Cuộc hôn nhân đặc biệt của giáo sư Dương Quảng Hàm

Thứ Sáu, 18/05/2018, 09:33
Phía sau một người đàn ông thành đạt bao giờ cũng có bóng dáng một người phụ nữ. Đối với gia đình giáo sư Dương Quảng Hàm, người phụ nữ ấy chính là cụ bà Trần Thị Vân, phu nhân của giáo sư, thường được mọi người biết đến dưới cái tên “bà Dương Quảng Hàm”.

Lặng lẽ đứng phía sau lo toan việc nhà cho chồng chuyên tâm với sự nghiệp và thành danh, cụ bà Trần Thị Vân còn cùng chồng nuôi dạy 8 người con trở thành những nhân sĩ, trí thức có nhiều đóng góp cho cách mạng, cho đất nước. Gia đình giáo sư Dương Quảng Hàm là một trong những gia đình tiêu biểu cho truyền thống, cốt cách tài hoa, uyên bác, nơi nuôi dưỡng và giữ gìn những nhân cách lớn, những phẩm chất cao quý của người Hà Nội.

Cuốn “hồi ký” dang dở

Đã có rất nhiều bài báo viết về giáo sư Dương Quảng Hàm và những người con nổi tiếng của ông. Bà giáo Dương Quảng Hàm cũng thấp thoáng xuất hiện trong đó nhưng không nhiều lắm. Điều đó đã thôi thúc tôi tới ngôi nhà 98A Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi giáo sư Dương Quảng Hàm cùng gia đình sinh sống nhiều năm hồi đầu thế kỷ 20, để tìm hiểu về người phụ nữ đã góp phần xây dựng nên một gia đình đại trí thức nổi tiếng như vậy.

Bác Dương Tự Minh, người con út của vợ chồng giáo sư Dương Quảng Hàm bắt đầu câu chuyện về người mẹ đáng kính bằng những trang hồi ký ngắn ngủi do chính tay cụ bà Trần Thị Vân viết bằng chữ quốc ngữ. Những trang hồi ký này được bác Minh tình cờ tìm thấy sau ngày mất của mẹ (năm 1967), và nó đang được viết dang dở...

“Ngày bé tôi học chữ Nho từ năm 4 tuổi, cha tôi dạy, tôi học  rất thông minh. Học vỡ lòng từ quyển “Tam tự kinh” lên đến “Kinh thi”, quyển nào hỏi, tôi cũng thuộc hết.  8 tuổi, tôi theo mẹ đi chợ, đến năm 10 tuổi tôi được buôn bán riêng, tôi cứ xin cha cho con nghỉ học để con đi chợ học buôn. Mẹ tôi cho được để lãi ra mỗi ngày mấy xu, tôi mừng quá, được nghỉ học là đi chợ luôn. Cụ khóa xóm trên mượn người dạm chị gái tôi cho anh tư, chẳng may chị gái tôi bị bệnh thời khí chết.

Được ít lâu, cụ khóa cứ nhờ ông khóa Đoan là em rể ở bên cạnh nhà ngày nào cũng sang nói với cụ Tú xin tôi cho chú năm, tôi không biết gì cả. Sau tôi thấy cụ khóa vài hôm lại xuống chơi với cụ Tú, cứ gọi tôi đun nước, rồi thấy cả cụ bà cũng xuống, tôi mới hỏi mẹ tôi chị ấy đã chết rồi, ông bà khóa còn đến làm gì mà vài ngày lại đến hở u? Mẹ tôi mới bảo ông bà ấy nhờ ông khóa Đoan sang nói mãi với thầy u xin con cho chú năm. Tôi mới 13 tuổi chẳng biết gì cả, cứ cha mẹ đặt đâu ngồi đấy, tôi không biết mặt chú năm mà chú năm cũng không biết mặt tôi, tuy rằng xóm trên xóm dưới nhưng hai người không gặp mặt nhau bao giờ.

Thời cổ chỉ cần hai bên cha mẹ tương đăng hậu đối chứ không nghĩ gì đến tương lai của các con nó có ở được với nhau không. Theo tục dân, lệ làng thời phong kiến, ăn to hai bên cùng tốn, nhà giai hết nhiều càng ghét con dâu, chửi bới nhiếc móc, đứa nào không chịu được thì bỏ nhà mà đi, thế là mất người không bao giờ dám về làng nữa.

Cụ khóa hỏi được 3 năm xin cưới, cha tôi thấy nhà hiếm người không muốn cho cưới vội. Cụ khóa rêu rao con đã lớn không cho cưới giữ ở nhà để đi chợ làm giàu. Cụ Tú không chịu được lời nói, phải cho cưới, năm cưới tôi 16...”.

Theo bác Dương Tự Minh, cuộc hôn nhân của giáo sư Dương Quảng Hàm với cụ bà Trần Thị Vân khá đặc biệt. Nó xuất phát từ sự hòa giải của hai dòng họ cùng đỗ đạt trong làng Phú Thị, Mễ Sở (Hưng Yên) khi các tập tục phong kiến còn đang ngự trị. Đó là dòng họ Dương và dòng họ Trần. Lúc đó, cụ Tú (bố đẻ của bà Trần Thị Vân) đang giữ chức Tiên chỉ, chức vụ danh dự đứng đầu làng.

Nhưng anh cả của giáo sư Dương Quảng Hàm là Dương Bá Trạc, con cụ khóa Dương Trọng Phổ, sau đó lại đỗ cử nhân (cao hơn tú tài). Cả làng lấy đó làm vinh dự nên cấp đất, sửa đường, dựng cổng đón tiếp ông lúc vinh quy. Trong họ Dương lúc đó có người muốn đòi chức Tiên chỉ cho ông Dương Bá Trạc, thậm chí gây gổ trở thành hiềm khích giữa hai họ Dương và Trần.

Giáo sư Dương Quảng Hàm.

Nhưng ông Dương Bá Trạc lúc đó mới 17-18 tuổi, chẳng thiết gì cái chức vụ phong kiến. Ông bỏ ra Hà Nội tham gia thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục, dạy học, tuyên truyền lòng yêu nước chống Pháp. Ở quê nhà, cụ Phổ dẹp sự hiềm khích giữa hai họ bằng cách “xin con gái nhà họ Trần về làm dâu nhà họ Dương”. Thế là có cuộc hứa hôn giữa chị gái của cụ bà Trần Thị Vân với người anh thứ tư của giáo sư Dương Quảng Hàm. Nhưng chưa kịp tổ chức cưới thì chị gái cụ Vân mắc bệnh rồi mất. Thế là “duyên chị buộc vào duyên em”.

Cụ khóa Dương Trọng Phổ hỏi cưới bà Vân cho con trai thứ năm là Dương Quảng Hàm (cụ Hàm thường được gọi là ông Năm vì là con trai thứ 5, thời phong kiến thường bỏ qua con gái. Còn tính thứ tự cả con gái thì là con thứ 6). Bà Vân khi đó lớn hơn 2 tuổi nhưng các cụ cho là rất hợp, bởi vì xưa đã có câu “gái hơn hai, trai hơn một”.

“Mẹ tôi viết năm cưới là 16 nhưng thực ra đó chỉ là năm cụ Tú đồng ý cho nhà trai chuẩn bị cưới. Sau đó còn bao nhiêu thủ tục dài dòng khác như sêu tết, dạm ngõ, ăn hỏi, chọn ngày v.v... rồi mới đến đám cưới vào khoảng hơn một năm sau. Lúc này mẹ tôi đã bước sang tuổi 18 còn cha tôi ở tuổi 16. Cha tôi đang học ở Hà Nội thì bị gọi về lấy vợ. Và ông cũng chỉ về quê đúng 2 ngày, sau đó lại tất tưởi ra ngay Hà Nội tiếp tục khóa học. Lúc đó cụ Phổ khá thức thời, sau khi bắt cha tôi học chữ Nho thì gửi cha tôi ra Hà Nội theo học hệ quốc ngữ tân học” - bác Dương Tự Minh kể lại.

Người vợ tảo tần, giỏi kinh doanh

Trong gia phả của họ Dương có ghi chép lại, cụ bà Trần Thị Vân sinh ngày 12-10-1896 tức ngày 15-9 năm Bính Thân, hiệu là Diệu Khánh, pháp danh Tường Quang, là con cụ Tú “bụt” (do tính tình hiền lành nên mọi người gọi như vậy). Bà Vân có 4 chị em, sau khi người chị gái mất vì bệnh thì bà Vân trở thành chị cả, dưới có 1 em gái và 1 em trai.

Giỏi chữ Nho do được bố dạy từ nhỏ, sau khi đi buôn bán, bà Vân tự học chữ quốc ngữ. Mặc dù mẹ đẻ cũng chỉ là người nội trợ, buôn bán nhỏ ở làng Phú Thị nhưng bà Vân lại rất có khiếu kinh doanh, biết đi buôn từ năm 8 tuổi. Chợ Mễ hồi đó thuộc loại chợ lớn ở miền Bắc, trên bến dưới thuyền rất tấp nập, sau phát triển thành bến ca nô, là trung tâm thu gom hàng ở các địa phương có giao thương thủy ở các vùng lân cận. Hàng hóa từ Mễ Sở sau đó được đưa lên Hà Nội cũng bằng đường thủy.

Sau ngày cưới, bà Trần Thị Vân  sang làm dâu nhà họ Dương, một gia đình thuộc loại “danh gia vọng tộc” với truyền thống nhiều đời đỗ đạt, làm quan dưới chế độ phong kiến. Suốt gần 7 năm khi người chồng Dương Quảng Hàm học ở Hà Nội, bà Vân ở quê cùng bố mẹ chồng và tiếp tục buôn bán ở chợ Mễ. Bà Vân chuyên buôn vải nâu từ Mễ lên Hà Nội.

Là người tháo vát, buôn bán rất giỏi nên sau đó bà mua được sạp hàng ở chợ Đồng Xuân chuyên kinh doanh vải vóc, kiếm được rất nhiều tiền. Gần 7 năm sau ngày cưới, khi ông Dương Quảng Hàm tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm và được bổ nhiệm về dạy ở trường Bưởi, bà Vân mới ra Hà Nội ở cùng. Khi đó ông Dương Quảng Hàm 22 tuổi, còn bà Vân sang tuổi 24.

Trước đó cụ khóa Phổ và các con cũng đã chuyển ra Hà Nội ở nên thời gian đầu, bà Vân sống cùng gia đình nhà chồng. 5 năm sau khi ra Hà Nội (năm 1925), với khoản tích lũy buôn bán, bà Vân đã mua được ngôi nhà 98A Hàng Bông, nguyên gốc là một ngôi nhà cổ trên diện tích đất 300m2.

“Tôi nghĩ mẹ tôi đã tính toán rất giỏi khi mua ngôi nhà này bởi ngay trước cửa nhà là nơi tàu điện đỗ, có nhiều người lên xuống, rất tiện cho việc kinh doanh. Mẹ tôi thôi sạp hàng ở chợ Đồng Xuân, chuyển sang bán hàng ngay tại nhà, chuyên bán vải và quần áo may sẵn, lấy tên hiệu cửa hàng là Đông Phú (Đông là huyện Đông Yên, Phú là làng Phú Thị, quê hương của hai vợ chồng). Khi ra Hà Nội, mẹ tôi mới sinh con đầu lòng. Tiếp đó, cứ 2 năm một lần, bố mẹ tôi có đến 8 người con, 4 trai, 4 gái” - bác Dương Tự Minh kể lại.

Cũng theo lời bác Minh thì do buôn bán giỏi nên đến năm 1933, bà Trần Thị Vân quyết định xây nhà trên toàn bộ diện tích 300m2 ở 98A Hàng Bông. Mặc dù là người nghiên cứu văn học nhưng giáo sư Dương Quảng Hàm đã vận dụng kiến thức của mình, tự thiết kế ngôi nhà, chỉ thuê thầu khoán xây dựng.

Theo đó, mảnh đất 300m2 được chia làm 2 phần: 150m2 phía mặt đường được xây thành 3 khối nhà từ 2-3 tầng, làm cửa hàng và nhà ở; 150m2 phía trong được xây thành nhà 3 tầng cho thuê. 3 khối nhà ở được chia thành các phòng có chức năng sử dụng  riêng biệt: tầng 1 mặt đường là cửa hàng, tầng 2 là phòng ngủ; các phòng còn lại phía trong được bố trí là khu bếp, khu vệ sinh, nhà tắm, nhà kho, phòng dư dành cho khách ở, riêng tầng 3 là phòng làm việc của giáo sư Dương Quảng Hàm và phòng học của 8 người con...

Toàn bộ ngôi nhà 98A Hàng Bông từ khi được vợ chồng giáo sư Dương Quảng Hàm khởi công xây dựng,  vẫn giữ nguyên trạng  cho đến hiện nay.

Vợ chồng giáo sư Dương Quảng Hàm cùng các con, cháu (năm 1941).

“Trong việc xây dựng ngôi nhà 98A Hàng Bông mà hiện nay chúng tôi đang ở, phần lớn từ tích lũy nhiều năm buôn bán của mẹ tôi. Cha tôi lúc đó mới đi dạy học ở trường Bưởi chắc cũng chẳng đóng góp được gì nhiều vì riêng việc nuôi 8 người con ăn học cũng đã rất tốn kém rồi. Cha tôi là một nhà nghiên cứu, suốt ngày chỉ đọc sách và viết. Lương của ông tuy cao nhưng ông dành phần lớn cho việc mua sách báo phục vụ việc nghiên cứu, chất đầy kho sách.

Chỉ riêng bộ “Đại từ điển bách khoa toàn thư Larousse” ông đặt mua ở Pháp gửi về (chắc tốn rất nhiều tiền) có tới 5 quyển khổ 30x50 cm đóng bìa cứng rất dày, khi còn nhỏ tôi không vác nổi một quyển. Vì vậy tất cả mọi việc trong nhà, từ lo chi phí ăn uống của gia đình, chăm lo ăn mặc cho các con, tổ chức giỗ tết thế nào, đều do mẹ tôi đảm nhiệm. Bà vừa lo buôn bán kiếm tiền, vừa chỉ huy mọi việc lớn nhỏ trong gia đình.

Cái tên Trần Thị Vân của bà chẳng mấy ai biết vì mọi người luôn gọi bà là “bà Dương Quảng Hàm” và bà cũng luôn hãnh diện tự xưng với cái tên danh giá ấy. Vậy nên chẳng mấy ai biết được công sức của bà trong sự nghiệp của ông” - bác Dương Tự Minh tự hào khi kể người mẹ của mình.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, giáo sư Dương Quảng Hàm sinh ngày 14-7-1898 ở làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên), là con thứ 6 trong một gia đình có truyền thống Nho học.

Cụ nội Dương Duy Thanh (1804-1861) là Đốc học Hà Nội và là tác giả văn bia Đồng Nhân ca tụng công trạng Hai Bà Trưng. Thân phụ là Dương Trọng Phổ (1862-1927) và anh cả Dương Bá Trạc (1884-1944) đều tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục (hai cha con bị đày đi Côn Đảo năm 1909), em trai là Dương Tự Quán, đều là những danh sĩ có tiếng đương thời.

Thuở nhỏ, Dương Quảng Hàm theo Hán học, sau chuyển sang Tây học, trúng tuyển khóa đầu tiên của ban Văn trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1920, ông thi tốt nghiệp và đỗ thủ khoa với luận văn “Khổng Tử và học thuyết Khổng Mạnh trong nền giáo dục cũ”.

Từ 1920 đến 1945, Dương Quảng Hàm là giáo sư trường Trung học Bảo hộ (Lycée du Protectorat), thường gọi là trường Bưởi. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Dương Quảng Hàm được cử làm thanh tra Trung học Vụ, sau đó làm Hiệu trưởng trường Chu Văn An (trường Bưởi cũ). Toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội, ông bị quân Pháp sát hại trên đường tản cư từ nội thành đang có chiến sự ra vùng kháng chiến.

Trong hơn 20 năm (1920-1945), Dương Quảng Hàm đã làm việc không mệt mỏi, vừa giảng dạy, vừa viết sách giáo khoa văn học và sử học cho nhà trường từ bậc tiểu học đến bậc trung học, vừa bằng tiếng Pháp, vừa bằng tiếng Việt. 2 cuốn sách có giá trị nghiên cứu nhất của ông là “Việt Nam văn học sử yếu” (1941), “Việt Nam thi văn hợp tuyển” (1942). Riêng tác phẩm “Việt Nam văn học sử yếu” được xem là cuốn văn học sử phổ thông bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

* Ghi theo lời kể của ông Dương Tự Minh, Phó ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò, con út của giáo sư Dương Quảng Hàm.

(Còn nữa)

Hương Vũ
.
.