Chuyện về các bác sĩ chiến thắng COVID-19
- Bị phạt 12,5 triệu đồng vì thông tin sai về dịch COVID-19
- COVID-19 với hai "người anh em xa" khác nhau thế nào?
Câu chuyện của ông được quay thành clip, lan tỏa rất nhanh trên nhiều trang mạng. Ông Tạ Hoa Kiên được xuất viện ngày 21/2.
Trước đó, vào ngày 4/2, bệnh nhân người Trung Quốc Li Zichao cũng đã được xuất viện sau 14 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hai cha con Li Zichao được xác định là hai ca nhiễm chủng virus Corona mới đầu tiên ở Việt Nam, nhập viện ngày 22/1.
Các cán bộ Thành đoàn đến thăm y, bác sĩ là đoàn viên tham gia chữa khỏi bệnh COVID-19. |
Người cha, ông Li Ding (66 tuổi) đến từ Vũ Xương (Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc), nơi đang là tâm điểm của vùng dịch. Bệnh nhân này mang sẵn trong người nhiều căn bệnh khác nên phải điều trị lâu hơn.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Sang, Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy là người trực tiếp khám cho hai cha con người Trung Quốc. Ngày 21/1, ông Li Ding được con trai đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám do bị sốt, mệt mỏi. Có cảm giác người con trai của ông cũng "có vấn đề", bác sĩ Sang đã thuyết phục anh này ở lại để được thăm khám.
Ban đầu, Li Zichao không đồng ý, còn cáu gắt vùng vằng. Nhưng sự kiên trì và cương quyết của các bác sĩ đã khiến Li đồng ý. Ngày 22/1, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur cho thấy cả hai cha con đều dương tính với COVID-19. Vậy là cuộc chiến thật sự đã bắt đầu. Gần 30 y, bác sĩ đã không có Tết.
"Là một trong những người tiếp xúc ban đầu với bệnh nhân, tôi không chắc mình có bị lây nhiễm không. Về nhà, khi con chạy đến, tôi phải đẩy bé ra. Chắc con tôi hụt hẫng lắm. Nhưng điều khiến tôi sợ hơn là ánh mắt nghi ngờ của hàng xóm đối với vợ con mình. Họ e dè. Có những lời hỏi thăm xé lòng: "Có bác sĩ nào bị lây bệnh chưa?"; "Thôi ở trong bệnh viện đi, đừng về nhà kẻo lây cho vợ con"…, bác sĩ Sang tâm sự.
Lúc đó nhiều tin tức đồn đoán bác sĩ nhiễm bệnh, tử vong… càng làm cho người thân lo lắng. Thương nhất là bé gái mới hơn 3 tuổi, Tết nô nức mà không thấy ba nên cứ ra cửa chờ và hỏi mẹ sao không thấy ba về!
Đến chiều 29 Tết, ông Li Ding vào đỉnh bệnh, yếu dần, thở dốc, sốt liên tục trên 40 độ, toàn thân như bị rút kiệt sức sống, mất khả năng thở tự nhiên. Bác sĩ cho thở oxy hỗ trợ, tăng từ 2 lít oxy lên 5-6 lít (mức tối đa) nhưng vẫn không đạt mức thở cơ bản. Ông Li Ding hội tụ đầy đủ yếu tố khả năng cao sẽ tử vong: nam giới, trên 60 tuổi, bị 4 bệnh nền rất nguy hiểm. Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất.
Vừa chữa bệnh vừa tìm hiểu, các bác sĩ đã linh hoạt vận dụng những khuyến cáo của chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mở các cửa sổ để lưu thông không khí, đưa bệnh nhân ra bậu cửa tắm nắng…
Mùng 3 Tết, khi bác sĩ vào thăm khám thì ông Li Ding đã có thể đứng ở cửa tắm nắng và tập thở. Thấy các bác sĩ vào, ông Ding cười nhẹ và vẫy tay chào. "Tết lúc này mới thật sự đến với chúng tôi. Các y bác sĩ bắt tay nhau mừng rỡ", bác sĩ Sang kể.
Y bác sĩ còn đem vào viện nào là bánh tét, bánh chưng, trái cây,… để biếu tặng ông Li Ding. Có hôm, vào 12 giờ đêm, ông Li Ding nói thèm ăn thanh long, vậy là y tá chạy đi mua bằng được. Tất cả là để cho bệnh nhân tin, thoải mái từ đó mới chịu hợp tác để điều trị.
Cũng trực tiếp điều trị, Ths. bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây là loại virus mới nên khi tiếp nhận hai ca bệnh đầu tiên, chưa biết gì về nó, chưa xác định nguồn lây chính thức, về tâm lý ai cũng sợ. Lo nhất nguy cơ lây nhiễm cho các y bác sĩ, nhất là những y bác sĩ có vợ đang mang thai, có con nhỏ và ba mẹ lớn tuổi đang mắc nhiều bệnh. Vì thế bác sĩ cũng phải tự cách ly với gia đình. Người thân đến thăm cũng phải tránh xa...
Các y bác sĩ còn phải đối mặt với những áp lực, căng thẳng rất lớn từ cộng đồng khi mạng xã hội liên tiếp đưa những thông tin sai sự thật về người nhiễm bệnh. Nếu để người nhiễm bệnh tử vong thì cộng đồng càng hoang mang hơn, đẩy người dân đến cơn khủng hoảng niềm tin khó có thể phục hồi.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, áp lực và khó khăn lớn nhất của người trưởng khoa là từng ngày phải quyết định cho bác sĩ, điều dưỡng nào vào phòng cách ly khám bệnh. "Nghiệp vụ, kinh nghiệm với dịch bệnh, tất cả bác sĩ, điều dưỡng ở khoa đều dày dạn cả, nhưng đây là bệnh lây nhiễm, không ai chắc chắn được".
Xuất viện, Li ZiChao gửi lại tâm thư: "Chúng tôi không thể quên được ấn tượng sâu sắc và tươi đẹp mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã để lại. Cha tôi đã đặc biệt giao cho tôi phần việc phải làm là: Hãy cảm ơn Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế và cảm ơn tất cả những y bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã chăm sóc cho chúng tôi…
Sự chuyên nghiệp và ân cần của bác sĩ trong khám chữa bệnh đã dành cho chúng tôi, chúng tôi ghi nhớ từ tận đáy lòng …".