Để không còn nạn bạo hành trẻ em

Thứ Sáu, 10/07/2020, 13:58
Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em thời gian gần đây rất được xã hội quan tâm. Phần lớn trẻ em bị ngược đãi, xâm hại… đều bị di chứng tâm lý, bị ám ảnh, mang tâm lý tự ti, thù hận đối với xã hội khi trưởng thành…


1.  Đáng tiếc, thói quen dạy con theo kiểu "thương cho roi cho vọt" vẫn được xem là chuyện bình thường. Mâu thuẫn gia đình, nỗi bực tức dồn nén, cha, mẹ sử dụng chất kích thích hoặc sống mê tín, bế tắc trong đời sống, suy nghĩ cũng khiến các em dễ trở thành nạn nhân của nạn bạo hành, ngược đãi…

Bé trai 4 tháng tuổi bị cha ngáo đá đánh trọng thương. 

Luật sư Đỗ Trúc Lâm - Giám đốc hãng luật Lâm Trí Việt cho biết, câu "thương cho roi cho vọt" phải được hiểu theo nghĩa là bậc cha mẹ không nên chỉ biết nuông chiều con mình mà cần có các quy tắc phạt để con sống có nề nếp, phát triển nhân cách tốt. Không được lạm dụng các hành động bạo hành bằng lời nói chửi mắng hay đòn roi gây thương tích. 

Trẻ em sống trong môi trường bị bạo hành sẽ có nguy cơ dẫn đến sang chấn tâm lý và nguy hại về sức khỏe thể chất. 

Với xã hội hiện đại, giáo dục tâm lý càng được đề cao, cha mẹ nên là người bạn với các em, nắm bắt được tâm lý của các em theo từng giai đoạn phát triển, kịp thời uốn nắn, tìm hiểu nguyên nhân, phân tích cặn kẽ phải trái, khuyên răn nhẹ nhàng nhưng cương quyết khi các con có những lệch lạc về suy nghĩ, hành động, giúp con nhận ra sai lầm để tiến bộ. Quan trọng nhất, cha  mẹ phải luôn là tấm gương tốt, kiềm chế cơn nóng giận khi giáo dục trẻ em.

Ngày 6/2/2020, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh bé trai Minh Khôi 4 tháng tuổi, ở quận 9, TP Hồ Chí Minh bị cha ruột là Châu Minh Tiến (24 tuổi) trong lúc "ngáo đá" đã đánh bé gãy 2 chân, xuất huyết não. Chị Tím, 20 tuổi, mẹ bé Khôi cho biết, mới hơn tháng tuổi Khôi đã bị ông bố "ngáo" “dạy dỗ” bằng bạo lực. Tiến nhiều lần đánh con, vợ can ngăn cũng bị đánh...

Trước đó, một clip dài 2 phút được phát tán trên mạng ghi lại cảnh một phụ nữ đang nắm sợi dây buộc ở cổ một bé trai, đánh đập tới tấp vào mặt, đầu bé. Người phụ nữ này là Nguyễn Thị Thanh Thúy (31 tuổi) mẹ của bé trai - nạn nhân mới 4 tuổi. Người quay phim là chồng Thúy. Người đàn ông này không can ngăn, giải cứu đứa bé mà lại quay cảnh đứa bé bị mẹ ruột bạo hành. Bất lực hay vô cảm?

Ngày 28/5, Danh Đa, quê Sóc Trăng, đã đánh con gái mình tàn nhẫn vì cháu nghịch, lấy gạo đổ vào cát. Gần nhất, Lương Đức Thắng, cha dượng cũng đánh đập tàn nhẫn con riêng của vợ, bị hàng xóm bức xúc ghi  hình. Thắng (35 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) và chị N (mẹ của H., 4 tuổi) sống chung như vợ chồng trong phòng trọ nằm trên đường Phan Anh, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú. 

Khuya ngày 27/6, Thắng đi nhậu về, thấy chị N. la bé H. vì bé không ngủ, Thắng dùng tay đánh bé ngã xuống nền gạch. Bé H.. khóc lên, Thắng càng hung hăng bóp cổ bé kéo đứng dậy và  đánh vào mặt, vào đầu. Chị N. khóc lóc van xin, Thắng mới chịu dừng lại.

2.Nhiều trẻ sinh ra không được may mắn, mồ côi cha mẹ, bị vứt bỏ… Chùa chiền, mái ấm tình thương là nơi trú thân duy nhất của các bé. Nhưng ở những nơi đó vẫn vẫn xảy ra những sự việc đắng lòng. Ngày 11/6, tại chùa Long Nguyên, phường 4, quận 4, TP Hồ Chí Minh, trụ trì, sư cô Thích Nữ Hạnh Thảo đã đánh đập tàn nhẫn một cháu bé chỉ vì chú tiểu có hành vi nói dối khiến sư cô này bực tức.

Trẻ em luôn là đối tượng cần phải được nâng niu. Ảnh chụp Tại trường Mầm non Hoa Phượng, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.

Anh T.Q.T., ngụ quận 5, TP Hồ Chí Minh là phụ huynh của bé T.M.P. cho biết, tối 21/6, anh T. đón bé P. đang học lớp 4/5, Trường Quốc tế Á Châu, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh về nhà ở quận 5 thì phát hiện trên tay bé P. có 2 vết bầm. 

Lúc đầu bé không dám nói thật với anh. Gặng hỏi mãi bé P. cho biết, ngày 15/6, vào tiết học môn Toán, vì con không tập trung vào việc học nên bị cô giáo K.Đ. dùng cây anten (dùng để giảng dạy trên máy chiếu) đánh 3 cái vào tay.

Đây không phải lần đầu bé P. bị đánh. Những lần trước thấy cơ thể con có vết bầm, gia đình nghĩ chắc bé chơi đùa với chúng bạn nên bị bầm tím; hơn nữa, vì sợ nên bé P. giấu gia đình nên gia đình không truy cứu. Không chỉ bé P., một số bé trai trong lớp cũng bị cô K.Đ. dạy dỗ theo cách phản giáo dục như vậy.

Anh T. đã phản ánh vụ việc với Ban Giám hiệu và được phía nhà trường tiếp nhận xử lý, đồng thời có hình thức kỷ luật nghiêm đối với giáo viên gây ra vụ việc này. Cô K.Đ. cũng đã gửi một tin nhắn với nội dung hối lỗi trước sự việc, chỉ vì muốn bé hoàn thiện hơn, trong lúc nóng giận do bé không tập trung học mà xảy ra sự việc không mong muốn.

Luật Trẻ em 2016 sử dụng cụm từ "Bạo lực trẻ em" với định nghĩa đó là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. 

Theo đó, các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em đều bị nghiêm cấm. Khi phát hiện trẻ bị bạo hành cần ngay lập tức báo cho cha mẹ hay người thân của trẻ can thiệp. Trường hợp khẩn cấp thì can thiệp ngay và nhanh chóng tố giác vụ việc đến cơ quan công an, chính quyền địa phương nơi trẻ đang sinh sống, hoặc liên hệ Hội Bảo vệ quyền trẻ em để được trợ giúp.

Sông Tiền - Đức Hà
.
.