Chuyện nhỏ ở Nam Du

Chủ Nhật, 27/06/2021, 21:41
Hơn 20 năm làm báo, tôi đã có nhiều lần đến những hòn đảo xa xôi nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Những chuyến lênh đênh trên biển Tây đã trở thành những kỷ niệm đẹp, càng xa càng nhớ. Nơi đầu sóng, ngọn gió, có những người đã lặng lẽ gác lại niềm riêng, vượt lên gian khó, ngày đêm gắng sức vì sự bình yên…

Khệ nệ bưng cái thau đầy mực tươi đứng trước sân trụ sở gọi tôi bằng giọng thân tình, đồng chí Công an viên xã đảo Nam Du nói: “Bà con cho đấy anh. Cứ chiều xuống là tàu của bà con cặp vô. Hôm thì mực, hôm thì cá, toàn đồ ngon bà con để dành”. Nhìn những con mực tươi, mình sáng bóng, mắt trong veo vừa được bắt lên từ biển, tôi đoán thầm, có lẽ anh em nơi đây nhiệt tình, trách nhiệm, sống hết lòng, hết sức, bà con mới quý như thế. Thật đáng trân trọng bởi khi đó, Nam Du là xã vừa được tái lập, nơi làm việc còn chưa có. Căn nhà cũ nát, nằm sát mé biển, thỉnh thoảng bị sóng chồm lên tận thềm được trưng dụng làm trụ sở Công an xã. Vật dụng bên trong trụ sở làm việc này đếm chưa hết trên đầu ngón tay, tất cả đều cũ mèm.

Cán bộ, chiến sĩ trẻ trên quần đảo Thổ Chu đọc Báo CAND.

“Có ai khó ba đời đâu anh!”, Lê Quốc Lịnh, khi đó là Trưởng Công an xã, nói vui khi lui cui từ bếp bưng nồi cháo mực do chính anh “ra tay”. Buổi tối ấy, tôi được một bữa ngon đáo để. “Nhiều đêm, anh em cũng quây quần như thế sau chuyến tuần tra. Nhưng cũng có khi, vừa nấu xong, chưa kịp ăn lại có chuyện, phải lao đi”, Lịnh cho biết rồi khái quát để tôi hình dung phần nào công việc thường lặp đi lặp lại và ngốn nhiều thời gian nhất của anh cùng các cộng sự ở đảo này. Công tác “nắm hộ, nắm người” trên đảo rất đặc thù. Ngư dân trên đảo rất nhiều khi tăng “nóng”. Không ít ngư dân ra khơi rồi tạm cư lại ngư trường, đến cuối năm mới quay về. Nam Du hơn chục năm trước chưa có đông khách du lịch, lực lượng Công an đã vất vả thế…

Lần ra Nam Du trước đó nữa, vào mùa khô, tôi nhớ mãi tình cảnh, cả đảo lao đao vì… “khát”. Nửa đêm, cả chục người dân vẫn chầu chực quanh miệng giếng ngay trước trụ sở UBND xã chờ nước. Chầu chực trắng đêm mà phải xách thùng không về là chuyện thường. Tại nhà một người dân gần đó, tôi cũng chờ... Sau gần 1 giờ trôi qua, kéo được gàu nước từ đáy giếng sâu hun hút, tôi mừng rối rít. Khi xối lên đầu rồi, tôi mới nhận ra nước sình đục ngầu, cát đầy chân tóc. “Khát” điện, “khát” nước triền miên, dân trên đảo đã quen, nghĩ đó như điều mặc định. Nhưng mùa khô năm đó, nỗi niềm của cư dân trên đảo tựa “giọt nước tràn ly” khi công trình hồ chứa nước (là quà tặng của Chủ tịch nước Trần Đức Lương) bỗng bị “sự cố”, trơ đáy trước khi mùa khô tới. Ngân sách lại phải tốn thêm cả chục tỷ đồng để khắc phục... Mòn mỏi chờ, bà con bức xúc. 

Nhắc chuyện “khát” nước, tôi lại nhớ anh em tại Trạm radar 610 trên Thổ Chu - quần đảo nằm trên Vịnh Thái Lan, cách đất liền trên 200km. Đấy đúng là nơi cao nhất của nơi xa nhất trên biển Tây, nhưng chuyện nước cũng làm anh em khổ nhất. Hàng ngày anh em phải “cõng” nước từ dưới chân núi lên. Anh em nào trực thì được ưu tiên tắm tại chỗ với lượng nước khiêm tốn nhất. Khi xối nước, phải xoay người vào chậu kiểng để làm thêm nhiệm vụ… tưới cây. Lần ghé hòn Chuối (thuộc tỉnh Cà Mau), tôi nghe kể, có mùa khô, mỗi tuần anh em được tắm nước ngọt 1 lần.

Công an viên Công an xã đảo Nam Du trên đường tuần tra sang Hòn Dầu.

Lênh đênh tác nghiệp trên biển Tây Nam, tôi gặp khá nhiều phận người đều cùng xuất thân từ những vùng quê nghèo trong đất liền. Có 2 người cùng tên, cùng “say” công việc nhọc nhằn. Bên quần đảo Nam Du, cô Công an viên Châu Như Ý, khi đó trực hành chính với nhiều việc không thể kể hết tên nhưng tổng thu nhập chưa tới 900 ngàn đồng/tháng. “Các anh phải thức đêm thức hôm, xuống địa bàn, bị côn đồ chống trả nguy hiểm đến tính mạng cũng chỉ được khoản như vậy”. So sánh thế, Ý càng thấy thương đồng đội và tự thấy bản thân phải cố gắng hơn nữa.

Trưởng Công an xã Thổ Châu (đơn vị hành chính duy nhất của quần đảo Thổ Chu) là anh Lê Như Ý. Chuyện anh kể, tôi nhớ như in. Thẩm quyền tạm giữ hành chính của Công an xã chỉ có 24 giờ, nên khi đối tượng có dấu hiệu tội phạm hình sự, trong thời gian cả tuần chờ đợi Công an huyện Phú Quốc mang lệnh ra, Công an xã phải linh hoạt để đối tượng không tiếp tục gây nguy hiểm được nữa, nhưng cũng không thể trốn thoát mà vẫn bảo đảm đúng pháp luật. Từng có tình huống, khi cán bộ Công an huyện vừa rời Thổ Chu trở về thì lại xảy ra trọng án… Vào mùa chướng, biển động, có khi phải 2 tuần, thậm chí 20 ngày mới có chuyến tàu khách ra đảo.

Cũng giống bên Nam Du, nhân khẩu tại Thổ Chu biến động theo mùa. Vào mùa biển động và vào những ngày sáng trăng, có khi 500 – 700 tàu cá tấp vào. Cư dân trên đảo bỗng đông thêm gần chục nghìn người, hơn gần 5 lần dân của đảo, trong khi công an chưa tới chục người. Hầu hết ngư phủ khi bước chân lên đảo là lấy… rượu làm niềm vui. Nhậu xỉn quắc cần câu rồi gây rối tùm lum, liên tục như cơm bữa. Công an xã còn phải chủ công hoặc phối hợp giải quyết những vụ việc “nóng” như tai nạn chết người, mất tích trên biển, phá rừng; tham gia phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ… 

Hồi cuối năm 1997, khi cơn bão Linda hung hãn càn quét qua, lực lượng Công an, nhất là tại Nam Du, rất vất vả, vừa đảm bảo ANTT, giúp dân, vừa tham gia các công đoạn tiếp nhận thông tin, nhận dạng, bàn giao hàng trăm thi thể trôi dạt vào đảo. Tâm lý tội phạm, nhất là tội phạm đặc biệt nguy hiểm sau khi gây án là chạy càng xa càng an toàn. Thổ Chu, Nam Du và cả quần đảo Hải Tặc (cùng thuộc tỉnh Kiên Giang) cũng là “điểm đến” lý tưởng của nhiều đối tượng ở đất liền sau khi gây án. Công an các xã đảo trên biển Tây từng “tóm” nhiều đối tượng như thế…

Phóng viên Báo CAND trên quần đảo Nam Du. Phía sau là Bãi Ngự.

Địa bàn xa xôi, cách trở, điều kiện phục vụ công tác còn thiếu trăm bề, thành phần dân cư lại đặc thù, hết sức phức tạp, cuộc chiến đấu gìn giữ bình yên trên đảo tiềm ẩn sự khốc liệt, cam go,… nhưng nhờ đoàn kết, tranh thủ sự giúp đỡ tận tình, quý báu của người dân nên lực lượng Công an xã nơi đây luôn hoàn thành sứ mệnh của mình. “Nếu như không đam mê, không có niềm tin mãnh liệt về cuộc sống, công việc, cũng như đông đảo cư dân nơi đây, chúng tôi không đủ sức để chịu đựng trước những khắc nghiệt của thời tiết để mà tồn tại, nói chi là đối mặt với những gian nguy của biển đảo” - Nữ Công an viên Châu Như Ý bộc bạch.

Giữa nghìn trùng, tình người luôn dạt dào cùng niềm tin mãnh liệt đã thổi bừng cháy ngọn lửa nhiệt huyết. Cách nay mấy hôm, trò chuyện qua điện thoại với tôi, Lịnh, giờ là Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn (cùng thuộc quần đảo Nam Du), phấn khởi cho biết, “ngọn lửa” ấy giờ vẫn được anh em tiếp tục nỗ lực duy trì. Càng yêu càng thể hiện trách nhiệm, giữ đảo mãi bình yên…

Quần đảo Nam Du cách bờ 65 hải lý, được hợp thành bởi 21 đảo lớn nhỏ, trong đó có hơn chục đảo có dân sinh sống và có đảo chỉ dành cho… người chết. Từ đảo Nam Du (đảo lớn nhất, còn gọi là hòn Lớn, hòn Củ Tron), ngồi trên chiếc tàu con tròng trành sang một số hòn, tôi được nghe cách nói dần lân, từng được lưu truyền trên đảo: Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai; Đô Nai quay sang Bờ Đập; Bờ Đập tấp lại hòn Lò; Hòn Lò mò đến hòn Ngang; Hòn Ngang tạt sang hòn Đụng; Hòn Đụng cụng vào hòn Dầu; Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo; Bỏ Áo tháo ngược hòn Ông; Hòn Ông dông đến hòn Dâm; Hòn Dâm đâm thẳng hòn Tre; Hòn Tre te đến hòn Mốc; Hòn Mốc xốc lại hòn Nhàn; Hòn Nhàn tràn thẳng hòn Hàn; Hòn Hàn quàng cổ ba Hòn Nồm; Hòn Nồm chồm đại lên hòn Khô; Hòn Khô vô bãi Chệt; Bãi Chệt lết lên hòn Lớn...”. Bước xuống những bãi biển đẹp hoang sơ, tôi còn được nghe giai thoại hơn 2 thế kỷ trước, thời vua Gia Long từng phiêu bạt tới nơi này...

Thái Bình
.
.