Chuyện về những người thầy ở Trại giam Thủ Đức

Thứ Ba, 24/11/2015, 12:00
34 năm gắn bó với Trại giam Thủ Đức thì có tới 26 năm làm công tác giáo dục, anh như một người thầy cảm hóa phạm nhân bằng chính tấm lòng, cái tâm với nghề. Nhiều phạm nhân sau khi chấp hành án xong đã quay lại để gặp anh chỉ để nói lời cảm ơn: “Nhờ có thầy mà khi trở về đời không còn tự ti, cố gắng làm ăn lương thiện”. Đó là Thượng tá Phan Thanh Sắc - Tổ trưởng Tổ giáo dục Phân trại 3, Đội giáo dục Hồ sơ - Trại giam Thủ Đức.

1. Gương mặt sạm đen vì nắng gió, nụ cười tươi và giọng nói trầm ấm, Thượng tá Phan Thanh Sắc tạo cho người đối diện cảm giác gần gũi, thân thiện. Giữa màu xanh bạt ngàn của rừng cao su, nhìn cách anh hướng dẫn tỉ mỉ cho phạm nhân cách chăm sóc cây cao su sao cho đúng kỹ thuật, rồi cả những câu chuyện đời với họ, rất bình dị mà thật gần gũi, nếu không có bộ quân phục sĩ quan cảnh sát, trông anh giống một kỹ sư nông nghiệp hơn là cán bộ trại giam.

Thượng tá Phan Thanh Sắc hướng dẫn phạm nhân trong giờ học nghề may tại Phân trại 2.

Trước khi gặp, chúng tôi đã được nghe Ban giám thị nhắc nhiều đến anh với những sáng kiến táo bạo, dám nghĩ, dám làm, một con người của công việc, một cán bộ mẫn cán với công tác giáo dục trại giam.

Đại tá Trần Hữu Thông - Giám thị Trại giam Thủ Đức đã hóm hỉnh bảo rằng, nghề giáo dục trong trại giam như "bảo mẫu", chăm lo phạm nhân từ cái ăn, cái mặc, đến chỉnh sửa đầu tóc tới đời sống tinh thần. Mọi diễn biến tâm lý của phạm nhân đều phải nắm bắt và có sự điều chỉnh hợp lý, kịp thời. Thượng tá Sắc là một trong những người tiêu biểu của trại trong công tác giáo dục. Những sáng kiến của anh về công tác giáo dục phạm nhân đã được triển khai tại các phân trại và nhiều mô hình được nhân rộng, các trại bạn đến học tập, đem lại hiệu quả tích cực. Như thông qua mô hình truyền hình cáp nội bộ, tập san; mô hình hội đồng tự quản phạm nhân; cải cách phiếu theo dõi phạm nhân; cải cách hành chính trong thăm nuôi, cuốn sổ thăm gặp; đối thoại cán bộ với phạm nhân để giải quyết những khúc mắc, tư vấn về pháp luật, chia sẻ những vấn đề riêng tư của phạm nhân… mỗi tháng một lần. Vì thế trong những năm qua trại không có kiện cáo, không có đơn từ khiếu nại.

Trong số những sáng kiến của anh đang được áp dụng, sáng kiến tuyên truyền giáo dục qua truyền hình cáp nội bộ được đánh giá khá cao, cho hiệu quả tốt, qua đó đã làm giảm được tỷ lệ vi phạm. Vào mỗi buổi tối, đến giờ học tập thì phát truyền hình cáp, cán bộ giáo dục đọc và giảng bài phát trên hệ thống truyền hình cáp của phân trại qua đó tất cả phạm nhân đều nghe và hiểu được. Qua hệ thống truyền hình này, những hình ảnh sinh hoạt của cán bộ và phạm nhân được thể hiện sinh động, có tác dụng giáo dục phạm nhân rất tốt.

2. Quê ở Hà Trung - Thanh Hóa, năm 1979, Phan Thanh Sắc là sinh viên Trường Nghiệp vụ Hạ sĩ quan Cảnh sát 6 ở Bắc Thái, năm 1982 anh về công tác tại Trại giam Thủ Đức lúc đó gọi là Trại giam Z30D Hàm Tân. Ngày ấy, anh từng qua nhiều vị trí công tác của trại từ cán bộ quản giáo, trinh sát rồi gắn bó với công tác giáo dục từ năm 1989 cho đến nay. Giáo dục trong trại giam không đơn giản như ngoài xã hội, đây thực sự là một nghề khó khăn, bởi trong số phạm nhân, ngoài những người lần đầu phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, do không may trong việc làm ăn mà sa vào vòng lao lý thì còn có không ít thuộc loại "tiền án nhiều hơn tiền mặt". 

Làm thế nào để khơi lại được phần thiện trong những con người này là chuyện không dễ. Muốn vậy thì cán bộ giáo dục phải tạo được niềm tin với phạm nhân để họ có thể tâm sự, chia sẻ những uẩn khúc, từ đó mới có thể động viên họ vượt qua để yên tâm cải tạo.

Giám thị Trại giam Thủ Đức hướng dẫn cách trồng cây cho các phạm nhân.

Trong số những phạm nhân đã từng ở Phân trại 2, có một đôi đã nên duyên chồng vợ sau khi hết án. Đó là vợ chồng Trường Phước và Thanh ni cô. Ngày ấy, Trường Phước và Thanh ni cô đều chưa có gia đình, khi thụ án ở Phân trại 2 thường hay vi phạm, ngang tàng. Tuy nhiên, qua những lần gặp gỡ, trao đổi của của cán bộ quản giáo, giáo dục đã thuyết phục được sự hướng thiện của họ. Từ đó, họ chú tâm lao động, cải tạo tốt. Hiện, họ đã có 2 con, sống rất hạnh phúc và thành đạt trong kinh doanh. Năm 2010, hai vợ chồng đã chở một xe hàng trị giá khoảng 30 triệu xuống trại thăm các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó đến nay thi thoảng hai vợ chồng vẫn xuống trại làm từ thiện.

Hay như trường hợp phạm nhân Hoàng Văn Sửu mới được ân xá dịp 2-9 vừa qua cũng là một trong những phạm nhân để lại nhiều dấu ấn với các cán bộ trong trại. Hoàng Sửu trước đây vốn là đàn em của vụ án Hai Chi nổi tiếng vùng đất Hàm Tân - Bình Thuận. Khi vào trại, Sửu đã được cảm hóa và cải tạo rất tích cực. Sửu rất chịu khó học hỏi, chăm chỉ lao động. Giờ về nhà Sửu vẫn tiếp tục công việc được học trong thời gian ở trại là lái máy cày, phát triển nông nghiệp cùng gia đình. Ra trại, Sửu tái hòa nhập cộng đồng một cách thuận lợi…

34 năm gắn bó với nơi đây, anh Sắc mới có 6 lần đi phép và hầu như chưa một lần được ăn tết ở nhà. Bố mẹ già ở quê ngày ấy cứ nhắc mãi là sao tết anh không về, mãi sau này để tiện bề chăm sóc, vợ chồng anh mới mua được mảnh đất ở Đồng Nai đón bố mẹ vào ở. Tuy vậy, 36 năm trong nghề chưa một lần anh được đón tết cùng gia đình. Tết của anh là lo tết cho các phạm nhân. Năm nào cũng vậy, sáng mùng Một Tết làm lễ chào cờ, chúc tết, phát quà cho phạm nhân đồng thời tổ chức cho phạm nhân đi chơi, dâng hương ở khu Đền Hùng và đi viếng nghĩa trang của trại. Những việc làm này đã có ý nghĩa giáo dục rất lớn với phạm nhân, khi sống phạm tội với đời nhưng khi chết họ vẫn được trân trọng, mang tính giáo dục người đang sống.

3. 15 năm gắn bó với công tác giáo dục đã để lại cho Trung tá Ngô Sĩ Toán nhiều trăn trở với nghề. Anh tâm sự, trại giam như một xã hội thu nhỏ, mỗi người một trình độ, nhận thức khác nhau, do vậy để cảm hóa họ thì bài học lớn nhất đối với người làm công tác giáo dục trong trại giam là tình người, phạm nhân là người có tội với pháp luật vào trại giam thi hành án, cán bộ muốn cảm hóa họ thì mình phải tôn trọng họ, dù già hay trẻ họ cũng cần có sự tôn trọng. Mình giáo dục con người bằng tình cảm là chính, ứng xử giữa người với người thì cần tôn trọng người ta. Vừa mềm mỏng, nhưng nghiêm khắc, gương mẫu thì phạm nhân mới tin.

Trung tá Ngô Sĩ Toán trong giờ dạy văn hóa cho các phạm nhân.

Tuy nhiên, khi cán bộ nói họ rất tiếp thu nhưng khi trở về xã hội thì nhiều nơi vẫn còn sự kỳ thị, không có công ăn việc làm, có nhiều người ra trại, nhập trại tuy là số ít nhưng cũng đáng để suy ngẫm. Theo nghề là cái tâm với việc gieo hạt giống tâm hồn, đưa họ trở thành người lương thiện về với xã hội. "Tôi chỉ mong xã hội chung tay, mở rộng với người có quá khứ lầm lỗi, tái hòa nhập cộng đồng. Khi những người học tập, cải tạo ra trại, muốn gặp ngoài xã hội họ thành công, có việc làm ổn định, chứ không ai mong gặp lại ở trong trại” - anh Toán nói.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh kể rằng, 15 năm làm công tác giáo dục cho đến giờ có 2 kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với anh về việc ứng xử giữa người với người. Lần ấy, vào ngày 28 Tết năm 2003, anh cùng Thiếu tá bác sĩ Nguyễn Quang Ánh đưa phạm nhân Trương Gioang bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối trở về địa phương (Tòa án cho tạm đình chỉ - PV), nhưng gia đình không nhận. Các anh cảm thấy sốc trước hành động từ chối nhận con của gia đình. Anh cùng bác sĩ Ánh đã làm công tác tư tưởng, đưa anh này đi gặp họ hàng, thăm hỏi mọi người ở địa phương để anh ta thấy mọi người không kỳ thị, xa lánh. Thuyết phục gia đình, mãi anh ta mới đồng ý, yên tâm trở về nhà. 15 ngày sau thì anh  ấy mất.

Hay như trường hợp phạm nhân Nguyễn Đức Thức ở Hà Tĩnh nhập trại với án 17 năm về tội cướp và tàng trữ vật liệu nổ. Thức được chuyển qua rất nhiều trại trước khi đến Trại Thủ Đức năm 2011 và tới Phân trại 3. Thức sinh ra và lớn lên trong một gia đình nề nếp, được học hành đến nơi đến chốn, bố là bộ đội nghỉ hưu, mẹ là giáo viên. Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng Cao đẳng Cơ khí. Từ khi nhập trại liên tiếp 3 năm liền, Thức luôn vi phạm, xếp loại kém của phân trại. Tuy nhiên, sau nhiều ngày gặp gỡ, động viên đến năm 2014 Thức đã tiến bộ rất nhiều và được xếp loại Khá. Nhận được tin con cải tạo tiến bộ, vừa qua mẹ Thức từ Hà Tĩnh mới đến thăm.

Trong trại giam, phạm nhân gọi cán bộ giáo dục là "người thầy áo xanh", những người thầy ở đây không chỉ đứng trên bục giảng mà còn làm rất nhiều việc. Đó là những công việc không tên: lo cho phạm nhân từ cái ăn, cái mặc, uốn nắn họ đi vào nề nếp từ đầu tóc, cạo râu đến đi đứng, chào hỏi, dạy họ kỹ năng sống, tới tư vấn, giải quyết chế độ, chính sách trong thăm gặp thêm giờ, xếp loại; hòa giải… Cái khó nhất mà cán bộ giáo dục Trại giam Thủ Đức đã làm được là cán bộ quản giáo, giáo dục là cầu nối hòa giải người bị kỷ luật và người ra kỷ luật đều thấy hài hòa, ai cũng vui khi được giải tỏa tâm lý, nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh, chỉ ra được cái đúng, cái sai của phạm nhân.

"Ở đây, giáo dục là rèn người là chính. Ở ngoài đời, học sinh hư gọi phụ huynh đến, còn ở đây, phạm nhân hư nhiều khi người cán bộ giáo dục ngoài việc mềm mỏng, đôi lúc còn phải năn nỉ họ. Trong số những phạm nhân đang thụ án tại K3, số phạm nhân chống đối rơi vào khoảng 1-2%, do vậy mình phải có sự phân loại và cách ứng xử riêng để rèn họ đi vào quy củ, chấp hành tốt nội quy của phân trại" - Trung tá Toán cho biết.

Phạm nhân Lê Gia Lập cho biết, phạm nhân trong K2, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, trình độ. Vì vậy, ngoài học nghề và lao động các phạm nhân còn được học văn hóa, thời gian nghỉ còn được đọc báo, nghe nhạc, xem phim Việt Nam, luyện tập thể thao, học tập qua hệ thống truyền hình cáp… "Sự gần gũi của những cán bộ quản giáo, cán bộ làm công tác giáo dục với phạm nhân đã giúp cho mỗi phạm nhân cởi bỏ được gánh nặng, mặc cảm, tự ti, phấn đấu lao động cải tạo tốt để được hưởng ân xá của Đảng và Nhà nước" - phạm nhân Lập nói.

Khi nói về phạm nhân hoàn lương, chúng tôi thấy ánh mắt Thượng tá Phan Thanh Sắc sáng lên niềm tin, bởi với mỗi phạm nhân sau quá trình cải tạo trở về với đời làm người lương thiện là niềm vui, hạnh phúc của người làm công tác giáo dục. Tạo ra được môi trường trong trại lành mạnh, không có "đại bàng", để phạm nhân có được một môi trường cải tạo tốt. Phạm nhân an tâm hồ hởi, phấn khởi thi đua chấp hành án phạt tù. Đảm bảo công tác quản lý giáo dục phạm nhân đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đúng pháp luật của Nhà nước; dân chủ, công bằng, khách quan trong việc giảm án, xếp loại và các chế độ giáo dục khác. Thượng tá Sắc kể rằng, một lần đi trên đường ở TP HCM, bỗng nghe tiếng gọi “cán bộ Sắc” giữa dòng người đông đúc, quay lại thấy chị Nguyễn Thị Loan, trước thụ án ở Phân trại 1. Chị Nguyễn Thị Loan sau khi hết án về mở cửa hàng quần áo, làm ăn chân chính. Đây chính là niềm vui, hạnh phúc của mỗi người cán bộ giáo dục.

Lưu Hiệp - Hà Ly
.
.