CAQ Tân Bình nói gì về vụ "chị ve chai và 5 triệu yên trong thùng loa cũ"?

Thứ Hai, 25/05/2015, 15:25
Câu chuyện chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (tạm trú quận Tân Bình, TP HCM) làm nghề mua bán ve chai vô tình mua được một cái thùng loa, trong đó có chứa một lượng lớn yên Nhật do ai đó giấu bên trong ngày càng nhiều diễn biến phức tạp. Cơ quan Công an đã làm tất cả để truy tìm chủ đích thực của số tiền trên trong một thời gian dài nhưng không có ai đến nhận.

Tuy nhiên, gần đến ngày hết hạn 1 năm Công an quận Tân Bình ra thông báo tìm chủ nhân  của số tiền trên thì một người phụ nữ tên Phạm Thị Ngọt ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM gửi đơn đến Cơ quan Công an xin tạm hoãn việc trao số tiền cho chị Hồng để bổ sung các loại giấy tờ chứng minh số tiền trên là của mình khiến cho vụ việc trở nên rắc rối…

Chị Hồng bên chiếc xe đẩy đi mua ve chai.

Theo tường thuật của bà Ngọt thì chồng bà là Afolayan Caleb, quốc tịch Nam Phi, là giáo viên làm việc tại Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cấp giấy phép lao động có thời hạn từ ngày 14/6/2010 đến ngày 14/6/2013.

Do hết hạn giấy phép nên thời điểm đó ông Caleb đã xuất cảnh. Công ty này có địa chỉ tại số 289, đường Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM. Tuy nhiên theo Công an địa phương xác nhận thì trong suốt thời gian nêu trên, tại địa chỉ này chưa hề có Công ty Úc Đại Lợi nào hoạt động mà chỉ có Công ty Dịch vụ bảo vệ 007 do ông Nguyễn Trí Thức làm chủ, đặt trụ sở tại đây và hiện nay chủ nhà cho Công ty TNHH MTV Samshin Vina thuê làm văn phòng kinh doanh máy và thiết bị.

Mở rộng xác minh, chúng tôi phát hiện thực tế Công ty TNHH MTV Úc Đại Lợi trước đây nằm ở số 133/77 đường Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp là do ông Trần Quang Minh làm giám đốc. Căn nhà này cũng do ông Minh mua để đặt trụ sở công ty nhưng chỉ hoạt động trong thời gian ngắn thì rao bán căn nhà và chuyển đi nơi khác vào đầu năm 2013.

Bà Phạm Thị Ngọt đang cố gắng chứng minh số tiền trên là của chồng cũ.

Theo ông H., một người dân sống lâu năm trong hẻm này cho biết, trước đây, có một người đàn ông trạc 30 tuổi mua căn nhà này và đặt trụ sở công ty với tấm bảng nhỏ xíu gắn trên tường trước nhà nhưng rất khó phát hiện vì bị che bởi hai chiếc cổng sắt. Từ ngày có gắn bảng công ty cho đến gần một năm sau khi chủ nhà dọn đi nơi khác, công ty này hầu như đóng cửa suốt, cũng không thấy có khách hàng đến giao dịch. Chủ nhà và cũng là giám đốc công ty mà ông biết thông qua bà tổ trưởng dân phố trong suốt thời gian cư ngụ cũng chỉ một vài lần xuất hiện vào lúc sáng sớm khi ra khỏi nhà hoặc tối mịt khi về ngủ.

Ngoài ra, khi đến Công an quận Tân Bình đề nghị tạm dừng trao số tiền cho chị Hồng, bà Ngọt không thể đưa ra được bất kỳ loại giấy tờ bản chính. Giấy phép lao động và thẻ tạm trú của người chồng chỉ toàn là những bản photo không có công chứng hoặc sao y bản chính của cơ quan chức năng.

Căn nhà mà bà Ngọt cho là nơi làm việc trước đây của chồng.

Tháng 6/2013, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP HCM tiến hành kiểm tra thẻ tạm trú của người nước ngoài theo định kỳ thì phát hiện nhiều nghi vấn về trường hợp của ông Caleb nên đã có công văn gửi Đại sứ quán Nam Phi nhờ xác minh và chỉ ít ngày sau, cơ quan này gửi thông báo cho biết hộ chiếu mà ông Caleb sử dụng là hộ chiếu giả. Xác minh tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP HCM, chúng tôi được biết Caleb nhập cảnh vào Việt Nam lần đầu tiên năm 2007 và sau đó ra vào rất nhiều lần và cư trú ở nhiều địa phương khác nhau cho đến khi xuất cảnh lần cuối cùng vào ngày 14/6/2013.

Hiện tại, để tôn trọng quyền khiếu nại của người dân theo đúng pháp luật, Công an quận Tân Bình buộc phải tạm dừng việc trao số tiền trên cho chị Hồng để có thêm thời gian xác minh những nội dung theo đơn của bà Ngọt, sau đó mới có quyết định xử lý cuối cùng thật công tâm, minh bạch.

Trước việc bà Ngọt lên tiếng, đã có nhiều luồng dư luận trái chiều gây phức tạp. Có luồng dư luận cho rằng thẩm quyền giải quyết không thuộc Công an quận Tân Bình mà phải là Sở Tài chính TP HCM. Nhưng cũng có rất  nhiều ý kiến cho rằng Công an quận Tân Bình đã xử lý vụ việc theo đúng thẩm quyền của mình. Trước hết khi nhận được trình báo của chị Hồng (người mua bán ve chai), Công an quận Tân Bình đã lập biên bản tường tận vụ việc và ngay sau đó đã gửi báo cáo đến tất cả các cơ quan chức năng cần thiết để xem xét xem đơn vị nào có thẩm quyền giải quyết. Cuối cùng, các cơ quan chức năng đều thống nhất để cho Công an quận Tân Bình tiến hành điều tra rõ vụ việc và xử lý theo đúng theo trình tự của pháp luật.

Mặc dù khá thận trọng khi đánh giá vụ việc nhưng khi trả lời báo chí, Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM lại nhận định trong vụ việc này, thẩm quyền xử lý không thuộc về Công an mà theo Khoản 2, Điều 9, Nghị định 96/2009 thì thẩm quyền xử lý phải thuộc về Sở Tài chính TP HCM. Chính vì vậy mà Công an quận Tân Bình phải chuyển ngay vụ việc đến Sở Tài chính và có trách nhiệm tham mưu cho cơ quan này xử lý các thông tin tiếp theo.

Không đồng tình với việc một số luồng dư luận yêu cầu phải chuyển vụ việc sang Sở Tài chính giải quyết, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM khẳng định: Vụ việc hoàn toàn thuộc quyền xử lý của Công an quận Tân Bình bởi trường hợp của chị Hồng được điều chỉnh theo quy định về quyền sở hữu đối với tài sản là vật không xác định được chủ sở hữu.

Có quan điểm cho rằng nên áp dụng Nghị định 96/2009/NĐ - CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ để xử lý vụ việc này nhưng theo ông  là không phù hợp bởi nghị định này chỉ quy định việc xử lý đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam. Trong vụ việc của chị Hồng, số tiền được chị phát hiện trong chiếc loa thùng mà chị mua phế liệu nên được xem là vật không xác định được chủ sở hữu chứ không phải là vật bị chôn giấu, chìm đắm.

Tuy nhiên, thời điểm bà Ngọt đến trình báo với Cơ quan Công an quận Tân Bình vẫn còn trong thời hạn một  năm  kể từ ngày ra thông báo công khai tìm chủ sở hữu số tiền trên nên việc tiến hành trao tiền cho chị Hồng cần được hoãn lại và sau khi xác minh bà Ngọt không phải là chủ sở hữu, số tiền trên sẽ được trao cho chị Hồng.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP HCM) nhận định nếu áp dụng Nghị định 96/2009 là chưa phù hợp trong trường hợp của chị Hồng. Số tài sản này không thuộc diện chôn giấu, chìm đắm nên không không phải là đối tượng điều chỉnh của nghị định này. Chính vì vậy mà việc chuyển từ Cơ quan Công an sang Sở tài chính để xử lý là không phù hợp.

Nhận xét về ý kiến cho rằng trường hợp này có thể phải xử lý đối với số ngoại tệ được xem là trái phép và số tiền trên có còn giá trị lưu hành hay không, luật sư Hoài cho rằng chưa đủ cơ sở để kết luận. Tuy nhiên ngay khi xử lý vụ việc này, Công an quận Tân Bình đã chuyển ngay 5 triệu yên vào ngân hàng để họ xác định cụ thể giá trị lưu hành và có thể quy đổi ra tiền Việt Nam nếu được trao cho người nhặt được.

Luật sư Phạm Hoàng Phúc.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã gặp Đại tá Lê Hoàng Châu - Trưởng Công an quận Tân Bình và ông cho biết, đây là số tiền do người dân nhặt được và trình báo nên vụ việc thuộc thẩm quyền xử lý của Công an.  Sau khi tiếp nhận vụ việc từ Công an phường 10 chuyển lên, ngày 28/4/2014, Công an quận đã ra thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm chủ sở hữu và theo quy định tại Khoản 2, Điều 239, Bộ luật Dân sự thì một năm sau ngày ra thông báo nếu không ai đến nhận thì số tiền này thuộc về chị Hồng.

Tuy nhiên, ngày 24/4/2015, tức là chỉ còn 4 ngày nữa là hết hạn khiếu nại thì bà Phạm Thị Ngọt, ngụ tại huyện Hóc Môn đến Công an quận nộp đơn xin tạm hoãn việc giao nhận tài sản để có thời gian củng cố chứng cứ chứng nhận nguồn gốc số tiền này vì nghi ngờ số tiền trên là của chồng cũ mình như thông tin đã đưa.

Đơn của bà Ngọt gửi lên vẫn còn trong thời hạn tiếp nhận khiếu nại nên Cơ quan Công an buộc phải tạm hoãn việc giao tiền cho chị Hồng để có thời gian xác minh chủ thực sự của số tiền và cũng có công văn trả lời cụ thể cho chị Hồng về việc tạm hoãn này.

Cho đến lúc này, tuy bà Ngọt chưa cung cấp được bằng chứng cụ thể để chứng minh nguồn gốc số tiền vì hiện tại chồng cũ của bà đang ở nước ngoài, nhưng xét thấy đây là lý do chính đáng trong tình huống phát sinh này nên Cơ quan Công an cần phải thận trọng phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng tiến hành xác minh thật chặt chẽ. Không thể vội vàng trao số tiền trên cho chị Hồng bởi nếu không giành thời gian xác minh cụ thể mà bà Ngọt lại tìm kiếm được bằng chứng để chứng minh số tiền trên là của mình thì sau này quyền lợi của chủ nhân đích thực sẽ bị ảnh hưởng. Việc làm này cũng chính là để đảm bảo an toàn cho số tiền cũng như người nhận tiền.

Việc chị Hồng thuê luật sư hoặc có một số luật sư tự nguyện giúp đỡ làm đơn khiếu nại Công an quận Tân Bình trong việc chậm trễ trao tài sản và yêu cầu Cơ quan Công an phải có công văn trả lời với thời gian cụ thể, Đại tá Lê Hoàng Châu cho biết, theo quy định của pháp luật, Cơ quan Công an có quyền tạm giữ số tài sản trên để ra thông báo tìm người bị mất. Khi phát sinh tình huống mới, cơ quan Công an cũng buộc phải gia hạn thêm thời gian xác minh. Trong trường hợp này, có yếu tố liên quan đến người nước ngoài và người này không còn lưu trú tại địa phương khiến cho việc xác minh trở nên rất phức tạp. Hiện cơ quan Công an cũng đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng xác minh giải quyết dứt điểm vụ việc trong thời gian sớm nhất một cách hợp tình, hợp lý để không gây ảnh hưởng đến người dân.

Có một điều mà mọi người có thể yên tâm rằng 5 triệu yên vẫn còn đó chứ không ai lấy mất một xu nên chị Hồng cũng cần bình tĩnh để phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý vụ việc. Không nên quy chụp cho rằng Cơ quan Công an kéo dài thời gian là để có lợi cho bà Ngọt vì điều này hoàn toàn không đúng. Việc làm này cũng hoàn toàn có lợi cho chị Hồng bởi sau này khi nhận được số tiền trên, chị Hồng không còn phải gặp thêm rắc rối trong các tranh chấp về sau.

Hiện Công an quận Tân Bình vẫn đang phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tích cực xác minh vụ việc. Trong thời gian sớm nhất sẽ xử lý vụ việc một cách hợp tình hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan. Tuy nhiên, việc ông Caleb sử dụng hộ chiếu giả đã dẫn đến việc ông này sẽ bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam, hơn nữa giữa bà Ngọt và ông Caleb trước đó không làm các thủ tục giấy tờ hôn nhân hợp pháp nên dù thế nào thì bà Ngọt cũng không thể cung cấp được bằng chứng chứng minh số tiền ấy thuộc về mình. Thiết nghĩ đã đến lúc hãy dừng những luồng thông tin trái chiều, dành thời gian cho Cơ quan Công an làm việc để có quyết định chính xác nhất, đừng tạo ra thêm nhiều luồng dư luận để vụ việc trở nên quá phức tạp.

Đức Cương
.
.