Đời sống công nhân nữ ở một số KCN: Viễn cảnh… ế chồng

Thứ Hai, 06/10/2014, 18:10

1. Đã hơn 9 giờ tối, nhưng trước cửa dãy phòng trọ trong một con hẻm trên đường Trần Đại Nghĩa, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM vẫn còn hàng chục cô gái tuổi chỉ trên dưới 20 ngồi dựa lưng vào tường trên những chiếc ghế nhựa thấp lè tè, hoặc nằm dài trên chiếc giường xếp. Họ là công nhân của một số công ty, xí nghiệp gần đó.

Mai, một cô trong nhóm cho tôi biết: "Trời nóng quá, ở trong nhà chịu không nổi nên tụi cháu ra ngoài cho mát". Một cô khác tên Thủy tiếp lời: "Tiền điện chủ nhà trọ tính mắc lắm chú ơi, mà phòng thì bít bùng, càng mở quạt càng nóng".

Đúng như lời Thủy nói, dãy phòng các cô ở trọ bề ngang chỉ chừng 3 mét, dài 4,5 mét, tường bằng tôn, mái cũng lợp tôn nhưng chứa tới 5, 6 người, còn giá thuê là 2,5 triệu/tháng. Ở góc trong cùng, chủ nhà dựng hai bức vách cao khoảng 1,5 mét, tạo thành một khối hình vuông, có chừa lối đi nhỏ, ngăn ra làm nơi tắm giặt và cũng là chỗ vệ sinh. Phòng không cửa sổ, chỉ có một cửa ra vào bằng sắt hàn kín mít "để phòng ngừa ăn trộm vì mọi người đi làm tối ngày".

Phía trên cánh cửa, cách chừng 30cm là lỗ thông gió nhưng thực chất là miếng tôn ở đó được cắt ra, tạo thành khoảng trống ngang 10cm, dài 20cm nên chả trách sao nó nóng! Nước sinh hoạt ở đây là nước giếng khoan mà theo lời các cô thì "nó vàng khè như nước bã trà".

Mai cho biết cả 4 chị em ở chung phòng trọ với cô đều làm trong một công ty may áo gió xuất khẩu. Hàng ngày họ ra khỏi nhà lúc 6 giờ rưỡi, sau khi điểm tâm bằng vài củ khoai lang luộc hoặc ổ bánh mì trét tí chao cho có vị mặn. Đúng 7 giờ, họ lên ca. 11 giờ 30 phút nghỉ trưa rồi 12 giờ 30 phút làm tiếp tới 5 giờ chiều, mỗi tuần được nghỉ ngày Chủ nhật nhưng mất nguyên buổi sáng vì phải vệ sinh nhà xưởng. Mai nói: "Bữa trưa tụi cháu ăn cơm bình dân, 12 nghìn đồng/phần, còn buổi chiều tự nấu".

Bữa cơm "tự nấu" của các cô thường là 5 cái trứng vịt giá 12.500 đồng, 1 bó rau lang 5.000 đồng hoặc 3 con cá nục giá 18.000 đồng, 1 bó rau muống 5.000 đồng: "Nếu không tăng ca, làm thêm giờ, lương tháng tụi cháu 3,2 triệu đồng. Trừ tiền nhà, tiền ăn, tiền điện nước và các chi phí khác, mỗi tháng may ra còn dư khoảng 500 đến 700 nghìn, còn tháng nào có 2, 3 cái thiệp mời đám cưới thì coi như hết".

Tôi hỏi: “Vậy tối về, các cô giải trí bằng cách nào?”. Mai lè lưỡi nhìn tôi: "Hồi đầu tụi cháu tính hùn nhau mua cái tivi cũ nhưng có tivi thì phải trả thêm tiền điện, nên thôi".

Công nhân nữ ở các khu công nghiệp vẫn chiếm đa số.

Trong nhóm 5 cô, thì Bích là người có chiếc điện thoại di động kết nối được với mạng Internet và phương tiện giải trí của các cô cũng chỉ dựa vào chiếc điện thoại ấy. Mai kể, chủ nhà trọ có lắp wifi nhưng cài đặt chế độ bảo mật, năn nỉ ỉ ôi lắm cậu con trai chủ nhà mới tiết lộ mã khóa.

Cô nói: "Cái gì cũng có giá chú ơi. Thằng đó lâu lâu lại rủ con Bích đi chơi, mà toàn rủ vào mấy quán cà phê tối hù. Không đi thì bữa trước bữa sau nó đổi "bát vợt" (password) là khỏi coi tin tức gì nữa. Còn đi thì nó mò mẫm lung tung, chịu không nổi!".

2. Mai quê ở Trà Vinh, lên TP HCM đã hơn 2 năm. Theo lời cô thì công ty may nơi cô làm việc công nhân hầu hết là nữ, những công ty khác gần đó cũng vậy nên chuyện yêu đương trai gái đối với các cô là chuyện xa vời. Một phần vì buổi chiều về đến nhà trọ ai nấy đều mệt rã rời, cơm nước tắm rửa xong thì lăn ra ngủ để lấy sức ngày mai "cày" tiếp. Phần nữa nếu muốn đi chơi để tìm cơ hội tạo sự quen biết cũng chẳng biết đi đâu, gặp ai. Cả một đoạn đường dài xung quanh chỗ các cô ở trọ, nếu không là nhà xưởng của các công ty, xí nghiệp thì cũng là quán ăn, quán nhậu, quán cà phê, mà vào những nơi đó thì phải có tiền, còn rủ nhau đi dạo lại bị mấy ông hảo ngọt tưởng lầm là… "gái".

Thỉnh thoảng buồn quá, các cô ra một đoạn trên lề đường Trần Đại Nghĩa, nơi người ta bán "xôn" quần áo. Mà cũng chỉ ra coi cho vui chứ chẳng mấy khi mua. Lâu lâu có đoàn ca nhạc tạp kỹ tới quây rạp, diễn ở bãi đất trống gần chợ thì các cô đứng ngoài "nghe chay" vì tiếc tiền mua vé. Tôi hỏi trong các cô, đã ai có người yêu chưa, thì cả 5 cô đều lắc đầu.

Thủy kể: "Hồi đó phòng tụi cháu 6 người nhưng một đứa về quê luôn rồi. Nó yêu một anh "chuyền trưởng" - là người quản lý, kiểm tra một công đoạn may - nhưng anh này bắt cá hai tay. Tới hồi "bể" ra, nó với con nhỏ kia đánh ghen ầm ĩ nên công ty cho nghỉ việc". Bích ngậm ngùi: "Không phải là tụi cháu ham con trai thành phố, hay ham giàu có sang trọng vì tụi cháu đứa học cao nhất cũng chỉ tới lớp 8, sao dám sánh với người ta. Làm 5, 10 năm nữa, dành dụm được ít vốn thì già rồi, chắc tụi cháu ế quá!".

Tôi đùa: "Vậy con trai ông chủ nhà trọ thì sao?". Bích trề môi: "Xí! Nó lợi dụng cháu chứ yêu đương gì. Trong khu nhà trọ này, 10 đứa thì hết 9 đứa nó rủ "cà phê" với nó". Đưa tay chỉ sang một cô đang ngồi hí hoáy nhắn tin trên điện thoại, Bích nói tiếp: "Như con nhỏ này nè, nó có người yêu làm chung công ty nhưng 3 tháng nay, quản đốc phân công làm trái ca nên tụi nó chỉ yêu nhau qua… điện thoại".

Anh Tân, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất quần jean hiệu Leader ở Khu công nghiệp Củ Chi có 200 công nhân, trong đó 179 người là nữ nói: "Hầu hết họ đều mới 19, 20 tuổi nên chuyện "ế" cũng chưa đáng lo" nhưng theo nhận xét của tôi, nếu chỉ đơn thuần làm, ăn, ngủ như nhóm của Mai, Thủy, Bích… thì 10 năm sau, ai dám chắc họ sẽ có một gia đình bình thường như bao người phụ nữ khác!

3. Theo số liệu thống kê, TP HCM hiện có 15 khu công nghiệp, khu chế xuất, và chỉ riêng số công nhân nữ thì đã có khoảng 220 nghìn người, đa số là người từ các tỉnh, thành khác đến, chiếm gần 2/3 so với công nhân nam nên điều này đã dẫn đến hiện tượng mất cân bằng giới tính. Chưa kể 70% trong số họ thiếu hẳn những kiến thức về quan hệ tình dục an toàn nên thường có thai ngoài ý muốn, hoặc nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Trao đổi với tôi, một số giám đốc của các công ty, xí nghiệp đều cùng chung nhận định, là nữ chịu khó và có kỷ luật hơn nam, đồng thời ít vướng vào rượu chè, cờ bạc hoặc tụ tập băng nhóm nhưng ngược lại, do mất cân bằng giới tính nên khá nhiều công nhân nữ đến nay vẫn thui thủi một mình, nhất là những người lớn tuổi và không được… đẹp lắm! Nhìn số công nhân nữ lần lượt bước lên chiếc xe ca 50 chỗ để đến nơi làm việc ở Củ Chi, tôi thấy họ ăn mặc rất giản dị và hầu như không ai trang điểm phấn son.

Một dãy phòng trọ của nữ công nhân. Đời sống kinh tế eo hẹp, họ cân nhắc khi mua từng bó rau, con cá.

Hỏi thăm một cô, cô nói: "Con gái đứa nào chẳng thích làm đẹp, nhưng đẹp với ai khi xung quanh chỉ toàn bạn gái với nhau". Anh Tân cho biết không phải là anh không muốn tuyển công nhân nam, nhưng "nghề may là nghề đòi hỏi sự cần cù, kỹ lưỡng, và công nhân nữ đáp ứng được yêu cầu ấy". Thỉnh thoảng vào dịp lễ tết, anh tổ chức cho công nhân giao lưu với một số công ty bạn ở xung quanh nhưng kết quả cũng chẳng khả quan là mấy vì "cả năm họ mới gặp nhau một lần trong vài tiếng đồng hồ nên số cặp bén duyên nhau ít lắm". Chưa kể do tình trạng gái nhiều hơn trai nên một số công nhân nam, hễ chán cô này thì quay sang tán tỉnh cô khác.

Thiếu thốn tình cảm trai gái, nhiều công nhân nữ cam chịu nhưng không ít cô yêu đại, yêu bừa, sống buông thả hoặc sống với nhau theo kiểu vợ chồng hờ, góp gạo nấu cơm chung. Một khảo sát của Khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, Trường đại học Văn Lang cho thấy, hầu hết nữ công nhân trong độ tuổi từ 18 đến 36, làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP HCM đều đã có quan hệ tình dục, thậm chí có người chỉ quen biết, gặp gỡ nhau vài lần là đã dễ dàng "cho không biếu không".

Ngọc, công nhân thuộc một xưởng bao bì giấy tại Khu công nghiệp Tân Tạo, ở trọ trên đường Bà Hom, quận Bình Tân một bữa ra chợ mua mấy món đồ cần thiết thì bất ngờ có một thanh niên kè chiếc xe tay ga Honda Vision sát cạnh cô, đề nghị cho cô… quá giang! Thoạt đầu, vì chẳng biết anh ta là ai, hơn nữa đoạn đường từ nhà ra chợ cũng không xa lắm nên Ngọc từ chối. Ai dè tới hồi mua xong, bước ra, cô thấy anh ta đậu xe ở cổng chợ, chờ cô. Xiêu lòng, Ngọc đồng ý để anh ta chở cô về. Ngọc kể: "Trên xe, ảnh nói là ảnh để ý em lâu rồi. Bữa nào em đi làm ra, ảnh cũng đứng bên kia đường tìm em để nhìn một chút cho đỡ nhớ".

Ngày qua tháng lại, đón đưa hò hẹn, Ngọc và anh chàng nọ yêu nhau. Bạn bè làm chung người mừng cho cô, người ao ước đến một bữa nào đó, mình cũng được như Ngọc nhưng có điều không ngờ là yêu nhau suốt 6 tháng, Ngọc vẫn chẳng rõ anh chàng kia nhà cửa ở đâu, chỉ nghe nói anh ta là thợ máy. Tất cả những điều Ngọc biết về "người yêu" chỉ là số điện thoại: "Bây giờ nghĩ lại em thấy mình ngu quá. Có lẽ một phần vì em đã 27 tuổi, sợ không lấy được chồng, phần nữa em tin anh ta thiệt tình với em…".

Và "niềm tin" ấy đã phải trả giá. Khi biết Ngọc có thai, người yêu cô lúc đầu hứa hẹn nhưng rồi sau đó anh ta lặn không sủi tăm. Còn số điện thoại bây giờ chỉ còn là những tiếng tò tí te. Bụng chửa vượt mặt nhưng Ngọc vẫn đi làm vì "tháng sau nghỉ sanh, em cần có tiền để lo liệu".  Chẳng hiểu đứa bé ấy rồi sẽ ra sao khi mà lương tháng của Ngọc chỉ xấp xỉ 2,8 triệu đồng.

Theo lời kể của một số công nhân nữ mà tôi tiếp xúc, lợi dụng sự thiếu thốn tình cảm, đã xuất hiện những tay chuyên đi "câu". Chiêu làm quen của những tay này là sau khi chấm được con mồi thì đến giờ tan ca, gã lượn xe máy đến, làm bộ hỏi thăm về một "đứa em, đứa cháu" vô hình nào đó làm trong công ty. Khi con mồi trả lời không biết, gã đưa đẩy bằng cách hỏi thăm quê quán rồi nhận là… đồng hương dù rằng gã dân Sài Gòn, còn cô gái kia ở mãi tuốt Rạch Giá!

Liễu, làm việc tại một công ty sản xuất đồ gia dụng ở Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh kể: "Con bạn em tên Vân đã từng bị lừa. Bữa đó nó ra chợ mua ống kem đánh răng thì có một thằng cũng đến mua nhưng nó trả tiền luôn cho cả hai rồi mời bạn em đi uống nước. Đâu được chừng một tháng, nhiều đêm bạn em bỏ nhà trọ đi với nó, mờ sáng mới về. Lúc vào xưởng, vừa làm nó vừa ngáp lên ngáp xuống. Em khuyên nó thì nó nói em lo chuyện bao đồng".

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, cũng chỉ hơn tháng sau, khu nhà trọ chẳng ai còn nhìn thấy gã thanh niên tóc nhuộm vàng hoe, cưỡi xe Exciter đến đón Vân nữa, nhưng may mắn là Vân không dính bầu. Đôi lần có người tò mò hỏi thăm thì Vân cáu kỉnh: "Chuyện của tui, mắc mớ gì tới mấy chị"!.

4. Để "săn" công nhân nữ, nhiều gã trai biết cách đánh vào tâm lý của họ. Ở Khu công nghiệp Linh Trung, quận Thủ Đức, mấy bà bán bánh mì, bún, cháo bên lề đường quá rành với một gã tên Sang, biệt danh Sang “sát thủ". Kỳ thực là gã chả giết ai, mà "sát" ở đây là "sát gái". Do đã từng có thời làm việc trong một công ty chuyên sản xuất linh kiện máy chụp hình của Nhật Bản, do ăn cắp nên Sang bị đuổi -  nay chuyển qua làm "cò" bắt khách cho mấy chiếc xe dù nên Sang khá rành về nhân sự công ty. Bà Tư bánh mì cho biết: "Hễ thấy có công nhân mới vào làm thì nó lân la làm quen nhưng nó nói nó tên Lâm vì sợ nói tên Sang thì bể dĩa".

Khi đã quen, ngoài việc đưa đón, thỉnh thoảng chở đi ăn uống, mua cho một số đồ lặt vặt như xà bông, kem đánh răng, khăn mặt, Sang kể vanh vách quản đốc công ty tên gì, kỹ sư phụ trách khâu nọ, khâu kia là ai, rồi hứa hẹn "anh sẽ nói với mấy "ông anh" trong đó, bố trí cho em công việc tốt hơn, lương cao hơn", hoặc "cả khu này, nhà trọ nào anh cũng quen. Để anh kiếm cho em chỗ ở ngon lành, giá rẻ, thiếu bao nhiêu anh bù".

Mới chân ướt chân ráo từ quê vào  thành phố, người thân, gia đình không có, nay gặp được bạn trai thông thạo đường đi nước bước, lại tốt bụng nên chả trách nhiều cô "dính chấu". Vẫn theo lời bà Tư bánh mì thì "từ hồi tui biết nó tới nay, đã không dưới 20  đứa con gái qua tay thằng đó. Hễ chán đứa này thì nó quay sang tán đứa khác…"

Vũ Cao
.
.