Công an tuyến biên giới Tây Nam căng sức phòng, chống COVID-19

Thứ Ba, 07/04/2020, 14:01
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, từ 0h ngày 1-4, Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới đối với người tại các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Tại các cửa khẩu quốc tế, việc nhập cảnh đối với công dân Việt Nam được thực hiện nghiêm túc, triển khai cách ly 14 ngày.

Ghi nhận tại tuyến biên giới Tây Nam những ngày nay, công an các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang cùng các ngành, các cấp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, chủ động tham mưu tỉnh ủy, UBND tỉnh huy động cả hệ thống chính trị, phối hợp đồng bộ, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Siết chặt quản lí biên giới

Từ tỉnh Tây Ninh đến Kiên Giang chủ yếu là đồng bằng, có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở, việc qua lại biên giới dễ dàng, gây khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép. Với đặc thù đường biên giới dài gần 100km giáp Campuchia và đa dân tộc, tôn giáo, ngành chức năng tỉnh An Giang đã triển khai đóng cửa đường mòn, lối mở, bến đò qua Campuchia, xây dựng 8 trạm kiểm soát cửa khẩu cố định, thực hiện nghiêm kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, xử lý theo quy định.

Ở 2 huyện miền núi, biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, thường diễn ra các hoạt động tôn giáo có đông người tham gia, công tác tuyên truyền, triển khai giải pháp ứng phó dịch COVID-19 đang được tập trung.

Đại tá Nguyễn Trường Viễn, Trưởng Công an huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) cho biết: “Cán bộ công an xã, huyện thường xuyên xuống chùa, phum, sóc để tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời nắm bắt kịp thời các hoạt động tôn giáo đông người để vận động, ngăn chặn kịp thời theo chỉ đạo của Chính phủ”.

Công an tỉnh An Giang phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Biên phòng tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép.

Ghi nhận tại cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), từ ngày 19-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 thị xã Tân Châu đã tiến hành tiếp nhận công dân Việt Nam đang làm ăn tại Campuchia trở về nước. Tại khu vực tiếp nhận, lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan, y bác sĩ cẩn thận kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn khai báo, kiểm tra y tế và thực hiện các thủ tục có liên quan cho công dân và đưa đi cách ly 14 ngày theo quy định.

Ban Chỉ huy Công an thị xã Tân Châu chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tổ chức tuyên truyền, vận động đa số bà con thực hiện nghiêm túc các bước phòng, chống dịch bệnh, phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Qua đó, người dân tự ý thức lên xe chuyên dùng đưa đến Trường Trung cấp nghề Tân Châu (nằm trên địa bàn xã Tân An) để thực hiện cách ly y tế tập trung.

Phú Hội là xã biên giới thuộc huyện An Phú (tỉnh An Giang) với 9,2km đường biên giới, giáp ranh với huyện Bourei Cholsar (tỉnh Takeo, Campuchia). “Qua công tác rà soát, nắm hộ, nắm người, hiện có 77 trường hợp thường xuyên qua lại tuyến biên giới.

Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy Công an huyện, đơn vị đã đặt công tác phòng, chống COVID-19 lên hàng đầu” - Thiếu tá Nguyễn Trung Nhã, Trưởng Công an xã Phú Hội thông tin và cho biết đối với những trường hợp thường xuyên lại tuyến biên giới, đơn vị đã cử cán bộ xuống tận nhà tuyên truyền, nhắc nhở và cho cam kết không qua lại bằng đường mòn, lối mở, đò ngang, đò dọc. Đồng thời, đối với CBCS tiếp xúc với người dân khi làm nhiệm vụ phải đeo khẩu trang, bao tay, sử dụng dung dịch sát khuẩn. Tuyên truyền và yêu cầu người dân thực hiện đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng, đông người.

Xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) có hơn 10 km đường biên giới, những ngày qua mực nước xuống thấp nên người dân qua lại được dễ dàng hơn. Công an xã đã phối hợp với biên phòng, hải quan quản lý chặt tình hình, kiểm soát lối mở, đường mòn biên giới và ngăn chặn không để người dân qua lại. Ngoài ra, CBCS được bố trí, tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người dân qua lại khu vực cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, cấp phát khẩu trang miễn phí.

“Cán bộ công an xã tuyên truyền đến từng tiểu thương, các hộ dân có ý thức hơn trong việc phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 và thông tin liên tục trên đài truyền thanh xã. Đồng thời quản lý chặt người lạ mặt từ nơi khác đến địa phương, đặc biệt người nước ngoài trở về từ Campuchia” - đồng chí Nguyễn Văn Lá, Trưởng Công an xã nói.

Thiếu tá Dương Trung Tính, Trưởng Công an xã biên giới Thường Lạc (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, xã đã thành lập ban chỉ đạo và đội phản ứng nhanh, trong đó công an xã và y tế thường trực công tác kiểm tra thân nhiệt đối với những người nước ngoài nhập cảnh. Công an xã, lực lượng Biên phòng, xã đội đã xây dựng kế hoạch và thành lập hai chốt tuần tra, kiểm tra soát trên 5,7 km đường biên sông Sở Thượng không để người dân qua lại biên giới trái phép.

Thông qua công tác nắm tình hình ngoại biên, biên giới và quản lý xuất nhập cảnh, quản lý lưu trú, Công an An Giang, Đồng Tháp đã thông báo, cung cấp thông tin kịp thời cho các đơn vị y tế cùng cấp về những trường hợp nhập cảnh, trở về từ các quốc gia, vùng đang có dịch bệnh hoặc từng có tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm, để tiến hành phối họp kiểm tra, theo dõi sức khỏe, sàng lọc y tế để đưa vào diện cách ly theo quy định. Để sẵn sàng ứng phó, thực hiện nghiêm phương châm “Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - xét nghiệm”, các lực lượng phải chốt chặn tất cả đường mòn, lối mở, cả đường bộ và đường sông từ Campuchia sang.

Cán bộ, chiến sĩ Công an Đồng Tháp tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 và phát khẩu trang cho người dân tại Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà.

Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết đã có chỉ đạo cụ thể đối với công an các đơn vị và 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới phối hợp chặt chẽ với bộ chỉ huy bộ đội biên phòng, hải quan thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, đò ngang, đò dọc. Trong đó, chú trọng việc khai báo y tế đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đến từ hoặc đi qua các quốc gia có dịch bệnh. Bảo đảm an ninh cho việc cách ly y tế bắt buộc đối với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh và hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới.

“Các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương chủ động nắm chắc tình hình dư luận trong cán bộ, nhân dân, chức sắc, chức việc trong tôn giáo, dân tộc, âm mưu ý đồ hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 để hoạt động chống phá. Đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch COVID–19 để đầu cơ trục lợi và hành vi sản xuất, buôn bán thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế không rõ xuất xứ. Tăng cường đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc, thu thập, củng cố chứng cứ để phục vụ đấu tranh khi cần thiết. Nâng cao ý thức phòng ngừa, chủ động khai báo, tự cách ly nếu có nghi vấn đối với CBCS” - Thiếu tướng Bùi Bé Tư chỉ đạo.

Tăng cường lực lượng hỗ trợ Công an xã

Ngày 2-4, Công an tỉnh An Giang triển khai thực hiện kế hoạch tăng cường lực lượng cho công an xã thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã chỉ đạo phân công, bố trí 92 CBCS thuộc các đơn vị công an cấp tỉnh cho công an 22 xã, thị trấn của Công an TP Châu Đốc, thị xã Tân Châu và 7 huyện An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn.

Nhiệm vụ của CBCS được tăng cường là hỗ trợ thực hiện rà soát từng nhà, từng hộ dân, quản lý từng tổ dân cư, khu phố, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” những người trong diện cách ly. Qua đó nắm hộ, nắm người và rà soát, phân loại người sau cách ly, người tiếp xúc người bệnh hoặc người nghi bệnh. Phối hợp cùng lực lượng quân sự, biên phòng tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới, việc xuất, nhận cảnh qua lại biên giới của công dân Việt Nam và người nước ngoài.

Tuyên truyền người dân dừng các hoạt động theo khuyến cáo của Chính phủ, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tham gia bảo vệ ANTT tại các khu cách ly tập trung và tiến hành rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai về dịch bệnh. Tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là tội phạm trộm cắp, buôn lậu, sản xuất hàng giả liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh.

Phòng dịch COVID-19 tại Trại tạm giam

Không chỉ chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị tuyến biên giới, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho CBCS và can phạm nhân, thời gian qua, Trại Tạm giam Công an tỉnh An Giang đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, qua đó đã mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi giam, giữ. Vốn đã được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn, thì trong những ngày qua, công tác quản lý tại Trại Tạm giam Công an tỉnh An Giang lại càng được siết chặt và khắt khe hơn.

Ghi nhận tại cổng chính và cổng của khu giam giữ, tất cả mọi người ra vào điều được thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang và sát khuẩn tay, đồ vật mang theo mới giải quyết cho vào trại để làm việc. Thượng tá Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Giám thị Trại Tạm giam Công an tỉnh An Giang cho biết: “Dù là cán bộ của các cơ quan liên quan đến làm việc với đơn vị hay tiếp xúc với can phạm nhân hoặc là đối tượng giam giữ nhập vào hay xuất ra khỏi đều phải thực hiện đúng quy trình phòng ngừa COVID-19.

Mặt khác, đơn vị chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là thân nhân, gia đình của các đối tượng giam giữ hiểu rõ hơn về chủ trương tạm dừng việc tổ chức thăm gặp là để hạn chế tiếp xúc với mục đích phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm này”.

Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh COVID-19, Trại Tạm giam Công an tỉnh An Giang đã thực hiện phun hóa chất phòng dịch 2 lần/tuần toàn đơn vị; vệ sinh khu làm việc, khu buồng giam... hằng ngày. Tuyên truyền, giáo dục cho người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân có đủ kiến thức, hiểu biết về dịch, phòng ngừa nhiễm bệnh, biện pháp xử lý khi có dấu hiệu bị cúm nhằm không gây hoang mang, lo lắng. Tiếp tục bổ sung cơ số thuốc bảo đảm yêu cầu phòng dịch..., nhờ đó sức khỏe của các phạm nhân tốt, yên tâm cải tạo và biết cách tự phòng dịch.

Mặc dù đã tạm dừng việc giải quyết cho thân nhân thăm gặp và gửi quà, tuy nhiên hằng ngày vẫn có không ít người từ các đơn vị, địa phương trong tỉnh, các điều tra viên, luật sư đến để thực hiện nhiệm vụ. Trại đã chủ động trang bị khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn để CBCS, người đến làm việc với can phạm nhân sử dụng và vệ sinh sát trùng.

Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Yến, cán bộ y tế Trại Tạm giam Công an tỉnh An Giang chia sẻ: “Đội ngũ y tế của chúng tôi tổ chức khám sức khỏe bên ngoài và khi can phạm nhân vào nhập trại, chúng tôi sẽ cho đo thân nhiệt, rửa tay, cặp nhiệt kế... Những trường hợp bắt khẩn cấp, chúng tôi phải làm tờ khai y tế và triển khai kiểm tra các dấu hiệu bệnh. Những trường hợp không có yếu tố dịch tễ, sốt thì báo giám thị cho cách ly ở khu C”.

Tại đây, ý thức phòng, chống dịch được lan tỏa từ CBCS đến các can phạm nhân. Vừa ngơi tay sau một giờ lao động, anh N.T.V., phạm nhân của trại chia sẻ với phóng viên: “Chúng tôi có xem thời sự và cũng biết sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19. Tại đây, chúng tôi được các cán bộ của trại tư vấn, hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh này.

Ngoài ra, còn được phát khẩu trang khi lao động, được dặn dò phải thường xuyên rửa tay với dung dịch sát khuẩn... do đó chúng tôi hoàn toàn yên tâm lao động, chấp hành án và ủng hộ việc không được thăm gặp để phòng ngừa dịch bệnh”.

Trần Lĩnh
.
.