Cuộc chiến chống buôn lậu vùng giáp biên
Bờ đê chắc, lũ dừng. Bờ đê yếu, lũ tràn. Có khi đắp nơi này, lũ tràn chỗ kia. Và khi chính quyền quyết tâm chống thì nạn buôn lậu sẽ thoái lui.
Mạng lưới xâm nhập hình rẻ quạt
Chiếc xe 7 chỗ của Công an huyện Đức Huệ đưa chúng tôi tiến thẳng về hướng biên giới Tho Mo (xã Mỹ Quý Tây, Đức Huệ, Long An) trên con đường độc đạo 838 rồi rẽ vào đường nhánh đến ấp 3, xã Mỹ Quý Tây. Nơi đó tổ 1 của lực lượng đặc nhiệm 389 chống buôn lậu cắm trại đóng quân tạm trên phần đất của một người dân. Một cặp lều bạt dã chiến khoảng 20 mét vuông dựng ở góc vườn vắng. Cả đội đang quây quần chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc.
Thượng úy Nguyễn Trần Thắng - tổ trưởng, niềm nở tiếp đón chúng tôi. Anh cho biết, vị trí cắm trại thường xuyên thay đổi tùy theo động thái của bọn buôn lậu. Tuy cắm trại ở đây nhưng các đội viên liên tục thay đổi phương án bám sát đối tượng. Thời điểm hiện tại, “đánh” buôn lậu không khác gì “đánh” biệt kích xâm nhập lãnh thổ.
Anh cho biết thêm, nếu đi theo con đường 838 xuyên cửa khẩu sẽ tiến thẳng đến Sóc Cheach (thuộc địa phận xã Basat, huyện Chantrea, tỉnh Srayrieng, Campuchia) - nơi chứa chấp những “tổng kho” hàng hóa của giới trùm buôn lậu Cam - Việt. Gọi là “tổng kho” vì nó không chỉ là nơi tập kết những món hàng chuẩn bị xâm nhập bất hợp pháp vào Việt Nam qua ngõ Long An mà còn xâm nhập qua ngõ Tây Ninh. Từ “tổng kho” Chantrea, hàng lậu sẽ được chia thành 3 hướng hình rẻ quạt xâm nhập Việt Nam.
Một hướng tủa rẻ quạt dọc theo tuyến đường 316B (Campuchia) đâm thủng vạt biên giới được bao bọc bởi cánh đồng còi cọc của xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) rồi xuôi dòng Vàm Cỏ, xâm nhập địa bàn Đức Hòa (Long An) trước khi tiến sâu vào TP Hồ Chí Minh qua ngõ Củ Chi hoặc Bình Chánh.
Hướng thứ hai cũng tủa rẻ quạt về 2 “cánh gà” cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Bến Cầu, Tây Ninh), luồn lách trên những cánh đồng phèn, xâm nhập vào TP Hồ Chí Minh.
Ngày 9-12-2017, Cảnh sát Kinh tế huyện Đức Huệ phối hợp với đặc nhiệm 389 thu giữ 60.000 gói thuốc lá lậu. |
Hướng thứ ba thì bọn buôn lậu cho hàng hóa tuồn thẳng vào các xã ven biên Đức Huệ, chạy ngông nghênh thẳng về thị trấn Đông Thành, xuyên thủng Đức Hòa rồi xâm nhập vào TP Hồ Chí Minh ở hướng Bình Chánh.
Tuyến biên giới chung giữa 2 quốc gia dài 1.270 km, nhưng các trùm buôn lậu lại chọn 3 hướng xâm nhập đó để làm mũi tấn công chính vào thị trường Việt Nam mà mục tiêu là TP Hồ Chí Minh. Bởi vì, cả 3 mũi đó đều là tuyến ngắn nhất, chỉ dài khoảng 60km đường bộ. Và ấp 3, xã Mỹ Quý Tây của huyện Đức Huệ là mũi xâm nhập chính của tất cả các hướng tấn công xuất phát từ Chantrea.
Trong số các loại hàng buôn lậu xuyên biên giới thì buôn thuốc lá được giới trùm đánh giá là lợi nhuận đứng sau buôn ma túy. Vì thế, thuốc lá trở thành mặt hàng chính của bọn buôn lậu.
Vào thời điểm đầu năm 2016, dân nài hàng lậu (từ lóng ám chỉ những người chở thuê hàng lậu bằng các phương tiện giao thông) chở hàng nườm nượp trên khắp các ngả đường một cách công khai, hung hãn và bán mạng. Chúng không chỉ bè thuốc bằng xe gắn máy, xe ô tô mà còn sử dụng cả xuồng cao tốc.
Dọc tuyến sông Vàm Cỏ Đông, bọn “nài nước” chất thuốc lá đầy lòng xuồng rồi xả hết ga chiếc vỏ lãi 24 mã lực. Chúng bất chấp mọi vật cản, cứ nhắm mắt lao xuồng trực chỉ hướng TP Hồ Chí Minh. Chỉ riêng trong năm 2016, hàng chục vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy gây chết người có liên quan đến nài thuốc. Vụ Nguyễn Bá Danh gây tai nạn giao thông chết người là một ví dụ điển hình nhất về độ manh động của giới nài thuốc.
Lúc 14 giờ ngày 21-9-2016, nài thuốc Nguyễn Bá Danh (cư ngụ tỉnh Đồng Nai) được “ai đó” thuê chở hơn 10.000 cây thuốc lá lậu bằng xe ô tô hiệu Kia từ “bến” Đức Hòa. “Bến” là từ lóng của giới buôn lậu ám chỉ điểm tập kết thuốc lá lậu.
Nguyễn Bá Danh phóng xe bạt mạng đến Cầu Lớn thuộc huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) thì đâm thẳng vào chiếc xe gắn máy do anh Nguyễn Kim Nguyên (cư ngụ huyện Đức Hòa, Long An) điều khiển. Cú tông cùng chiều với vận tốc 80km/h của chiếc xe ô tô khiến chiếc xe gắn máy bắn xa hàng chục mét trước khi dừng lại dưới bánh một xe ô tô tải chở hàng chục tấn cát đang chạy ngược chiều. Anh Nguyên tử vong trên đường đi cấp cứu.
Dù gây tai nạn nhưng Nguyễn Bá Danh bỏ mặc nạn nhân, tiếp tục phóng xe vùn vụt. Người dân tốt bụng đuổi theo 3 km thì trông thấy chiếc ô tô cắm đầu xuống kênh An Hạ. Còn Danh thì bì bõm lội sang bờ bên kia. Người dân đã gọi nhau bắt giữ Danh giao cho công an địa phương lập hồ sơ xử lý.
Nguy hiểm hơn, bọn nài thuốc còn sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng chống buôn lậu.
Một đêm giữa tháng 9-2016, tổ công tác gồm 4 cán bộ thuộc đội 1 Quản lý thị trường tỉnh Long An tổ chức tuần tra phòng, chống buôn lậu trên sông Vàm Cỏ thuộc địa bàn huyện Đức Hòa. Tổ tuần tra phát hiện và chặn bắt được một chiếc vỏ lãi (xuồng composite cao tốc) chở 9.000 gói thuốc lá không hóa đơn, chứng từ, nghi là hàng buôn lậu từ biên giới Campuchia xâm nhập nội địa.
Trên đường vận chuyển số hàng bất hợp pháp trên về trụ sở, bất ngờ tổ công tác bị một toán người lạ trang bị gậy gộc, hung khí đi vỏ lãi đuổi theo tấn công. Mặc dù tổ công tác sử dụng hết 5 quả lựu đạn hơi và 1 bình xịt cay nhưng vẫn không ngăn chặn được sự hung hăng, quyết liệt của các đối tượng lạ mặt. Ông Nguyễn Kim Danh - cán bộ quản lý thị trường trong tổ công tác bị một đối tượng đánh khúc gỗ vào đầu dẫn đến tử vong. Toán người lạ nhanh chóng cướp số hàng lậu rồi tẩu thoát.
Một tuần lễ sau, khi cảnh sát hình sự lập hồ sơ khởi tố vụ án, biết không thể tránh khỏi lưới pháp luật, một đối tượng tên Nguyễn Minh Hùng (thường gọi là Tèo, 38 tuổi, cư ngụ tại huyện Đức Huệ) đã ra đầu thú. Tèo thú nhận là chủ chiếc vỏ lãi chở các đối tượng truy sát tổ công tác quản lý thị trường.
Từ lời khai của Tèo, cơ quan Cảnh sát điều tra truy bắt những nghi can còn lại, trong đó có kẻ đã trực tiếp ra tay đánh chết ông Nguyễn Kim Danh. Đó là Lê Thành Nhân(thường gọi là Bi, cư ngụ ở Đức Huệ, Long An).
Ngày 26-9-2017, Tòa án nhân dân tỉnh Long An tuyên phạt Lê Thành Nhân 18 năm tù giam và bồi thường chi phí mai táng, tổn thất tinh thần cho thân nhân ông Nguyễn Kim Danh gần 230 triệu đồng. Các đồng phạm còn lại sẽ bị xét xử trong một phiên tòa khác về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.
Đó chỉ là một trong số hàng ngàn trường hợp dân buôn lậu dọc tuyến biên giới Việt - Cam tấn công lại lực lượng chức năng. Tuy nhiên, đối với dân buôn lậu, Lê Thành Nhân chỉ là con tốt thí của một hệ thống buôn lậu có tổ chức. Kẻ cầm đầu, chỉ đạo bọn nài thuốc tấn công đội quản lý thị trường vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Tuyến “phòng thù” hiệu quả
Trước sự manh động lộng hành của buôn lậu, ngày 15-11-2016 Ban Giám đốc Công an tỉnh Long An chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Cảnh sát kinh tế) xây dựng và triển khai một kế hoạch chi tiết về “chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm trên tuyến biên giới Đức Huệ, địa bàn trung chuyển Đức Hòa”.
Theo đó, 8 tổ đặc nhiệm bám sát các vị trí xung yếu dọc tuyến biên giới Đức Huệ và địa bàn huyện Đức Hòa để trấn áp các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, băng, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển hàng cấm. Lực lượng này được gọi tắt là “lực lượng đặc nhiệm 389”.
Và tổ số 1 do Thượng úy Nguyễn Trần Thắng chỉ huy được bố trí chốt chặn di động ở mặt biên giới này từ cuối năm 2016.
Sau 3 tháng ra quân tuần tra, kiểm soát hơn 600 lượt, 8 tổ đặc nhiệm đã bắt giữ 110 vụ; lập hồ sơ quả tang 6 đối tượng buôn lậu; thu giữ 188.473 gói thuốc lá không hóa đơn, chứng từ, 1.200 kg đường cát; tạm giữ 5 xe ô tô, 76 xe mô tô, 18 vỏ lãi mà các đối tượng buôn lậu làm phương tiện vận chuyển.
Hoảng sợ trước sự quyết tâm của lực lượng công an, các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn lậu co vòi, chuyển hướng xâm nhập. Tình hình tuồn hàng lậu ở cánh biên giới Long An được hạ nhiệt nhanh chóng.
Các cán bộ đội đặc nhiệm 389 trên đường tuần tra chống buôn lậu. |
Tuy hạ nhiệt nhưng các tay trùm vẫn chưa từ bỏ cánh xâm nhập rẻ quạt rất dễ lọt lưới canh phòng này. Chúng thay đổi hình thức hoạt động để đối phó với lực lượng đặc nhiệm 389.
Thiếu úy Nguyễn Lê Triệu Tâm - đội viên tổ 1 - vừa cưới vợ được 2 tuần, bỏ qua tuần trăng mặt lên nằm chốt, cho biết: “Từ khi lập chốt, dân buôn lậu không còn chở thuốc lộ liễu nữa. Chúng cẩn thận hơn. Bây giờ bắt được buôn lậu rất khó. Có khi phát hiện ra các đối tượng đang tập kết hàng nhưng chúng tôi phải đi vòng vài cây số để đánh lạc hướng bọn “canh đường””.
“Canh đường” là những kẻ được các tay trùm hàng lậu thuê với giá 300.000 đồng/1 ngày. Nhiệm vụ của “canh đường” là tụ tập quanh các điểm chốt của lực lượng chống buôn lậu để quan sát động thái. Thậm chí, một đội viên 389 đi chợ mua thực phẩm cũng có ít nhất 2 “canh đường” bám sát lưng. Vì vậy, nêu cao cảnh giác luôn là hàng đầu đẻ đấu tranh chống buôn lậu.
Khi lực lượng đặc nhiệm 389 xuất quân, chúng co rút lại ẩn mình. Khi lực lượng đặc nhiệm 389 thu quân, chúng lại ồ ạt xâm nhập. Vì vậy, có ngày lực lượng đặc nhiệm 389 phải xuất quân, thu quân hàng chục lượt, bất kể ngày đêm.
Một kẻ “canh đường” nhận “bán tin” cho hàng chục tay trùm nên mỗi ngày, chỉ la cà lê lết cũng có thu nhập hàng triệu đồng. Hầu như lực lượng chức năng địa phương đều thuộc mặt hết các kẻ “canh đường” nhưng đấu tranh thì rất khó, giải pháp duy nhất là vận động họ không tiếp tay cho trùm buôn lậu. Chính quyền xã đã từng mời rất nhiều đối tượng ra trụ sở để thuyết phục, vận động, giáo dục nhưng không đạt nhiều kết quả. Những kẻ này luôn mồm chối đây đẩy: “Em có làm gì đâu”.
Nếu như mấy năm trước, giới buôn lậu hoạt động theo kiểu “ai có tiền bao nhiêu thì buôn bấy nhiêu”. Kể từ khi lực lượng đặc nhiệm 389 rải quân dọc biên giới, các tay buôn cò con đầu quân cho những tay trùm mạnh vốn. Khi nhắc tới “trùm” thì mọi người dân biên giới đều biết, đó là kẻ có lực lượng đàn em hàng trăm người. Mỗi đàn em chỉ huy 1 đường dây vượt biên xâm nhập hàng lậu.
Hầu hết những tay trùm hàng lậu đều là người Việt Nam ẩn nấp bên đất bạn để điều hành các đàn em. Chúng tự phân cắt nhỏ đường biên rồi chia địa bàn cát cứ. Kẻ lớn vốn thì lấy đoạn đường biên gần TP Hồ Chí Minh nhất.
Các tay trùm không trực tiếp ra mặt điều hành đường dây buôn lậu mà giao hết cho đàn em. Các đàn em lại thuê những nài thuốc có máu liều vận chuyển. Và lực lượng chức năng rất khó thu được bằng chứng để lôi các tay trùm, các đàn em về trụ sở làm việc. Chỉ có những kẻ liều mạng làm nài thuốc là kẻ “thế thân”.
Đó là lý do bị bắt mãi nhưng các đường dây buôn lậu thuốc lá vẫn cứ tồn tại.
(Còn tiếp)