Đổi thay bên con kênh Hàng Bàng

Chủ Nhật, 08/09/2019, 12:30
Kênh Hàng Bàng chảy ngang Chợ Lớn xưa kia là con đường thủy thông thương hàng hóa, ghe lái thương hồ thường xuyên vận chuyển hàng từ các miền Đông - Tây về Chợ Lớn.

Cảnh “trên bến dưới thuyền” không còn nữa từ khi Pháp quyết định san lấp con kênh này để biến thành đường bộ. Từ độ đó dọc tuyến đường bộ này (nay là đường Bãi Sậy và Phan Văn Khỏe, tiếp giáp giữa quận 5 và quận 6, TP Hồ Chí Minh) là hàng trăm căn nhà lụp xụp mọc lên, lấn chiếm toàn bộ con kênh.

Hiện tại những gì còn sót lại của con kênh là những rạch nước nhỏ với đầy rẫy rác thải. Dân ở đây tập trung nhiều thành phần, trong đó buôn bán có, tội phạm, ma túy xì ke cũng có. Năm 2017, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định khôi phục lại dòng kênh Hàng Bàng để giải quyết tình trạng ô nhiễm và làm chỗ lưu thoát nước, chống ngập. Mặc dù trong giai đoạn đầu khôi phục nhưng con kênh Hàng Bàng đã đem lại nhiều tín hiệu hồi sinh, giúp người dân có một cuộc sống trong lành hơn…

Cầu Ba Cẳng bắt một nhánh qua kênh Hàng Bàng nơi lưu dấu tích của những băng nhóm giang hồ (ảnh tư liệu).

Ngày trước, kênh Hàng Bàng còn được gọi là rạch Bãi Sậy (người Pháp gọi là Canal Bonard hoặc Arroyo Chinois) nằm giữa kênh Tàu Hủ và rạch Chợ Lớn, nhưng nhỏ hơn. Đoạn kênh nối giữa rạch Lò Gốm (quận 5) đến kênh Vạn Tượng (nay là đường Vạn Tượng, quận 5) dài khoảng 1.400m, hiện chỉ còn một đoạn rất ngắn khoảng 30m, rộng 3m phía sau chợ Kim Biên nhưng đầy rác thải.

Vì chảy thẳng một đường đến phía sau Chợ Lớn nên hai bên bờ sông luôn có hàng trăm ghe thuyền của các thương lái ngày đêm vận chuyển, giao dịch hàng hóa. Gắn liền với con kênh Hàng Bàng vùng Chợ Lớn này là câu chuyện các “bô lão” sống ở mảnh đất này từ nhiều đời thường kể cho nhau nghe trong lúc nhâm nhi bên tách trà. Đó là chuyện những con kênh tạo ra sức bật kinh tế vùng Chợ Lớn một thời, khi đó kinh tế nơi này được sánh ngang với Hồng Công hay Singapore.

Cũng từ dòng kênh Hàng Bàng này mà câu chuyện truyền kỳ về người bán ve chai Quách Đàm trở thành đại phú gia, bỏ tiền xây chợ Bình Tây (Chợ Lớn) và các dãy nhà phố dọc các tuyến kênh này cũng được kể lại. Xưa Quách Đàm khởi nghiệp từ căn nhà thuê bên kênh Hàng Bàng bằng nghề buôn bán ve chai sau đó phất lên. Quách Đàm rất tin vào thuật phong thủy nên khi con kênh Hàng Bàng bị san lấp, Quách Đàm cho rằng long mạch bị đứt, làm ăn lụn bại nên không tiếp tục làm ăn lớn.

Chạy dọc con kênh Hàng Bàng này là những cây cầu gắn liền với vùng Chợ Lớn, trong đó nổi tiếng nhất là cây cầu Ba Cẳng, nơi có những dân chơi đúng chất “cầu Ba Cẳng”- có nghĩa là có chơi mà không có chịu - còn truyền tụng đến ngày nay. Dân chơi cầu Ba Cẳng không có được đẳng cấp như dân chơi Sài Gòn. Lão Sanh (79 tuổi) một người dân sống tại khu cầu Ba Cẳng (phường 13, quận 5) chỉ cho biết tên tục của mình mà không nói tên thật, giọng lơ lớ kể chuyện, thở hổn hển kể chuyện nhưng được cái câu chuyện tạo ra sức hào hứng cho những người xung quanh.

Lão kể, thời đó khu vực này làm ăn sầm uất nên giang hồ cũng nhiều, mỗi nơi có một đám cát cứ một khu thu tiền bảo kê, lừa đảo móc túi. Tuy nói giang hồ nhưng các nhóm này không bao giờ đứng ra đối đầu nhau mà chỉ lén lút “đâm sau lưng” khi có dịp. Trong giới giang hồ còn đồn đại, một trong những nhóm bảo kê nổi tiếng khu vực này những năm 1950 là Mã Ban. Cha Mã Ban chết khi Mã Ban còn nhỏ, mẹ Mã Ban phải đi ở đợ cho một gia đình giàu có để lấy tiền cho Mã Ban ăn học.

Một đoạn kênh Hàng Bàng vừa được khôi phục khang trang, sạch sẽ, thoáng đãng.

Nhưng sống ở khu coi trọng việc buôn bán hơn học hành, bè đảng nhiều hơn học sinh đến lớp nên Mã Ban bỏ học, thu thập một số đàn em dưới trướng tổ chức bảo kê. Có tiền Mã Ban lao vào ăn chơi và lấy được cô vợ con của một thương gia người Hoa. Có thế dựa, Mã Ban từ một tay bảo kê trở thành cảnh sát. Ở cái khu mà giang hồ và cảnh sát coi nhau như mặt trăng với mặt trời thì việc Mã Ban thành cảnh sát khiến đám lâu la xưa nay theo Mã Ban không phục nên cả nhóm tìm kẻ có máu mặt hơn để tung hê lên làm đại ca.

Nhưng đó là dưới thời chế độ cũ. Rạch Hàng Bàng bị lấp, một nhánh cầu ba cẳng nối với kênh Hàng Bàng bị phá, năm 1990, cây cầu Ba Cẳng xuống cấp, bị tháo dỡ, nơi cát cứ của nhiều nhóm giang hồ không còn. Lớp bị bắt, lớp tìm chốn khác mưu sinh nên chẳng còn ai nghe thấy tiếng tăm của nhóm giang hồ nào nữa.

Trở lại con kênh Hàng Bàng đang được TP Hồ Chí Minh đầu tư khôi phục. Một đoạn kênh Hàng Bàng dài 390m từ kênh Lò Gốm đến đường Minh Phụng (quận 6) đã được thi công hoàn tất. Để thi công hết tuyến kênh dài gần 2km này, gần 500 căn nhà dân 2 bên đường Bãi Sậy và Phan Văn Khỏe phải giải tỏa.

Chạy dọc 2 tuyến đường này chúng tôi ghi nhận nhiều người vẫn cố nán lại căn nhà trong diện giải tỏa của mình để tiếp tục cuộc sống mưu sinh. Những căn nhà mà chủ nhà đã nhận tiền bồi thường di dời đi được đập phá nham nhở, lỗ chỗ. Những nơi này vô tình biến thành những bãi rác lộ thiên, rác được người dân ném vào chất cao như núi.

Con kênh Hàng Bàng ngày xưa là đường giao thông thủy nơi tấp nập ghe thuyền, cảnh buôn bán xôm tụ (ảnh tư liệu).

Men theo con rạch nhỏ còn sót lại của kênh Hàng Bàng, không khí ô nhiễm càng nặng nề hơn. Rác thải và bịch nilon hòa quyện lại với nhau tạo ra mùi xú uế đặc quánh. Một số nhà dân thải thẳng chất thải từ trong nhà mình ra con kênh không lối thoát nước này. Một số điểm được giải tỏa phục vụ thi công được rào chắn lại nhưng cỏ mọc um tùm.

Nhiều người sống ở những đoạn kênh này cho hay, đơn vị thi công rào chắn là để dân không ném rác vào còn việc thi công ngày làm ngày nghỉ. Chị Thẩn, bán thuốc lá tại khu vực này cho biết, việc giải tỏa không đồng bộ, người dân chưa di dời trả mặt bằng nên mới có việc những khu vực này biến thành bãi rác, nơi tụ tập của các con nghiện.

Việc giải tỏa khu vực này ngoài việc khôi phục lại con kênh Hàng Bàng còn có thêm một điểm tích cực khác đó là xóa bỏ tình trạng mất an ninh trật tự tại khu vực này. Tại đường Bãi Sậy, nhiều vụ án nghiêm trọng đã xảy ra, điển hình hồi tháng 4-2016, chỉ vì mâu thuẫn trong việc đá gà, nhóm Huỳnh Quốc Hùng (tự Bé Hai, SN 1982), Trần Quốc Toản (thường gọi Bé An, SN 1994), Trần Tấn Phát (tự Phước, SN 1999, cùng ngụ hẻm 454 Hậu Giang, phường 12, quận 6) và Nguyễn Thế Tâm đã sử dụng mã tấu truy sát khiến 4 người trong nhà Văn Thế T (ngụ Bãi Sậy, phường 1, quận 6) bị thương tích.

Các căn nhà bị giải tỏa để làm các đoạn kênh Hàng Bàng còn lại bị người dân biến thành bãi rác.

Theo những người dân sống tại khu vực, căn nhà sát bên kênh Hàng Bàng cũ là của gia đình T. (tên thường gọi là Tám), chuyên nuôi gà đá. Hôm đó T. ôm “chiến kê” của mình đến khu vực chợ Gà (đường Tân Hưng, phường 15, quận 5) rủ Bé Hai đem gà ra tỷ thí với giá cá cược là 500 ngàn đồng. Sau vài đòn cước, gà của Bé Hai thảm bại trước “chiến kê” của T. Thắng trận, T. hí hửng cầm tiền độ và “chiến kê” của mình về nhà.

Không cam tâm vì gà của mình chinh chiến nhiều trận bất bại lại bại dưới “chiến kê” của T. nên Bé Hai quyết định “phẫu thuật” gà của mình. Thấy gà chiến của mình bị nhiều vết thương hở, Bé Hai nghĩ T. chơi gian lận nên gọi điện kêu nhóm anh em của mình đi tìm T. Cả nhóm bỏ mã tấu vào giỏ đệm và tìm đến nhà T.

Sau khi đôi co, nhóm Bé Hai rút hung khí xông vào truy sát T. Người nhà T. chạy ra can ngăn thì bị nhóm Bé Hai chém trọng thương. Công an quận 6 sau nhiều ngày truy xét, lần theo dấu vết về tận Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang… mới bắt hết các đối tượng.

Một vài đoạn kênh Hàng Bàng sau khi bị san lấp lấn chiếm chứa đầy rác thải, mùi hôi thối xú uế bốc lên nồng nặc.

Cũng theo lời kể của những người dân cư ngụ ở trên tuyến kênh Hàng Bàng cũ, nhiều vụ mất trộm lớn đã xảy ra, đáng chú ý nhất là vụ một công ty trên đường Bãi Sậy bị các đối tượng lật mái tôn đột nhập vào trong lục tủ lấy đi hơn 3 tỷ đồng. Còn các đối tượng lẩn trốn bên dưới mé kênh chích hút, buôn bán ma túy liên tục bị Công an các phường và các tổ hình sự -Công an TP. Hồ Chí Minh phát hiện bắt giữ. Có đối tượng bị phát hiện nhảy xuống đàm sình đầy rác thải của kênh lẩn trốn nhưng cũng không thoát.

Quay về đoạn kênh Hàng Bàng vừa mới được khôi phục, dòng nước dưới kênh trong xanh không có rác thải. Trên bờ, công nhân vệ sinh liên tục nhặt rác và nhắc nhở người vui chơi dọc 2 bên bờ kênh bỏ rác đúng nơi quy định. Nơi này trước đây là điểm tụ họp nhậu nhẹt của những người lao động chân tay, nơi phóng uế, xả rác, chích hút khiến người dân sống ở đây luôn trong tình trạng bất an.

Dọc 2 bên bờ kênh hàng cây tỏa bóng mát dịu, những khuôn viên nhỏ được thiết kế bên trên bờ kênh. Các trò chơi vận động, tập thể dục, trò chơi cho trẻ em được lắp đặt tạo ra một sân chơi mới cho người dân sống dọc 2 bên con kênh và những người dân lân cận mỗi khi rảnh rỗi. Chiều đến nhiều người chọn nơi đây là điểm đánh cầu đánh cờ tướng.

Thấy chúng tôi giơ máy chụp hình, ông cụ đang tập thể dục trên bờ kênh hồ hởi nói bằng giọng lơ lớ: “Chụp đi, đẹp lắm đó!”. Ông cụ gần 80 tuổi này cho biết sống cả đời bên dòng kênh này, chứng kiến không biết bao nhiêu sự đổi thay từ việc con kênh ngập rác rồi bị san lấp rồi đến khi nó phục hồi lại trong xanh, thoáng đãng.

Nhóm đối tượng bị bắt tại đường Bãi Sậy vì truy sát 4 người bị thương do mâu thuẫn đá gà.

“Cả đời gắn bó với con kênh Hàng Bàng này, nay tôi mới được chứng kiến lúc nó đẹp nhất, trong sạch nhất! Giờ nhà nước chỉnh trang khôi phục lại giúp người dân sống 2 bên kênh Hàng Bàng có không khí trong lành hơn, không bị ô nhiễm.

Một viễn cảnh thoáng đãng giúp người dân quận 5, quận 6 có một con kênh Hàng Bàng xanh mát chảy qua giúp không gian dịu mát ở một nơi buôn bán tấp nập náo nhiệt này khiến người dân khấp khởi mừng. Sẽ không còn cảnh các đối tượng lấm lét, tụ tập chích hút trên dòng kênh đầy rẫy rác thải, muỗi mòng.

Sẽ không còn hình ảnh những căn nhà sập xệ, nơi tụ tập, lẩn trốn của những đối tượng phạm pháp. Con kênh Hàng Bàng ngày xưa sẽ phục hồi, sẽ đổi thay, sẽ trở lại trong ký ức của người dân vùng đất Chợ Lớn.

Huyền Đức - P.Tuyền
.
.