Đồng chí Trần Đại Quang và dấu ấn từ các vụ án lớn
- Một vài hồi tưởng về đồng chí Trần Đại Quang với công tác giáo dục, đào tạo của lực lượng Công an
- Dấu ấn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong hoạt động của ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương
Giai đoạn đồng chí Trần Đại Quang làm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2011-2016, có rất nhiều vụ án nghiêm trọng đã được khám phá thành công, gây nức lòng người dân cả nước. Và nó cũng mang đậm dấu ấn của người “thuyền trưởng” Trần Đại Quang, thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, trí tuệ của người đứng đầu Bộ Công an.
Chống tham nhũng không có vùng cấm
Năm 2012, khi đại án tham nhũng, sai phạm kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinalines) được phát hiện, điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là chủ mưu Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch Vinalines) đang giữ chức Cục trưởng Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) đã bỏ trốn ngay khi vụ án được khởi tố. Lệnh bắt được ban hành.
Ngay sau khi Dương Chí Dũng bỏ trốn, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Hàng không, các hãng hàng không, bến cảng, hải cảng để phong tỏa việc trốn chạy của bị can...
Ngày 18-5-2012, cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt số 01/C48-P2 trong toàn quốc, đồng thời phối hợp với Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng. Ngày 31-5-2012, lãnh đạo Bộ Công an quyết định cho thành lập ban chuyên án, huy động các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và lực lượng công an toàn quốc tham gia truy bắt đối tượng.
Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo tại cuộc họp Ban chuyên án vụ Vinashin. |
Đồng thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ban chuyên án kêu gọi quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm, hỗ trợ và phối hợp với lực lượng công an truy bắt đối tượng. Đến ngày 4-9-2015, Dương Chí Dũng đã bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ.
Tuy nhiên, việc bỏ trốn ra nước ngoài của Dương Chí Dũng đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận, bởi nhiều người cho rằng, liệu có sự bao che hay tạo điều kiện của cơ quan bảo vệ pháp luật? Nhằm làm sáng tỏ bản chất của vụ việc, thể hiện sự công minh của pháp luật, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã giao nhiệm vụ cho cơ quan An ninh điều tra vào cuộc. Với nỗ lực và sự công tâm, sau gần 1 năm, các điều tra viên đã bóc gỡ được toàn bộ nhóm đối tượng tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài.
Cầm đầu đường dây này chính là Dương Tự Trọng, khi đó là Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, em trai của Dương Chí Dũng. Lãnh đạo Bộ Công an kiên quyết chỉ đạo loại bỏ những “con sâu” như vậy, nhằm làm trong sạch lực lượng công an và củng cố niềm tin của người dân.
Vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Vinashin đã được đưa ra xét xử phúc thẩm vào tháng 8-2012. Các bản án đã có hiệu lực thi hành đối với Phạm Thanh Bình và đồng phạm. Tuy nhiên, khi phần 1 của vụ án khép lại thì với cơ quan điều tra, vẫn còn rất nhiều việc phải làm bởi còn một số đối tượng liên quan trong vụ án bỏ trốn, kéo theo số tiền, tài sản lớn của Nhà nước rơi vào tay đối tượng tham nhũng chưa được thu hồi, kẻ tham nhũng chưa bị xử lý, trừng phạt.
Sau đó, cơ quan An ninh điều tra đã mở rộng điều tra, truy bắt được đối tượng Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng Phòng kinh doanh Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Tập đoàn Vinashin (gọi tắt Vinashinlines). Đây là một chiến công đặc biệt xuất sắc, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ của cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an dưới sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Trong nhiều cuộc họp của cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chỉ rõ, việc mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng còn bỏ trốn trong vụ án Vinashin, trong đó có đối tượng Giang Kim Đạt là yêu cầu quan trọng. Quá trình điều tra, cần phải tính toán các biện pháp vừa đảm bảo việc bắt giữ thành công, vừa thu hồi được tài sản cho Nhà nước.
Đồng chí Trần Đại Quang đến hiện trường vụ trọng án ở Bình Phước, thăm hỏi gia đình nạn nhân và chỉ đạo phá án. |
Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Việc điều tra, mở rộng vụ án phải đảm bảo tính hiệu quả, triệt để. Còn một đối tượng bỏ trốn, còn những khoản tiền của Nhà nước trong vụ án bị thất thoát là chúng ta còn mắc nợ với Đảng, với nhân dân. Tôi tin, xuất phát từ động lực như vậy, với năng lực, cộng với tinh thần trách nhiệm, các đồng chí sẽ hóa giải được phần còn lại của vụ án, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân”.
Sự chỉ đạo, động viên của đồng chí Bộ trưởng tiếp thêm sức mạnh cho các thành viên ban chuyên án và từng nút thắt khó khăn đã được hóa giải. Chính điều đó cùng sự phối hợp chặt chẽ, sự tham gia tích cực của lực lượng chức năng nước bạn, đến ngày 7-7-2015, tức sau 1.825 ngày đêm kiên trì, Giang Kim Đạt đã sa lưới. Thành công của việc bắt giữ Đạt còn thể hiện ở chỗ đã thu hồi được số tài sản lớn, gần 20 triệu USD và một số tài sản khác.
Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng, đồng chí Trần Đại Quang còn chỉ đạo quyết liệt các cơ quan điều tra khám phá các đại án kinh tế như vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vụ Huỳnh Thị Huyền Như cố ý làm trái với số tiền sai phạm gần 4.000 tỷ đồng; vụ tham nhũng xảy ra ở Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam; vụ án Hà Văn Thắm... Ông luôn khẳng định trong các diễn đàn của Quốc hội cũng như các cuộc họp quan trọng: "Chống tham nhũng không có vùng cấm"...
Kịp thời chỉ đạo phá những vụ án hình sự gây rúng động dư luận
Không chỉ ghi dấu ấn trong việc chỉ đạo các vụ án kinh tế, tham nhũng, Bộ trưởng Trần Đại Quang luôn có mặt, trực tiếp chỉ đạo sát sao những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, gây rúng động dư luận.
11h ngày 8-7-2015, người dân ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành (Bình Phước) rất cảm động khi thấy Bộ trưởng Trần Đại Quang đã trực tiếp đến hiện trường vụ án và cũng là nơi tổ chức tang lễ cho 6 nạn nhân xấu số để thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân cố gắng vượt qua nỗi đau. Trước khi vào viếng đám tang, Bộ trưởng đã chỉ đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước và lực lượng Công an tỉnh cần lo chu đáo cho đám tang.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo lực lượng Công an: "Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành phối hợp, vận động quần chúng tổ chức thăm hỏi, động viên thân nhân gia đình người bị hại, tập trung hỗ trợ giải quyết thương vong đối với các nạn nhân bị chết của gia đình bị hại, ổn định tư tưởng quần chúng. Tăng cường phát động quần chúng tố giác tội phạm, phát hiện dấu hiệu nghi vấn liên quan đến vụ án mạng để cung cấp cho cơ quan điều tra, phục vụ cho công tác điều tra, truy xét đối tượng phạm tội".
Đồng chí Trần Đại Quang với các thành viên Ban Chuyên án điều tra, truy bắt đối tượng Giang Kim Đạt. |
Bộ trưởng giao Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra cử lãnh đạo, cán bộ điều tra có kinh nghiệm vào phối hợp với công an địa phương triển khai các biện pháp công tác điều tra vụ án.
Cũng trong tháng 7-2015, một vụ thảm sát khác đã xảy ra tại bản Phồng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, làm 4 người chết, trong đó có 1 cháu bé 8 tháng tuổi, khiến dư luận hết sức căm phẫn. Ngày 18-7-2015, Bộ trưởng Trần Đại Quang và Thứ trưởng Lê Quý Vương đã họp, nghe và trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo công tác điều tra vụ án.
Sau khi nghe các lực lượng điều tra báo cáo, đồng chí Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao Công an tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, khám phá vụ án và sự hỗ trợ có hiệu quả Tổng cục Cảnh sát trong quá trình điều tra.
Bộ trưởng Trần Đại Quang yêu cầu Tổng cục Cảnh sát và Công an tỉnh Nghệ An cần tập trung lực lượng, phương tiện nghiên cứu kỹ hiện trường, thu thập chứng cứ, dấu vết, đánh giá đối tượng để nhanh chóng điều tra, bắt giữ thủ phạm, xử lí nghiêm trước pháp luật, góp phần ổn định tình hình; làm tốt công tác tư tưởng để nhân dân yên tâm lao động, sản xuất; vận động nhân dân cung cấp thông tin, tố giác tội phạm. Công an tỉnh Nghệ An cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ gia đình nạn nhân để họ vượt qua khó khăn, mất mát.
Đồng chí Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường các trinh sát, điều tra viên có kinh nghiệm và các đơn vị kỹ thuật nghiệp vụ vào hỗ trợ Công an tỉnh Nghệ An điều tra vụ án; khẳng định dù khó khăn, vất vả đến đâu, lực lượng công an sẽ bằng mọi cách sớm tìm ra kẻ thủ ác, góp phần ổn định tình hình chính trị ở địa phương, răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Và chỉ 1 ngày sau khi cuộc họp chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng diễn ra, các lực lượng điều tra đã bắt giữ được đối tượng gây ra vụ thảm sát ở bản Phồng là Vi Văn Hai. Chiến công trên một lần nữa ghi dấu ấn trong lòng người dân cả nước bởi sự tận tụy, trách nhiệm và trí tuệ của lực lượng công an.
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, khi báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết ngành Công an cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm, các vụ án còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra.
Ông cũng khẳng định những trường hợp vi phạm và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan điều tra để xảy ra oan sai hoặc bức cung, nhục hình được xử lý nghiêm.