Hai lần tác nghiệp trong khu giam tử hình
Tôi được nhà báo Nguyễn Như Phong phân công viết loạt bài về cuộc sống của tử tù trong khu giam riêng ở Trại tạm giam Hà Nội mà tên dân dã là "Hỏa Lò". Tôi hiểu, ngay từ lúc bị giao việc, cho dù anh Phong không nói ra, là: sẽ phải làm sao sống được ở đó một vài ngày thì mới có chuyện để mà viết ít nhất 3 kỳ.
Thủ tục để được vào "trỏng" sống khá phức tạp. May là anh Như Phong quan hệ với Công an Hà Nội khá tốt nên mọi cửa đều suôn sẻ. Riêng cửa cuối cùng là phải xin ý kiến của đồng chí Nguyễn Đức Nhanh (lúc đó đang là Giám đốc CATP) thì hơi khó. Không phải vì anh Nhanh khó. Mà vì mình cần gấp. Bởi loạt bài của người trước sắp kết thúc, cái "bao diêm" giới thiệu thì đã sắp tung ra mà mình vẫn chưa có chữ nào.
May, lại nhờ anh Như Phong, tôi biết, sáng Chủ nhật, tầm 6 giờ, anh Nhanh tập thể dục trong phòng tập ở gần ngã tư Lê Duẩn - Khâm Thiên. Tôi đánh liều lên gặp, đưa công văn xin ý kiến. Nhưng cũng hơi ngại vì mình là phụ nữ, tinh mơ đã lên phòng tập nam, thấy kỳ kỳ nên lại "cầu cứu" anh Như Phong.
Đúng 6 giờ kém 15 phút sáng Chủ nhật, tôi quần áo chỉnh tề ra khỏi nhà. Tới nơi đã thấy anh Như Phong chờ ở sảnh. Hai anh em bấm thang máy lên phòng tập. Anh Nhanh thấy tôi lên, đường đột quá nên có vẻ... bẽn lẽn. Đọc công văn ngay trong phòng tập, chả nói thêm câu gì, anh ấy viết "đồng ý" rồi ký xoẹt. 5 phút sau, tôi cầm công văn, nhảy chân sáo, “bai bai” cả hai sếp, phóng ù về nhà.
Sáng hôm sau tôi lọ mọ vào Hỏa Lò từ sớm. Trại hẹn một tuần sau, ngày 31-3 quay lại với lời giải thích: "Để chúng tôi còn hỏi ý kiến họ (tức tử tù). Nếu họ đồng ý nói chuyện với chị thì trại sẽ tạo mọi điều kiện. Còn nếu họ từ chối thì thôi".
Sáng 31-3, anh Như Phong lái xe chở tôi và phóng viên ảnh Trang Dũng vào Hỏa Lò.
Hà Nội tiết tháng 3 đã không còn lạnh. Ngoài đường, xống áo đã phong phanh. Nhưng khi bắt đầu bước chân vào khu biệt giam thì bỗng nhiên, một cảm giác ớn lạnh từ đâu xộc tới. Trong các buồng giam tử tù sau nhiều lần cửa, tôi vào, co ro trên bệ xi măng lạnh.
Sau này về, tôi viết: "Bốn cuộc trò chuyện trong loạt bài dưới đây được phóng viên ANTG thực hiện ngay trong khu giam tử hình, giữa bốn bề là song sắt, lạnh lẽo và u buồn. Cuối tháng 3, hoa gạo trên đường ngoài cổng trại đã nở đỏ rực, còn ở trong này, dường như mùa đông vẫn chưa qua".
Những tử tù hôm đó tôi gặp, đều là những người “quen". Quen không phải vì bạn bè hay dây mơ rễ má gì mà quen là mình đã từng gặp họ ở phiên tòa sơ thẩm hoặc gặp ở số 7 Thiền Quang lúc họ bị bắt giam. Đô cũng vậy. Khi Đô bị bắt, một ĐTV đã gọi điện báo tin cho tôi. Anh bảo, Đô nghiện ma túy, cậu ấy giết người, cướp tài sản một cách cực kỳ dã man cũng vì ma túy. Nhưng cậu ấy là một đứa con hiếu thảo và là một người cha tốt của hai đứa con gái, lúc ấy vẫn còn chưa trưởng thành.
Cha Đô bị liệt, sáng nào Đô cũng cõng cha từ tầng 3 xuống tầng 1, dìu cha tập đi rồi lại cõng cha lên. Xong xuôi mới đi chích. Hai con gái Đô, mẹ bỏ đi từ lúc còn tấm bé. Đô vừa làm cha lại vừa làm mẹ, chăm sóc con kỹ càng. Khi Đô bị bắt cũng là lúc chỉ còn hai hôm nữa khai giảng, một ĐTV ở số 7 Thiền Quang đã cho bé lớn 500 nghìn đồng để thêm vào mua sắm đồ dùng học tập cho năm học mới.
Như một sự tình cờ của số phận, ngày Đô gặp tôi cũng chính là ngày cưới của đứa con gái lớn. Đô ngồi với tôi, trong căn phòng nhỏ cách khu giam chỉ một hành lang hẹp và khóc như mưa khi nói về hai đứa con, những đứa trẻ mà số phận dường như đã ràng buộc chúng vào những đớn đau của cuộc đời Đô.
Tay Đô bị còng. Anh ta dù đang bị giam, vẫn thoáng ngần ngại khi tôi là phụ nữ mà mở nước Lavie cho Đô uống, châm thuốc cho Đô hút. Đô kể chuyện đời mình. Kể chuyện về cuộc sống trong khu biệt giam. Nhưng nhiều nhất vẫn là về những đứa con.
Đô bảo: hôm nay trước khi ra nói chuyện với chị, tôi cũng thì thầm nói với hai con tôi trong bức ảnh mà tôi đặt ở phòng giam là các con ơi, giờ bố ra ngoài nói chuyện với nhà báo nhé. Và, Đô khóc. Tôi cũng khóc. Sau này, khi bài viết lên khuôn, chị Như Lan, người đọc bản bông cuối của Tòa soạn, cũng nước mắt giàn giụa khi đọc những dòng cuối cùng của bài viết: "Rất nhiều nước mắt đã rơi trong cuộc trò chuyện này. Cửa buồng giam tử tù ở ngay phía sau lưng nơi Đô ngồi trò chuyện cùng tôi. Đô trở về phía đó và bảo rằng, ranh giới giữa sự sống và cái chết đối với những tử tù như Đô rất gần, chỉ là một buổi sáng thôi khi lệnh thi hành án bắt đầu. Vì thế mà bây giờ, sám hối đã là quá muộn nhưng rất cần để được ra đi thanh thản".
Cùng với Đô, tôi còn gặp thêm 3 tử tù nữa. Những câu chuyện đời, buồn nhiều hơn vui, nuối tiếc, ân hận, dằn vặt nhiều hơn là trông mong, hy vọng.
Một ngày sống trọn vẹn ở nơi cuộc sống khác.
Một ngày trải nghiệm ở nơi mà bốn bề, bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau, chỗ nào cũng là song sắt.
Cuộc trò chuyện với tử tù Nguyễn Thế Đô trong khu giam tử hình tháng 3 năm 2010. Ảnh: Trang Dũng. |
Sau này, theo lời nhờ của Đô, tôi đã mấy lần định qua nhà cậu ấy, để chuyển giúp một lời nhắn cho mẹ và các con cậu ấy rằng cậu ấy vẫn khỏe. Nhưng rồi, đắn đo mãi, tôi lại thôi, cho dù nhà cậu ấy chỉ cách cơ quan tôi chừng 10 phút chạy xe máy. Tôi không muốn một lần nữa thấy nước mắt rơi trên gương mặt mà tôi chắc là rất buồn của mẹ cậu ấy, của hai đứa con gái mà cậu ấy đã yêu thương hết lòng.
Đô giờ đã về với đất. Buổi thi hành án diễn ra sau cuộc trò chuyện đó nhiều tháng. Hôm nghe tin, tôi chỉ biết cầu chúc cho linh hồn cậu ấy ra đi được thanh thản. Và, tôi tin rằng, một người biết sám hối như Đô, sẽ thanh thản mà thôi...
2. Ít lâu sau, tôi trở lại khu biệt giam Hỏa Lò Hà Nội một lần nữa. Lần này là để gặp sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa.
Tròn 4 tuần sau khi vụ án giết người man rợ gây rúng động xảy ra ở chung cư G5 Trung Yên, những thông tin xung quanh vụ việc đã được hầu hết các báo đăng tải. Có đến cả nghìn tin bài liên quan đến vụ việc này được "đào xới", kể cả những thông tin rùng rợn nhất, phản cảm nhất cũng được một số tờ báo không ngại ngần đăng tải.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông khi ấy đã phải có những mệnh lệnh nhắc nhở lưu ý các báo về tính nhân văn, một trong những nguyên tắc báo chí quan trọng, khi thông tin vụ việc.
ANTG là báo tuần và Tòa soạn, không chỉ đối với riêng vụ án này mà với tất cả các vụ án khác, đều không chủ trương đưa thông tin kiểu "giật gân câu khách". Cho dù, phóng viên ANTG là người đầu tiên có được thông tin bắt giữ Nguyễn Đức Nghĩa và là phóng viên duy nhất được đi cùng với lực lượng Cảnh sát hình sự Hà Nội khi dẫn giải Nghĩa đến phố cầm đồ Láng Hạ để chỉ chỗ cầm cố tang vật của vụ án.
Vì thế mà sau loạt bài đầu tiên ngay tại thời điểm Nguyễn Đức Nghĩa bị bắt, phải đợi chừng 1 tháng, khi công tác điều tra sắp kết thúc, Tòa soạn chỉ thị, phóng viên phải gặp được Nguyễn Đức Nghĩa trong nhà giam và ANTG phải là tờ báo đầu tiên đăng tải về cuộc sống của Nghĩa sau khi bị bắt giữ tại trại giam.
Vì Nghĩa đang trong giai đoạn điều tra (cho dù lúc đó công việc điều tra đã sắp kết thúc) nhưng thủ tục để gặp rất khó khăn. Cũng may là chỉ trong vòng 2-3 ngày, nhóm phóng viên chúng tôi đã có trong tay giấy tờ với đầy đủ chữ ký của những vị có thẩm quyền.
Sợ Nghĩa manh động nên theo yêu cầu của lãnh đạo CATP, cuộc gặp của chúng tôi với Nghĩa được bố trí trong khu hỏi cung rất gần khu giam và 2 cán bộ của Phòng Cảnh sát hình sự gồm đồng chí đội trưởng Đội điều tra trọng án và đồng chí ĐTV thụ lý vụ việc, người đã gần gũi, tiếp xúc với Nghĩa suốt thời gian tạm giam sẽ đi cùng để bảo vệ các phóng viên.
Đúng 8 giờ sáng, Nghĩa được dẫn giải từ trong khu giam ra. Tôi vẫn còn nhớ rõ, Nghĩa gầy hơn so với hôm mới bị bắt. Gương mặt cũng trở nên u buồn hơn chứ không lạnh lùng như những ngày đầu nữa. Nhưng cách nói chuyện thì vẫn vậy: từ tốn, nhỏ nhẹ, khúc chiết. Không như những kẻ giang hồ vào tù ra khám như cơm bữa, cuộc sống tù tội đối với một thanh niên trí thức như Nghĩa là cả một biến động đắng cay mà ngày xưa, khi còn ngồi trên giảng đường đại học, không bao giờ Nghĩa nghĩ có một ngày lại ra nông nỗi này.
Hà Nội đang trong những ngày nắng nóng khủng khiếp nhất từ đầu hè. Ở trong buồng giam, cũng vì thế mà Nghĩa không ngủ được. Buổi sáng, trời dịu đi chút ít, Nghĩa đang vùi mình trong giấc ngủ bù mệt nhọc thì có tiếng quản giáo gọi đi cung. Nghĩa bảo, không ngờ lại gặp nhà báo thế nên chả chuẩn bị gì...
- Sao lại phải chuẩn bị khi gặp nhà báo kia chứ, một cuộc trò chuyện thôi mà...
- Thì có quay phim chụp ảnh, ít ra hình thức cũng phải tươm tất một chút. Đằng này, em chỉ khoác vội vào người bộ quần áo trại, đầu chưa chải, mặt còn chưa rửa nữa...
Nói rồi Nghĩa cười, gương mặt bỗng trở nên rạng rỡ, khôi ngô. Nhưng cũng chỉ trong khoảnh khắc rồi nụ cười vụt tắt, rất nhanh. Trong phút chốc gương mặt Nghĩa bỗng trở nên tối lại. Nghĩa cúi đầu như cố thu mình trước ống kính máy ảnh. Những ký ức về tuổi thơ, về tình yêu, về gia đình, về tội ác và cuộc sống trong suốt 4 tuần vừa qua ở đằng sau song sắt nhà tù đã được Nguyễn Đức Nghĩa kể lại trong một câu chuyện bị đứt quãng nhiều lần bởi những giọt nước mắt.
Khác với vẻ lạnh lùng, bình thản trong suốt quá trình điều tra, lúc ấy khi công việc điều tra đã sắp kết thúc, cũng là khi lần đầu tiên nước mắt rơi trên khuôn mặt kẻ giết người... Đó cũng là lần đầu tiên Nghĩa kể về giấc mơ đầy ám ảnh, giấc mơ như một chỉ báo thức tỉnh về tội ác.
"Từ khi bị bắt, em mơ thấy Linh hai lần. Một lần khi em ở nhà tạm giữ. Em thấy cô ấy hiện về, mặc váy trắng toát, đến bên em, gần lắm nhưng không hiểu sao gương mặt lại rất mờ. Lần thứ hai là khi em đã bị đưa vào giam trong Hỏa Lò. Lần này, cô ấy cũng mặc bộ váy trắng toát. Cô ấy cứ đứng nhìn em nhưng không nói gì cả. Em cũng nhìn cô ấy, thấy rõ mồn một. Chả hiểu có linh ứng gì không mà hai ngày sau giấc mơ này em nhận được thông báo của Cơ quan điều tra rằng, đã tìm được phần còn lại của thi thể cô ấy rồi, đang đưa đi giám định ADN".
Đó cũng là lần đầu tiên, Nghĩa thổ lộ trong khi hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt mà nước mắt vẫn tràn qua kẽ tay mặn chát: "Em biết, dù em có chết hàng trăm, hàng nghìn lần cũng không thể nào bù đắp được những tội ác quá ghê sợ mà mình đã gây ra với gia đình Linh, với gia đình em và những người có liên quan khác. Tội ác của em gây ra là quá lớn, không một ai, kể cả bản thân em, em cũng không thể tha thứ được cho mình.
Sau này, khi bài báo được đăng tải, đã có rất nhiều phản hồi của bạn đọc về Tòa soạn, những phản hồi khiến chúng tôi ấm lòng khi mà, không cần phải giật gân, câu khách, không cần phải đưa những chi tiết "đầu rơi máu chảy", man rợ như nó vốn thế, mà bạn đọc vẫn hào hứng đón nhận, hào hứng đọc và suy ngẫm...