Hành trình tìm chồng và cha của một gia đình cô giáo ở Sơn Tây

Thứ Bảy, 21/11/2015, 21:00
Hành trang làm báo cho tôi đầy ắp những ký ức, những kỷ niệm, những chuyện để nhớ, và có cả những nỗi buồn vương vấn mãi theo thời gian. Nhưng với chuyên mục: "Những chuyện khó tin nhưng có thật" với tôi đó là một chuyên mục đặc biệt với những câu chuyện ấn tượng khó tin và nhiều nước mắt nhất.

Có lẽ do tính chất đặc biệt của chuyên mục, do những câu chuyện mà mọi người tìm đến để chia sẻ, và do những hệ lụy sâu kín trong từng số phận người kể chuyện mà tôi đã không ít lần đứng trước phong ba bão táp của cái gọi là khi "sự thật được phơi bày"...

Trong số hàng trăm câu chuyện tôi đã từng viết cho chuyên mục "Những chuyện khó tin nhưng có thật" của Chuyên đề ANTG Giữa tháng và Cuối tháng trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến nay, tròn 11 năm có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Có rất nhiều ký ức để kể, nhưng có lẽ, vương vấn nhiều nhất vẫn là những câu chuyện không cần giấu tên, nhân thân, địa chỉ của những hoàn cảnh số phận đi tìm người thân, tìm chồng, tìm vợ, tìm con của mọi người gửi đến cho tôi.

“Chuyện khó tin nhưng có thật” đăng trên Chuyên đề ANTG Giữa tháng và Cuối tháng, đã được nhà văn Như Bình xuất bản trong bộ sách 6 tập được đông đảo độc giả đón đọc.

Họ viết thư đến tòa soạn, kể lại câu chuyện, để lại tên, địa chỉ số điện thoại để biết đâu có một manh mối nào về người thân của mình, tòa soạn sẽ kết nối giúp họ có được một may mắn thần kỳ. Câu chuyện của cô Đinh Thị Lệ Tâm, giáo viên Trường THPT Tùng Thiện, thị xã Sơn Tây cách đây 9 năm không phải là một câu chuyện quá ly kỳ, hay lạ lùng đến khó tin nhưng đã để lại trong tâm khảm tôi và hẳn là rất nhiều độc giả khác một ấn tượng khó phai.

Cô Tâm đã đắn đo rất nhiều lần khi quyết định gửi đến cho tôi bức thư với một lời nhắn gửi chồng lưu lạc 18 năm biệt vô âm tín: "Xin anh hãy một lần trở về với các con". Tôi cũng chưa bao giờ được tiếp xúc với cô ở ngoài đời, cô để lại địa chỉ của cô nhưng số điện thoại lại là của một người thân (không rõ người thân này có phải là người đã thay cô chắp bút kể lại câu chuyện trong thư cho tôi không thì tôi không rõ).

Chỉ biết rằng, khi bóc lá thư ra đọc, tâm sự của cô là tờ báo An ninh thế giới thì chắc chắn sẽ có phát hành ra cả thế giới, thế nên cô mạnh dạn gửi tâm sự cùng nỗi lòng, nguyện vọng của mình. Hy vọng nếu bức thư được biên tập sửa chữa phù hợp để đăng báo thì rất có thể chồng cô, cha của các con cô ở đâu đó trên thế giới này có thể sẽ nhận được tin nhắn của cô mà một lần trở về thăm mẹ con cô, thăm bố mẹ già của anh ấy đang mòn mỏi đợi tin con ở quê nhà.

Cô cũng kể rõ, chồng cô tên là Nguyễn Đức Tịnh, một sĩ quan quân đội đã có một thời gian dài học tập ở Liên Xô cũ, trình độ sau đại học ngành Công nghệ xạ hiếm. Cô gặp và nên vợ chồng với anh ở Hà Tây nơi cô dạy học. Trong 10 năm đầu tiên chung sống, hai người có với nhau 3 mặt con là cháu  Nguyễn Thị Tâm Tình, Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Đức Thiện. Hai vợ chồng cô lấy tên của nhau để đặt tên cho các con với ước nguyện tình yêu và hạnh phúc mãi mãi bên nhau.

Một biến cố lớn đã xảy ra với gia đình cô là bạn bố chồng cô đến chơi thăm nhà và thấy gia cảnh bố chồng cô và vợ chồng cô quá khó khăn thiếu thốn trong thời bao cấp. Bạn của bố chồng cô đã đề nghị với bố chồng cô cho chồng cô đi xuất khẩu lao động theo chế độ phục viên. Bố chồng cô nghẹn ngào chua xót nói với người bạn vong niên và cả với con trai rằng: "Con trai tôi là sĩ quan đã có trình độ sau đại học về chuyên ngành công nghệ xạ hiếm, nhưng ở đất nước Việt Nam lúc bấy giờ, ngành này chưa phát triển, những gì con học được ở Liên Xô cũng bị mai một dần đi vì không có điều kiện thực hành cống hiến cho đất nước. Bây giờ cho cháu đi làm công nhân xuất khẩu lao động theo chế độ phục viên, tôi đau lòng lắm. Nhưng thôi bố cũng đành động viên con đi kiếm lấy chút tiền về xây cái nhà vững chãi cho vợ con ở, thay cho mái nhà tranh cũ dột nát này, đỡ đần thêm đồng lương cho vợ nuôi 3 đứa con ăn học và nuôi bố mẹ già". Chồng tôi còn ngần ngừ suy nghĩ, bố chồng tôi động viên: "Kiếm được tiền trong thời buổi này là vẻ vang lắm rồi con ạ. Có phải ai muốn đi xuất khẩu lao động cũng được đi đâu con".

Thế là anh Nguyễn Đức Tịnh, chồng cô Tâm lại khăn gói trở lại Liên Xô thêm một lần nữa vào năm 1988. Cả nhà an tâm vì anh đã có thời gian dài sống và học tập ở bên đó nên sẽ nhanh chóng hòa nhập. Nhưng oái oăm thay, anh đi được một thời gian ngắn thì Liên Xô tan rã.

Suốt 18 năm ròng kể từ ngày chồng cô ra đi, cô Tâm cùng các con lặn lội vào Nam ra Bắc không biết bao nhiêu lần, dành ra không biết bao nhiêu thời gian để lần tìm manh mối chồng từ những người đi xuất khẩu lao động ở Nga về. Thật kỳ lạ là không một ai biết chút tin tức về chồng cô Tâm. Mọi người trong gia đình đã nghĩ đến điều tồi tệ có thể xảy ra như anh bị ốm, mất trí nhớ, nhưng các con cô Tâm, bố mẹ chồng cô Tâm và bản thân cô vẫn nuôi một niềm tin mãnh liệt rằng chồng cô sẽ tìm được đường để trở về nhà, về với quê cha đất tổ, về với các con máu mủ ruột rà của anh.

Cô Tâm kể rằng, với một niềm tin sắt đá đó giúp cô trụ vững vừa đi dạy học, vừa nuôi 3 đứa con nên người trong bối cảnh thời bao cấp và sau bao cấp vô cùng gian khó. Cả 3 đứa con của cô đều tốt nghiệp đại học, đều ngoan và hiếu thảo. Các con đều có nguyện vọng đi tìm bố. Con trai Nguyễn Đức Thắng của cô tốt nghiệp Học viện Quân sự, đơn vị cháu về xác minh lý lịch để kết nạp Đảng cho cháu cũng không thể làm thủ tục được vì không thể lần tìm ra tung tích của bố cháu ở đâu để xác minh lý lịch.

Nhưng điều làm cho cô Tâm đau đớn hơn cả là thời điểm cô Tâm viết thư cho tôi (cách đây 9 năm) bố mẹ chồng cô đã 84 tuổi, trước khi bị mất trí nhớ do tuổi già, ông đã gọi con dâu ra và bảo rằng: "Thôi con ạ, đừng chờ đợi hy vọng gì nữa, bố chỉ có một mình nó là con trai nhưng đã đi biền biệt 18 năm trời rồi, nó không có tin tức gì cho vợ con, bố mẹ cả. Con ra tòa làm đơn tuyên bố mất tích và ly dị đi, đừng để vướng đến con đường phấn đấu sự nghiệp của các cháu sau này. Rồi con còn có đi bước nữa, bố mẹ cũng không dám cản con".  Trước những rắc rối hiện tại ảnh hưởng đến lý lịch các con, đường công danh sự nghiệp của các con và ý nguyện của bố mẹ chồng, cô Tâm buộc phải làm đơn ra tòa ly dị chồng trong hoàn cảnh éo le như vậy.

Sau khi ly dị vắng mặt chồng, con gái đầu lòng của cô là Nguyễn Thị Tâm Tình, vừa tốt nghiệp đại học xong đã quyết tâm đi Nga để tìm bố. Cháu nói cháu là con đầu, là chị cả trong nhà, cháu không thể để mẹ, ông bà nội và các em khắc khoải tin tức về bố. Cháu sang Nga và trong hành trình tìm bố cháu viết thư cho mẹ kể rằng: "Mặc dù phải ly dị bố vì hoàn cảnh éo le nhưng chúng con đều biết mẹ vẫn luôn yêu thương bố và mong bố trở về.

Nếu bức thư của mẹ được đăng ở chuyên mục "Những chuyện khó tin nhưng có thật" thì xin mẹ hãy nói chuyện giúp con với bố rằng: "Bố ơi, dù bố có là ai, đã thành ai, bố còn sống hay đã thất lạc tha hương thì bố vẫn mãi mãi là bố yêu quý của chúng con. Chúng con không ngày nào nguôi ngoai nỗi nhớ về bố và mong bố trở về. Giờ này con đang lang thang khắp các nẻo đường của nước Nga xa xôi để tìm bố. Trong tay con có hơn 100 bức ảnh của bố từ ngày bố còn ở Liên Xô và khi bố về nước cưới mẹ. Đến mảnh đất nào bố từng đặt chân đến (con thầm đoán như vậy) con đều mang ảnh bố ra để hỏi thăm cộng đồng người Việt ở đó, để mong tìm kiếm chút thông tin kỳ diệu. Không một ai trả lời con rằng họ đã từng gặp bố, hay biết người trong ảnh. Dù vậy con không nản chí mà vẫn quyết tâm lưu lại thêm thời gian nữa để tìm bố với một mong muốn và niềm tin mãnh liệt rằng bố vẫn còn sống và trở về".

Tôi đã biên tập, viết lại câu chuyện trên của cô Đinh Thị Lệ Tâm và in ngay trong số báo ANTG Cuối tháng ra cuối tháng 10/2006 với hy vọng giúp thêm một kênh thông tin nữa cho bạn đọc, độc giả trong và ngoài nước có thể tình cờ mà có chút manh mối giúp cho mẹ con cô Tâm và cháu Nguyễn Thị Tâm Tình đang ở Nga có thêm hy vọng tìm cha của mình. Nhưng thật buồn, báo ra, tôi nhận được điện thoại của độc giả trên khắp cả nước, thậm chí ở Nga, Séc, và Đức về cho tôi để xin địa chỉ, số điện thoại của cô Tâm với mong muốn động viên chia sẻ với hoàn cảnh gia đình cô, câu chuyện của cô. Nhưng bao nhiêu điện thoại, bao nhiêu người quan tâm mà vẫn không giúp cho mẹ con cô Tâm tìm được người chồng, người cha lưu lạc trở về. Điều đó thật là buồn.

Đã 9 năm trôi qua, tôi không còn dám liên lạc vào số điện thoại cô gửi lại nữa. Vì trong những câu chuyện với người mà cô Tâm để lại số liên lạc với tôi là Đỗ Hồng Hà, thì tôi biết cháu Tình chưa tìm được cha. Hỏi nhiều đâm ra buồn, lặng người đi trong một cảm giác như mắc nợ cô Tâm, cháu Tình, như bất lực với một niềm tin, một hy vọng không đạt được.

Quá nhiều những kỷ niệm, tình tiết ly kỳ của người không phải trong cuộc tự nhận là người trong cuộc, hay một câu chuyện in lên có đến 3 người đến tòa soạn tìm tôi và nói rằng, sao cô lại biết chuyện của tôi để viết lên đây. Bao phen độc giả đã làm khó cho tôi phải thu xếp những cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ cả 3 bên để chứng minh một điều rằng, câu chuyện này là của gia đình này, người này chứ không phải là của gia đình khác đến tuyên bố là chuyện của họ. Và rằng, trên đời này có những sự trùng hợp kỳ lạ mà chính bản thân người trong cuộc cũng phải ngỡ ngàng.

Có biết bao những câu chuyện vui, hài hước phía sau những hậu "Chuyện khó tin nhưng có thật" như đi tìm người trong chuyện của các đoàn làm phim, của các phóng viên báo khác, của các tổ chức từ thiện họ muốn đến giúp đỡ tặng tiền như với phạm nhân Nguyễn Thị Hoán ở Trại giam số 5 Thanh Hóa (một nhân vật chính trong 1 câu chuyện khó tin tôi đã viết đăng trên báo mà sau này có dịp tôi sẽ kể lại cùng độc giả). Hay những nhân vật mà tôi có dịp gặp gỡ, đối diện thậm chí phải giải quyết những rắc rối phức tạp giúp người trong cuộc sau khi câu chuyện riêng tư của họ chia sẻ trên chuyên mục này và  đăng lên báo, họ bị chính người thân bủa vây, trách móc nặng nề... thì tôi đều phải đứng ra giải quyết giùm.

Buồn vui những ký ức ấy cứ ùa về tràn ngập mỗi khi nhớ lại. Nhưng về cơ bản thì tất cả đều có hậu. Mọi thù hận chất chứa trong lòng của những người giữ câu chuyện đời mình đã quá lâu sau khi chia sẻ với chúng tôi đều được giải tỏa, trút bỏ, đều tìm được một ý nghĩa sống khác vui hơn, lạc quan hơn.  Nhưng trong khuôn khổ một bài báo chỉ vài ngàn từ không thể kể hết được. Xin phép được hầu độc giả của ANTG trong những số báo kỷ niệm tới.

Hà Nội, ngày 8/10/2015

Như Bình
.
.