Chuyện về “vua nỏ” xứ Mường Hà Văn Phong

Thứ Sáu, 18/03/2016, 14:45
Phong “nỏ” không chỉ là biệt hiệu, đó còn là thương hiệu của “vua nỏ” Hà Văn Phong tại Tân Phú (Tân Sơn, Phú Thọ). Không chỉ nổi tiếng về khả năng thiện xạ trăm phát trăm trúng, ông Phong và gia đình còn khiến thiên hạ phải trầm trồ với hàng rổ huy chương gặt hái trong các giải thi đấu. Ngoài ra, Phong “nỏ” còn là sư phụ của hàng loạt xạ thủ nổi tiếng của tỉnh và sở hữu được phương pháp chế tác nỏ hết sức độc đáo.

Hàng rổ huy chương

Nhà ông Phong nằm tận sâu trong xóm Sặc nhưng tài thiện xạ của ông nức tiếng gần xa, luôn nườm nượp khách. Bước vội tiếp chúng tôi bằng cái nắm tay thật chặt, người đàn ông nhỏ con, giản dị với gương mặt rất sáng, nụ cười chan chứa sự hiếu khách, ông Phong nói ngay: “Vua chúa gì đâu, nỏ là đam mê, là nghề nghiệp của đời mình”.

Mưa xuân lây rây, lạnh lạnh. Ủ chén trà nóng trong tay, khói trà vờn kí ức, ông Phong nói nhiều về đam mê với cánh nỏ từ thuở bé của mình. Chừng hơn 60 năm trước, nỏ còn phổ biến, các phường săn còn nhiều và đây cũng là nghề nghiệp mưu sinh chính của không ít gia đình. Ông bảo, mới hôm nào còn xúc hai yến thóc của bố mẹ, rồi đi gánh phân hộ cho ông hàng xóm để đổi lấy cây nỏ tốt, thế mà giờ tóc đã muối tiêu…

Có được cây nỏ, ông Phong say mê luyện tập theo sự chỉ dẫn của bố. Chẳng mấy chốc, ông Phong bắn nỏ thành thần. Con sóc, con dúi nhỏ đến con thú lớn đều gục dưới mũi tên của ông. Về tài bắn, ông Phong đứng cách 20 mét có thể bắn xuyên cái cuống lá, nhắm đâu trúng đó, bắn bia thì toàn trúng vòng 10. Vì tài năng, phường săn đâu đâu cũng kính nể người đàn ông nhỏ thó, hiền lành này. Cho đến khi Nhà nước cấm săn bắn thú rừng, ông Phong giải nghệ, bỏ nỏ, để hong khói bếp suốt một thời gian dài và ông mưu sinh bằng nghề khác.

Ông Hà Văn Phong đang điều chỉnh lại nỏ.

Năm 1994, tỉnh Phú Thọ tổ chức hội thi bắn nỏ. Vì tài thiện xạ đã nổi tiếng từ lâu, ông Phong được nhiều người vận động tham gia. Tưởng nhiều năm không dụng võ, tài năng suy sút, nhưng không ngờ, thi vòng nào ông Phong chiến thắng vòng đó và giành được giải cao nhất của cuộc thi. Từ đó, nhiều cuộc thi bắn nỏ diễn ra, có ông Phong thì hầu như các vận động viên khác đành ngậm ngùi xếp sau.

Điển hình, năm 2002, ông Phong tham gia cuộc thi bắn nỏ toàn quốc tại Quảng Trị và sau vài vòng đấu, ông đã loại bỏ hết các danh thủ, thiện xạ trên cả nước để bước lên ngôi vô địch toàn quốc. Với thành tích trong nhiều cuộc thi đấu của mình, Phong “nỏ” đem về không biết bao nhiêu là huy chương, bằng khen các loại. Huy chương ông phải bỏ vào rổ, đâu chừng 70 chiếc, còn bằng khen thì chất chồng. Với ông, việc thi thố, lấy huy chương dễ dàng như lấy đồ trong túi.

Điều đặc biệt hơn nữa, vợ con ông Phong cũng không kém tài, cũng thuộc hàng có “số má” trong giới bắn nỏ. Năm 2004, tỉnh Điện Biên tổ chức cuộc thi bắn nỏ trong khuôn khổ lễ kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, vợ ông Phong, bà Hà Thị Phan dù đã ngoài 50 những vẫn cầm nỏ tham gia thi thố, giật ngay giải vô địch. Năm năm sau, bà lại lên đây thi đấu, vẫn giành ngôi cao nhất cuộc thi. Ngoài ra, bà còn tham gia nhiều cuộc thi của tỉnh Phú Thọ tổ chức và cũng gặt hái được không ít thành công.

Vợ chồng đều là thiện xạ, con cái cũng tiếp nối được truyền thống đó. Đúng là “hổ phụ sinh hổ tử”, những người con của ông Phong đều là những xạ thủ đáng nể. Con gái Hà Thị Ngọc Thúy bắn nỏ vô địch toàn quốc tại Hội khỏe Phù Đổng năm 2004. Năm sau, con trai của ông Phong là Hà Nghi Thượng giật giải, được thêm một huy chương vàng nữa. Do đó, cả nước thì chưa biết, nhưng cả tỉnh Phú Thọ chỉ riêng gia đình ông có thành tích cả nhà đoạt huy chương vàng bắn nỏ, tổng số lượng ước chừng 70 huy chương các loại. Đây là thành tích có thể nói là xưa nay chưa có gia đình nào đạt được, rất đỗi tự hào nhưng đối với gia đình ông, điều đó cũng rất nhẹ nhàng, chỉ như một sự trải nghiệm, một cuộc dạo chơi với đam mê.

Khóm luồng đá đặc biệt chuyên dùng làm nỏ của gia đình ông Phong.

Sư phụ của nhiều danh thủ

Ông Hà Văn Phong là cao thủ về nỏ số một của tỉnh Phú Thọ. Bởi thế, bên cạnh việc làm nỏ, bắn nỏ thì ông dành rất nhiều thời gian trong việc đào tạo bắn nỏ. 13 năm nay, ông mở một CLB nỏ tại nhà của mình, chuyên đào tạo con em trong thôn, xã làm quen với nỏ. Ông Phong dạy nỏ hoàn toàn miễn phí.

“Tôi nhìn nhiều đứa trẻ lớn lên, đến với tôi từ khi nhiều cháu còn chưa đủ sức kéo nỏ, chưa biết ngắm bắn. Tôi lập ra lớp học này nhằm góp phần nhỏ bé của mình lưu giữ lại nét văn hóa của người Mường, rèn luyện sức khỏe và thể hiện được tinh thần thượng võ, can đảm cho các cháu bước ra đời” – ông Hà Văn Phong tâm sự. Lẽ đó, sân nhà ông Phong chính là trường tập bắn, bia được gắn lên thùng xốp đơn sơ và luôn sôi động tiếng cười nói, tiếng lên dây, tên bắn “tạch tạch” từ Thứ năm đến Chủ nhật hằng tuần.

Ngoài dạy tại nhà, ông Hà Văn Phong còn có lượng học trò khá đông đảo, thuộc nhiều thành phần như bộ đội, học sinh, trung tâm huấn luyện thể dục thể thao. Không ít học sinh của ông Phong đã có được thành tích cao trong các giải thi đấu, mặc dù khi gặp ông, đó chỉ là những cậu bé vô tư, chưa biết gì vể nỏ, chưa đủ sức kéo dây nỏ. Nhiều học trò của ông vô địch quân khu, vô địch toàn tỉnh, toàn quốc.

Những học trò của ông Phong phải đào tạo vài năm mới có thể thuần thục kĩ thuật, để thi thố còn cần thêm rất nhiều thời gian khổ luyện cũng như năng khiếu. Nhiều năm đào tạo, không ít học trò đã đem về cho vị “vua nỏ” niềm tự hào. Điểm qua, những học trò đạt thành tích cao của ông Phong có thể kể đến là Hà Thị Mai Ngà, đoạt Huy chương Vàng Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Rồi Hà Công Ninh đoạt 5 Huy chương Vàng Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Phú Thọ. Đó là chưa kể đến hàng trăm huy chương các loại được nhiều học trò đem về ở các giải thi đấu khác nhau…

Nguyên liệu làm nỏ được treo gác bếp cho thật chắc.

Nhìn học trò say mê với cánh nỏ và đạt thành tích cao, ông Phong không khỏi cảm động. “Thật may mắn, văn hóa chơi nỏ của dân tộc Mường đã có đội ngũ kế cận. Trước nay tôi chỉ lo tre già mà măng không kịp mọc” – ông Phong nói trong niềm tự hào khôn xiết.

Chuyện trò với hàng xóm, chúng tôi biết được rằng, trước kia, ngày huyện Tân Sơn chưa tách ra khỏi huyện Thanh Sơn, có Phong, Thanh Sơn mạnh nhất nước về nỏ. Năm 2007 tách huyện, Thanh Sơn cũng theo đó mà tụt dốc, Tân Sơn vươn lên vị trí số một. Trước tình hình đó, những lãnh đạo thể thao Thanh Sơn đã gọi điện nhờ ông Phong đào tạo vận động viên cho họ.

Nói về người thầy của mình, hầu hết những học trò đã thành danh của ông đều có chung nhận xét, đó là người tài năng, chân thành và cực kì giản dị. Với học trò, ông xem như con cháu trong nhà. Dù gia đình không khá giả gì nhưng ông Phong vẫn dạy nỏ miễn phí hàng chục năm nay. Ngoài dạy nỏ, ông còn dạy cách làm người, cách ứng xử, đối nhân xử thế cho các học trò.

Bí kíp chế nỏ độc đáo

Để làm nên tài năng thiện xạ như hiện nay, ngoài năng khiếu và sự khổ luyện thì theo ông Phong, sự trợ giúp từ những cây nỏ chất lượng là rất lớn. Nghiên cứu, am hiểu về nỏ, ông Phong không chỉ là tay bắn nỏ hàng đầu mà còn là người sở hữu bí kíp chế nỏ vô cùng độc đáo. Điều này khiến cho những cây nỏ do ông sản xuất có chất lượng rất cao và chính xác.

Nguyên liệu làm nỏ cũng tương tự như nhiều loại nỏ khác nhưng sự khác biệt lớn nhất ở đây là chất lượng nguyên liệu. Về gỗ, ông Phong chỉ dùng loại gỗ quý, phải thật cứng như đinh, dổi, không thể mối, mọt. Luồng làm cánh nỏ phải là luồng đá, thứ luồng đặc chủng của Tân Sơn, chứ luồng ở các địa phương khác không dùng được. Ông Phong tự tay trồng tại vườn nhà một bụi luồng tốt, sau đó chọn cây 4-5 năm tuổi, xanh mướt, cật khỏe, không có vết kiến đục.

Cầu kì hơn nữa, ông Phong chỉ chọn phần thân luồng ở phía mặt trời chiếu sáng để làm cánh nỏ. Thân luồng sau khi được cắt, đục theo tỉ lệ, ông Phong treo lên gác bếp cho “ngửi khói” thêm ít nhất 1 năm để luồng thật dẻo dai, cứng cáp, độ đàn hồi tốt, khi bắn không bị biến dạng. Dây nỏ phải là loại dây hết sức bền, được bện từ các sợi tơ của cây gai, chắc bền như thép. Về tên bắn, ông Phong dùng cây mai, cây bương già. Mỗi tên được vót dài khoảng 40cm, được đem nướng trong lửa rơm rồi treo lên gác bếp cả năm trời, khiến cho mũi tên chắc chắn, thẳng tắp rồi mới bịt sắt.

Ông Hà Văn Phong bên rổ huy chương của gia đình mình.

Chưa hết, điều quan trọng hơn cả là sau khi làm xong nỏ, cần phải hiệu chỉnh lại. Bí quyết hiệu chỉnh như thế nào là điều tuyệt mật đối với ông Hà Văn Phong và ông vẫn áp dụng bí kíp đó cho hàng trăm cây nỏ ông chế tạo trong suốt nhiều năm qua. Vì sự tỉ mỉ của nguyên liệu nên nỏ ông làm khá chậm, trung bình mất khoảng 3 ngày mới được một cái, với điều kiện nguyên liệu đã được chuẩn bị sẵn. “Vì thế mà có dạo trước, một cơ quan đoàn trong TP. Hồ Chí Minh đặt tôi làm 40 cái nỏ trong thời gian ngắn, với mức tiền cao nhưng tôi từ chối ngay bởi điều đó là không thể, bảo “4 cái còn làm không kịp nữa là 40 cái”, thế là họ thôi” – ông Phong cho hay.

“Để làm nỏ, tôi cần sự yên tĩnh và tập trung cao độ. Vì thế, những lúc làm nỏ tôi không tiếp khách, rào cây ngoài cổng nhà. Theo phong tục của người Mường, khi nhìn thấy cây đó trước cổng thì người ta hiểu nhà đang có việc bận, không tiếp khách. Có thế tôi mới toàn tâm toàn ý để chế tác nỏ được” – ông Phong nói. Khi làm xong nỏ, khâu tiếp theo là thử nỏ. Ngày trước, thử nỏ thường đi vào rừng bắn, khi gương nỏ lên bắn con vật nhỏ, nếu chết ngay thì nỏ tốt, dùng được, còn con vật không chết, cõng được cả mũi tên chạy đi thì nỏ chưa tốt, cần phải làm lại. Còn ngày nay, có nhiều phương pháp để thử nỏ mà không cần phải săn bắn động vật để giữ gìn hệ sinh thái.

Chỉnh đi chỉnh lại, thử nghiệm nhiều lần nên nỏ ông làm đạt chất lượng cao. Do đó, giá bán mỗi chiếc nỏ của ông Phong cũng cao hơn giá nỏ ngoài thị trường, khoảng 1 triệu/cái. Tuy nhiên, tiền nào của ấy, ai đã mua nỏ của ông Phong thì đều không chê vào đâu được, cũng không bao giờ phải đem đến để sửa lại.

Những kỉ niệm ùa về bên chén rượu, người đàn ông trọn đời say mê cánh nỏ này vẫn không quên nhắc nhở học trò rằng, bắn nỏ là văn hóa, là bộ môn rèn luyện sức khỏe, rèn sự kiên nhẫn, tập trung chứ không phải chỉ để đi vào rừng săn bắn thú như ngày xưa. Thời gian thấm thoắt trôi, mái tóc điểm bạc, ông Phong luôn chỉ có một mong ước, đó là có thể truyền dạy toàn bộ kĩ năng, hiểu biết, bí quyết chế nỏ cho các thế hệ sau.

Bùi Trí Lâm
.
.