Đằng sau nghi vấn "trường ma" xôn xao dư luận

Thứ Năm, 19/04/2018, 11:05
Nghi vấn "trường ma" GWIS được coi là gây xôn xao không chỉ riêng với các học sinh và phụ huynh ở trường Newton, một ngôi trường tại Hà Nội có chương trình liên kết với GWIS mà muốn có cái bằng GWIS đó, người ta phải tốn 200 triệu học phí một năm.

Bởi hiện có 14 tỉnh, thành tại Việt Nam đã có cơ sở giáo dục, đào tạo hợp tác với trường này, kéo dài từ 2011 tới nay. Đằng sau nghi vấn GWIS là những lo ngại của phụ huynh về chất lượng của các trường có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

GWIS - Nghi vấn “trường ma”?

Câu chuyện bắt đầu khi một phụ huynh học sinh có con muốn học hệ có bằng trung học cấp từ Georgie Washington International School (GWIS) của Mỹ tại trường Newton ở HN muốn đi tìm hiểu. Cô liền nhờ một phụ huynh có kinh nghiệm về du học xem trường  bên Mỹ thế nào. Khi tra cứu thông tin, vị phụ huynh này phát hoảng vì thấy những gì viết trên website của trường này tại Mỹ rất bất thường.

Trường GWIS đề địa chỉ trụ sở tại tiểu bang California, song lại nói trường nằm ở tiểu bang Florida, Mỹ. Trên website của trường trung học Mỹ này tuyệt nhiên không thấy hình ảnh học sinh, thầy cô bên Mỹ mà chỉ có hình ảnh học sinh tại… Việt Nam. Trường cũng không có thông tin tuyển học sinh Mỹ, chỉ có thông tin về các đại lý, với 3 chi nhánh tại Hà Nội, Trung Quốc, Ấn Độ. Trường có đăng tuyển giáo viên, song chỉ là tuyển giáo viên tại Mỹ để qua làm việc ở 3 nước châu Á có "chi nhánh"  mà thôi.

Địa chỉ của trường GWIS tại tiểu bang California chỉ là một trung tâm sự kiện nghệ thuật và giáo dục.

Địa chỉ mà trường GWIS đóng tại California thực tế lại không phải là một ngôi trường. Nó chỉ là một trung tâm biểu diễn nghệ thuật và tổ chức sự kiện giáo dục, có thể… cho thuê địa điểm theo giờ, theo ngày. Toàn bộ hình ảnh trường lớp, nhà cửa trong website của GWIS là lấy các hình ảnh công khai của trung tâm này trên website của họ. Thông tin cho thấy đây cũng là khu đất được đăng ký bởi chủ của trung tâm tổ chức sự kiện cho thuê kia từ nhiều năm nay và không dính dáng gì tới GWIS.

Để điều tra cẩn thận hơn, vị phụ huynh này đã nhờ một người trong nhóm FB Kết nối Việt sinh sống tại Mỹ, có nhà gần nơi GWIS đăng ký địa chỉ tới tận nơi mục sở thị. Kết quả khớp hoàn toàn với kết quả vị phụ huynh tìm kiếm trên mạng.

Một người Việt Nam tại Mỹ khác cũng tới tận địa chỉ của GWIS tại tiểu bang Florida để kiểm tra. Địa chỉ đó, dù tra trên mạng hay tới tận nơi chỉ là một… đại lý bưu điện, không hề có cái trường nào ở đó. Địa chỉ mà chủ trường thuê mượn, có chăng chỉ nằm trong một cái… hộp thư thuê của đại lý bưu điện này!

Thêm vào đó, toàn bộ các website chính thức của Bộ Giáo dục tiểu bang Florida và tiểu bang California cũng như các nguồn chính thức khác tại Mỹ cũng hoàn toàn không có thông tin về trường này. Điều này, ngày 13-4 cũng đã được đại diện Tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội xác nhận.

Tuy nhiên, mới đây, thông tin trên báo chí cho biết, đáp lại những lo ngại của phụ huynh, đại diện của GWIS đã cung cấp các giấy tờ liên quan nhằm chứng minh trường đủ tư cách pháp lý. Đại diện Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cũng khẳng định, thực hiện đầy đủ các quy định về liên kết đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Câu chuyện về GWIS chưa đi đến hồi kết nhưng đằng sau đó còn là những lo ngại của phụ huynh về chất lượng các trường được gọi là có chương trình "quốc tế" tại Việt Nam.

Sính ngoại: Cứ "quốc tế" là nạp tiền!

Có thể dễ dàng nhận thấy tâm lý sính ngoại của nhiều phụ huynh học sinh, nhất là những người có thu nhập cao, muốn cho con hưởng một nền giáo dục tốt hơn. Không muốn cho con du học vì muốn ở gần con, họ chỉ cần nhìn thấy một trường tư hoành tráng, có tiếng tăm một chút là mạnh dạn nạp tiền đưa con vào, không tính đếm tới việc cần kiểm tra chất lượng song bằng mà trường đó cung cấp, nhất là bằng từ Mỹ.

Địa chỉ trường GWIS tại tiểu bang Florida là... một đại lý bưu điện.

Điều này cũng dễ hiểu, vì nó bắt nguồn từ việc các phụ huynh không có nhiều lựa chọn. Cho con học trường công, nhiều người sợ  các cháu sẽ phải học thêm, học nếm, chạy theo thành tích cực khổ. Nếu cho đi du học thì số tiền hàng năm cần chi ra vào khoảng 50 ngàn USD, là mức trung bình, không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Vào trường quốc tế thật sự ở Việt Nam với chất lượng đạt chuẩn, đã được kiểm định đàng hoàng thì phải đóng trung bình 600-700 triệu đồng một năm. Thôi thì đành vào các trường có chi phí chào mời thấp hơn, khoảng 200 triệu đồng/năm mà lại có bằng Mỹ, như  GWIS chẳng hạn.

Một vấn đề khác: phần nhiều các phụ huynh cho con theo học ở các trường liên kết hứa hẹn cấp bằng Mỹ đều muốn con đi du học khi lên đại học. Vì không đủ thông tin, họ bị các trường liên kết tuyên truyền rằng nếu có bằng Mỹ thì dễ dàng được chuyển tiếp qua học đại học ở Mỹ. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Thực tế là chỉ cần bằng trung học hợp pháp ở Việt Nam là sẽ được phía Mỹ chấp nhận xét tuyển đại học, với điều kiện các học sinh phải có đủ tín chỉ trong các bảng điểm và nộp kết quả từ các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế cho họ.

Quan trọng nhất là sự quản lý lỏng lẻo. Trong nghi án trường ma GWIS, cho tới nay, đã sau 7 năm triển khai chương trình cấp song bằng này, mới bắt đầu có nghi vấn đầu tiên, mà lại từ phụ huynh. Trong khi đó, ở Mỹ, muốn thành lập một công ty như GWIS chỉ cần mất 500 USD.

Còn nếu muốn tồn tại và được công nhận tại Mỹ,  GWIS cần có trường sở, có thầy cô, có học sinh và phấn đấu gian khổ để có sự kiểm định từ một trong 6 đại lý kiểm định hợp pháp và có uy tín ở Mỹ.

Trường quốc tế, chất lượng…tự công nhận

Từ sự kiện này, có thể thấy phải nhìn lại toàn bộ chất lượng của các trường có yếu tố nước ngoài đang mọc lên như nấm sau mưa ở Việt Nam. Một thống kê mới đây từ ISC Research, công ty chuyên phân tích mảng trường quốc tế thì tại Việt Nam hiện có 111 trường quốc tế các loại với hơn 40 ngàn học sinh. Việt Nam hiện đứng thứ 5 ở ASEAN về số trường quốc tế và số lượng học sinh theo học.

Trường Newton, đối tác của GWIS tại Hà Nội.

Ngoài ra còn có rất nhiều trường khác có chương trình hợp tác quốc tế với một đối tác nước ngoài để nhận song bằng.

Hầu hết phụ huynh học sinh chỉ biết chọn các trường gọi là tốt trên yếu tố cơ sở vật chất hoành tráng của trường. Còn chất lượng giảng dạy thế nào họ không có đủ thông tin để biết rõ, chỉ tin vào các quảng cáo của từng trường mà thôi.

Nếu có kinh nghiệm một chút có thể thấy rõ các trường quốc tế hay có yếu tố quốc tế ở Việt Nam không phải nơi nào cũng có chất lượng.

Thứ nhất, muốn tìm ra những trường đã có kiểm định từ các đại lý kiểm định uy tín trên thế giới là cực kỳ khó khăn.

Thứ hai, dù các trường này đang ra sức quảng cáo rằng đang giảng dạy các chương trình quốc tế như A Level, IP, AP… song họ thực sự chưa có ủy quyền của các tổ chức quốc tế chuyên cung cấp các chương trình này.

Và thứ ba, rất nhiều chương trình song bằng của các trường quốc tế là hợp tác với chương trình dạy online của một trường online tại Mỹ, Canada. Mà cho dù ở Việt Nam các cháu có thể đóng cho trường 200 - 600 triệu năm, song nếu các phụ huynh chịu khó vào các trang web cung cấp bằng online đó, họ có thể thấy rõ học phí chỉ từ 200-500 USD cho việc đăng ký theo học, và mỗi tín chỉ chỉ có giá 30 USD mà thôi!

Hơn nữa, với học phí khủng từ 500-700 triệu một năm thì cùng số tiền đó, học sinh có thể du học tại Mỹ hay nhiều quốc gia khác với chất lượng cao hơn nhiều, bằng là bằng thật, học là học thật chứ không phải qua online.

Nghĩa là, các phụ huynh cần đóng vai người tiêu dùng thông minh khi lựa chọn trường quốc tế cho con theo học, tránh vì ham mác quốc tế mà lựa trường chỉ nhăm nhăm mục đích kinh doanh giáo dục.

Khi nào Việt Nam mới có trường quốc tế đúng nghĩa?

Tại Mỹ và nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, việc mở trường học đạt chuẩn thường tới từ những nhà giáo dục hay các cổ đông tâm huyết với giáo dục. Họ có kinh doanh khi xây trường tư thục, song yếu tố vì cộng đồng trong các ngôi trường như vậy lớn hơn nhiều, vẫn là mục đích chính. Đó chính là lý do ngoài việc đầu tư của các cổ đông, có sự đóng góp và hiến tặng rất lớn từ người dân và những Mạnh thường quân trong cộng đồng.

Các quỹ hiến tặng này thông thường có số tiền vài trăm ngàn tới hàng triệu USD, thậm chí cả tỷ USD. Ví dụ như trường trung học Philips Academy ở Mỹ hiện nay giữ khoản quỹ hiến tặng khủng là 1,058 tỷ USD,  trường trung học Philips Exiter cũng ở Mỹ thì có quỹ hiến tặng lên tới 1,1 tỷ USD!

Với tiềm lực tài chính khổng lồ, cộng với tâm huyết phát triển giáo dục, họ đã tạo dựng ra các trường học thực sự trong mơ. Trường trở thành nơi mà học sinh có thể học tập bằng các phương pháp tiến bộ nhất, được giáo dục bởi các thầy cô có uy tín và kinh nghiệm nhất, với mọi chương trình, sách vở cung cấp cho học sinh đều đạt chuẩn quốc tế. Điều quan trọng là các học sinh nhà nghèo cũng có thể nhận học bổng để vào học các trường đó, nếu thật sự đó là những em học giỏi, có tài năng.

Việc các trường học được mở ra từ các đơn vị, tổ chức và cá nhân thực sự đam mê và có trình độ chuyên môn về giáo dục sẽ tạo cho Việt Nam các khoản đầu tư có giá trị, mà bên cạnh trường sở hoành tráng là những thương hiệu danh tiếng góp phần nâng cấp giáo dục nước nhà. Thậm chí, nó có thể tạo ra các mô hình học tập, giảng dạy chuẩn mực để giáo dục công lập và tư thục trong nước tham khảo và đi theo.

Đây mới chính là các dự án đầu tư giáo dục tốt về cả lượng và chất. Để chấn chỉnh, Bộ Giáo dục cần xem lại định hướng phát triển trường và các chương trình quốc tế, có cấp bằng quốc tế tại Việt Nam, đồng thời cần xiết chặt lại công tác quản lý.

Nên khuyến khích các nhà giáo dục, các trường sở danh tiếng ở các nước phát triển đầu tư vào Việt Nam, thay vì để các "con buôn" giáo dục có cơ hội hoành hành trong mảnh đất kinh doanh béo bở này, nhất là trong bối cảnh người Việt cực kỳ coi trọng giáo dục con em, thu nhập ngày càng cao hơn nên muốn tìm kiếm trường sở phù hợp nhất cho con em của họ.

Nguyễn Bạch Hạc
.
.