Gặp lại người đàn ông bị đồng nghiệp tẩm xăng đốt
- Hai đối tượng tạt xăng đốt đoàn cưỡng chế ra đầu thú
- Cuộc sống của cô gái sau 4 năm bị chồng tạt xăng thiêu sống
- Ghen tuông, U50 tạt xăng đốt chồng hờ tử vong
Mồi lửa oan nghiệt
Vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án “Giết người” đối với Đinh Khắc Quý (sinh năm 1992, trú TP Vinh, Nghệ An). Trước đó, Quý và anh Sơn vốn là đồng nghiệp cùng làm trong một công ty chuyên về vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại TP Vinh.
Theo cáo trạng, tháng 3-2020, anh Sơn vay của Quý 2,5 triệu đồng nhưng do sau đó chưa có tiền trả nên anh Sơn khất nợ Quý nhiều lần. Chiều 6-7-2020, anh Sơn đã chuyển khoản trả Quý 2 triệu, số còn lại anh Sơn hứa sẽ đưa tiền mặt. Do vậy, khoảng 13h ngày 6-7, Quý chở em trai đến nơi anh Sơn làm việc để lấy tiền. Khi gặp anh Sơn, hai bên xảy ra cãi vã dẫn đến xô xát nhưng được những người xung quanh can ngăn.
Anh Sơn với khuôn mặt biến dạng. |
Cứ tưởng mọi chuyện như vậy là dừng lại, ai ngờ ngay lúc đó Quý chạy lại xe, cầm chai xăng (Quý khai mua về cho mẹ - PV) rồi hất thẳng vào người anh Sơn và châm lửa đốt. Sự việc diễn ra quá bất ngờ khiến những người có mặt tại hiện trường trở tay không kịp. Ngọn lửa bốc lên, bao trùm người anh Sơn khiến nạn nhân lao vào vệ đường, lăn lộn để dập lửa. Khi người dân dập tắt lửa thì anh Sơn đã rơi vào hôn mê do bị bỏng nặng khắp người và mặt. Trải qua quá trình dài cấp cứu, điều trị tại bệnh viện, anh Sơn đã giữ được mạng sống nhưng bị tổn hại đến 68% sức khỏe.
Trong phiên xét xử, bị cáo Đinh Khắc Quý tỏ ra vô cùng hối hận về hành động nông nổi, bột phát và tàn nhẫn của mình. Quý trần tình: “Bị cáo biết bị cáo sai nhiều lắm rồi. Những tháng ở tù, bị cáo đã suy nghĩ rất nhiều về hành động của mình và vô cùng hối hận”. Khi được hỏi lý do vì sao lại ra tay tàn độc với đồng nghiệp như vậy thì Quý lý giải rằng “do thấy Sơn tỏ thái độ nên mới uất ức mà ra tay”.
Tuy nhiên, khi nghe Quý nói vậy anh Sơn đã phản bác và cho rằng lời khai của bị cáo là chưa chính xác. Nạn nhân trình bày rằng: “Trước khi sự việc xảy ra khoảng 30 phút, tôi đã trả cho anh Quý 2 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng, còn 500 nghìn đồng đang chạy về nhà lấy. Vừa ra khỏi cổng công ty thì bị anh Quý ném mũ bảo hiểm vào người nên tôi hoảng sợ, bỏ chạy chứ không phải là trốn nợ như anh Quý nói”.
Đã túng lại thêm khó
Bỗng dưng bị biến thành “ngọn đuốc sống”, anh Sơn mê man suốt một tháng trời trong phòng cấp cứu. Để giúp anh Sơn giữ được tính mạng, gia đình đã cầm cố tài sản, vay mượn số tiền hơn 1 tỷ đồng để điều trị. Di chứng vụ bỏng khiến nạn nhân không còn khả năng lao động, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ người thân giúp đỡ. Việc điều trị để phục hồi các chức năng vận động cũng như sức khỏe và các yếu tố thẩm mỹ của anh Sơn hiện vẫn đang phải tiếp tục với chi phí hết sức tốn kém.
Cơ thể bị tổn thương 68% khiến anh Sơn không thể tự chăm sóc bản thân. |
Có mặt tại phiên xét xử kẻ ra tay thiêu sống con trai mình, mẹ anh Sơn không giữ được bình tĩnh. Bà cho biết: “Mấy tháng trời con tôi nằm viện không biết sống chết thế nào nhưng gia đình Quý chỉ đến bệnh viện thăm đúng 1 lần và đưa cho gia đình tôi 18 triệu gọi là bồi thường. Số tiền đó so với chi phí điều trị hậu quả do Quý gây ra cho con tôi chỉ như muối bỏ biển”.
Khi nạn nhân yêu cầu Quý bồi thường toàn bộ chi phí thuốc men điều trị gần 1,1 tỷ đồng, bị cáo này đã đồng ý nhưng mong muốn được “giảm nhẹ một phần tiền” do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trước tội ác mà Đinh Khắc Quý gây ra với đồng nghiệp, hội đồng xét xử tuyên phạt Quý 16 năm tù, buộc phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị, tổn hại sức khỏe, tinh thần theo yêu cầu của bị hại.
Chỉ mong có thể tự chăm sóc bản thân
Những ngày hè nắng cháy da cháy thịt, mồ hôi tiết ra khiến nhiều vết thương chưa liền sẹo trên cơ thể anh Sơn đau nhói. Anh bảo, mùa đông nó đau một kiểu, mùa hè nó lại đau kiểu khác. Từ lúc anh bị người ta tẩm xăng đốt gần một năm qua nhưng chưa khi nào anh hết đau nhức. Trên cổ quấn lớp băng bảo vệ khiến cổ anh hơi gập ra phía sau, làm cho khuôn mặt hất lên. Những vết sẹo đỏ ửng, xây xước, đôi chỗ mưng mủ. Phần da trên cơ thể bị co rút, nham nhở gây ám ảnh cho người mới gặp lần đầu.
Bức ảnh chụp gia đình nhỏ trước khi anh Sơn gặp nạn. |
Nhìn bức ảnh cưới anh Sơn chụp cùng vợ treo trên tường khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Bởi lẽ, người đàn ông trong ảnh và người đàn ông ngoài đời thật lúc này chẳng có chút liên quan nào đến nhau. Cho đến tận bây giờ, anh Sơn vẫn không thể nào quên được cảm giác mình bị hắt xăng vào người rồi đốt sống như một bó đuốc. “Nó nóng khủng khiếp lắm, cổ họng em tắc nghẽn, không thở được, cảm giác như ai móc cả tim gan mình ra. Sau đó thì em không biết gì nữa.
Phải mất hơn một tháng sau anh Sơn mới tỉnh lại. Nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, ước mơ duy nhất của người đàn ông này lúc đó là làm cách nào có thể tự kết liễu đời mình. “Thực sự sau khi tỉnh lại, nhận thức được tình trạng thương tật của mình, em không mong gì ngoài chết. Thế nhưng, ngay cả một cử động đơn giản nhất em cũng phải nhờ sự trợ giúp của người thân thì “tự chết” làm sao được. Nghĩ nhiều, nước mắt em cứ chảy thành dòng rồi nó chảy vào những vết bỏng đau đớn đến độ em cảm giác như có người đang dùng dao xẻo từng mảnh thịt trên cơ thể mình vậy” - anh Sơn chia sẻ.
Những ngày tháng dài nằm điều trị trong viện, chứng kiến sự lo lắng và chăm sóc tận tình của người thân khiến anh Sơn đã buông bỏ ý nghĩ tự tử. Anh bảo nếu mình làm thế là phụ công của những người đang ngày đêm mong mỏi mình bình phục. Đấy cũng chính là động lực để anh vượt qua đau đớn và mặc cảm để sống đến ngày hôm nay. Khi được hỏi, anh đã phải trải qua bao nhiêu cuộc phẫu thuật thì anh Sơn lắc đầu đáp rằng: “Nhiều lắm, em không nhớ mà cũng không muốn nhớ. Mỗi lần lên bàn mổ thì chỉ hy vọng đây không phải là lần cuối cùng mình được gặp người thân”.
Lấy tay xoa xoa lên những vết thương của chồng, chị Trần Thị Vân Hồng không giấu được sự xót xa: “Nhìn anh thoi thóp giữa máy móc, hai phần đùi bóc hết da để đắp vào những vết bỏng, rồi những lần nhiễm trùng, hoại tử da lại phải phẫu thuật để xử lý, nhiều khi em sợ mẹ con em sẽ mất anh ấy vĩnh viễn. Nhiều khi anh ấy mặc cảm, em lại phải tỏ ra mạnh mẽ để động viên. Em luôn nói là “Còn người là còn của. Chỉ cần anh còn sống là mẹ con em vui lắm rồi”.
Bị cáo Đinh Khắc Quý hối hận về hành động nông nổi của mình. |
Ngày anh Sơn xuất viện trở về, toàn thân là những mảng sẹo chi chít, khuôn mặt biến dạng khiến cô con gái nhìn thấy khóc thét. Nó bảo đây không phải bố, bố khác cơ. “Lúc đó em thực sự đau đớn vô cùng, em nghĩ giờ hình dạng mình chẳng khác nào con quỷ, đến cả con gái cũng không thể nhận ra” - anh Sơn buồn rầu nhớ lại.
Chị Hồng cho biết, hiện chồng mình vẫn phải bôi thuốc tránh viêm nhiễm và làm mềm các vết sẹo. Mỗi ngày anh Sơn vẫn phải thoa đều 3 loại kem cho phần mặt, phần người và phần cổ. Chi phí tiền thuốc cho mỗi tuần cũng lên tới 1,5 triệu đồng. “Thực sự là nó quá sức so với điều kiện kinh tế của gia đình em nhưng nếu không bôi thì nguy cơ biến dạng khuôn mặt là rất cao, da cứng lại sẽ khiến em không thể cử động được” - anh Sơn cho biết.
Anh Sơn đến phiên tòa với tư cách là người bị hại. |
Mọi gánh nặng lại đổ lên vai bố mẹ anh Sơn và người vợ sức yếu. Dù đã nhiều tuổi nhưng để có tiền chi phí thuốc men cho con, bố mẹ anh Sơn vẫn phải đi phụ hồ. “Thời tiết nắng nóng như thế này, đến ngồi trong nhà cũng đã nhược hết cả người, nói gì ra ngoài trời lao động, lại là công việc nặng nhọc. Nghĩ đến bố mẹ vất vả vì em, em đau lòng lắm nhưng bất lực. Em còn được sống nhưng lại trở thành gánh nặng cho bố mẹ, vợ con” - anh Sơn nói giọng như lạc đi.
Bác sĩ nói giờ chi phí điều trị phục hồi cho anh Sơn rơi vào tầm 500-600 triệu đồng. Nợ cũ 1 tỷ đồng lo cho các lần phẫu thuật trước đó của anh Sơn gia đình còn chưa trả được thì giờ biết xoay đâu ra số tiền lớn ấy. Từ khi bị bỏng, anh Sơn gần như quanh năm cởi trần, chỉ mặc cái quần đùi. Lý do là bởi những phần da liên tục bị bong tróc, mưng mủ nếu mặc quần áo dài vướng víu sẽ khiến cơ thể anh ngứa ngáy và đau đớn. Vết thương ở hai bên nách bị kéo rút, đau đớn nên anh luôn phải nằm ngửa. Anh tâm sự: “Giờ em chẳng dám mơ ước gì nhiều, chỉ cầu mong sao mình có đủ sức khỏe để tự phục vụ bản thân, thế cũng là hạnh phúc lắm rồi”.