, đăng kí tham gia dân quân rồi trở thành chiến sĩ của đại đội Trần Quốc Tuấn đóng quân ở xã Bắc Sơn (Sóc Sơn).
Mấy năm sau, một người bạn trong đại đội của ông bảo: “Có một nữ y tá xinh lắm đồng hương với Khanh đấy, nếu Khanh muốn bọn mình sẽ giới thiệu cho”. Tưởng câu chuyện đùa tếu táo nhưng rồi lại hóa thật, hai năm sau ông Khanh và bà Bắc gặp nhau trong một buổi tình cờ, họ cảm mến nhau ngay rồi cùng nhau ước hẹn.
Cuối năm 1953, chuẩn bị vào trận đánh quan trọng tiêu diệt quân địch ở xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội), chính trị viên Nguyễn Viết Bát biết câu chuyện tình yêu của Khanh và Bắc, ông bảo: “Đánh xong trận này, tớ sẽ giải quyết cho cậu ra vùng tự do 3 hôm để cưới vợ”. Ông Khanh mừng quýnh hỏi: “Thật thế ạ?”. Ông Bát vui vẻ cười nói: “Thật chứ sao không thật, chính trị viên đâu thể nói đùa”.
Ông Trần Văn Nhuận bên mộ liệt sĩ Trần Thị Bắc. |
Ông Khanh vui quá lấy giấy bút ra thảo “công văn”: “Đại đội Trần Quốc Tuấn đồng ý để đồng chí Trịnh Khanh về quê tổ chức lễ cưới với cô Trần Thị Bắc, đề nghị gia đình và chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đồng chí Khanh hoàn thành nhiệm vụ”. Viết xong, nét mực chưa kịp khô, ông Khanh đưa ngay bức “công văn” đặc biệt ấy cho đồng chí chính trị viên duyệt, anh cầm lên kí liền. Thật không thể ngờ, sau trận đánh ấy ông Bát hi sinh.
Ít lâu sau, ông Khanh xin phép về quê để thực hiện ước nguyện của mình và người yêu. Gặp nhau, ông cho người yêu xem bức thư vẫn còn tươi nét chữ của người đồng chí Nguyễn Viết Bát. Bà Bắc lặng đi, không nói được câu nào, nước mắt cứ trào ra, ướt nhòe cả khuôn mặt. Chẳng còn nhiều thời gian, chỉ được nghỉ phép có 3 ngày, họ xin với cha mẹ và thông báo với bạn bè.
Thời chiến tranh thiếu thốn, bánh kẹo, chè thuốc, màn tuyn, giường nệm cũng không có. Bắc về gặp mẹ thưa chuyện, không ngờ ngay hôm sau mẹ Bắc gánh đôi quang gánh tới, một bên thúng là cậu em trai của Bắc, một bên là bánh kẹo. Lễ cưới đơn sơ giản dị được tổ chức ngay sau đó.
Đêm tân hôn vào giữa mùa đông lạnh giá, đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc trong một cái lán nhỏ ngay dưới chân núi Đôi. Một ngày sau, ông Khanh bịn rịn từ biệt vợ để trở về đơn vị, Bắc cũng lưu luyến không nỡ xa chồng nhưng lí tưởng cách mạng vì Tổ quốc thiêng liêng, họ phải xa nhau. Bà Bắc tiễn chồng cả đoạn đường rồi tần ngần đứng nhìn ông lên xe để trở về đơn vị, đến khi chiếc xe chỉ còn một chấm nhỏ, khuất hẳn tầm mắt. Ông Khanh không ngờ đấy là lần cuối cùng gặp vợ.
Núi Đôi, huyện Sóc Sơn. |
Người nữ anh hùng
Những ngày tháng sau đó, trong vòng 3 tháng ông nhận được 3 lá thư của vợ gửi, cùng chiếc đồng hồ và cái áo len. Sau đó, ông bặt tin của Bắc. 3 tháng sau ngày cưới, bà Bắc nhận nhiệm vụ đưa cán bộ từ vùng địch hậu ra “vành đai trắng” xã Phù Linh. Bà đi trước để thăm dò, đến chân núi Đôi, nơi kỉ niệm tình yêu của hai vợ chồng thì không may rơi vào ổ phục kích của địch.
Để đảm bảo an toàn cho những cán bộ chiến sĩ đang đi phía sau, bà đã nhanh trí nghĩ ra một cách, dùng hết sức mình đá vào chỗ hiểm của tên quan Tây. Tên này đau quá, kêu rống lên và cùng lúc ấy bà lĩnh trọn loạt đạn của địch găm vào ngực. Người nữ chiến sĩ anh hùng đã ngã xuống khi tuổi đời chưa đầy 22, máu loang ướt đỏ chiếc áo, thấm xuống cỏ xanh. Quân ta biết động, rút lui an toàn.
Một chiều năm 1955, có anh bộ đội về chợ cầu Cồn tìm vợ, một người em họ của liệt sĩ nhận ra anh rể, òa khóc nức nở và chỉ cho anh ngôi mộ. Anh bộ đội thất thần ra ngồi bên mộ vợ. Cảnh vẫn đây mà người còn, người mất.
Một năm sau, nhà thơ Vũ Cao đến địa danh này, nghe mọi người kể lại câu chuyện tình cảm động của đôi trai gái làng Phù Linh, cảm xúc dâng trào, ông đã viết nên những câu thơ: “...Náo nức bao nhiêu ngày trở lại/ Lệnh trên ngừng bắn anh về xuôi/ Hành quân qua tắt đường sang huyện/ Anh ghé thăm nhà, thăm núi Đôi./ Mới tới đầu ao tin sét đánh/ Giặc giết em rồi dưới gốc thông/ Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa/ Em sống trung thành chết thủy chung!/ Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/ Hàng thông bờ cỏ con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em/...”.
Ông Nhuận ngưng kể, lấy tay chấm nước mắt nói: “Kỉ niệm với chị tôi ngày bé thì nhiều lắm, chị học y tá nên có lần chị phòng ngừa chủng đậu cho tôi. Với tôi, chị là một người nhân hậu, đẹp thùy mị, dịu hiền. Khi chị mất cũng là lúc bố tôi đi chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng không có tin tức gì, trước mấy ngày chị rơi vào vòng vây của địch, chị còn nghĩ bố đã hi sinh rồi. Không ngờ, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi bố về thì con gái đã hi sinh”.
Liệt sĩ Trần Thị Bắc và những bức ảnh gia đình. |
Ông Nhuận nhớ lại, mẹ ông là người phụ nữ rất tâm lí, xót xa con đẻ lại yêu thương cả con rể. Sau một năm chịu tang, chính mẹ đẻ ông và mẹ của anh rể đưa ông Khanh đi hỏi vợ là một cô gái ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Sau này họ nên vợ nên chồng nhưng gia đình bà Bắc vẫn coi ông Khanh và vợ ông như con cái ruột thịt. Ngày còn khỏe chân khỏe tay, năm nào vào ngày giỗ của bà Bắc, vợ chồng ông Khanh cũng về hương khói.
Năm 2004, ông Nhuận đi tìm nhân chứng để làm hồ sơ gửi nhà nước, mong muốn chị mình được phong anh hùng. Năm 2013, ông Khanh qua đời vẫn mang nỗi niềm day dứt ấy. Năm 2014, đúng 60 năm ngày mất liệt sĩ Trần Thị Bắc, cũng trùng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chuyện phong anh hùng cho liệt sĩ Trần Thị Bắc lại một lần nữa được mang ra bàn bạc. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ duyên nên câu chuyện bị tạm gác lại. Đến tháng 4-2018 Nhà nước đã vinh danh liệt sĩ Trần Thị Bắc là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Giờ thì mộ của bà được quy tập về khu nghĩa trang liệt sĩ của huyện Sóc Sơn. Bà yên nghỉ cùng những người đồng đội của mình giữa bốn bề cỏ lau ngút ngàn. Ông Nhuận cho hay, có lần có người đặt vấn đề với gia đình đưa mộ bà về an nghỉ tại núi Đôi, nơi gắn với kỉ niệm của bà Bắc, ông Khanh và bài thơ nổi tiếng về tình yêu của hai người chiến sỹ khi đất nước còn gian nan. Nhưng gia đình nghĩ, đã mấy chục năm nay, bà cùng đồng đội hòa chung vào đất này, có lẽ ở đây bà sẽ vui hơn khi bên cạnh là những người đồng đội của mình.
Rồi ông đọc câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...”.