Con rùa ở làng Mai Xá Chánh và viên tướng Mỹ
Về sau này do có nhóm người sinh sống bằng nghề chài lưới dọc sông Thạch Hãn nhập cư thành một nhóm nhỏ ở gần ngã ba sông Cánh Hòm. Xóm ngụ cư này được gọi tên là Mai Xá Thị và để phân biệt với Mai Xá Thị, làng Mai Xá gốc phải thêm chữ "chánh" (chánh hiệu, chính chứ không phải phụ). Từ đó, Mai Xá còn có tên gọi khác là Mai Xá Chánh.
Đất sinh thành những con người nghĩa khí
Đình làng Mai Xá đã được xếp hạng "Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia" vì nơi đây là chứng nhân thầm lặng của rất nhiều biến cố thăng trầm trong lịch sử. Tại sân đình này người dân làng Mai Xá đã hưởng ứng lễ truy điệu nhà cách mạng Phan Chu Trinh, cũng như phong trào đòi ân xá cho nhà cách mạng Phan Bội Châu. Đình làng cũng đã từng là trụ sở bí mật của Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Chi bộ Đảng đầu tiên của làng Mai Xá Chánh cũng được thành lập tại đây và tổ chức phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng tám. Trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đình làng trở thành căn cứ là "tổng kho" của mặt trận Quảng Trị… Trong mọi hoàn cảnh, người dân làng Mai Xá Chánh luôn anh hùng bất khuất.
Các trưởng lão đang nhắc lại lịch sử của làng Mai Xá Chánh. |
Trong những lần họp mặt, các vị tụ nghĩa Cần Vương đã truyền cho nhau những lời hiệu triệu thống thiết: "Thế nước như trứng chồng, chỉ có hợp quần sức mạnh mới lên!". Tộc phả họ Bùi làng Mai Xá còn truyền đời tên tuổi, công trạng của hai vị quan võ thời Tây Sơn. Đó là Chánh tiền Chỉ huy sứ Bùi Văn Hịch (chỉ huy một doanh 500 người), có công đặc biệt, sau về làng "giữ ngôi tiên chỉ, giàu có vạn tiền, ruộng liền một dải". Đó là Tiền đạo Thủy binh Bùi Văn Huy với sức khỏe và võ công cao cường, ngỡ như huyền thoại: "Chỉ huy tiền đạo thủy quân đánh vào căn cứ mạnh của địch, sức khỏe bẻ gãy cây tre, để cối đá trên bụng cho người giã trắng gạo, uống rượu bao nhiêu cũng không hề say".
Con rùa sơn son thếp vàng được William Weise trả lại sau gần 30 năm lưu lạc. |
Người dân làng Mai Xá không bao giờ quên ngày uất hận, ngày giặc Pháp ở đồn Nhĩ Hạ bắt được hai anh Nguyễn Đức Kỳ, Xã đội trưởng xã Linh Hưng (nay là xã Gio Mai) ở thôn Lâm Xuân, Gio Mai và anh Nguyễn Phi, cán bộ bình dân học vụ ở miếu Đôi ngoài đồng Mai Xá đưa về đồn tra tấn suốt ngày đêm, rồi hành quyết cắt đầu hai anh đem cắm ở chợ trước cổng đình làng Mai Xá Chánh ngày 16/8/1948.
Trước khi bị hành quyết, hai anh đã dõng dạc gửi lại nghĩa khí cho đời, như trong bài thơ "Mẹ già liệt sĩ làng Mai" của Mai Quang Trí, một tác giả quê ở Mai Xá Thị, Gio Mai, Gio Linh đã cảm khái và hào sảng viết: "Họ hô to "Độc lập muôn năm", Họ hô lớn "Việt Nam bất diệt"… Anh Nguyễn Đức Kỳ quê ở làng Mai Xá Thị, Gio Mai, Gio Linh, là con của ông Nguyễn Xun và bà Lê Thị Cháu (tên thật là Lê Thị Lý), dân làng quen gọi là ông bà Diêu Cháu. Anh Nguyễn Phi quê ở làng Mai Xá Chánh, Gio Mai, Gio Linh, là con của ông Nguyễn Sửu (thường gọi là ông Cửu Đen) và bà Hoàng Thị Sáng. Chính những người mẹ đứt ruột sinh ra những cái đầu gan góc đã quặn lòng nuốt hận mang thúng đi lấy đầu con về.
Từ phía đình làng Mai Xá Chánh trong ngày trời đất nhuốm màu tang tóc, có bóng những người phụ nữ cắp thúng mủng giả dạng đi chợ nhưng thực ra là đi lấy đầu liệt sĩ làng Mai, đó là mẹ Lê Thị Cháu và bà Khương Thị Mén, thím của anh Nguyễn Đức Kỳ (bà Mén là vợ ông Nguyễn Văn Thạng, em ruột ông Nguyễn Xun), mẹ Hoàng Thị Sáng và bà Bùi Thị Con, thím của anh Nguyễn Phi (bà Con là vợ ông Nguyễn Văn Di, em ruột ông Nguyễn Sửu). "Con mang theo dòng máu anh hùng, Sống chiến đấu, chết toàn danh tiết, Con ra đi hình hài tuấn kiệt, Con trở về có chiếc đầu thôi".
Để tránh Tây lùng sục, các mẹ đã giấu đầu hai anh kín đáo ở trên tra, gần nóc nhà, sau đó nhờ người đóng những chiếc hòm đặc thù hình vuông khâm liệm hai anh rồi đem chôn. Đầu anh Kỳ được chôn tại vùng Dông, Mai Xá Chánh, đầu anh Phi được chôn tại nghĩa địa Cồn Dài, xóm Kênh, Mai Xá Chánh. Ba đêm sau, tại nhà mẹ Cháu, bộ đội, du kích đã về cùng bà con quây quần làm lễ truy điệu cho các anh sát nách đồn giặc ở Mai Xá.
Chuyện viên tướng Mỹ và con rùa ở làng Mai Xá
Đình làng Mai Xá Chánh. |
Vốn hiếu khách, các vị trưởng lão của làng đã rất nhiệt tình hướng dẫn đoàn khách ngoại quốc vào bên trong thắp hương. Khi khói hương tỏa bay nghi ngút, bỗng có một vị khách trong đoàn cựu chiến binh bước đến trước hương án của đình làng, rồi kính cẩn quỳ xuống, mở trong túi xách mang theo lấy ra một con rùa bằng gỗ đã tróc gần hết lớp sơn son, thếp vàng, run run đặt lên bàn thờ, lầm rầm khấn lạy: "Xin quý ngài hãy tha thứ cho lỗi lầm của tôi và cả sự quay lại chậm trễ này…".
Các vị trưởng lão của làng Mai Xá tròn mắt ngỡ ngàng khi được nhìn thấy lại con rùa đã từng đội hạc đứng trong đình làng Mai Xá đã bị mất cách đó gần 30 năm, sau khi đình làng bị xe tăng của giặc hành quân san phẳng. Người phiên dịch giới thiệu cho mọi người dân Mai Xá có mặt hôm đó biết: Người khách nước ngoài đặc biệt đó tên là William Weise - Trung tướng đã hồi hưu, từng chỉ huy một lữ đoàn thủy quân lục chiến Mỹ.
Ngồi lại cùng với những người dân của làng Mai Xá Chánh, William Weise kể lại: Năm 1967, ông ta là đại úy, chỉ huy một đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ với sự hành quân yểm trợ của 20 chiến xa, nhận lệnh tấn công vào làng Mai Xá Chánh để biến ngôi làng ven sông này trở thành bình địa. Khi đứng trước ngôi đình làng đã bị xe tăng quần cho đổ nát, William Weise đã nhìn thấy một con rùa bằng gỗ sơn son thếp vàng lạ mắt, bèn nhặt lên và giữ bên mình xem như một chiến lợi phẩm sau một cuộc hành quân. Sau này, William Weise tin rằng con rùa rất linh thiêng, bởi từ khi mang nó theo bên mình, đơn vị ông liên tục bị Quân Giải phóng chặn đánh tơi bời. Ngay tại chiến trường Quảng Trị, ông đã bị thương nặng, phải gọi trực thăng khẩn cấp đưa ra Hạm đội 7 nằm trên Thái Bình Dương để cấp cứu mới bảo toàn sinh mệnh.
Liên tiếp những cuộc chiến tranh, bước chân viễn chinh đã đưa William Weise đến với nhiều vùng đất ở nhiều châu lục. Thời gian và công việc đã đưa William Weise trở thành một viên tướng chỉ huy trong lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ. Nhưng suốt gần 30 năm, nỗi ám ảnh về những trận chiến kinh hoàng trên vùng đất Quảng Trị luôn dằn vặt ông, như một vết thương không thể nào lành.
Nhiều đêm, William một mình "đối thoại" với con rùa gỗ của làng Mai Xá Chánh và ông lại thấy những thước phim quá khứ chầm chậm quay về. Con rùa như có hồn thiêng, nghiêm khắc luận tội và mách bảo ông phải quay về nơi chốn ấy để thắp một nén hương thơm và trả lại "con rùa linh thiêng" cho chính những chủ nhân của nó. Chắc chắn ông sẽ có những năm tháng còn lại của đời mình rất đỗi bình yên và thanh thản… Thế rồi, sau gần 30 năm cùng William Weise bôn ba khắp năm châu bốn bể, vượt qua bao giông bão của nhân gian, con rùa làng Mai Xá Chánh đã được đoàn viên cùng quê cũ.
Nghe viên tướng Mỹ kể chuyện bằng tất cả nỗi lòng thành kính, những trưởng lão của làng Mai Xá có mặt hôm đó đã vô cùng xúc động. Họ bảo rằng William Weise và những thuộc cấp của mình đã từng gây ra biết bao nhiêu đớn đau cho người dân làng Mai Xá, nhưng hôm nay, trong sự thanh bình của một ngày hậu chiến, người lính viễn chinh Mỹ năm xưa ấy đã biết quay về, biết sám hối trước tội lỗi của mình, dẫu rằng có đôi chút muộn màng. Họ xúc động hơn là con rùa đội hạc ở đình làng sau bao năm lưu lạc tận chân trời góc bể nay cũng đã được trả về với đúng vị trí vốn dĩ rất linh thiêng của nó…
Nhân cuộc viếng thăm lịch sử này, những người dân vốn trước đây là du kích làng Mai Xá cũng đã kể cho William Weise nghe về nguyên nhân người Mỹ đã thua trận trên mảnh đất Gio Linh anh dũng kiên cường nói riêng và trên chiến trường Quảng Trị những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Mùa hè năm 1967, Mỹ - ngụy lập một cầu vận tải từ biển, theo sông Hiếu và sông Thạch Hãn, lên sân bay Ái Tử và cảng Ðông Hà để "tăng bo" hàng chiến lược lên mặt trận Ðường 9 - Khe Sanh. Những binh chủng tinh nhuệ nhất đã được tung ra để phát quang hai bên bờ sông Hiếu, hòng "đẩy" Quân Giải phóng ra xa tuyến hành lang này. Mặt trận B5 nhận được chỉ thị của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp phải chặt đứt tuyến vận tải này. Những người đã từng tham gia đánh Mỹ trên trận tuyến này kể lại rằng, cầu thủy vận này rất lợi hại, mỗi ngày có gần 20 chiếc tàu 500 tấn, dưới sự yểm trợ của máy bay lên thẳng và tàu chiến nối đuôi nhau đổ hàng lên sân bay Ái Tử và cảng Ðông Hà.
Mặc dù hai bên bờ đã bị phát quang, các loại hỏa lực địch kiểm soát gắt. Nhưng đêm đêm, quân ta vẫn bí mật hành quân, ém sẵn rồi chờ đến khi trời sáng, tàu giặc đến là tấn công bất ngờ. Không có ngày nào không có tàu bị diệt! William Weise kinh ngạc nhất khi nghe các cựu du kích Gio Cam kể về trận chiến sáng ngày 29/2/1968, mà báo chí hồi đó gọi là trận "Bạch Ðằng sông Hiếu"...
Ðêm 28/2, dân quân làng Mai Xá Chánh phối hợp các lực lượng cắm hàng nghìn cọc tre và phi lao lớn, tạo ra bãi cọc ngầm ở ngã ba Gia Ðộ, nơi sông Hiếu và Thạch Hãn gặp nhau. Hỗ trợ bãi cọc là những bó gai tre, rào kẽm, thủy lôi. Trên bờ có các khẩu đội DKZ, B40 mai phục... Sáng hôm sau, dưới sự hộ tống của máy bay lên thẳng và tàu chiến, đoàn sà lan 12 chiếc lặc lè bom đạn kéo lên Ðông Hà. Ðụng phải bãi cọc, cả đoàn khựng lại. 4 chiếc vướng thủy lôi nổ tung, 2 chiếc cuối đoàn trúng đạn DKZ cũng chìm nghỉm... Tuyến vận tải bị tắc đến 5 ngày sau.
William Weise nghe và tỏ ra rất khâm phục, rồi xúc động nói rằng: "Là một quân nhân, là một sĩ quan chỉ huy cấp tướng nên tôi đã rất nhiều lần được nghe đến cụm từ "chiến tranh nhân dân" của Việt Nam, nhưng hôm nay trở lại đây tôi mới thấm thía và hiểu được tại sao chúng tôi thất bại…".