Hiểm họa trên những mặt đường ở Hà Nội

Thứ Sáu, 12/12/2008, 16:00
Những chiếc hố ga bị lấy trộm nắp cống, những hố ga xuống cấp bập bênh trên đường, những miệng cống mở ra đầy bức xúc... tất cả như trở thành cái bẫy đối với người tham gia giao thông, có thể gây ra tai nạn bất cứ lúc nào. Đã có những vụ tai nạn chết người xảy ra nhưng dường như cơ quan chức năng cũng không có giải pháp xử lý, còn người dân đành phó mặc cho may rủi.

Hố ga mất nắp, chuyện dài kỳ

"Anh cứ đi dọc tuyến đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, chỗ nào giữa đường mọc lên một cành cây hay có một tảng bê tông chắn ngang, 100% nắp hố ga chỗ đó đã bị lấy trộm", Khánh, một người dân làng Vòng vừa nói vừa dẫn tôi "mục sở thị" trên con đường khang trang đang được xây dựng trên quy hoạch của một khu đô thị mới.

Từ đầu ngã ba Xuân Thủy cho đến đoạn rẽ từ đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài tới đường Phạm Hùng dài khoảng 1km có hàng chục hố ga bị mất nắp. Mỗi hố ga có đường kính rộng khoảng 1m, sâu 2-3m, "nếu xảy ra tai nạn, người lớn có thể trèo lên chứ trẻ con thì có khi chẳng ai biết là đâu", Khánh nói.

Trên tuyến đường này, những hố ga nằm giữa đường, được cắm những cành cây thay cho biển báo hiệu nguy hiểm nhằm hạn chế tai nạn, thương tích không đáng có cho người đi đường. Riêng đối với những hố ga nằm sát mép vỉa hè, do cây cỏ mọc um tùm, không thể có cách nào cảnh báo, người dân chỉ biết cấm con em ra đường chơi ở khu vực này, còn người đi đường thì đành phó mặc cho may rủi.

Từ đường Nguyễn Phong Sắc ra đến Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, tình trạng nắp hố ga bị mất trộm còn tồi tệ hơn bởi đây là tuyến giao thông chính vào các khu đô thị mới của thành phố.

Đầu tháng 10/2008, chỉ tính riêng trên tuyến Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến đã có trên chục hố ga bị kẻ gian lấy trộm nắp đậy. Cũng như bất cứ tuyến đường nào khác, việc cảnh báo những hố ga này chỉ được người dân địa phương cắm sơ sài một vài cành cây. Chính vì thế, không ít những vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra.

Gần đây nhất, tối 12/10, một thanh niên đi xe Jupiter khi đến đoạn rẽ từ đường Phạm Hùng vào làng Mễ Trì, do phải tránh hố ga mất nắp trên đường đã va phải một xe tải hạng nặng dẫn đến tai nạn, hậu quả làm anh thanh niên tử vong.

Theo anh Trần Ngọc Thịnh, người bán kính ngay gần điểm tai nạn trên, đoạn đường này hay xảy ra tai nạn do hầm đi bộ hạn chế tầm nhìn lái xe, những hố ga mất nắp phải đến gần mới phát hiện được nên khó tránh.

Anh Thịnh cho biết: "Chúng tôi từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông, thậm chí đêm tối ôtô tụt bánh xuống hố ga là chuyện bình thường".

Tình trạng mất trộm nắp hố ga, nắp cống không chỉ xảy ra trên những tuyến đường nêu trên mà còn xảy ra ở nhiều tuyến phố trên khắp địa bàn thành phố, thậm chí ngay trước cửa trụ sở Cơ quan Công an phường.

Theo đánh giá chủ quan của cơ quan chức năng, thủ phạm hầu hết là những đối tượng nghiện hút, nhằm lúc đường vắng người, nhất là ban đêm liền cậy nắp hố ga để bán sắt vụn lấy tiền mua ma túy. Có thể nói, cứ hễ ở đâu có nắp cống, hố ga, nhất là các đoạn đường vắng đều nằm trong tầm ngắm của những đối tượng trộm cắp.

Điều đáng nói, trên nhiều tuyến phố trọng điểm của thủ đô, nhiều hố ga, cống bị mất nắp chỉ được cảnh báo tạm bợ bằng những cành cây, thậm chí bị bỏ mặc vì bị mất cắp nhiều lần. Chính vì thế, tai nạn thường xuyên xảy ra đối với người tham gia giao thông.

Nguy hiểm hơn nữa, nếu những tuyến đường bị ngập nước thì những miệng cống, hố ga kia sẽ trở nên hết sức nguy hiểm đối với người đi đường. Sau đợt ngập lũ vừa qua, lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo cần phải chấn chỉnh, xử lý tình trạng hố ga mất nắp gây nguy hiểm tại các tuyến đường. Tuy nhiên sự việc vẫn chưa tiến triển, vẫn có hàng loạt tuyến đường bị mất nắp hố ga.

Theo khảo sát của chúng tôi, các tuyến đường bị mất trộm nắp hố ga nhiều nhất thường là các tuyến đường đang được xây dựng, đường trong các khu đô thị. Tiếp đến là các tuyến đường ngoại ô, vùng ven vắng người qua lại. Nắp cống được lấy trộm thường được bán ngay cho các điểm thu mua sắt thép phế liệu trong khu vực. Tuy nhiên, dường như vẫn chưa có cơ quan chức năng nào quan tâm, tập trung điều tra xử lý những vi phạm này.

Những “chiếc bẫy” trên đường phố

Ngoài tình trạng mất trộm nắp hố ga, người tham gia giao thông còn phải đối mặt với những “chiếc bẫy” nguy hiểm rình rập trên mọi tuyến phố. Đó là những miệng hố ga được xây trồi lên trên mặt đường, những điểm hố ga, đường xuống cấp lún sâu đến cả chục xentimét, những điểm đào đường của các ngành thoát nước, điện lực... có thể gây mắc kẹt bánh xe trên đường.

Nếu như nói tình trạng trộm cắp nắp hố ga là do khách quan, không thể quản lý được thì tình trạng những chiếc bẫy tồn tại như trên lại là trách nhiệm của cơ quan chức năng, những người được giao nhiệm vụ xây dựng, bảo dưỡng, kiểm tra đường phố để đảm bảo an toàn giao thông.

Cũng trên tuyến đường Nguyễn Phong Sắc, đoạn chạy qua trước cửa Nhà Văn hóa quận Cầu Giấy, con đường khang trang mới mở có hàng chục hố ga được xây dựng giữa đường, cao hơn mặt đường từ 5-10cm. Những hố ga này tạo ra những gờ giảm tốc bất thình lình, chỉ cần người tham gia giao thông sơ ý có thể đâm thẳng vào gây tai nạn.

Mặc dù ai cũng có thể nhìn thấy nhưng từ khi đơn vị thi công hoàn thành con đường này đến nay đã gần 1 năm, không một cơ quan chức năng nào có ý kiến về việc xử lý những hố ga trồi lên mặt đường như vậy.

Ngược lại, trên nhiều con đường khác lại xuất hiện hố ga nằm thấp hơn mặt đường. Nguyên nhân chính do tuyến đường được nâng cấp, trải thêm lượt nhựa mới cho đường êm, thuận tiện cho người đi đường. Thế nhưng trong quá trình thi công, người ta chỉ biết trải nhựa mà quên mất việc phải nâng cốt hố ga cho bằng mặt đường.

Đầu năm 2005, chị Bùi Thị Dung (phố Chính Kinh, quận Thanh Xuân) đã bị tai nạn trên đường Phạm Hùng khi đụng phải một nắp hố ga cao hơn mặt đường khoảng 10cm. Hậu quả, chị Dung tử vong. Ông Bùi Quốc Đoàn, bố chị Dung đã có đơn gửi đến Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy đề nghị khởi tố điều tra về cái chết của chị Dung.

Theo ông Đoàn, cần điều tra làm rõ đơn vị nào thuộc Sở Giao thông - Công chính phải chịu trách nhiệm về việc để nắp hố ga cao hơn mặt đường 10cm như một "chiếc bẫy" nguy hiểm. Tuy nhiên, vụ án đã không được khởi tố do nhiều lý do nhưng qua sự việc này, có thể thấy rõ sự tắc trách của các cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng, quản lý đường bộ hiện nay.

Ngoài ra, tình trạng đào bới làm đường ống cống thoát nước, đi dây điện, điện thoại... của các ngành như điện lực, bưu điện đã góp phần "băm nát" những con đường êm ả. Sau khi thi công xong, hầu hết các đơn vị chỉ trải lại nhựa cấp phối hoặc trải một lớp bê tông nhựa đường lên trên, không có lu đẩy khiến chỗ lồi, chỗ lõm. Tại những điểm này, mỗi khi gặp mưa hoặc xe tải trọng nặng đi qua, lớp liên kết mặt đường bong tróc, vỡ ra tạo thành những ổ gà, ổ voi trên đường gây nguy hiểm.

Trách nhiệm không của riêng ai

Những vụ tai nạn thương tâm, những cái chết của các nạn nhân do những “chiếc bẫy” trên đường từ lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trách nhiệm thuộc về ai thì chưa bao giờ được chỉ ra.

Nắp hố ga phần lớn do đơn vị cấp thoát nước quản lý khoảng 60%, phần còn lại là nắp hố ga của các đơn vị có hệ thống đường dây ngầm khác. Do đó, mỗi khi ở đâu mất hố ga, người dân, thậm chí cả chính quyền địa phương cũng không biết báo đến cơ quan nào để xử lý. Do đó, có những nơi chỉ đến khi nào người của đơn vị bị mất nắp cống phát hiện mới được khắc phục.

Bên cạnh đó, các tuyến đường lại thuộc cơ quan giao thông chịu trách nhiệm, tại các khu đô thị, các tuyến đường đang thi công dở dang lại do chủ đầu tư quản lý. Thậm chí có những tuyến đường vốn là đường giao thông, đơn vị thi công được giao nhiệm vụ cải tạo nhưng khi hoàn thành, các phương tiện đã lưu thông mà chưa bàn giao, nghiệm thu thì cơ quan giao thông cũng chưa phải chịu trách nhiệm. Cũng bởi việc phân chia cơ quan quản lý lằng nhằng như vậy nên khi có sự cố, không bên nào chịu nhận trách nhiệm khắc phục xử lý.

Ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ, trách nhiệm của các đơn vị có công trình ngầm còn phải nói đến trách nhiệm của người dân và của chính quyền địa phương. Đối với người dân, tinh thần cảnh giác, đấu tranh với tội phạm chưa cao nên thiếu tinh thần phát hiện các đối tượng trộm cắp để có biện pháp răn đe, xử lý.

Đối với chính quyền địa phương, nhất là lực lượng Công an còn thiếu các biện pháp tuần tra, kiểm soát, điều tra, xử lý từ các hành vi trộm cắp đến buôn bán các tài sản trên. Mặc dù giá trị rất nhỏ nhưng hậu quả của hành vi trộm cắp nắp hố ga là cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng tới sinh mạng của người tham gia giao thông

Nguyễn Bá Tám(Khoa CSGT - Trường Trung cấp CSND 1)
.
.