Cô giáo không mong có học trò!

Chủ Nhật, 28/06/2015, 10:25
Ai vào Khoa nhi Bệnh viện Ung bướu có chứng kiến cảnh hơn trăm thiên thần bị bạo bệnh đọa đày như thế đều không khỏi xót xa. Thương các em chịu nhiều đớn đau thiệt thòi, nhiều năm qua có muôn vàn tấm lòng khắp nơi xa gần lặng lẽ đến an ủi, vỗ về và tiếp sức cho các em cùng mẹ cha trong cuộc chiến chống bạo bệnh. Trong muôn vạn tấm lòng người thành phố như thế, có một cô giáo...

Khoa Nhi, Bệnh viện Ung bướu TP HCM có 150 bệnh nhi mang trong mình nhiều căn bệnh ác tính. Ở đây, với nhiều em, sự sống được tính từng ngày, từng phút, từng giây, các em gồng mình chịu đựng những cơn đau đớn không biết đến bao giờ mới kết thúc.

Ai vào Khoa nhi Bệnh viện Ung bướu có chứng kiến cảnh hơn trăm thiên thần bị bạo bệnh đọa đày như thế đều không khỏi xót xa. Thương các em chịu nhiều đớn đau thiệt thòi, nhiều năm qua có muôn vàn tấm lòng khắp nơi xa gần lặng lẽ đến an ủi, vỗ về và tiếp sức cho các em cùng mẹ cha trong cuộc chiến chống bạo bệnh. Trong muôn vạn tấm lòng người thành phố như thế, có một cô giáo...

Tuổi thơ không trọn vẹn

Bước chân vào khuôn viên Bệnh viện Ung bướu, tin rằng bất kỳ ai dẫu mạnh mẽ, lạc quan đến đâu cũng không khỏi xót xa cho số  phận không may của hàng ngàn người bệnh cùng thân nhân của họ. Ở đây, tại các khoa phòng của bệnh viện luôn trong tình trạng căng thẳng, ngột ngạt với những tiếng khóc, tiếng rên, tiếng thở dài, tiếng tặc lưỡi cùng bao ánh mắt thất thần, khuôn mặt đờ đẫn của người trong cuộc trước sự sống cái chết mong manh. Phức hợp cảm giác hụt hẫng, ngột ngạt ấy càng trở nên nặng nề khi bước chân vào Khoa Nhi.

Tại khoa Nhi Bệnh viện Ung bướu.

Tại đây, nhìn đâu cũng thấy những đứa trẻ gầy guộc với mái đầu nhẵn thín, khuôn mặt dúm dó với nhiều u bướu, vết thương trong ngoài cơ thể đang vật vã. "Do bị bạo bệnh hành hạ nên với nhiều em, sự sống không được tính bằng tháng năm mà là... từng ngày, từng phút giây, từng khoảnh khắc. Ngoài kia, vào hè thì con của người ta được chạy nhảy tung tăng, được đi du lịch khắp nơi khắp chốn, chứ tại đây, ngày nào cũng vậy, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày bọn trẻ phải vật lộn giữa sự sống cái chết"  - Đó là nỗi niềm của anh Minh Hùng, 37 tuổi, người tỉnh An Giang, có con trai bị bướu thần kinh.

Khuôn mặt hốc hác vì nhiều đêm thức trắng bên giường bệnh của con. Anh Hùng bộc bạch rằng hơn 2 năm qua, trên hành trình chữa bệnh cho con, vợ chồng anh đã nếm trải quá nhiều đoạn trường bi đát và đau xót đến tận cùng: "Mình người lớn, bị cái mụn nhọt ngoài da thôi đã đau nhức chịu không siết, huống gì cái bướu ác tính nó mọc trong đầu, gây đau đớn kinh hoàng. Lắm lúc nhìn con vật vã, quằn quại trong cơn đau mà mình thì bất lực, lòng dạ như bị cắt cứa thành trăm mảnh...".

Theo chân anh Hùng vào phòng số 3, tôi chỉ biết thở dài khi thấy bên trong căn phòng này có rất nhiều bệnh nhi cùng các ông bố bà mẹ khổ đau đã và đang oằn mình với các cơn đau cùng các khoản viện phí. Trong căn phòng này, vì tác dụng phụ của các đợt hóa trị, tia xạ nên bệnh nhi nào đầu cũng nhẵn thín, em nào cũng gắn như hình với bóng những chai dịch truyền. Có em phải gắn với ống nối từ ổ bụng trong mọi sinh hoạt hằng ngày.

Các phụ huynh cho biết trong những căn phòng của khoa này, tiếng cười nắc nẻ hạnh phúc tươi vui của trẻ thơ chỉ là thứ xa xỉ.  Ở đây chỉ có nước mắt và nỗi khổ đau: "Cháu bị suy thận. Hồi chưa phát bệnh, cháu đang là học sinh lớp 2. Cháu học rất giỏi. Từ khi phát bệnh, thế giới của cháu là nơi này, trong căn phòng chi chít giường bệnh với các bạn đồng cảnh. Nhiều lúc đau đớn quá, cháu không chịu nổi đã... ngất lịm".

Đầy đau khổ, anh Trần Văn Bế, 34 tuổi, ngụ xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước nói về tình trạng của con trong tiếng thở dài. Anh Bế cho biết, để có điều kiện chữa trị cho con gái là cháu Thanh Mai, anh đã phải bán 3 trong tổng số 5ha đất vườn điều và hiện đang kêu bán 2ha đất còn lại. Anh Bế thật tình trải lòng rằng dù rất lạc quan trong cuộc chiến chống bạo bệnh của con, nhưng vợ chồng anh như nhiều ông bố bà mẹ ở đây, cũng chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất. "Khi đã là ung thư, không thể nói trước được điều gì. Ở đây số trẻ nhập viện và xuất viện cứ liên tục. Lắm trẻ xuất viện chưa được bao lâu đã lại nhập viện và rồi..." - anh Bế bỏ lửng câu nói với ánh mắt đỏ hoe hướng về cô con gái đang nằm mê man với chai dịch truyền treo ở đầu giường bệnh.

Và những chồng vở viết dang dở...

Rảo khắp các phòng trong Khoa Nhi,  Bệnh viện Ung bướu, tôi đặc biệt ấn tượng trước hình ảnh nhiều bệnh nhi ê a đánh vần, nhẩm toán dưới sự dìu dắt của một cô giáo luống tuổi cùng nhiều bạn trẻ là tình nguyện viên, trong căn phòng nằm gần lối vào khoa. Hỏi ra mới biết cô giáo đặc biệt kia là Đinh Thị Kim Phấn, một giáo viên về hưu.

Cô Đinh Thị Kim Phấn với các học trò thân thương.

Trò chuyện, cô Phấn cho biết, trong cuộc chiến chống bạo bệnh của các em, nhìn nhiều em càng lúc càng suy kiệt do mầm bệnh ác tính tàn nhẫn gặm nhấm cơ thể trẻ thơ, nhất là khi nhìn cái cảnh các bậc phụ huynh thét gào gọi tên con khi bé lìa trần, hay khi họ đến giã từ cô giáo đưa con về quê để "lo chuyện hậu sự"... những lúc như thế cô Phấn chết lặng: "Cô đã từng làm mẹ, đã từng sống trong cái cảnh mất con nên hiểu rất rõ nỗi đau thương ấy. Con chỉ bệnh vặt thôi nhiều người đã lo cuống cuồng rồi, nói gì con bị K. Có nhiều ông bố bà mẹ tâm sự với cô nếu có phép màu nhiệm nào đó, họ ước gì được bệnh thay cho con, được đau đớn thay cho con. Nhưng chuyện đời... nghiệt ngã".

Vì đời quá nghiệt ngã với các bệnh nhi, càng nghĩ càng thấy thương các em nên cô Phấn và nhiều cô giáo về hưu, cùng các bạn sinh viên tình nguyện ở các trường đại học trong địa bàn thành phố, đã lặng lẽ đến với các em bằng những gì có thể. Người lo tổ chức vui chơi cho các em, nhóm trò chuyện, nhóm vận động mọi người quan tâm, yêu thương hỗ trợ, tiếp sức tiền quà cho các em cùng bố mẹ... Và như cô Phấn đây thì gắn bó với lớp học từ những ngày đầu thành lập.

Cô Phấn dáng gầy guộc, khuôn mặt khắc khổ. Cô nói về những học sinh đặc biệt của mình với đôi môi mấp máy, giọng đớn đau. Cô cho biết, lớp học không bao giờ có sĩ số học sinh chuẩn mà luôn dao động. Cô Phấn nói rằng vào giờ học, việc vắng mặt học sinh hay phải tiếp nhận học sinh mới là nỗi đau của cô cùng nhiều tình nguyện viên: "Cứ mỗi khi có em nào vắng học là lòng cô như lửa đốt. Có thể các em vắng vì bị những cơn đau hay tác dụng phụ của việc hóa trị, xạ trị quăng quật đến độ không đủ sức đến lớp. Nếu bị như thế thì còn may. Cô chỉ sợ các em vắng mặt vì quỹ thời gian sống của các em... đã khép lại".

Cô giáo Phấn nhắc đến cụm từ "khép lại" với tiếng thở dài trĩu nặng ưu tư cùng đôi mắt ầng ậng nước. Hướng ánh mắt về chiếc tủ đứng được đặt để ở cuối phòng học nơi có mấy chồng vở được sắp xếp ngay ngắn nếu ai đó không rõ rành cứ nghĩ đó là vở của các "Mạnh thường quân" gửi tặng cho các em, cô Phấn lặng nói: "Đó là những cuốn vở dở dang của các em. Ngần ấy cuốn vở là ngần ấy câu chuyện buồn về cuộc đời các em. Có em viết được vài ba cuốn đã giã từ cõi trần. Có em, chỉ học chưa hết phân nửa cuốn vở trăm trang đã vĩnh viễn không bao giờ trở lại lớp học...".

Cứ mỗi lần nhìn đống vở dở dang ấy là cô Phấn lại nghẹn ngào. Cô sợ mỗi khi phải đưa thêm một cuốn vở lên chỗ ấy. Cô cũng rất sợ khi thấy chồng vở ngày một dày lên. Cả tiếp nhận và tiễn đưa, cô đều không mong đợi. Tiễn đưa thì thế. Còn tiếp nhận có nghĩa lại có thêm một đứa trẻ bị bạo bệnh bủa vây. Trẻ thơ ở tuổi ăn tuổi chơi chỉ biết sống trong sự đùm bọc của mẹ cha nay phải vật vã với các cơn đau, ngày ngày đối mặt với sự sống và cái chết, có đớn đau nào hơn thế?...

Vòng tay nhân ái

Không chỉ thương các em thơ gồng mình chống chọi với bệnh tật, cô Phấn cùng các cộng sự cũng thương và xót xa cho cha mẹ của các em. Nhiều ông bố bà mẹ chỉ có một mụn con mà lại mắc bệnh hiểm nghèo, vậy là cả vợ lẫn chồng rời quê đưa con lên thành phố chữa trị: "Họ ăn dầm nằm dề tại bệnh viện với con, thức trắng đêm để vỗ về, giúp con vơi đi phần nào những cơn đau đến tận xương tủy. Có người bán nhà, bán những đồ trang sức kỷ niệm ngày cưới để chữa trị cho con... Nếu em gặp những người cha, người mẹ lúc họ nhìn con vào thuốc với nước mắt trào lăn, mới thấy xót cho họ, thương cho họ".

Nói về mình, cô Phấn kiệm lời, nhưng khi đề cập đến các học trò thân thương của mình, cô nói về các em không ngơi nghỉ. Cô nói, căn bệnh ung thư đã tước đi nhiều quyền lợi của các em, không cho các em được tự do vui đùa, được đến trường đến lớp cũng như nuôi những khát vọng, hoài bão của mình. Cô tâm sự có chứng kiến hình ảnh các em cắn răng chống chọi với các cơn đau, tay run run, môi mím thật chặt nắn nót viết chữ mà rơi nước mắt. Cô trải lòng rằng cũng rất sợ mỗi khi nghe tiếng nói, giọng đọc của các em yếu ớt hơn mọi lần. Những lúc như thế, cô lại lặng người đi...

Lớp học dành cho trẻ bị K của cô Phấn được hình thành từ một hoạt động chăm sóc tinh thần cho bệnh nhi trong Chương trình Ước mơ của Thúy cách đây hơn 6 năm. Cô Phấn cho biết, lớp học diễn ra vào 2 ngày thứ sáu (14-16 giờ) và thứ bảy (8-9 giờ 30 phút) hằng tuần. Sĩ số các em tham gia học mỗi buổi trên dưới 30 em. Đến với lớp học, các em được dạy tập trung 2 môn chính là Toán và tiếng Việt. Bệnh tật, đớn đau là thế nhưng các em rất chăm học. Thấy các em hiếu học như thế, cô Phấn cùng các cộng sự mừng lắm. Đó thực sự là nguồn động viên lớn thúc đẩy các cô quyết định triển khai dạy học cho các em theo chương  trình giáo khoa đến lớp 9 thay vì chỉ dừng lại ở cấp tiểu học như ban đầu.

Vào lớp học, các em sẽ quên đi những ống dẫn truyền hóa chất hay các tia xạ. Vào lớp học, các em sẽ được như bao trẻ bình thường, được các thầy cô tình nguyện viên ôm ấp, vỗ về, dạy biết đọc biết viết, biết tính toán và kể cho nghe nhiều câu chuyện cổ tích. Trong hơi ấm tình thương, các em lúc này không còn chứng bệnh ác nghiệt nữa. Tiếng cười nói, thanh âm vỗ tay, động viên của các bạn đồng cảnh cùng các thầy cô đã thực sự là liều thuốc thần diệu giúp các em phấn chấn, tươi vui, như được tiếp thêm luồng sinh lực mới để có thêm sức khỏe, năng lượng chống chọi với bạo bệnh.

Không nhớ đã bao lần tiễn biệt các học trò thân thương của mình, cũng không nhớ đã bao lần quay mặt khóc trước những cơn ho, trước ánh mắt đờ đẫn, đôi tay run run, bước chân yếu ớt của các em trong quá trình học tập nhưng cô Kim Phấn biết rất rõ một điều rằng các em cần lắm sự đùm bọc, sẻ chia. Thế nên trong khả năng của mình, cô sẽ luôn hết lòng với các em. Cô tâm niệm vậy!

Trích nhật ký của cô Kim Phấn viết về các học trò thiên thần:

Trưa ngày 1/6:  Mình gặp lại mẹ bé Nghĩa... Từ Quảng Nam vào TP HCM, ba mẹ Nghĩa ngồi xe hơn 18 tiếng đồng hồ để trở lại Bệnh viện Ung bướu, nơi có hình bóng đứa con trai thân yêu đã sớm lìa xa cõi thế... Mẹ Nghĩa bùi ngùi cho mình xem hình ngôi mộ mới xây của em, nơi em nằm thật tươm tất. Ngày nào ba Nghĩa cũng ra thăm mộ đứa con trai duy nhất, có khi còn ngủ lại bên em. Mình đã khóc!

Ngày 5/6: Vừa bước lên dãy hành lang Khoa Nội nhi, mình đã thấy các bé đứng chờ sẵn bao giờ. Ríu ra ríu rít, chạy tới chạy lui, tưởng như nơi đây không phải là bệnh viện, không thuốc sát trùng, không kim tiêm, dịch truyền nữa... Bé Chi, bé Phát, Tài, Ngọc Như... tha hồ cười, tha hồ vui...

Ngày 6/6: Các bé đến lớp học luôn với tâm trạng náo nức. Râm ran tiếng nói, tiếng cười khi gặp các cô, các anh chị... Bé Ngọc Như vẫn còn nhận ra anh Hoàng Nam mới trở về thăm lớp. Mình đi một vòng thăm các bé ở phòng bệnh, thật bất ngờ khi trông thấy hình ảnh Nguyễn Thị Mỹ Duyên (phòng 6), cô bé lớp 10 đã trở bệnh phải nhập viện sau thời gian về nhà đi học...

Ngày 12/6: Chiều nay, sự xuất hiện của một bệnh nhi học lớp 8 làm mình chú ý. Mái đầu xanh giờ đã nhẵn bóng từ sau những đợt vào thuốc. Em rất hiền, nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép. Em nằm viện đã hơn 5 tháng rồi nhưng hôm nay là lần đầu tiên em vào học tại lớp học chữ...

N.Thành Dũng
.
.