Chuyện ở một miền cù lao
- Ngắm huyện đảo Lý Sơn từ không trung cùng phi công dù lượn
- Người dân huyện đảo Lý Sơn ưa chuộng dùng hàng Việt dịp Tết
Phía sau là gia đình và Tổ quốc
Dọc dải đất hình chữ S với hơn 11.409,1km đường bờ biển, cuộc mưu sinh của ngư dân lúc nào cũng lắm nỗi nhọc nhằn. Anh Nguyễn Gia Viên (xã đảo An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi - chủ tàu QNg-96111TS) là ngư dân kỳ cựu và có tiếng “sát cá” của đất Lý Sơn. Mới 45 tuổi nhưng anh đã có gần 30 năm bám biển, trong đó 20 năm làm thuyền trưởng tàu cá chuyên bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và đang sở hữu đội tàu cá 3 chiếc công suất lớn.
Đời ông nội anh gắn với biển, đời cha anh gắn với biển, rồi tới anh cũng trưởng thành từ những chuyến biển như thế này. Anh Viên cho biết: “Đời cha đời ông mình đi biển bằng những con tàu nhỏ cũ kỹ mà vẫn vươn tới được Hoàng Sa, Trường Sa. Tàu của mình to hơn, nhiều người hơn lại được trang bị nhiều thiết bị tối tân hơn thì phải vươn xa hơn. Dù có sóng gió bão biển nhưng vẫn ra biển không một ngày ngưng nghỉ. Phía sau mình còn là hậu phương. Còn là gia đình và cả Tổ quốc nữa!”. Để có những chuyến biển như thế này, anh đã làm lụng nhiều năm chắt chiu, đến năm 2000, anh sắm được 3 con tàu để ra khơi, chính thức trở thành trụ cột cho gia đình.
Một góc đảo Lý Sơn. |
“Anh Viên có biệt tài lùng tìm những đàn cá nên luôn trúng đậm. Nhiều chủ tàu khác cứ than lỗ vốn nhưng đi với ảnh thì mỗi năm bạn chài như tôi được chia từ 40-60 triệu đồng. Anh cũng là một chủ tàu có tấm lòng với biển khơi”, một ngư dân trên tàu anh Viên cho biết. Gần 30 năm bám biển, bám tàu với hàng chục lần phải đối mặt sóng to gió lớn để cứu vớt ngư dân bị nạn, phần thưởng đối với anh là giành lại sự sống của ngư phủ từ tay thủy thần, những ly rượu cảm tạ cùng nhiều bằng khen và giấy khen từ các cấp, ngành chức năng trao tặng.
Nhiều người gọi đùa anh là Viên “inốc” vì có thể bơi lặn dưới làn nước lạnh thấu xương trong nhiều giờ liền. Anh Viên là một trong những chủ tàu cá ăn nên làm ra ở Lý Sơn. Mỗi năm, với 3 chiếc tàu cá hành nghề lưới vây rút chì, anh thu về cả chục tỷ đồng. Trên tàu, anh trang bị nhiều phương tiện hiện đại để phục vụ đánh bắt cá.
Anh Viên bộc bạch: “Tàu này có công suất 450CV nên chạy từ Lý Sơn ra Hoàng Sa chỉ mất 17 giờ. Còn tàu của những ngư dân khác phải mất 2 ngày 2 đêm mới đến nơi. Có cá thì vui mà không có cá thì buồn. Dù cực nhưng vẫn phải bám nghề, vất vả mấy cũng chịu được. Ra biển không chỉ làm kinh tế mà còn bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đó là trách nhiệm của ngư dân chúng tôi!”, anh nói khi tàu đang quay mũi về lại đất đảo Lý Sơn giữa lúc bình minh vừa ló dạng.
Còn anh Tân, một ngư dân khác trên đảo Lý Sơn thì bộc bạch: “Cả đời gắn liền với biển, giàu nghèo cũng do biển. Hồi xưa chỉ cần vài lao động ra biển có thể nuôi được cả gia đình, giờ cả nhà đi biển cũng chẳng đủ ăn. Nhưng, đói no gì thì cũng phải ra!”. Biển cả cũng đã ban tặng cho anh căn nhà cao tầng cùng với trang thiết bị đắt tiền, các con được cắp sách đến trường. Anh Tân còn cho nhiều ngư dân mượn vốn để sắm ngư cụ vươn khơi. Với người dân nơi đây, anh không chỉ là một ngư dân quả cảm mà còn là một người hàng xóm tốt bụng, một người mẫu mực cả trên biển và khi ở đất liền.
Nhìn lá cờ trên tàu, những ngư dân như anh Viên, anh Tân đều thủ thỉ rằng có ra tới Hoàng Sa mới hiểu được quốc kỳ, linh hồn Tổ quốc thiêng liêng thế nào. Chính lá cờ Tổ quốc đã tiếp thêm cho những ngư dân sức mạnh vượt qua bão tố, thiên tai và cả nhân tai, vững lòng bám biển. Mỗi lúc gian nguy giữa đại dương, ngước nhìn lên lá cờ là lại như thấy Tổ quốc mình, đồng bào mình đang ở bên cạnh vậy. Có khi trong suốt hành trình đánh bắt cá, tàu của các ngư dân phải mang theo vài lá cờ Tổ quốc để cần thiết là thay ngay khi cờ bị bạc màu hoặc gió xé rách, để đảm bảo quốc kỳ trên nóc tàu luôn đỏ thắm, tươi rói. Tổ quốc là linh thiêng, cờ Tổ quốc là nơi những ngư dân vươn khơi gửi gắm niềm tin và mơ ước của mình. Dẫu bao sóng gió và cả những hiểm nguy nhưng với họ, Tổ quốc vẫn là mãi mãi!
Đặc sản tỏi Lý Sơn. |
Một người đàn ông hồ hởi khoe: “Các anh thấy hòn đảo của chúng tôi có đẹp không? Có đáng được gọi là thiên đường du lịch không?”, chúng tôi gật gù, ông ra chiều rất đắc ý. Ông cho biết, nghề chính trên đảo chỉ là trồng tỏi, đi biển và làm du lịch. Chuyện làm du lịch thì chúng tôi đã thấy. Còn chuyện đi biển thì sao? Ông nói: “Ở đảo mà không đi biển thì đâu phải là dân đảo. Ở đây phần lớn là những người theo nghiệp biển, có người tới 4-5 đời rồi các anh ạ! Biển với chúng tôi là một mà!”. Rồi ông dẫn chúng tôi đến với những lão ngư đã sống một đời với biển.
Với người dân cù lao Ré (tên gọi khác của đảo lớn Lý Sơn) này, thì làm du lịch là nghề thuộc hàng “cung đình” so với nghề đi biển nhưng cũng chỉ mới ngót nghét chục năm trở lại đây thôi, còn trước đó, từ người già đến trẻ con đều lấy mũi tàu làm hướng mưu sinh. Khi mặt trời đã gác mái triền Tây, chúng tôi được diễm phúc ngồi hầu chuyện với mấy lão làng trong nghề đi biển của xứ cù lao này, bên mâm cơm cũng toàn đồ biển.
Các vị lão làng đã ở tuổi “tri thiên mệnh” kể cho chúng tôi nghe chuyện ra khơi ngày trước mà thấy lạnh cả sống lưng. Bởi ngày xưa thuyền đi lộng, đi khơi không thể sánh được như bây giờ, chủ yếu là thuyền buồm nương theo sức gió, vậy mà các cụ vươn tới cả bãi “cát vàng” (tức Hoàng Sa) mà đánh bắt.
Lão ngư Lê Lường (77 tuổi) hớp một ngụm rượu đầy rồi thong thả kể về một chuyến biển của mình cách đây gần 20 năm. Lần ấy trên thuyền của lão Lường có 6 tay lưới, mỗi tay dài cả gần cây số mà chỉ có 5 người. Khi phát hiện đàn cá lớn gần Hoàng Sa, mọi người vội vã thả lưới rồi nghỉ ngơi để nửa đêm đi thăm lưới.
Nửa đêm, 1 người ở lại thuyền, còn 4 người chia làm 2 thúng lần theo mép lưới mà đi. Bất đồ trời nổi cơn dông, chẳng ai liên lạc được với nhau, cố bám vào phao lưới để giữ chiếc thuyền khỏi bị gió cuốn phăng đi. Đèn bão thì tắt ngúm, giữa đêm đen đặc phải vật lộn để giữ được mạng sống, mỗi người phải vật lộn với bão tố, với cơn đói cồn cào suốt một ngày đêm, rồi lão ngư Lê Lường bị hất xuống biển, sáng hôm sau được cứu bởi một tàu bạn ở tận vùng biển... Quảng Ninh. Còn những người trên thuyền với lão thì mất tăm hơi.
Sau mấy ngày trên thuyền bạn, ông lão mới mua được vé tàu lửa về Quảng Ngãi, rồi lên tàu ra đảo. Chặng đường ấy mất đúng 10 ngày. Khi về đến nhà, thấy bà con xóm chài đang làm lễ cúng cho mình. Hỏi ra mới biết, người bạn trên thúng trong cơn bão bị trôi dạt vào cửa biển Đà Nẵng, rồi về trước và thông báo rằng lão đã mất tích giữa biển trong đêm dông. Vì thế bà con xóm chài và gia đình làm lễ chôn cất, đắp hình nhân và chuẩn bị làm mộ gió. Ai ngờ ông lão trở về, mừng mừng tủi tủi trong nghi ngút khói hương bến thuyền hôm ấy. Để rồi sau lần ấy, ông lão lại cùng các bạn chài đi biển mà đến bây giờ ông cũng chẳng nhớ nổi là bao nhiêu chuyến nữa.
Còn rất nhiều câu chuyện của các lão ngư khác ngồi xung quanh chúng tôi, mà chẳng thể nào kể hết ra được. Khi cuộc rượu của các lão ngư đang đến hồi hưng phấn thì phía biển mây đen kéo tới. Chẳng ai bảo ai, nhanh như sóc, các lão ngư ở cái tuổi thất thập ấy đã giẫm chân vào bờ đá mép nước, kẻ đóng cọc, người kéo dây đưa ghe thuyền sát vào bờ để khỏi bị sóng đánh dạt.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải - Lý Sơn chia sẻ về công việc mà nghiệp đoàn nghề cá đang tích cực thực hiện để giúp đỡ ngư dân xứ đảo này: “Lý Sơn là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Nghề duy nhất của người dân là đánh bắt và chế biến hải hản. Người dân từ bao đời nay chỉ gắn bó với biển vì biển là nguồn sống mang lại miếng cơm manh áo, tiền học hành cho con em đến trường. Tuy nhiên, nghề câu khơi cũng đem đến những mất mát, đau thương không thể bù đắp được bằng hiện vật. Song, vị mặn mòi của biển khơi đã thấm vào từng thớ đất, con người nơi đây nên việc bám biển sống là niềm tin bất di bất dịch!”.
Trên hòn đảo tiền tiêu
Những ngư dân can trường của biết bao thế hệ đã qua đi từ ngàn xưa dẫu biết hiểm nguy luôn rình rập nơi biển khơi, có lẽ với họ, vị mặn mòi của biển là một phần của máu thịt không thể cách xa và những con sóng vỗ ầm ào nơi mạn thuyền là một phần của bao hy vọng lấp lánh. Thế nên dù nhiều thế hệ đã vĩnh viễn nằm lại với đại dương nhưng người dân vẫn một lòng hướng ra biển.
Hằng năm, vào ngày 16-3 âm lịch, nhân dân trên đảo lại long trọng tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao những người lính Hải đội Hoàng Sa năm xưa đã anh dũng hy sinh và mãi mãi nằm lại với biển cả. Nhân dân và chính quyền trên huyện đảo đã đắp nên các nấm mộ gió và lập đền “Âm Linh Tự và mộ lính đội Hoàng Sa” là nơi phối thờ các chiến sĩ và binh phu Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, là “nhân chứng sống”, là cứ liệu lịch sử quan trọng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Những ngư dân trên đảo chuẩn bị đánh cá đêm. |
So với các lễ hội khác của ngư dân biển miền Trung, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ dừng lại ở giá trị tín ngưỡng tâm linh mà trên hết là dịp để người con của xứ sở bày tỏ lòng thành với mẹ Biển Đông. Sự cuốn hút kì lạ của lễ hội không phải chỉ những nghi thức, nghi lễ, tập quán, những hội chơi dân gian mà là ý nghĩa và giá trị cộng đồng sâu sắc.
Cái nắng nóng tan đi theo những đợt sóng êm đềm vỗ vào bờ cát trắng. Ngoài xa thấp thoáng những chiếc tàu cá đang buông neo thả lưới. Hiện tại số dân trên đảo Lý Sơn lên đến hơn 21.000 người. Họ vẫn bám trụ với mảnh đất này từ đời này qua đời khác. Không vì những cám dỗ xung quanh mà rời bỏ quê hương. Những con người nơi đây vẫn luôn ra sức học tập, phấn đấu, đem sức lực của mình về phát triển quê nhà.
Cuộc sống ở đây bây giờ cũng khá sung túc. Những ngôi nhà 2-3 tầng mọc lên san sát, truyền hình cáp được khá nhiều hộ dân sử dụng, có trường học để trẻ em trên đảo đến lớp và rất nhiều khối cơ sở vật chất được xây dựng phục vụ đời sống người dân. Cuộc sống của cư dân nơi đây cũng không khác gì trong đất liền, có những nhà hàng rộng rãi, những khách sạn 3 sao để phục vụ du khách, những quán cà phê nhạc xập xình, chợ búa bán đủ loại nhưng nhiều nhất vẫn là tỏi và các loài hải sản như bào ngư, tôm cá. Ngoại trừ những thứ hải sản, các loại mặt hàng khác có giá cao hơn so với đất liền bởi khoảng cách biển trời nhưng không đến nỗi quá đắt đỏ.
Đêm cù lao yên bình, chỉ có những tiếng sóng vỗ dạt dào vào ghềnh đá, như tiếng ru của biển tự ngàn xưa. Đảo thu mình lại trong giấc ngủ sau một ngày chào đón khách. Xa xa, ánh sáng của những chiếc thuyền câu mực lóng lánh như những đàn đom đóm lập lòe giữa biển đêm đen đặc. Đứng giữa đất trời và biển cả mênh mông như thế, mới thấy đất nước mình đẹp vô cùng. Tôi cứ thao thiết mãi không thôi về sức sống của con người nơi đầu sóng. Họ là những ngọn đèn trên biển nước tiền tiêu, để canh giữ biển trời đất nước suốt bao đời nay.