Điều ước mùa trăng

Thứ Năm, 01/10/2020, 18:37
Mùa trăng này, những em bé khỏe mạnh được quây quần bên gia đình, được vui Tết trung thu với đèn ông sao, đèn lồng lung linh, với bánh nướng bánh dẻo, quả bưởi quả hồng. Nhưng, cũng mùa trăng này, có không ít những em nhỏ bị bệnh về máu phải ở lại bệnh viện, tay cắm kim truyền và chịu đựng những cơn đau.

Những đứa trẻ đáng thương ấy cần lắm sự quan tâm, sẻ chia và cả những giọt máu hồng để tiếp tục được sống trên cuộc đời này...

Các cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên phòng Cảnh sát Giao thông Công an Thành phố Đà Nẵng tổ chức trung thu cho bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

“Bắt lấy điều ước”

Bé gái có gương mặt thánh thiện, đôi mắt to tròn ấy đang sống hạnh phúc trong tình yêu thương của bố mẹ là những người lao động nghèo. Nhưng, trớ trêu thay em mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh, phải vào viện truyền máu thường xuyên. Mẹ ở viện chăm em, bố chạy xe ôm lấy tiền chữa trị cho con. Cô bé liên tục hỏi bố rằng bao giờ cô khỏi bệnh và được về đi học với các bạn. Người bố vất vả, tất bật chạy xe nhưng vẫn cố cười thật tươi để động viên con gái: “Chỉ cần con chịu khó truyền máu, con sẽ khỏi bệnh, sẽ được đi học”. Những ngày ở viện, dù mệt cô bé vẫn tranh thủ tự làm những chiếc vòng dreamcatcher để tặng mọi người.

“...Con muốn giúp tất cả mọi người, dù là việc nhỏ nhất, vì điều đó sẽ đưa họ tới gần ước mơ của mình hơn” -  cô bé đáng yêu đã nói với mẹ như thế khi đang nằm trên giường bệnh. Có những lúc bệnh tình chuyển biến xấu, cô bé rơi vào tình trạng nguy kịch. Người mẹ nghèo khổ khóc hết nước mắt, người cha gương mặt thẫn thờ khi bác sĩ tiên lượng đến tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, cô bé bỗng trở nên mạnh mẽ và động viên lại bố mẹ. Cô bé nói rằng nếu một ngày mình không còn trên cõi đời này nữa, cô muốn được hiến giác mạc cho một bạn không thể nhìn được để bạn ấy có cơ hội thực hiện những ước mơ của mình.

Đó là những thước phim xúc động trong phim ngắn cộng đồng “Bắt lấy điều ước” do Minh Tít Entertainment và 24 Film thực hiện vừa được ra mắt trên YouTube. Tên phim gợi nhớ đến những hình ảnh chiếc vòng đuổi bắt giấc mơ dreamcatcher trở đi trở lại trên tay cô bé như khơi lên niềm hy vọng về những điều tốt đẹp. Điều tốt đẹp ấy không phải từ trên trời rơi xuống mà do chính mỗi người chúng ta mang lại. Một giọt máu khỏe mạnh mà chúng ta trao đi sẽ khích lệ tinh thần của các bệnh nhi và gia đình các em, khởi lên những niềm hy vọng, niềm tin vào cuộc sống để chống chọi với bệnh tật.

Có lẽ hiếm có một dự án phim nào lại được quyết định và triển khai nhanh như “Bắt lấy điều ước”. Từ khâu lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, quay và hậu kỳ cho phim chỉ vỏn vẹn trong 3 tuần. Dù phải quay vất vả trong một thời gian ngắn và không có lợi nhuận nhưng toàn bộ ê-kíp đã làm việc hết mình để kịp công chiếu trước ngày tổ chức chương trình hiến máu “Lễ hội Trăng hồng”.

Nói về ý tưởng và quá trình thực hiện phim ngắn này, diễn viên Minh Tít (đóng vai người cha) chia sẻ: “Thông qua sản phẩm tâm huyết, đầy chuyên môn của mình, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp kêu gọi hiến máu tới cộng đồng. Chỉ cần từ những hành động nhỏ, chỉ cần một giọt máu của bạn là rất nhiều bệnh nhi có thể kéo dài thêm sự sống - cho đi những giọt máu của mình là cách cho đi ý nghĩa nhất”.

Phim ngắn cộng đồng “Bắt lấy điều ước” cổ vũ cho phong trào hiến máu cứu giúp bệnh nhi dịp Tết Trung thu năm nay.

Cuộc đợi chờ màu đỏ

Bé gái 3 tuổi quê Điện Biên có cái tên rất hay là Bích Diệp. Cách đây 2 tháng, Bích Diệp đột nhiên cảm thấy bụng quặn đau và ho dai dẳng. Tai hại là cơn đau quặn thắt ấy vẫn bám lấy em không dứt. Bỏ dở công việc, bố mẹ đưa em vượt gần 500km xuống Hà Nội khám bệnh. Bác sĩ nói em có vấn đề về máu, phải nhập viện ngay. Và điều tồi tệ nhất đã xảy đến khi bác sĩ chẩn đoán Diệp bị bệnh ung thư máu. Bố mẹ nhìn cô con gái bé nhỏ mà bàng hoàng, lo lắng tột độ khi sự sống mỏng manh ấy có thể đứt lìa bất cứ lúc nào.

Vậy là đã 2 tháng nay, cô bé Diệp phải truyền hóa chất tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nguy cơ thiếu máu, thiếu tiểu cầu hiển hiện trước mắt. Em còn quá nhỏ, chưa thể hiểu được căn bệnh tai ác đang hủy hoại cơ thể. Từng ngày trôi qua, rất nhiều những bệnh nhi như bé Diệp vẫn chờ đợi cho những cơn đau qua đi, chờ đợi nguồn máu và tiểu cầu của người hiến để bù lấp vào cơ thể.

Đối với bà mẹ Đường Thị Nghiệp (dân tộc Thái) có 2 con đều bị tan máu bẩm sinh thì sự mong ngóng còn tăng gấp đôi. Con trai chị là cháu Lò Văn Lơm năm nay 14 tuổi thì đã 12 năm sống chung với việc tiêm truyền. Ngày mang thai đứa con thứ hai, chị mong mỏi đứa bé sinh ra sẽ không mắc bệnh giống anh. Nhưng, khi thấy con gái sinh ra da ngày một vàng, gầy yếu và hay quấy khóc thì chị hiểu rằng điều chị không mong muốn đã xảy ra. Vậy là 7 năm nay, em gái Lò Thị Diệu Linh cũng từ thành phố Sơn La theo mẹ và anh xuống Hà Nội truyền máu và thải sắt.

Có lúc hai anh em cùng hỏi: “Mẹ ơi mẹ có tiền chưa, mẹ đưa con xuống viện truyền máu đi, con mệt lắm”. Lòng người mẹ quặn thắt vì thương con, lại gom nhặt từng đồng đưa con đi viện. 12 năm qua, mẹ con chị Nghiệp ở viện nhiều hơn ở nhà. Lơm ở phòng bệnh nam, Linh ở phòng bệnh nữ. Những lúc con truyền máu, thải sắt, người nóng sốt và mệt mỏi, chị Nghiệp lại tất cả chạy đi chạy lại giữa hai phòng bệnh để chăm các con. Đã có thời điểm quá khó khăn, hai con của chị trông chờ cả vào những bữa cơm từ thiện của bệnh viện. Con đường phía trước đối với ba mẹ con chị Nghiệp có thể rất chênh vênh nhưng sẽ không đơn độc khi có sự đồng hành của những tấm lòng nhân ái san sẻ những giọt máu quý giá cho hai con của chị.

Rất đông các bạn sinh viên và người dân đi hiến máu sáng 28-9 tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

Trăng hồng soi sáng nụ cười em

Một ngày giữa tháng 9-2020, tại tầng 10, Khoa Nhi, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, đã diễn ra lễ đón Trung thu sớm “San sẻ yêu thương, trao em nụ cười”. Đã có một màn múa lân đặc biệt dành tặng các em. Đặc biệt ở chỗ, diễn viên vào vai ông Địa, múa lân hôm đó chính là các cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Đà Nẵng. Thấu hiểu sự thiệt thòi của các em nhỏ ở bệnh viện ít có dịp được vui chơi, “ông Địa áo vàng”, “kỳ lân áo vàng” dù không chuyên nhưng đã hết mình biểu diễn vì bệnh nhi. Những phần quà từ các cô chú công an là chiếc đèn lồng, bánh nướng, bánh dẻo, quả bóng bay đủ sắc màu khiến các em phút chốc như được bay trong thế giới trung thu rực rỡ. Thế giới ấy không có kim tiêm, dây truyền và những cơn đau đang hành hạ, chỉ tràn đầy tiếng cười và niềm vui...

Trăng hồng - sự kiện thiên văn xảy ra khi có hiện tượng siêu trăng, trăng gần trái đất nhất và sáng nhất. Còn với các bệnh nhi bị bệnh máu, Trung thu sáng nhất, ấm áp nhất nhất khi được truyền đủ máu, cơ thể khỏe mạnh, có thể ăn uống và vui chơi, học hành. Xuất phát từ ý nghĩa đó, Chi hội Thanh niên vận động hiến máu 5/12 và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tổ chức chương trình “Lễ hội Trăng hồng” từ ngày 28 đến 30-9 tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, dự kiến tiếp nhận 1.000 đơn vị máu để mang đến cho bệnh nhi những nụ cười rạng rỡ, trọn vẹn.

Bộ phim “Bắt lấy ước mơ” kịp ra mắt khán giả để truyền đi thông điệp ý nghĩa cho đợt vận động hiến máu “Lễ hội Trăng hồng” với biểu tượng là chiếc vòng dreamcatcher để đón bắt những ước mơ đẹp đẽ, xua đi những tăm tối và lạnh lẽo.

Mới sáng sớm ngày 28-9, mà con đường dẫn vào khu hiến máu đã được trang hoàng rực rỡ với đèn ông sao, đèn lồng và những chiếc vòng dreamcatcher xoay xoay trong gió. Tất cả đều được các tình nguyện viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Học viện Tài chính tự tay làm, tỉ mẩn treo lên, gợi một Trung thu ấm áp đang đến thật gần.

Cô bé Bích Diệp (3 tuổi) bị ung thư máu và người cha.

Đông đảo các bạn sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất và Học viện Tài chính, Đại học Y tế công cộng tham gia hiến máu. Đây không phải là lần đầu tiên đôi bạn Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Đình Thi - Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cùng nhau đi hiến máu nhưng cảm giác vẫn không khỏi hồi hộp. Thắng bảo, dịp Trung thu này sẽ dành cho các em nhỏ món quà quý giá nhất, đó là bịch máu để nối dài sự sống cho các em, truyền cho các em nguồn năng lượng của tuổi trẻ.

Chị Đức Thị Thanh Chung (huyện Hoài Đức, Hà Nội) xin nghỉ làm buổi sáng đầu tuần để đi hiến máu. Thật bất ngờ khi chị là người hiến máu thứ 100 của “Lễ hội Trăng hồng”. Chị đã từng chứng kiến một bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh trong những ngày thiếu nguồn máu truyền. Cơ thể nhỏ bé, gầy gò của đứa bé ấy cứ khuỵu xuống không bước nổi, không thể ăn uống, người sốt liên miên và lả đi. Chị cũng có con nhỏ nên chị hiểu nỗi đau của những người mẹ có con bị bệnh máu. Vởi vậy, chị muốn góp những giọt máu của mình cho con của một bà mẹ bất hạnh hơn chị.

Cầm giấy chứng nhận hiến máu trên tay, cô gái Dương Thị Nhiên ở xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, Gia Lai chăm chú đọc đi đọc lại. Từ núi rừng Tây Nguyên, Nhiên lặn lội ra tận Hà Nội học Trường Đại học Y tế công cộng. Cứ nghĩ đến cảnh một em bé đang cần máu điều trị bệnh, được nhận những giọt máu của Nhiên, sẽ khỏe hơn để vui đón Trung thu, Nhiên vui vì mình đã làm được một việc thiết thực cho cộng đồng.

12 triệu người bị bệnh và mang gen bệnh tan máu bẩm sinh

Thalassemia (tan máu bẩm sinh) là bệnh máu di truyền - bẩm sinh phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Bệnh có 2 biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Người bệnh ở mức độ nặng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các triệu chứng nặng như biến dạng xương mặt (trán dô, mũi tẹt), xương giòn, nhiễm trùng, suy tuyến nội tiết, chậm phát triển, dậy thì muộn hoặc không dậy thì, suy gan, sơ gan, suy tim, thậm chí có nguy cơ tử vong. Người bệnh thalassemia phải định kỳ truyền máu (khối hồng cầu), thải sắt và điều trị biến chứng tại các bệnh viện.

Việt Nam có trên 12 triệu người bị bệnh và mang gen bệnh, phân bố ở tất cả các tỉnh/thành phố, ở tất cả các dân tộc, trong đó có trên 20 nghìn người bị thalassemia cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8 nghìn trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó có khoảng 2 nghìn trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai.

Chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Mỗi năm cần có trên 2 nghìn tỷ đồng và khoảng 500 nghìn đơn vị máu an toàn để điều trị cho tất cả bệnh nhân bị thalassemia.

Huyền Châm
.
.