Giành giật mạng sống từ tay "bà Hỏa"

Chủ Nhật, 07/06/2020, 17:13
Đám cháy bao trùm căn nhà không lối thoát. Bên trong còn 5 người đã lịm đi vì ngạt khói. Thời khắc sinh tử của các nạn nhân chỉ được tính bằng giây. Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp tập phá cửa, sử dụng bình dưỡng khí, mặt nạ chống độc nhanh chóng tiếp cận, lần tìm trong đám cháy đưa các nạn nhân ra ngoài...

Cuộc giải cứu nghẹt thở

Căn nhà 1 trệt 2 tầng trên đường Lê Trọng Tấn, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, nơi xảy ra vụ cháy, là điểm kinh doanh xốp dán tường, hàng hóa chứa đầy dưới tầng trệt, đây cũng là điểm phát cháy nên khói đen chứa khí độc tỏa ra nghi ngút, cửa cuốn lại bịt kín lối thoát hiểm của căn nhà nên các thành viên trong nhà không thể thoát.

Nếu không có họ - những cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) thì hậu quả sẽ là vô cùng khủng khiếp. Dù đã hết sức nỗ lực nhưng 1 người đã tử vong, 4 người đang phải cấp cứu tại bệnh viện, trong đó có 2 cháu bé.

Các tổ công tác tiếp cận đám cháy tìm người mắc kẹt.

Sáng 31-5 lực lượng chức năng vẫn phong tỏa hiện trường để phục vụ công tác điều tra làm rõ nguyên nhân. Căn nhà hư hỏng hoàn toàn phần trệt sau vụ cháy, muội khói bám chặt trên các mảng tường. Bên dưới cửa sắt bị phá hỏng, các vật dụng, mặt hàng kinh doanh của chủ căn nhà bị cháy nham nhở, hư hỏng, nước từ buổi chữa cháy mấy ngày trước vẫn còn đọng bên trong.

Người thân của chủ căn nhà này xin phép chính quyền được dọn dẹp căn nhà để tổ chức tang lễ cho anh Đỗ Viết Canh (SN 1980), nạn nhân được đưa ra khỏi đám cháy nhưng đã tử vong trong bệnh viện. Nhiều người thân của những nạn nhân vụ cháy trong tâm trạng thất thần, vừa lo hậu sự cho anh Canh, vừa lo lắng về sức khỏe của 4 người còn lại đang cấp cứu trong bệnh viện.

Khi ấy, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Bình Tân xuống đến hiện trường khi người dân tại đây đang tích cực dùng bình chữa cháy mini dập lửa. Nhưng khói đen và lửa đã bao trùm căn nhà, nước và bọt khí của người dân tạt vào đám cháy chỉ như muối bỏ biển. 2 người ôm mặt kêu cứu bên trên sân thượng căn nhà được xe thang chữa cháy tiếp cận hướng dẫn thoát ra ngoài.

Trước nguy cơ ngọn lửa lan sang các nhà dân bên cạnh, chỉ huy tổ chữa cháy đã xin chi viện từ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Tân Phú. Thời điểm này vẫn còn 5 người bị mắc kẹt bên trong căn nhà, nếu không đưa ra khỏi hiện trường kịp thời, những nạn nhân này sẽ bị ngạt khói và mất mạng.

Các nạn nhân bị mắc kẹt trong nhà được xác định là Đỗ Viết Canh (SN 1980), Nguyễn Thị Huyền (SN 1993), Đỗ Nam Phương (SN 2010), Đỗ Lê Phương Tuyền (SN 2009) và ông Đỗ Viết Cảnh (SN 1956). Vị trí của từng căn phòng trong nhà nhanh chóng được lực lượng cứu hộ xác định. Cửa cuốn được phá, vòi rồng từ nhiều phía đưa nước vào dập lửa. Các tổ cứu nạn cứu hộ sử dụng bình khí, mặt nạ chống độc tiếp cận các phòng và đưa 4 người ra ngoài trong tình trạng bị bỏng, ngạt khí, người ám đầy muội khói.

Sự phối hợp nhịp nhàng nhanh gọn giữa lực lượng trực tiếp tham gia chữa cháy và cứu hộ với đội ngũ y tế chờ sẵn bên ngoài hiện trường nhanh chóng sơ cứu cho 5 nạn nhân rồi chuyển vào các bệnh viện. 3 mẹ con nạn nhân trong vụ cháy được tìm thấy trong phòng ngủ trên tầng 2 vừa được di chuyển xuống. Bé gái Đỗ Lê Phương Tuyền bị ngạt khí, người ám đen bụi than, quần áo, thân thể sũng nước, tay chân mất lực, mắt lờ đờ.

Y sĩ Bùi Minh Thắng (Trung tâm cấp cứu 115) - trưởng kíp cấp cứu cùng tổ y tế nhanh chóng đưa 3 mẹ con ra khỏi khu vực nguy hiểm, vội vã sơ cứu và cho thở oxy. Bé trai Nam Phương và chị Huyền - mẹ của 2 cháu - cũng rơi vào tình trạng tương tự con gái. Cả 3 nhanh chóng được đưa lên các xe cấp cứu đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đám cháy bùng phát bao trùm căn nhà có 7 người mắc kẹt bên trong.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết hai bé bị ngạt khói, không bỏng da, có khả năng bị ngộ độc CO và bỏng đường thở. Hai bé thở oxy liều cao, tình hình đã cải thiện tốt. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Canh nhập viện trong tình trạng bỏng lửa diện tích khoảng 94%, trong đó 85% bỏng độ 3, sốc bỏng không hồi phục, chấn thương đùi trái, sau 3 giờ cấp cứu thì anh Canh không qua khỏi. Riêng chị Huyền, vợ anh Canh đang điều trị đang phòng Hồi sức cấp cứu Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông Cảnh, cha anh Canh chỉ bị thương nhẹ.

Những người lính quả cảm

Một thực tế cho thấy, các vụ cháy có người mắc kẹt ở bên trong đa phần là những căn nhà vừa là nơi ở, vừa là nơi tận dụng để kinh doanh cho nên không hiện trường vụ cháy nào giống vụ cháy nào. Việc xác định vị trí nạn nhân bị mắc kẹt giữa khói tỏa bưng kín các căn phòng, đồ đạc ngổn ngang khí độc là hết sức nguy hiểm và khó khăn. Việc đầu tiên là tiếp cận nạn nhân, đưa nạn nhân ra ngoài và cầu mong nạn nhân bình an là điều mà các đội cứu nạn cứu hộ mong muốn nhất trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy.

Nhiều người dân tại hẻm 50, đường Lê Quang Sung, phường 2, quận 6 vẫn còn nhắc nhiều đến hình ảnh những cán bộ chiến sĩ PCCC của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận 5 và quận 6 khi vừa triển khai công tác chữa cháy vừa hướng dẫn di chuyển hơn 10 người bị mắc kẹt trong chung cư cũ ra ngoài an toàn.

Chị T., một trong những người được giải cứu ra ngoài cho biết: “Lúc đó khói bao trùm, tinh thần hoảng loạn gào thét, bị khói xộc vào miệng mũi. Lúc này tôi không còn biết phương hướng nào mà chạy, may mà một anh cảnh sát PCCC tiếp cận bịt khăn vào miệng và dìu ra hướng cầu thang bộ thoát ra ngoài”.

Tại vụ cháy ở căn hộ trên lầu 7, block B1, chung cư Hoàng Anh Gia Lai (quận 2) chiều 16-4, hàng trăm cư dân nhốn nháo tìm cách thoát đám cháy xuống sảnh, 3 người gồm chị Phạm Thị Nhật Duy (SN 1982), cháu Trina Tiên Dogielski (SN 2019, con chị Duy), ông Lê Cẩm Lăng (SN 1947) được tổ cứu hộ tiếp cận đưa ra ngoài an toàn.

Bé Đỗ Lê Phương Tuyền được đội cứu hộ đưa ra ngoài; Y sĩ Thắng sơ cứu cho nạn nhân.

Nhìn 2 mẹ con chị Duy thoát khỏi sự cố đám cháy, người chồng quốc tịch nước ngoài của chị Duy dù còn lo lắng nhưng xúc động, nghẹn ngào nói lời cảm ơn đội cứu hộ bằng tiếng Việt bập bẹ.

Lằn ranh sinh tử của các nạn nhân bị mắc kẹt trong các vụ cháy chỉ được tính bằng giây nên qua nhiều vụ cứu nạn tại các vụ cháy, các cán bộ chiến sĩ PCCC nhận được những lời tri ân sâu sắc từ những nạn nhân, một thứ tình cảm mà khó có gì đánh đổi được.

“Khi bạn đang hoảng loạn, tuyệt vong và hít phải khí độc, tâm trí đờ đẫn thì một bàn tay chìa ra dìu bạn rời khỏi khu vực nguy hiểm, đó là cảm giác được hồi sinh thêm một lần nữa. Cảm giác này khó thể quên trong quãng đời còn lại của bạn!” - đó là lời tâm sự của chị Thanh, một cư dân sống tại chung cư Carina (quận 8) được đội cứu hộ đưa ra khỏi khu vực cháy tâm sự.

Vụ cháy tại chung cư Carina hồi tháng 3-2018 làm 13 người chết, 91 người bị thương nhưng có đến cả ngàn người được lực lượng PCCC không ngại nguy hiểm, tiếp cận và đưa những người bị mắc kẹt trong đám cháy ra ngoài an toàn. Sau vụ cháy, hàng chục cư dân Carina đã bày tỏ tình cảm của mình đối với lực lượng PCCC&CNCH bằng buổi lễ tri ân.

Nhắc về những năm làm nhiệm vụ chữa cháy, Trung tá Lý Tiến Nam - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Gò Vấp xúc động khi được  người phụ nữ dáng vẻ rụt rè với lẵng hoa trên tay tìm đến trụ sở của đội để tri ân cứu mạng. Vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 2-11-2019, lúc đó là 1h30 sáng, điện thoại trực ban của đội reo liên hồi, giọng báo tin qua điện thoại của người dân gấp rút, hổn hển.

Đang trực tại đội, Trung tá Nam lập tức điều động phương tiện và trực tiếp chỉ huy chữa cháy. Khi đến nơi, khói lửa bao trùm căn nhà, người dân cho hay 2 người vẫn còn bị mắc kẹt trong nhà, họ đang hoảng loạn kêu cứu. Trung tá Nam đã chỉ đạo đội cứu hộ phá cửa tiếp cận 2 nạn nhân đưa ra ngoài an toàn.

Chị Trần Thị Ngọc Oanh (quê Ninh Thuận) người được cứu kịp thời hôm ấy rụt rè đặt bó hoa lên bàn ban chỉ huy đội, bày tỏ tấm lòng và chúc toàn thể đội nhiều sức khỏe để tiếp tục công tác, để giúp đỡ, cứu người. Những lời nói mộc mạc nhưng khiến anh em trong đội phấn khởi.

Thượng tá Đỗ Văn Kháng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC &CNCH Công an TP Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ huy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ không biết bao nhiêu vụ cháy trong sự nghiệp của mình chia sẻ, khi sự cố cháy nổ xảy ra, người bị mắc kẹt trong đám cháy trong tâm trạng hoảng loạn chỉ có thể trông chờ vào lực lượng chữa cháy, cứu hộ nên đối với những người lính cứu hỏa, cứu người không thể chậm dù chỉ là một giây. Bởi vậy, khi tiếp cận với đám cháy, người lính phải bình tĩnh, tự tin và quyết đoán.

Hiện trường vụ cháy tan hoang.

“Các nạn nhân trong các vụ cháy đều trong tâm trạng bất lực khi ngọn lửa đốt sạch tài sản cũng như đe dọa tính mạng của người thân khi bị mắc kẹt trong đám cháy, mọi ánh mắt hy vọng của họ đều dồn vào lực lượng chữa cháy nên thâm tâm của người lính khi tham gia chữa cháy không để người dân thất vọng. Nhiệm vụ quan trọng của người lính chữa cháy là cứu nạn cứu hộ, cứu người, cứu tài sản cho nhân dân. Bởi vậy, thời gian chữa cháy càng lâu thì tài sản và tính mạng của người dân càng thiệt hại nặng nề, do đó ngoài sự dũng cảm thì người lính chữa cháy cần phải quyết đoán!” - Thượng tá Kháng chia sẻ.

Tài sản có thể cháy, có thể làm lại được nhưng tính mạng con người khi mất đi thì chẳng thể lấy lại được. Bởi vậy, hình ảnh những người chiến sĩ PCCC quả cảm, luôn trong tư thế “người người chạy ra, chúng tôi chạy vào” giành giật sự sống của những nạn nhân bị “bà Hỏa” vây hãm, tìm nạn nhân trong biển lửa và bằng nhiều biện pháp đưa nạn nhân ra ngoài trong thời gian nhanh nhất, vừa đảm bảo an toàn là tâm niệm của những người chiến sĩ trong công tác phòng, chống giặc lửa.

Nhìn những cán bộ chiến sĩ chữa cháy mình dính đầy muội than, mặt mày lem luốc, tay chân trầy xước mới cảm thấy hết nỗi gian khổ, nguy hiểm khi tham gia chữa cháy. Bởi thế, để đảm bảo tính mạng và tài sản của chính mình, người dân cần nâng cao cảnh giác, phòng chống hỏa hoạn, nhất là những hộ dân tận dụng nhà của mình vừa làm nơi ở vừa làm nơi kinh doanh. Đừng để một phút bất cẩn khiến hỏa hoạn xảy ra để ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của chính mình và những người xung quanh.

Huyền Đức
.
.